Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014

Báo Petrotimes không nên lợi dụng “câu, chữ” để đả kích đồng nghiệp, làm lợi cho đối phương trong lúc này

Ảnh bên:Trong lúc cả nước đang sôi sục phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì báo Petrotimes lại lợi dụng "câu, chữ" để đả kích đồng nghiệp và tự đề cao mình (ảnh: N.Linh)

Báo Petro Times điện tử (tin nhanh Năng lượng mới, Hội dầu khí Việt Nam) trong mục Đàm Luận có đăng bài “Luận điệu của báo Một Thế Giới: Hèn và phản bội!”. Đây là một bài viết với những lý lẽ không thể nào chấp nhận được.


Chúng tôi xin nói rõ với quý độc giả như sau:
 
Lập trường của báo Một Thế Giới từ trước tới nay là rõ ràng: Không bao giờ chấp nhận thái độ ngang ngược của phía Trung Quốc đối với chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam trên đất liền, cũng như trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa và đặc biệt là bản đồ ngụy xưng đường 9 đoạn trên biển Đông mà Trung Quốc thường xuyên căn cứ vào đó để có những đòi hỏi bất hợp pháp. Lập trường đó là nhất quán trên tất cả bài vở từ ngày thành lập báo cho đến nay.
 
Ngày 9.5.2014 phóng viên của báo có đưa một tin trích đoạn bài phỏng vấn của phóng viên báo điện tử Trí Thức Trẻ đăng trên trang Soha.vn, với tiêu đề “Có thể coi giàn khoan Trung Quốc là một đơn vị đầu tư nước ngoài”, lấy ý kiến của đại tá Nguyễn Đình Trương, nguyên cục trưởng cục Đông Bắc Á, Bộ Công an. 
 
Chúng tôi coi đó là một ý kiến, chứ chưa bao giờ nói rằng đồng tình với quan điểm này, trong phần giới thiệu những ý kiến đó, phóng viên đã nói rõ: “Trong bối cảnh người dân trên cả nước phẫn nộ trước hành động ngang ngược, trái phép của Trung Quốc khi đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam. Càng bức xúc hơn khi Trung Quốc liên tục có những hành động gây hấn, huy động cả máy bay, tàu chiến đâm thẳng vào tàu Cảnh sát biển, tàu kiểm ngư của Việt Nam khiến nhiều tàu hư hỏng và 6 người bị thương”. 
 
Sau đó chúng tôi dẫn tiếp phát biểu của ông Trương. Câu cuối cùng ông Trương nói: "Mổ xẻ về những nguyên nhân khiến tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng như hiện nay mà ông đã nhận định rằng một phần do phía mình quá chủ quan, không nắm bắt tình hình và ý đồ của phía Trung Quốc, từ đó chưa tạo ra thế chủ động".

Đây là một tin trích lại từ trang tin Soha.vn. Chúng tôi cũng nói rõ ràng không có dòng nào chúng tôi đồng tình với quan điểm của ông Trương. Chúng tôi định để cho bạn đọc tiếp tục có ý kiến tranh luận với ý kiến này nhưng sau đó xét rằng tiêu đề trên dễ gây hiểu lầm nên Ban Biên tập quyết định gỡ bỏ bài báo trước khi  Petro Times "đục nước béo cò". 
 
Việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 cùng với các tàu chiến, tàu kiểm ngư… vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn 50 hải lý là hành động xâm lược trắng trợn. Không thể nào để cho hành động đó được hợp thức hóa bằng cách coi họ là đơn vị đầu tư. Chiều nay, chúng tôi cũng vừa đăng tin nhân dân TP.HCM tuần hành phản đối trước Tổng lãnh sự quán Trung Quốc về việc họ ngang ngược đặt giàn khoan HD 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. 
 
Trở lại với bài viết nói trên, có chăng cái tiêu đề của phóng viên báo Một Thế Giới đã gây hiểu lầm và Petrotimes đã lợi dụng khai thác theo hướng đả phá đồng nghiệp và “tự nâng cao lòng yêu nước sáo rỗng của mình”. 
 
Chúng ta đã biết  Petro Times từng có nhiều loạt bài đánh vào những người có thành tích rất hiển hách tấn công băng nhóm tội phạm Năm Cam. Vụ án đó đã được sự chỉ đạo chặt chẽ của các cơ quan hữu quan trong đó có Bộ Công an. Trong số các cán bộ đó sau này có sai phạm trong công tác đã được Tổng biên tập báo  Petro Times luôn dùng cụm từ “những người hùng trong vụ Nam Cam đã thế này, đã thế kia”. Đó là một ẩn ý thiếu lành mạnh và ngay thẳng.

Hai việc đó là tách bạch, ai có công trong công tác phòng chống tội phạm có tổ chức, triệt phá tận gốc một tập đoàn tội ác từng làm băng hoại xã hội, làm bất ổn đời sống nhân dân đã được Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Ai có những sai phạm thì phải nghiêm khắc phê phán. Không việc gì phải ra sức bênh vực những tập đoàn tội ác đó bằng cách mỉa mai, vu khống với những chiến sĩ đã lập chiến công ở ngành công an mà chính ông Tổng biên tập báo  Petro Times đã từng mang hàm đại tá khá lâu trước khi qua làm Tổng biên tập của  Petro Times thuộc ngành dầu khí. Có dịp chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này với nhiều tài liệu mà chúng tôi đang nắm giữ.
 
Vụ Dương Chí Dũng mới đây cũng vậy,  Petro Times từng đưa ra những tình tiết mà ai tinh ý cũng biết để cố tình lấp liếm cho tội của Dương Chí Dũng và đồng bọn mà phiên tòa phúc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao vừa qua đã khẳng quyết bằng bản án tử hình. Thậm chí còn có những bài viết mang ý ngợi khen Dương Tự Trọng khi lợi dụng chức quyền là Phó giám đốc Công an Hải Phòng để tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn.
 
Tổng Biên tập  Petro Times đã từng dùng tờ báo của mình để đánh vào những người có công và yêu nước như Trung tướng Nguyễn Việt Thành và những đồng sự của ông như chúng tôi đã nói ở trên, khi có một số chiến sĩ tham gia đánh vụ Năm Cam nhưng sau đó mắc phải một số khuyết điểm khác không liên quan gì đến vụ án trước. 
 
Trong lúc này, toàn quân toàn dân cần đề cao cảnh giác và chống lại việc Trung Quốc ngang nghiên xâm phạm vùng biển của Việt Nam, đưa giàn khoan cùng tàu quân sự vào vùng biển nước ta, thách thức lòng yêu nước và ý chí của cả dân tộc ta. Petro Times hãy dừng ngay những trò vu cáo bỉ ổi để tập trung vào nhiệm vụ cấp bách trong lúc này.

Luận điệu của báo Một thế giới: Hèn và phản bội 
 Trong khi cả nước đang hướng tâm về Hoàng Sa, nơi các chiến sỹ cảnh sát biển đang ngày đêm vật lộn, dũng cảm chống chọi, không cho Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan HD- 981 thì ngày 9/5, báo điện tử Một Thế Giới của Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam lại dẫn lời của một người từng là cán bộ cao cấp trong lực lượng công an, cho rằng có thể thỏa hiệp? Đây có thể xem là một luận điệu đớn hèn và phản bội - đi ngược lại mong muốn của toàn thể người dân Việt Nam.

Tờ báo dẫn lời ông này cho rằng: “Phương pháp đấu tranh của mình là phải làm sao để giữ lợi ích đôi bên, trên cơ sở thỏa thuận, bàn bạc. Trong trường hợp nhất định nào đó, mình vẫn có thể giữ nguyên giàn khoan như một đơn vị nước ngoài vào đầu tư, nhưng phải có nguyên tắc và lợi ích của ta là phải thật đảm bảo”.

Không hiểu sao một người là đại tá công an lại có thể nói chuyện “lợi ích đôi bên” ở đây. Nếu có lợi ích ở trong vùng đặc quyền kinh tế này thì chỉ là lợi ích “một bên” - lợi ích của nước Việt Nam, người dân Việt Nam mà thôi.

Cũng theo quan điểm của ông này thì: "Anh có tài sản làm trên đất tôi thì cũng như các công ty khác. Coi như đến đất nước tôi để đầu tư. Lợi nhuận sẽ được chia để đảm bảo lợi ích 2 bên. Giải quyết như thế là hợp tình, hợp lý.

Đây có thể là một hình thức giải quyết duy trì được hữu hảo. Tôi tin, đối ngoại của ta sẽ giải quyết tốt. Mình có thể bàn bạc, thương lượng để coi như là một doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư”.

Luận điệu của báo Một Thế Giới: Hèn và phản bội!
Ảnh chụp màn hình bài viết trên báo điện tử Một Thế Giới.

Xem ra thì việc giàn khoan 981 Trung Quốc và hàng chục tàu thuyền đang hùng hổ vào vùng biển Việt Nam không giống những “nhà đầu tư” cho lắm. Còn việc ông đại tá nói rằng “để duy trì tình hữu hảo” thì có lẽ không khác gì tự nguyện mang tiền nhà ra chia cho kẻ cướp.

Tờ báo viết tiếp: “Nói về tình hình căng thẳng mà Trung Quốc đang cố gắng tạo ra trên Biển Đông Việt Nam, Đại tá T. cho rằng tình hình Biển Đông nếu diễn biến xấu đi thì không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam và Trung Quốc mà ảnh hưởng đến cả một vùng biển. Mà như thế thì Quốc tế cũng đánh giá nước mình”.

“Tại sao khi mà trên đất mình có bao nhiêu công ty nước ngoài vào đầu tư, thì tại sao mình không giải quyết theo hướng đôi bên cùng có lợi?”, ông đặt vấn đề thêm một lần nữa.

Có lẽ không phải nhắc thêm nữa, cả bạn đọc và ông T. đều hiểu, lãnh thổ của Tổ quốc là thiêng liêng và tự ngàn đời chưa bao giờ là thứ có thể mang ra thỏa hiệp. Lịch sử ông cha ta là lịch sử của mở đất, mở nước, mở đất là cương thổ, mở nước là biển đảo. Phải mất bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, xương máu của biết bao thế hệ, Tổ quốc ta mới vẹn toàn được như ngày hôm nay.

Đô đốc Giáp Văn Cương đã từng nói: “Là cương thổ của ông cha, dù chỉ có đá sỏi gió cát ta cũng phải canh giữ, một tấc không đi, một ly không rời, dẫu có phải đổi bằng xương máu...".

Thật đáng buồn là bài báo này lại xem chuyện Trung Quốc kéo giàn khoan HD-981 xâm phạm vùng biển Việt Nam là điều có thể thỏa hiệp được bằng kinh tế. Đây có thể hiểu là chúng ta đang thỏa hiệp với kẻ cướp.

Gọi là kẻ cướp trong trường hợp này cũng không sai. Trung Quốc tự động mang giàn khoan đi vào vùng biển Việt Nam, kèm theo đó là gần 40 tàu bảo vệ, tàu quân sự. Rồi tự tuyên bố “chủ quyền”, lăm le khai thác tài nguyên, thậm chí gây gổ với cả “chủ nhà”.

Nói vậy không có nghĩa là chúng ta đang đóng cửa, từ chối hợp tác với các nước bên ngoài nhưng đầu tư hay hợp tác làm ăn cũng phải có nguyên tắc. Trong đó nguyên tắc đầu tiên là “khách” phải tôn trọng và được phép của “chủ nhà”.

Đặc biệt là trong lúc nước sôi lửa bỏng và cả nước cần đoàn kết bên nhau thì suy nghĩ thỏa hiệp vô nguyên tắc, bán rẻ chủ quyền quốc gia sẽ làm tổn thương tình cảm và lòng tự tôn của cả một dân tộc.
Ông đại tá kia, có thể vì tuổi cao, do nắm bắt thông tin không đầy đủ, suy nghĩ không còn minh mẫn, nếu có nói thế này, thế khác thì cũng là chuyện có thể cho qua. Nhưng một tờ báo điện tử lại đăng như vậy, thì rõ ràng cần phải xem lại đây là loại báo gì? Có phải là “báo…hại” hay không?
P.V
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét