Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014

Diễn biến ở Biển Đông sẽ "nóng" tại Hội nghị cấp cao Asean

Tư Hoàng
Biển Đông sẽ là vấn đề được quan tâm đặc biệt tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 diễn ra hôm nay và ngày mai (ngày 10-11/5/2014) tại thủ đô Nay Pyi Taw của Myanma, theo Bộ Ngoại giao Việt Nam. 


Cũng trong này hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ lên đường tham dự hội nghị này có chủ đề “Đoàn kết hướng tới một Cộng đồng hòa bình và thịnh vượng”.

Hội nghị, do Myanmar lần đầu tiên đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN kể từ khi gia nhập Hiệp hội năm 1997 diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc tiến hành nhiều hoạt động gây hấn trên biển Đông như đưa giàn khoan nước sâu HD-981 và các tàu hộ tống vi phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (theo quy định của Công ước LHQ về Luật biển 1982).

Động thái này nối tiếp chuỗi các sự kiện Trung Quốc đã thực hiện như công bố "Biện pháp thực thi Luật ngư nghiệp Trung Quốc của tỉnh Hải Nam"; tổ chức tập trận tại Biển Đông…

Việc đưa giàn khoan nước sâu HD-981 của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tái phán quốc gia của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật biển 1982 cũng như các cam kết và thỏa thuận khu vực trong đó có Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Tuyên bố chung Cấp cao ASEAN-Trung Quốc kỷ niệm 10 năm DOC.

Tại các văn bản này, ASEAN và Trung Quốc nhấn mạnh cam kết thực hiện kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình, giải quyết tranh chấp về chủ quyền trên biển bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật biển 1982 cũng như nhưng cam kết khu vực có liên quan.

Hành động trên của Trung Quốc ảnh hưởng tới an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, không có lợi cho hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.

Tại Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Bagan, Myanmar, tháng 1-2014, các Ngoại trưởng đã thảo luận và tỏ rõ quan ngại về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông.

Trên tinh thần đó, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 và các Hội nghị liên quan (Nay Pyi Taw, 10-11/5/2014), các nước ASEAN chắc chắn sẽ rất quan tâm và thảo luận nhiều về các diễn biến này, Bộ Ngoại giao nhận định.

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh, trưởng SOM-ASEAN Việt Nam khẳng định: “Nhiều nước thành viên Asean muốn sớm hoàn thành bộ quy tắc trên biển đông COC. Đây chắc chắn là nội dung mà các nhà lãnh đạo Asean cũng như các cấp bộ trưởng sẽ bàn”.

Ông cho biết, các nhà lãnh đạo Asean và các cấp khác nhau sẽ bàn về các diễn biến phức tạp đã và đang xảy ra ở Biển Đông, thể hiện sự quan tâm, làm sao yêu cầu các bên phải kiềm chế, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước về Luật Biển (UNCLOS) và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình và không sử dụng vũ lực.

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao ngày 9-5, tại Naypyidaw, Myanmar, đã diễn ra Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN (SOM) chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh đã nhấn mạnh việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 và đưa nhiều tàu hộ tống, trong đó có cả tàu quân sự vào sâu trong khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hơn 80 hải lý.

Hành động này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm luật pháp quốc tế và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC). Các tàu của Trung Quốc còn chủ động đâm và dùng vòi rồng phun nước làm hư hỏng nhiều tàu thuyền, gây thương tích cho thủy thủ trên tàu của Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Phạm Quang Vinh, tình hình vi phạm nêu trên là rất nghiêm trọng, phương hại đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực cũng như các nỗ lực củng cố lòng tin trong khu vực. Việt Nam cho rằng ASEAN cần phải có tiếng nói chung trước tình hình nghiêm trọng trên, nhấn mạnh yêu cầu phải nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển 1982, trong đó có các quy định của Công ước về tôn trọng vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển.

Trong khi đó, các nước ASEAN cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc trước tình hình phức tạp ở Biển Đông và kiến nghị ASEAN cần phải thể hiện lập trường thống nhất, trong đó yêu cầu các bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển LHQ 1982 (UNCLOS), thực hiện nghiêm túc và đầy đủ DOC, nhấn mạnh sự cấp thiết phải sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để bảo đảm tốt hơn cho hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở khu vực. Hiện có bốn quốc gia ASEAN tồn tại tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho biết, Tổng thống Philippines Benigno S. Aquino sẽ yêu cầu lãnh đạo của 10 nước thuộc ASEAN nhanh chóng xúc tiến một Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (COC) nhân hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra tuần này tại Myanmar.

Cũng tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24, dự kiến, Tổng thống Philippines sẽ thông báo với các bên về tiến triển trong vụ kiện của Manila đưa bản đồ đường lưỡi bò Trung Quốc ra tòa án trọng tài Liên hợp quốc.

Đọc thêm:

 Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ra tuyên bố riêng về biển Đông

 Thục Minh (từ Naypyitaw, Myanmar)


Theo Thanh Niên

Ba cuộc họp căng thẳng của các ngoại trưởng ASEAN sáng 10.5 tại Naypyitaw (Myanmar) đã đạt được kết quả quan trọng là một tuyên bố riêng rẽ về tình hình biển Đông.

 Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh trả lời phỏng vấn báo chí sau các cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Ảnh: Thục Minh
 
Đây có thể coi là một động thái chưa có tiền lệ trong các cuộc họp Ngoại trưởng trước một Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, khi các quốc gia thành viên thống nhất được quan điểm về một tuyên bố chung cho riêng một vấn đề đang nóng bỏng.

Nguyên văn bản “Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về Tình hình biển Đông hiện nay” có 4 điểm:

1. Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra trên biển Đông, đã làm gia tăng tình hình căng thẳng tại khu vực.

2. Các Bộ trưởng yêu cầu các bên liên quan, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, thực hiện kiềm chế và tránh các hành động có thể làm phương hại đến hòa bình và ổn định của khu vực; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

3. Các Bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông, cũng như Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông và Tuyên bố cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 15 kỷ niệm Tuyên bố chung của các bên về Quy tắc ứng xử trên biển Đông (DOC).

4. Các Bộ trưởng đồng thời kêu gọi các bên tham gia DOC thực hiện đầy đủ tuyên bố này nhằm tạo môi trường tin cậy và xây dựng lòng tin. Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).

Trả lời báo chí quốc tế sau 3 cuộc họp căng thẳng và kéo dài hơn dự định, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh nói rằng: “Chúng tôi hài lòng về kết quả cuộc họp hôm nay. Nhưng chúng tôi rất không hài lòng về những gì đang xảy ra trên biển Đông”.

Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh trong phát biểu trước báo chí hôm 9.5 cũng thừa nhận những gì đang diễn ra trên biển Đông là “cực kỳ nghiêm trọng”.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét