Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

Tôi và chúng tôi

Nguyên Lê
Gần đây, theo dõi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời báo chí xung quanh vấn đề trách nhiệm cá nhân đối với việc để dịch sởi bùng phát và công tác chữa trị, thấy lúc thì bà Bộ trưởng xưng “tôi”, lúc thì xưng “chúng tôi”, có sự đánh đồng hai đại từ nhân xưng này.


Trong một tình huống cụ thể, bà Tiến hòa mình vào số đông khi giải thích lý do mình không nghĩ đến việc từ chức vào lúc này: “Chúng tôi được bổ nhiệm làm bộ trưởng là quy hoạch công tác lâu dài”. Cái cơ chế “quy hoạch” nó hay dở thế nào không ít người đã mổ xẻ, nhưng một khi đã xác định sai số cụ thể thì không có lý gì phải sống chung với sai số ấy như một sự đã rồi, mà để nó đứng chung, lẫn lộn với những trường hợp không sai hoặc sai ít khác. Cứ như vậy, thế nào rồi cũng sẽ dẫn đến trường hợp những cái “tôi” trong tập hợp  “chúng tôi” - quan chức xa rời kỳ vọng và lợi ích của “chúng ta” - dân chúng.

Ở đây không có ý bàn luận bà Tiến có nên hay phải từ chức hay không vì đã quá nhiều người lên tiếng rồi. Chỉ muốn nhân tiện chỉ ra cái logic bất bình thường trong tư duy của chính khách hiện nay: không xác định được hay cố tình không chịu xác định khi nào mình phải xuất hiện với tư cách cá nhân. Nên nhớ, lời hứa của các bộ trưởng trước Quốc hội là lời hứa của những cái tôi riêng lẻ. Bất thường nhưng không khó hiểu khi nhìn vào thực tế chính trường. Có chính khách nào dám tuyên bố chương trình hành động của cá nhân mình? Thường thì trước khi nói đến công việc sẽ làm, họ dẫn ra hàng loạt nghị quyết, chủ trương, văn bản hướng dẫn, rất dài dòng. Phải chăng đó cũng là cách phòng ngừa rủi ro, khi hữu sự thì có đường lùi - chui vào cái áo tập thể để né trách nhiệm?

Mọi người quen nói quen nghe những câu đại khái như nguyên tắc làm việc tập thể, ra quyết định tập thể và chứng kiến những thứ trách nhiệm tập thể chung chung. Gần đây, trong quá trình thảo luận nhiều dự luật hay phản biện xã hội về các vấn đề kinh tế, xã hội, câu hỏi về trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu đã được đặt ra, có lúc rất gay gắt. Đó là sự chuyển động, vận động xã hội cần thiết. Tất nhiên, yêu cầu trách nhiệm cá nhân thì cũng phải có không gian cho cá nhân thực hành quyền - điều mà ngay khi vừa mới nhận chức, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã lên tiếng “đòi” - tư cách “tư lệnh ngành”. Đồng thời, phải có cơ chế để chính khách có thể chịu trách nhiệm cá nhân, như từ chức - việc hiện đang được chuẩn bị trong một dự thảo của Bộ Nội vụ hay dự thảo về việc sửa đổi cách thức bỏ phiếu, lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội.

Cho nên, “tôi” và “chúng tôi” không chỉ là chuyện xưng hô. Nó phản chiếu một thực tế chính trường cần phải thay đổi trước áp lực của “chúng ta” - dân chúng. Với cách tiếp cận này, ngay như chuyện Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai” cũng không hẳn không có cách giải quyết: dân bầu Quốc hội đại diện cho mình, khi Quốc hội không làm tốt vai trò được ủy nhiệm thì dân phải có quyền bầu đại diện khác, cho tới khi nào hành động của những “tôi” và “chúng tôi” phù hợp với lợi ích của “chúng ta”.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét