Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

Người của Rừng.

Đoàn Nam Sinh 

Cả tuần qua báo chí ồn ào chuyện bác Thanh và con trai- anh Lang vừa bị bắt từ rừng về, sau hơn 40 năm tự cách ly khỏi cộng đồng làng. Hỏi sao còng người ta, trói rồi khiêng ông lão đi,...chỉ có câu trả lời thì thầm: có khía cạnh an ninh. Mẹ nó, khía cạnh gì ? Nghi ngờ thì cũng phải có chứng cứ, hay sợ họ chống trả, đằng này chỉ là cách trả lời lấp liếm việc cố tình gây dư luận ồn ào.


Vi phạm đủ thứ, quyền tự do mưu sinh, tự do cư trú và mưu cầu hạnh phúc,... Thu gom các phương tiện sống của họ về làng chẳng ai làm biên bản, thì sẽ thất thoát tài sản vô giá của họ,... Thu hình đưa lên mặt báo, lên đài cho mọi người xem như thú lạ, hỏi có xin họ không, ai cho phép phổ biến, rồi thì đặt ra các trò hề để làm nhục họ, rồi phỏng vấn người nọ, chức sắc kia để bập bênh cho cái thói toàn trị vô lối.

Các Quyền làm Người căn bản thế mà cả hệ thống chính trị cùng vi phạm, lại nghe bảo nước ta đòi ứng cử vào hội đồng Nhân quyền quốc tế. Mỉa mai thay !

Chiều nay sực nhớ anh bạn cũ, hỏi lại người làng vừa giỗ đầu xong. Nghe như ai tạt axit vào chỗ đau rát nhất của lòng.

Minh hoc cùng lớp với tôi. Anh ở ngoài quê Quảng Nam vào, sống cùng mẹ- cô bốn Trúc và cha dượng. Chàng kế thừa được khuôn mặt trái xoan của mẹ, cánh mũi nhỏ nhỏ, cái miệng duyên duyên và đôi mắt tròn xoe, ngây thực. Nhất là cái tính hiền lành, hơi cam chịu.

Sau '68 anh vào bộ đội, chuyển sang C 816 cùng với anh trai tôi. Trận đánh vào Đa Me, xã N'Tôl Hạ ngày nay, anh bị đạn thẳng ghim vào gối. Đã là người đi trinh sát về, lên sa bàn anh vẫn đinh ninh cái gò mối ấy đủ sức che khuất. Dè đâu tầm đại liên 30 bắn tà âm đã xoẹt đi một mảnh xương.

Những ngày điều trị và an dưỡng thật thiếu thốn và xa cách tình bạn tình dân, giữa rừng sâu thương binh còn phải tham gia tự vệ, bố phòng và di chuyển, nên những kỹ năng tồn tại anh học cả ở đồng bào thiểu số.

Hòa bình về, ngày 27/7 đầu tiên tôi đi thăm trại an dưỡng. Đó là nhà nghỉ của ông Bình- TGĐ Hàng không Việt Nam, ngay bên cạnh dòng sông Đa Nhim, thuộc Phú hội. Có nhiều anh em đồng đội ở đây, một thằng em họ cũng tên Minh, tiểu đoàn Đặc công 200 C, vướng trái cụt giò nay đã chết, và anh Minh là bạn cũ. Vẫn thiếu khó, nhưng sự phân biệt về cấp chức, chế độ đã hiển hiện không che giấu được. Hạ sĩ quan nằm nhà dưới, chiến sĩ nằm nhà bồi. Chỉ sau 3 tháng mà ai nấy đầy tâm sự, ai cũng phải tự lo chuyện riêng tư, rồi tình yêu và cuộc sống sắp tới.

Bẵng đi một thời dài, nghe nói việc sắp xếp lại cấp chức cũng rầy rà. Thằng chết rồi, A bậc phó cũng phong hạ sĩ; thằng thương binh- B trưởng chỉ xếp hàm... trung sĩ. Rồi thì bè cánh phân biệt Bắc Nam, thằng trong cứ ra, thằng địch bắt tù về,...và cuối cùng giải tán trại, ai về nhà nấy hưởng chế độ chính sách.

Từ mội đội quân không tham một cây kim sợi chỉ của dân, trọn vẹn vì dân đã từng bước đổi màu. TBT Lê Duẩn tuyên bố: Ta chiến đấu vì tương lai con em chúng ta. Từ đó thì ai cũng độc lập, mặc ai nấy lo, vơ bèo vạt tép, tủ lạnh hông đa, chiếm đất giành nhà, kéo bè trục lợi,... Thành thị đang cải tạo tư bản tư doanh, đổi tiền, chuyển chủ,…nông thôn đang ép vào tập đoàn hợp tác, chuẩn bị cho đất đai thành "sở hữu toàn dân".

Anh Minh về làng, tiến thẳng vào rừng thông khu Tam giác. Bôi mặt đen thui như thời trinh sát và chẳng nhìn mặt ai, chẳng nói thêm với ai câu nào. Lại ăn đói mặc rách, ngủ võng cho đến rách tươm. Thế mà chẳng vào trại rẫy của ai, chẳng ai mất gì khi bao mùa đông qua đi giữa cái lạnh rừng Đà lạt, hay những mùa mưa bão dầm dề, ướt át ấy, anh ở đâu, làm sao chịu thấu. Trong lúc đó gia đình và các anh em đồng đội đi tìm cũng chỉ thấp thoáng chứ không bao giờ tiếp cận nỗi.

Những năm gần đây, ngót 30 năm đời trai qua mất, người làng đồn đoán là anh thất tình, thất chí, anh điên lành,...chỉ có lớp chúng tôi mới thấm. Giá mà điên được như thế cũng xin điên. Điên còn hơn tỉnh giữa cái xã hội đảo điên: Nhân tâm ly tán, tương lai mịt mờ. Chiến đấu để có được một xã hội như thế này chăng ? Lý tưởng sắt son để đất nước rơi vào cực nhục, bày ra trước họa đao binh tao loạn thế này ư ?

Khi anh về chòi rẫy của cô Bốn trong thác Long Thọ, là lúc anh đã đến lục tuần, chân đau di chuyển khó. Ai cũng biết rừng bây giờ toàn bẫy cài, bẫy kẹp, bẫy thòng lọng treo chân, bẫy mang cung thủng ruột,.. được mang vào từ hướng bắc, nơi chẳng ai dựa vào rừng, để bắt không sót một con đỏ. Rừng già ven suối thì di dân tự do triệt phá trồng cà phê, nước suối toàn vỏ chai thuốc trừ sâu trừ bệnh,... Anh đi đâu, ăn gì ? Cái thời còn tàn quân, Fulro anh đã tránh né bao nhiêu nguy hiểm, kể cả "quân ta" đi lùng, cũng chẳng sao. Nhưng cái thời gần đây, rừng cũng bị cắt xén, bán đứng; địch cắm sẵn trong nhà, anh ở đâu ? Nghĩ gì ?

Người làng làm cho mẹ con anh nhà tình thương, anh không ở, chỉ chui vào cái nhà sàn gỗ phía sau. Anh ăn rất sạch, và nghi ngờ mọi thứ. Không ăn nước giếng, anh chỉ múc nước suối với cách lấy nước ven dòng thời chiến, cho đến khi không xách được nữa thì cô Bốn nhờ người xách nước. Anh không dùng đèn điện, chỉ thắp sáng đêm bằng củi bên bếp lửa. Lâu lâu cô Bốn nhờ đốn củi về để quanh nhà.

Anh ăn rau rác và cá khô, cho đến một ngày không ăn uống gì nữa. Người làng đưa anh đi viện, cơ thể không tiếp nạp gì nữa đành trả về. Chiều tới nhà là anh đi thẳng. Hết một kiếp đời.

Thật xé lòng khi câu chuyện về anh còn bi thảm hơn cả hai cha con người H'Rê. Nhưng tôi thắp một nén trầm hương, để xin anh cho tôi nói lên điều tôi ngẫm, tôi cảm: Cái tính Hoang dã đã xua đuổi những người ngay thực vào cõi hồng hoang. Sự Văn minh điên khùng hơn cả mọi cái điên của thế giới người điên cộng lại và Thân phận con dân một xứ khốn khổ vốn không có một quyền tối thiểu nào.

Sài Gòn, 15/8/’13. Viết nhân sinh nhật Li.
 
Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét