Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

Giá như...

  Phạm Huy Hoàng 
 35 năm trước , đất nước vừa ra khỏi cuộc chiến chưa được bao lâu thì ngày 17.02.1979 “anh bạn vàng” đưa quân tràn vào Việt nam để  dạy cho “thằng em” 1 bài học .

  Thời kỳ này phe XHCN với “thành trì” là Liên xô còn đang vững chắc . Nhờ có Hiệp định hợp tác hữu nghị toàn diện được ký giữa Việt nam và Liên xô ngày 03.11.1978 cho nên gần như ngay lập tức Liên xô đã ủng hộ Việt nam bằng những loại vũ khí mà lúc đó đang được coi là khủng . Ví dụ như máy bay tiêm kích Mig 21bis và máy bay tiêm kích ném bom cánh cụp cánh xòe Su 22M …


  Đang là lính thợ sửa chữa máy bay Mig 17 cổ lỗ sĩ , đầu tháng 3.1979 mình được cử đi cùng nhóm phi công và thợ máy đầu tiên của VN sang Nga ( thành phố Krasnodar ) để học chuyển loại sang Su 22M . Và chỉ sau đó 3 tháng những chuyến vận chuyển bằng máy bay An 124 ( Ruslan ) khổng lồ ( mỗi chuyến chở được 3 chiếc máy bay ) đã bổ sung cho không quân VN hàng chục chiếc Mig 21bis và Su 22M .

  Đưa ra dẫn chứng này để thấy rằng trong cuộc chiến tranh Biên giới , phía ta đã được Liên xô và các nước Đông Âu hậu thuẫn rất kịp thời , rất cụ thể và rất hùng hậu . Chỉ trong vòng 3 tuần lễ Trung quốc đã chịu những tổn thất lớn và đã phải sớm kết thúc cuộc chiến vào ngày 05.03.1979 .

  35 năm đã qua đi . Có những nước trước đây coi nhau là kẻ thù thì nay là bạn , là đồng minh của nhau . Nhưng trong tâm thức của dân Việt nam , theo mình rất ít người coi TQ là bạn . Còn nhớ cách đây vài năm , mình đọc từ báo bằng tiếng Nga có thông tin về kết quả điều tra xã hội học được thực hiện ở  Nga và TQ với chủ đề : bạn coi nước nào trong tương lai sẽ là kẻ thù nguy hiểm của đất nước mình ? Kết quả phần lớn thu được từ câu hỏi này với người dân Nga : kẻ thù thâm hiểm nhất đối với Nga là TQ ( chứ không phải là Mỹ ) , còn với dân TQ thì : Mỹ là kẻ thù đe dọa trực tiếp tới an ninh của họ ( chứ không phải là Nga ) . Không có thông tin gì về thái độ của dân Mỹ , nhưng có thể đưa ra kết luận sau : những ai là láng giềng với TQ dường như đều sống trong e ngại với anh chàng này .
  Thời kỳ Trung quốc và Việt nam tiến hành đổi mới , thời cuộc đã đem đến khá nhiều thuận lợi cho công cuộc đổi mới này . Chiến tranh lạnh kết thúc . Nhân loại dần quen với khái niệm “Thế giới phẳng” .

  Xét dưới góc độ kinh tế thì thời chiến tranh lạnh những hàng rào quyền lực vô hình đã ngăn cản hàng hóa giữa hai khối XHCN và TBCN rất khó thông thương với nhau . Nay chuyển sang giai đoạn “Thế giới phẳng” , hàng hóa của bất kỳ quốc gia nào cũng có thể đến được mọi “hang cùng ngõ hẻm” trên hành tinh nếu nó thực sự hấp dẫn ( có nhu cầu ) và được người tiêu dùng chấp nhận ( giá cả cạnh tranh ).

  Nói thế để giải thích tại sao dù rất giận dữ từ những bất ổn đang diễn ra ở Ucraina thì Mỹ và Tây Âu cũng rất khó đưa ra các biện pháp trừng phạt về kinh tế đối với Nga . Thế giới phẳng đã tạo điều kiện để công ty của 1 quốc gia có thể đi đầu tư khắp toàn cầu với quy mô ngày càng to lớn. Nước Nga quả thực là béo bở để các tập đoàn ngoại quốc lao vào đây “trục lợi”. Quyền lợi đan chéo đã khiến Mỹ và Tây Âu không khéo lại “chặt cả chân mình”. Một dẫn chứng cụ thể : khi Mỹ đưa 1 số quan chức Nga vào danh sách để trừng phạt trong đó có Phó thủ tướng D. Rogozin phụ trách về quốc phòng thì theo logic những sản phẩm do Nga sản xuất liên quan đến vị này đều nghiễm nhiên bị cấm mua bán . Nhưng khổ nỗi nếu không có động cơ tên lửa RD 180 của Nga dùng để phóng các vệ tinh ( chủ yếu là dùng cho quân sự ) lên quỹ đạo thì “Mỹ chỉ có thể dùng súng cao su mà bắn chúng lên đó” ( lời của Rogozin ). Theo hợp đồng đã ký giữa 2 nước thì từ nay đến năm 2020 Mỹ phải mua 101 động cơ như vậy . Vì thế mới đây phía Mỹ phải tự tuyên bố : động cơ tên lửa RD 180 do Nga sản xuất không nằm trong danh sách bị cấm mua bán !  

  Với nước Việt mình xem ra cơ sự lại không hoàn toàn như vậy .Nhất là đặt vào hoàn cảnh hiện tại , khi anh hàng xóm khổng lồ đang đem cả 1 mớ lý thuyết vàng ( chứ không phải 16 chữ vàng như vẫn thường mê hoặc ) để làm bệ đỡ đưa giàn khoan HD 981 vào vùng đặc quyền kinh tế trên Biển Đông của VN .

   Mặc dù ngót nghét 30 năm đổi mới đã qua đi , mặc dù đã làm được nhiều việc to lớn ( như Đảng CS tự khẳng định ) so với chính mình trước đổi mới , nhưng so với thế giới và so với “anh bạn 4 tốt” thì VN mình vẫn chẳng là gì cả . Đầu tư của các tập đoàn nước ngoài vào VN dẫu có tính đến tiền tỷ USD rồi thì VN vẫn chưa là “miền đất hứa” để mà khi có sự biến như hiện tại họ sẽ sôi lên sùng sục để thúc ép Chính phủ nước mình gây áp lực với TQ.

  Còn kỳ vọng vào “người bạn vong niên xứ Bạch dương ”( mình gọi vong niên là bởi anh ấy – CNXH đã ra đời và lão hóa trước so với VN ) – đối tác chiến lược toàn diện ư ? Đừng có mà mơ nhé . Tổng thống Putin là người cực kỳ thực dụng . Chắc ông ta ít nhiều cũng tâm đắc với câu nói của Đặng Tiểu Bình : “mèo trắng hay mèo đen không quan trọng , miễn là mèo đó bắt được chuột”. Cuộc khủng hoảng Ucraina buộc Putin phải lấy câu ngạn ngữ của VN “im lặng là vàng” để mong tìm được sự hậu thuẫn chí ít là về kinh tế từ phía TQ . Và quả đúng là như vậy , suốt từ khi TQ kéo giàn khoan vào Biển Đông đến nay các quan chức chính phủ Nga đều “ngậm miệng” . Nếu đúng tinh thần là đối tác chiến lược toàn diện thì Nga phải là người “có nhời” trước cả Mỹ và phương Tây trước sự kiện này . Vậy mà đã không lên tiếng thì thôi , Nga lại quyết định sẽ bán cho TQ dàn tên lửa S 400 - loại vũ khí phòng không được coi là hiện đại nhất thế giới vào thời điểm này .

   Tuyên bố chung của Asean hay những lời phản đối TQ từ các quan chức chính phủ Mỹ và phương Tây dù có làm cho VN thấy ấm lòng thì cũng khó mà buộc được TQ xuống thang để lôi giàn khoan khỏi khu vực này .

   Giá như nền kinh tế của nước nhà khỏe hơn , chí ít cũng ra tấm ra món như của anh hàng xóm thâm nho kia thì sự thể có lẽ đã khác . Giá như xã hội cởi mở hơn đừng có kiểu hơi tý chặn họng người ta thì có lẽ thiên hạ xung quanh xứ mình từ xa đến gần cũng cảm thấy có niềm tin với ta để khi ta gặp sự biến họ sẽ đồng cảm với mình và tận tình giúp mình như 35 năm trước Liên xô đã hậu thuẫn cho Việt nam .

   Sự kiện người Hoa năm 1978 , theo mình cần phải được coi là 1 bài học về lịch sử .  Năm 1956 , chính quyền Ngô Đình Diệm đưa ra chính sách buộc người Hoa phải nhập quốc tịch Việt Nam nếu không họ sẽ bị trục xuất khỏi lãnh thổ . Có nghĩa là hầu hết người Hoa sinh sống ở VN cho đến trước năm 1978 đều là công dân nước Việt . Họ cũng là 1 trong số 54 dân tộc đang tồn tại trên dải đất hình chữ S . Vậy mà chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm đã có khoảng 160 ngàn người Việt gốc Hoa bị xua ra khỏi lãnh thổ Việt nam . Sự kiện này đã trở thành vết nhơ , hạt sạn trong con mắt người ngoại quốc – những người đang muốn đến Việt nam để đầu tư và làm ăn lâu dài.

   Rất may cả dân tộc này , cả đất nước này từ ngàn đời nay luôn cảnh giác với anh bạn có cùng “ý thức hệ” kia .

  Hành động tẩy chay hàng hóa do Tàu sản xuất cũng chính là 1 trong những biện pháp trừng phạt cần thiết  mà người tiêu dùng Việt nam đang áp cho Trung quốc .

   Và những hành động phản đối từ phía Chính quyền Việt nam lần này cũng làm cho Trung quốc bất ngờ .

   Như trên mình đã viết , giá như nền kinh tế của Việt nam đã hóa rồng , giá như Việt nam là “điểm đến hấp dẫn và an toàn” ( lời của các báo lề phải ) … thì chắc Trung quốc đã không dám manh động như đang làm trên vùng biển và vùng trời của Việt nam .

   Đành mượn lời của nhạc sỹ Trần Tiến trong chương trình “Giai điệu tự hào” : Giá như bây giờ không phải ngồi để mà giá như thì vẫn tốt hơn . 
          
   Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét