Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

Bọ Lập và Bạn Văn

Bùi Văn Phú 

Nguyễn Quang “Bọ” Lập đã có nhiều tác phẩm được xuất bản, từ truyện ngắn, tiểu thuyết cho đến kịch bản. Tôi thích đọc nhất tạp văn của Bọ.

Sau “Chuyện đời vớ vẩn”, tập “Bạn Văn” là một đầu sách nữa viết về bạn văn, bạn báo. Bằng lối kể chuyện rất dí dỏm, Bọ đem đến cho độc giả nhiều chuyện lý thú qua góc nhìn tinh tế mà chưa có ai viết về giới sinh hoạt văn học nghệ thuật và báo chí tại Việt Nam nhiều bằng Bọ.


“Một ông nho nhỏ, đầu tóc rối bù, mặt mày già xụm, mỗi bước đi cái đầu bù lại gật gật…” Ngoại hình là vậy, nhưng Bọ cũng thừa nhận nhà thơ Đỗ Trung Quân là một MC có hạng với tài đối đáp. Ngồi với anh thì thế nào cũng phải cười lăn, cười bò vì lối kể chuyện hài của Quân.

Bọ kể về chiếc Vespa rất nhỏ nhưng đầy tình thương của nhà thơ. Nghe rất vui, sẽ làm bạn đọc nhớ lâu. Người gầy, xe nhỏ mà lúc nào cũng hết lòng với bạn bè. Bọ viết về Trung Quân, nhưng chưa nhắc đến tinh thần Ái Quốc chống xâm lăng của nhà thơ.

“Bạn Văn” hé mở cánh cửa quan hệ không êm thắm giữa Trịnh Công Sơn và Hoàng Phủ Ngọc Tường, với buồn vui nhảy trên nốt ruồi to nơi cằm của nhà văn, nhà tranh đấu chống Mỹ.

Đó là năm 1987, khi văn nghệ mới được cởi trói. Trịnh Công Sơn trở lại Huế hát cho sinh viên nghe trong sân trường đại học. Hôm đó Hoàng Phủ Ngọc Tường có đến. Nhưng Sơn, theo Bọ ghi nhận: “chỉ nói đôi câu, hát đúng một bài, lại là bài hát thiếu nhi ‘Em là hoa hồng nhỏ’, rồi xuống.”

Điều đó làm Tường buồn. Sau buổi hát, rủ nhau về nhà Bửu Ý nhậu. Sơn và Tường lớn tiếng cãi nhau đưa đến tàn cuộc rượu, vì nhà văn nói nhạc sĩ nên hát bài này bài nọ. Bọ không ghi chi tiết bài nào.

Theo Bọ, xảy ra cãi vã là do nồng độ rượu cao trong máu của Tường tối hôm đó. Nhận xét này có khác với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, tác giả tập “Văn chương cảm & nhận”, trong đó khi viết về Tường có đưa nhận xét là nhà văn khi say thường nói ra những điều sinh động “với một giọng văn hấp dẫn đặc biệt”. Vậy sao Tường lại cãi nhau với Sơn sau buổi hát ở Huế. Rượu vào lời ra hay vì quan hệ Sơn-Tường đã có thời rất căng, hôm đó bùng lên?

Với Bọ, Tường là người thầy đáng kính. Quen biết Tường đã 30 năm, Bọ kể là “chưa nghe ai trong nước nói xấu về anh. Chỉ một vài ông hải ngoại, chẳng rõ vì sao”. Vấn đề xoay quanh vụ thảm sát Tết Mậu Thân. Bọ viết là lúc đó Tường ở trên rừng và nhân chứng còn đó: Nguyễn Khoa Điềm, Trần Vàng Sao, Tô Nhuận Vĩ.

Một người khác nữa cũng rất được Bọ trân quý là Nguyễn Thắng Vu ở nhà xuất bản Kim Đồng nơi Bọ đã làm việc nhiều năm ở đó.

Thỉnh thoảng Bọ kể về một vài nhân vật ẩn danh. “Ông quan trọng” là người đồng hương Quảng Bình, có viết văn chút chút rồi đi làm báo, viết bài toàn khen các quan lớn nên nổi tiếng. Nhờ có tiếng, sau đó bỏ con chữ đi buôn nước bọt mà trở nên giầu, có đến ba bà vợ. Có lẽ ở Việt Nam ngày nay có nhiều người như thế và Bọ tỏ ra ghét họ.

Ai có nhân cách không tốt Bọ không nêu tên. Như một bà chị đẹp ngoài, xấu tính lại mê trai tơ. Hay chuyện một nữ diễn viên gặp mấy ông có tuổi thích tán tỉnh, cô chẳng ngại đốp chát. Có khi tụt cả quần ra cho thiên hạ xem.

Dù có kể ra nét xấu của một người, nhưng Bọ nhìn bạn bè qua tính tốt nhiều hơn: “Vả, chơi với nhau thì tìm cái ưu của người ta để mà chơi chứ cứ săm soi vào mấy cái tật của người ta thì suốt đời không có bạn.”

Có chuyện Bọ kể nghe khó tin. Nhưng chắc phải có thực. Phạm Ngọc Tiến được giải của hội nhà văn. Lãnh giải xong, về nhà giao cho vợ, vào phòng tắm xong rồi cứ tồng ngồng không quần áo ra phòng khách, khi đó có hai cô bạn vợ mới ghé chơi. Gặp phụ nữ mà Tiến cứ vô tư ở truồng rót nước tiếp khách.

Chuyện báo chí lề phải thể hiện qua “Nguyễn Thành Phong”, nhân vật cùng học đại học Bách Khoa với Bọ, Hà Đức Hạnh và đã lập ra nhóm “Vòm cửa xanh” sinh hoạt thơ văn. Ra đời ai cũng nổi tiếng, có sách xuất bản.

Qua Phong, bạn đọc hình dung ra được sinh hoạt báo chí bị bên trên kiểm soát khắc khe thế nào. Truyện ngắn của Bọ được Trung Trung Đỉnh lên gân đem đăng báo Văn Nghệ Quân Đội tháng 7-1996 liền bị coi là có tư tưởng đổi mầu.

Phong là người biết nắm bắt ý của các quan văn hoá tư tưởng để lách, từng nhắn Bọ: “Ông viết mấy chuyện ba lăng nhăng, cười cười tục tục cho vui thôi, đừng dính vô mấy chuyện tư tưởng tư teo… mệt lắm. Đang đấu tranh chống diễn biến hoà bình đấy”.

Sau đó chính Phong lại cũng trở thành nạn nhân của kiểm duyệt, mất chức trưởng ban báo Văn Nghệ Trẻ vì đăng truyện ngắn “Đi” của Nguyễn Bình Phương.

Nghe kể về Phong, bạn đọc còn thấy được chuyện bản quyền ở Việt Nam là con số không.

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh và nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát dựng phim “Canh bạc”, dựa trên một truyện ngắn của Phong vậy mà chẳng nhắc gì đến anh. Mãi sau mới chỉ xin lỗi suông.

Nha thơ Hữu Thỉnh, Bọ nhận xét là thường hứa, rồi chỉ lúc sau quên ngay. Dù Bọ có biện hộ cho Thỉnh qua một vài sự việc, nhưng theo Bọ nhận xét nhà thơ là “người nhạy quá, thành ra tầu hoả nhập ma. Sáng đồng ý, chiều đổi ý”.

Hữu Thỉnh lại là quan văn học, có quyền thế. Theo Nguyễn Thành Phong: “Muốn trở thành nhà thơ trứ danh như Hữu Thỉnh thì anh ấy đái kiểu gì thì mình cứ kiểu đó”.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên tự học ngoại ngữ Nga, Pháp qua việc dịch sách. Với cuốn từ điển, mỗi lần dịch xong một tác phẩm là Nguyên có một bồ từ vựng. Nhưng chỉ để đọc thôi chứ nghe và nói thì tịt. Như kẻ câm điếc. Cá tính của Nguyên là không biết từ chối khi có ai nhờ điều gì. Vợ bỏ, càng nhiều bướm đến nhờ đủ chuyện. Bọ chọc, chẳng biết Phạm Xuân Nguyên có chộp được con nào không.

Văn nghệ sĩ uống rượu hơi nhiều và cãi nhau cũng lắm. Bọ đã được ngồi chung chiếu với Nguyễn Trọng Tạo, Thái Bá Lợi, Trung Trung Đỉnh, Hữu Thỉnh. Trong cuộc rượu nhiều khi chửi nhau hèn, ngu và đũa chén bay lên tận mái nhà.

Trần Vũ Mai trông coi nhà xuất bản Tác phẩm Mới, là người mà Bọ trân trọng vì “ra sức ‘chiến đấu’ với các sếp để bảo vệ từng câu, từng chữ của nhà văn”.

Mai thường say xỉn từ sáng sớm, rớt xuống đầm sen chết đuối, để lại nhiều tiếc thương nơi Bọ.
Bọ viết về một tính xấu của người Việt là hay tung tin đồn thâm độc. Ăn ngon, mặc đẹp là bị dòm ngó, nghi ngờ, đồn đãi này nọ. Mấy ca sĩ, nghệ sĩ thế nào cũng bị cho lên giường với ông nọ, ông kia, mà toàn những quan lớn.

Ăn chặn là một tính xấu khác. Bọ được giải Hội Văn Nghệ Quảng Bình, cộng với tiền nhuận bút được 80 đồng thì ông X. nào đó, chắc là một cán bộ văn hóa, nói là quen biết Bọ và ăn chặn mất và chỉ còn 22 đồng cho Bọ.

Những nghệ sĩ của Nhân văn Giai phẩm được Bọ nhắc đến là Trần Dần và Phùng Quán.

Bài thơ “Lời mẹ dặn” của Phùng Quán bất hũ: “Yêu ai cứ bảo là yêu. Ghét ai cứ bảo là ghét…” khi ra đời bị kết án, nặng nề nhất là bài viết của Trúc Chi. Ba mươi năm sau Phùng Quán tiết lộ Trúc Chi chính là Hoàng Văn Hoan.

Tuy chỉ là “chuyện vớ vẩn” và “ghi chép vụn” về sinh hoạt văn nghệ báo chí của đồng nghiệp, người quen trong nhiều khoảnh khắc: Huy Đức, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Trọng Tạo, Lâm Thị Mỹ Dạ, Bảo Ninh, Xuân Sách, Hồng Ánh v.v…; Những ghi chép đó ghép lại sẽ thành một bức tranh tổng thể về sinh hoạt văn nghệ, báo chí tại Việt Nam trong vài thập niên qua.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét