Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

Việt Nam cô đơn

Nguyễn Văn Tuấn
Tôi đang định viết một bài commentary cho báo Tây về sự kiện mới nhất ở Biển Đông, nên phải đọc nhiều bài viết trên báo chí nước ngoài. Đọc qua những bài này tôi nghĩ Việt Nam lúc này quả thật là một nước tương đối cô đơn. Không có nước nào chính thức và trực tiếp ủng hộ Việt Nam.

Có một thông tin trong bài “China and Vietnam at Impasse over Drilling Rig in South China Sea” (New York Times) làm tôi chú ý.


 Thông tin này trích nguồn từ một nhà ngoại giao thâm niên cho biết ông Tổng bí thư đảng CSVN đề nghị đi thăm Bắc Kinh để nói chuyện với Tập Cận Bình, nhưng phía Tàu đã từ chối đề nghị này. Có người nhận xét rằng đó là một nỗi nhục cho phía Việt Nam.


Báo chí Việt Nam thì nói rằng bài phát biểu của ngài Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong Hội nghị ASEAN vừa qua ở Miến Điện là “đanh thép” và nhận được sự ủng hộ của các bạn trong khối ASEAN. Điều này tôi thấy không đúng. Bài phát biểu của ngài Thủ tướng cũng bình thường thôi, ngôn ngữ vừa phải, và theo tôi là lịch sự, chừng mực, tốt. Bài phát biểu chẳng có chỗ nào gọi là cứng rắn hay đanh thép cả.

Chẳng thấy nước ASEAN nào ủng hộ Việt Nam. Bản thông cáo chung được công bố tránh đề cập đến sự hung hãn của Tàu ở Biển Đông. Thật ra, giới bình luận quốc tế xem Việt Nam đã thất bại trong việc vận động bè bạn ủng hộ mình trong cuộc đối đầu với Tàu (báo New York Times viết tựa đề “Vietnam Fails to Rally Partners in China Dispute”). Vậy mà báo chí Việt Nam cứ đưa ra ảo tưởng rằng cả thế giới đang ủng hộ Việt Nam!

Tôi tự hỏi tại sao Việt Nam có chính nghĩa mà cô đơn như thế? Có thể người ta nhìn vào những bước đi của Việt Nam trong quá khứ. Chẳng hạn như Việt Nam chưa bao giờ ủng hộ Phi Luật Tân trong vụ kiện Tàu Cộng ra tòa án quốc tế. Việt Nam cũng đàn áp những công dân Việt Nam chống Tàu. Mỗi khi có gì căng thẳng với Tàu thì Việt Nam thường nói những câu như coi chừng các thế lực thù địch tìm cách chia rẽ đoàn kết giữa Tàu và Việt Nam. Tất cả những động thái đó cho người ta thấy Việt Nam muốn làm Tàu hài lòng, hay tệ hơn nữa, là đàn em của Tàu. Với cách nhìn đó, những nước trong khối ASEAN, vốn đã làm ăn với Tàu, thấy tranh chấp giữa Việt Nam và Tàu là chuyện hai anh em, cứ để họ giải quyết với nhau. Có lẽ không ít người Việt Nam cũng nghĩ thế (ví dụ như ông Đỗ Mười từng nói rằng Tàu nó đánh ta, nhưng nó cũng là cộng sản). Có thể nói không ngoa rằng Việt Nam tự đem sự cô đơn cho mình.

Nhưng cô đơn thì cô đơn, chuyện chúng ta lên tiếng với bạn bè quốc tế thì vẫn phải lên tiếng. Phải nói cho thiên hạ thấy hành động nguy hiểm và ngông cuồng của Tàu Cộng, và để bạn bè quốc tế thấy Tàu tuy là nước lớn nhưng cách hành xử thì rất nhỏ và rất thấp. Hy vọng tôi sẽ nói được cái ý này.

N.V.T.

Đọc thêm:

 Ông Tập Cận Bình Từ Chối Tiếp Ông Nguyễn Phú Trọng
Lý Thái Hùng
Theo FB Lý Thái Hùng 
Ký giả Keith Bradsher của Tờ New York Times số ra ngày 12/5/2014 đã có một bài xã luận về mối quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh quanh vụ dàn khoan HD 981.

Trong bài viết này, Keith Bradsher đã dẫn một nguồn tin từ một viên chức ngoại giao cao cấp dấu tên cho biết là phía Hà Nội đưa đề nghị ông Nguyễn Phú Trọng sẽ sang Bắc Kinh gặp mặt và hội kiến với ông Tập Cận Bình; nhưng phía ông Tập Cận Bình từ chối cuộc gặp.

Trong khi đó, phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Trung Quốc cho biết đã có 14 cuộc trao đổi giữa các giới chức CSVN và Trung Quốc kể từ khi xảy ra những xung đột quanh vụ dàn khoan HD 981 trong thềm lục địa Việt Nam. Tuy nhiên, viên chức ngoại giao Bắc Kinh nói trên cho rằng các cuộc nói chuyện không có thực chất.

Thái độ coi thường dư luận và không đếm xiả gì đến lời đề nghị gặp mặt từ phía ông Nguyễn Phú Trọng của lãnh đạo Bắc Kinh cho chúng ta thấy hai điều:

Thứ nhất là Bắc Kinh đã không chỉ coi thường những gì mà họ đã đồng ý với ông Trọng về đường dây nóng giải quyết các xung đột trong bản tuyên bố chung năm 2011 mà còn cố tình bỏ ra ngoài tai những kiến nghị từ Hà Nội.

Thứ hai là vụ đưa dàn khoan HD 981 không phải là việc làm ngẫu hứng mà Bắc Kinh đã tính toán từ trước và coi đây là bước chiến lược quan trọng để thôn tính biển Đông đặt CSVN ở vào thế đã rồi, khó xoay trở.

Từ vụ HD 981 và sự từ chối cuộc gặp của họ Tập nói trên, ông Trọng và lãnh đạo Hà Nội nên suy nghĩ thế đứng tương lai: tiếp tục dựa vào Bắc Kinh hay dựa vào lòng dân?

Lý Thái Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét