Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014

Bó đũa ASEAN trước biến cố Biển Đông

  Huỳnh Hoa
Ảnh bên:Hình ảnh của ASEAN là một bó lúa, nhưng đã đến lúc ASEAN phải là bó đũa để cùng kháng cự lại sức ép bên ngoài. Ảnh Logo ASEAN summit 2014

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 đang diễn ra ở thủ đô Myanmar bị phủ bóng bởi sự kiện Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan HD 981, cùng hàng trăm tàu hộ vệ, kể cả tàu quân sự, vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên biển Đông, xung đột với các tàu thực thi luật biển của Việt Nam và gây thiệt hại đáng kể.


Bình luận về biến cố này, giáo sư M. Taylor Fravel của Học viện MIT viết trên báo New York Times rằng, hành động của Trung Quốc nhắm tới mục tiêu chính trị: vừa thăm dò quyết tâm “xoay trục” sang châu Á của Mỹ ngay sau chuyến thăm khu vực này của Tổng thống Barack Obama,vừa nắn gân khối ASEAN ngay trước hội nghị cấp cao của khối này.

ASEAN sẽ đáp trả phép thử của Trung Quốc như thế nào; tuyên bố chung mà các nguyên thủ quốc gia ASEAN sắp đưa ra sẽ nói gì về sự cố này? – đó là những câu hỏi đang được dư luận đặc biệt chú ý, không chỉ trong 500 triệu dân ASEAN mà cả thế giới bên ngoài.

Sau hơn một tuần xung đột diễn ra và chưa có dấu hiệu dịu xuống, truyền thông quốc tế đã trình bày quan điểm của nhiều chính phủ, từ Liên hiệp quốc, chính phủ Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, cho đến các học giả, nghị sĩ… tất cả đều lên án hành động đơn phương gây hấn của Trung Quốc, kêu gọi giải quyết xung đột một cách hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế mà trọng tâm là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Điều lạ là các quốc gia ASEAN cùng hội cùng thuyền với Việt Nam mới chỉ có Philippines lên tiếng kêu gọi ASEAN cùng đương đầu với mối nguy Trung Quốc. Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đang họp tại Miến Điện chuẩn bị cho hội nghị cấp cao, cũng đưa ra một tuyên bố chung, nhưng chỉ “bày tỏ quan ngại sâu sắc”! Vì sao chỉ kêu gọi các bên kiềm chế trong khi chứng cứ rõ ràng là Trung Quốc tấn công tàu thuyền Việt Nam và Việt Nam đã kiềm chế hết sức. Lẽ ra với tính chất nghiêm trọng và phi pháp trong hành động của Trung Quốc, người dân chờ đợi các nguyên thủ quốc gia bày tỏ thái độ một cách cứng rắn và quyết liệt. Có thể lý giải thái độ này như thế nào?

Một là, quan hệ kinh tế thương mại mật thiết giữa ASEAN và Trung Quốc làm cho một số quốc gia Đông Nam Á không muốn “gây gổ” với Bắc Kinh để bị làm khó dễ trong việc tiếp cận thị trường rộng lớn này. Người ta cũng ngại khi thấy Trung Quốc, tuy là nước lớn nhưng hành xử rất tiểu nhân, thường lấy quy mô thị trường làm vũ khí chính trị để chèn ép các đối tác mà vụ cấm nhập khẩu chuối của Philippines khi hai nước đụng độ ở bãi cạn Scarborough là một ví dụ.

Hai là bản thân ASEAN chưa thực sự đoàn kết trong nhiều vấn đề, mà vấn đề biển Đông là một. ASEAN vừa có các thành viên nằm sâu trong đất liền châu Á như Lào, có thành viên nhìn ra Thái Bình Dương như Việt Nam, Malaysia, Singapore, Brunei lại có thành viên là đảo quốc như Indonesia, Philippines; trình độ phát triển kinh tế-xã hội và thể chế chính trị giữa các thành viên cũng khác nhau rất nhiều nên tạo dựng một sự đồng thuận chung của toàn khối là một điều hết sức khó khăn. Quan hệ với Trung Quốc là một trong những vấn đề cốt lõi của ASEAN và của từng nước nhưng lợi ích quốc gia không phải bao giờ cũng đồng nhất với lợi ích của tập thể nên trong nhiều trường hợp một số chính phủ đã hành xử theo quyền lợi riêng của nước mình, bất chấp sự đoàn kết thống nhất của toàn khối.

Mối bất đồng trong nội bộ ASEAN đã nhiều lần bị Trung Quốc khai thác – bằng cách hoặc đe nẹt, hoặc mua chuộc – dùng nước này chống lại nước kia, ngăn cản ASEAN đoàn kết thành một khối để đương đầu với tham vọng của Bắc Kinh. Trường hợp hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 21 năm 2012  tại Phnom Penh (do Campuchia làm chủ tịch luân phiên của ASEAN) không đưa ra được bản tuyên bố chung vì bất đồng trong lập trường với Trung Quốc là một bài học chưa xa.

Chúng ta kỳ vọng hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 còn diễn ra thêm ngày mai nữa sẽ lấp đầy được khoảng cách chia rẽ từ thời Phnom Penh 2012. Câu chuyện dân gian về bó đũa, phổ biến trong tất cả các nền văn hóa ASEAN, vẫn là một ẩn dụ đầy tính thời sự.

Bình luận về ứng xử của các nước ASEAN sau hành động xâm lược bằng giàn khoan của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, giới phân tích quốc tế đưa ra hai lựa chọn: một là tăng đầu tư cho hải quân để bảo vệ chủ quyền; hai là tăng cường hợp tác quân sự với các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc để phòng khi hữu sự thì có người chia lửa.

Chiến lược về lâu về dài có thể là như vậy, song trong ngắn hạn, liệu Trung Quốc có để yên cho các nước này tiến hành hiện đại hóa quân đội và tăng cường hợp tác với phương Tây hay không? Với lòng tham của Bắc Kinh, ai dám chắc rằng chuyện xảy ra ở bãi cạn Scarborough của Philippines hôm qua, ở Hoàng Sa của Việt Nam hôm nay lại không tiếp tục xảy ra ngày mai với Brunei, Malaysia, thậm chí với cả Singapore và Indonesia?

Bởi vậy, thái độ tích cực hiện thời của các nước ASEAN phải là lên tiếng mạnh mẽ và thẳng thắn ủng hộ Việt Nam, cùng Việt Nam, Philippines phản đối hành động xâm lấn trắng trợn của Trung Quốc và phải lên tiếng ở cấp cao nhất chứ không phải ở hàng bộ trưởng ngoại giao với những ngôn từ rất “ngoại giao” như nói trên.

Rõ ràng, quan niệm “đèn nhà ai nhà nấy rạng” trong chính trị ASEAN đã lỗi thời và nguy hiểm, cần phải thay đổi. Để ứng phó thành công với một Trung Quốc đang nổi lên với tham vọng bá chủ khu vực, ASEAN phải là một khối đoàn kết chặt chẽ trong mọi vấn đề, cả về kinh tế thương mại lẫn tranh chấp lãnh thổ; các nước thành viên phải nhìn thấy được ở ASEAN sức mạnh của một tập thể đồng lòng mà mình có thể trông cậy được.

Chỉ khi nào ASEAN gắn kết được các thành viên, buộc được Trung Quốc phải ngồi vào bàn đàm phán như một đối tác bình đẳng để tiến tới hình thành một Bộ quy tắc Ứng xử ở biển Đông (CoC) có tính ràng buộc về pháp lý, phù hợp với UNCLOS và được các cường quốc bên ngoài ủng hộ thì hòa bình, ổn định ở khu vực này mới có cơ may được duy trì. Và khi ấy, vị trí trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực châu Á và Cộng đồng Kinh tế ASEAN mới có thực chất, chứ không phải là những lời lẽ ngoại giao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét