Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Giọng hát của “bọ” Lập hay hơn Trần Tiến!

Lưu Trọng Văn
Cách đây cỡ 30 năm có một nhà văn nữ nổi tiếng Bắc Hà, sau khi vô tình đọc được một đoạn văn xuôi của Trần Tiến trên một tờ báo tường đã phải thốt lên: “Ối giời ơi, ông này sao không viết văn mà lại mò viết nhạc?”. 


Tài văn của gã Trần Việt Tiến, tên đầy đủ của Trần Tiến tôi cũng đã rành rẽ cách đây hơn 20 năm từ cái thuở Trần Tiến ngẫu hứng mở một nhà hàng có đặc sản lưỡi …chim sẻ (vì tụi chim này hót không hay như lời Trần Tiến nói) trên đường Võ Thị Sáu kề nghĩa địa Việt Nam Cộng Hòa, Mạc Đĩnh Chi. Một lần ghé quán ăn này, ngồi chõng tre uống nước chè xanh bên điếu thuốc lào với Trần Tiến, Trần Tiến đã dấm dúi khoe với tôi những tản văn Trần Tiến ngẫu hứng viết, tôi đã ngạc nhiên xuýt té ghế “Hay! Hay lắm!”. Tôi thốt lên. Trần Tiến vểnh ria mép kiến càng đen xì hỏi lại mà giọng rõ là diễn xuất sự ngây ngô thồn thộn đến buồn cười: “Cậu khen tớ thật đấy chứ?”. Tôi chúa ghét cái trò diễn xuất kiểu như thế, bèn bảo: “Thôi bố ạ, bố thừa tinh ranh để biết văn của mình hay rồi mà cứ giả vờ “gái nhà quê ra tỉnh””. Trần Tiến nghe vậy toác hàm răng cán cuốc cười ha hả: “Tiên sư mày, cái thằng đểu!”.

Vì tớ thích ở trần mà… tiến 

Thế rồi, mới đây Trần Tiến rủ tôi tới nhà bọ Lập – Nguyễn Quang Lập – ông chủ blog “Quê choa” để… nhậu. Tôi biết Trần Tiến mà rủ tôi nhậu thì chắc chắn có nhiều cái mới lắm để… khoe, vì gã thừa biết tôi là thằng uống thì ít mà phá mồi thì nhiều. Quả thực, Trần Tiến đã thủ sẵn băng đĩa nhạc để có thể solo biểu diễn cả một chương trình bài hát Việt của… Tiến. Ừ nhỉ, bố mẹ đặt cho tên “Trần Việt Tiến” cắc cớ gì lại bỏ cái đệm “Việt” rất dân tộc quốc gia nhỉ? – “Hơ hơ, vì tớ thích ở trần mà… tiến”.

Có lẽ vì cái ý thích quái gở ấy mà trong âm nhạc của Trần Tiến cái chất trần trụi… cái sự đời, cái sự tình, cái sự người, cứ phải nói là lổm nhổm. Sau những bài hát về mẹ, quê nhà, cao nguyên đá rờn rợn trụi trần cái sự… cảm đến xúc… cùn con ngươi, Trần Tiến vỗ đùi tôi cái đét: “Mày đọc văn tao mới viết chưa nhể? Hôm nào ra Vũng Tàu tao cho đọc”. Ra thì…ra. Tôi và chú em tôi đạo diễn Lưu Trọng Ninh, người từng cùng Trần Tiến đi bắt vịt… giời ở Deof  một thành phố Hà Lan mà các ngôi nhà ở đó đều mở toang hoác vì các ô cửa đều bằng kính, đi ngoài đường cũng thấy các đôi tình nhân ôm nhau, hít nhau, ra thành phố biển Vũng Tàu để Trần Tiến khoe… văn.

      tac pham_resize

Đã vài năm nay rồi không hiểu Trần Tiến dở chứng điên gì mà ra Vũng Tàu ở. Căn nhà của Tiến ta ở đường Bà Huyện Thanh Quan – tên một nữ thi sĩ tài danh, muốn tới được phải qua phố Đoàn Thị Điểm – cũng tên một nữ thi sĩ tài danh. Và, ẩn dật ở đó một ông nhạc sĩ tự nhận là “mẹ ơi con đã già” đồng thời cũng là một nhà văn… nhớn tương lai. Sau khi biểu diễn tài nấu nướng siêu việt đãi tôi và Ninh, Tiến ta đem một tập sách có tên “Ngẫu hứng Trần Tiến” được xuất bản… lậu bởi nhà xuất bản chưa có giấy phép Quê choa của bọ Nguyễn Quang Lập ra cứ thế mà ra rả… đọc. Mặc dù Tiến ta lấy giọng đầy cảm xúc để nhỡ văn chưa hay đã có giọng hay lấp liếm bù vào, tôi đành cắt ngang cái rụp: “Thôi bố, bố đừng tra tấn nữa, cứ nhồi nhét văn chương vào tai thế này, chịu sao nổi?”. Trần Tiến hiểu ý, cầm tập văn của mình ném cho tôi sau khi viết bằng bút lông nét to như cán cuốc dòng chữ “Thân tặng ông Lưu Trọng Văn một chút văn chương của kẻ lãng du. Mong ông đọc hết. Cám ơn!”.

Làm tình thì có gì mà mới

Về Sài Gòn được một hôm, Trần Tiến chắc không kìm được cơn tò mò đã điện thoại cho tôi, giọng không còn “ông-tôi” đùa chơi kiểu cách chọc nhau nữa mà rất đàn anh: “Mày đọc của tao chưa?”. Mất gì của bọ, tôi nói dối: “Đọc suốt đêm qua rồi. Hay! Hay tuyệt!”. Tiến ta cười đầy vẻ tự mãn. Tôi chợt nghĩ, chết thật, ông nhạc sĩ này mê văn chương thật rồi à. Khen nhạc gã, gã chẳng quan tâm, khen văn gã, gã lên chín tầng mây xanh để… sướng.

Thế rồi một chiều Sài Gòn mưa dầm dề tôi đành ngẫu hứng lôi cuốn “Ngẫu hứng Trần Tiến” ra đọc… thật. Chết tôi rồi, ngay từ dòng đầu tiên đã cuốn hút tôi:

“Cái áo bông sột soạt em ạ. Cái áo bông mẹ may cho anh mặc đến trường trong ngày mùa đông buốt giá, vừa đi vừa sột soạt…”.

Và thế rồi từ lúc nào không biết nữa, tôi đã quên phắt cái cảm giác “kể cả” của một tay có thâm niên viết văn, làm thơ “đàn anh” so với Trần Tiến khen gọi là khen: “gã này viết văn cũng hay lắm” như thuở nào, để  thực sự “lọt thỏm” vào thế giới nhân tình trần trụi của gã thích thú tự nhận cởi trần, thậm chí cởi truồng mà… tiến ấy.

“Anh Trần Hiếu kể: “Bọn Tây đi càn tóm được nhà mình, em thì cứ khóc dằn dặt, thằng Tây da đen đến tát em một cái. Mẹ trợn trừng định đánh lại. Bố bảo im. Bố tìm thằng quan ba, xì xồ tiếng Pháp, đại loại: “Nước Pháp văn minh mà đánh trẻ con à?”. Thằng Tây da đen phải cúi đầu xin lỗi Trần Việt Tiến”.

Rồi:

“Thời bao cấp đói bỏ mẹ, anh Trần Hiếu, chị Huyền (bố mẹ của ca sĩ Trần Thu Hà) đi hát phục vụ cách mạng xong, đói quá lại bò về nhà mẹ, sai thằng em này đi bắt trộm chim bồ câu của ông bác để nấu cháo… Cả thời tuổi trẻ chả thấy nghệ thuật, triết học, triết… hóc gì sất, chỉ thấy thèm ăn. Rủ thằng Lưu Quang Vũ đi cướp tàu hỏa. Thằng Vũ hăm hở lắm. Kế hoạch nó bày ra cứ như cao bồi Viễn tây nước Mỹ. Hôm sau đến giờ hành sự, nó lại ha hả cười: “Ai cũng ăn cướp thì làm gì có nhà thơ?”. 

Rồi:

“Lập à, anh cứ mơ được viết văn như em. Đọc văn em ngồi cười một mình như thằng điên. Nghệ thuật là hấp dẫn, chuyển tải gì tính sau. Chẳng có thông điệp mới gì cả nhưng sẽ rất mới nếu sống thật mình. Làm tình thì có gì là mới? Những ai yêu ta thật dù chả biết kỹ thuật gì, vẫn cứ làm ta mê đi là sao? Nói ỡm nói ờ mà cứ sướng là sao?”. 

D7N_7248 1_resize_1 

Tôi cô đơn như một ngọn cờ

Đang viết đến đây thì được tin đại tướng Võ Nguyên Giáp không còn nữa. Đột nhiên tôi nhớ lại năm 2007 gì đó, Trần Tiến rủ tôi đến 30 Hoàng Diệu, Hà Nội để Trần Tiến hát cho ông đại tướng nghe. Không hiểu vì sao trong “suất” hát “giời ơi” ấy, Trần Tiến không hát “Âm dương nằm ngang, ngũ hành nằm dọc. Em chưa biết đọc, em nằm nghiêng”. Không hát “Ai yêu tự do, yêu rừng xanh thì lên núi nghe đàn”. Cũng không hát “Tạm biệt chim én”, “Đôi mắt mang hình viên đạn” hay “Sao em nỡ vội lấy chồng” – những bài hát “tủ” của mình mà hát “Tôi cô đơn như một ngọn cờ” – một bài hát đầy chất thân phận, ám thị, suy tư.

Ông đại tướng ở tuổi 97, chăm chú lắng nghe. Hình như ông dễ dàng bóc tách được cái ám chỉ “ngọn cờ” ấy là ai, và sự cô đơn ấy của ngọn cờ là sự cô đơn của ai. Đôi mắt ông đại tướng chìm trong cái cõi im lặng mà ở đó có một hố đen hun hút của chính sự cô đơn kia, để rồi ông “chập chững” những bước đi của mình như một đứa trẻ mới tập đi đến bên cây đàn piano, ông ngồi xuống ghế, ông đưa những ngón tay gầy guộc, nhăn nheo dở nắp đàn.

Trần Tiến đến bên ông đại tướng, ngồi cạnh ông đại tướng và cả hai đưỡn ra im lặng một lúc lâu. Đột nhiên những ngón tay gầy guộc già nua đặt lên phím đàn trắng muốt bản sonate êm dịu đến ngỡ ngàng của Beethoven. Ông đại tướng người đã cắm ngọn cờ bất diệt trong trận chiến vĩ đại Điện Biên Phủ, đánh dấu chấm hết chế độ thực dân kiểu cũ tồn tại hơn 300 năm trên toàn cầu đã đối nghịch ngọn cờ của chiến tranh ấy với bản giao hưởng của tình yêu.

Trần Tiến viết: “Mường Then lại gọi là Mường Thanh. Đúng là bọn Kinh chúng mình dở hơi, chả biết gì mới đọc chệch ra như thế, mới chui rúc trong đô thị, huênh hoang với cái văn minh bệnh tật như thế. Then là… Trời, nơi người nhà Trời đáp xuống, bác Võ Nguyên đại thắng là vậy. Ngọn cờ của bác hợp với lòng Then, lòng Trời”.

Sau những dòng “chính luận” rất thâm sâu ấy, Trần Tiến không thể quên cái chất bông phèng như một thứ đặc sản trong âm nhạc của mình, để tiếp tục bông phèng trong chữ nghĩa văn chương nhưng lần này có cộng hưởng thêm cái chất tục thô của “bọ” Nguyễn Quang Lập – người mà Trần Tiến đối thoại “anh – em” trong 21 tản văn ngẫu hứng của mình:

“Bọn người Kinh chúng mình lại ngu thêm một lần nữa. Gái Thái bước ra từ hoa ban mà đến ở chơi với trần gian, đứa nào máu dê tưởng dễ chơi, làm một “choác” rồi “phắn”, cả đời sẽ khốn nạn. Then phạt là cái chắc”.

Nhưng tôi có cảm nhận rằng cái vế “bác Võ Nguyên đại thắng” với cái vế “gái Thái bước ra từ hoa ban” chả khác gì chuyện Trần Tiến hát “Tôi cô đơn như một ngọn cờ” với “Bản sonate” mà ông đại tướng chơi.

Xướng ca không để bán thì.. vô loài

Thôi tôi lan man quá… đẫn rồi. Kết là vừa, tôi xin chép đây một đoạn văn Trần Tiến trao đổi với “bọ” Lập về chính cái gọi là văn chương để hiểu rõ hơn quan niệm của gã nhạc sĩ lập ra ban nhạc “Đồng nội” này về chính cái sự “văn chương” như thế nào.
NS Tran Tien - Choe_resize

 “Lập à! Em nghĩ thế nào về văn chương chữ nghĩa? Chả để làm gì em ạ. Từng đấy năm sống chết đớn đau, rút xương, rút tủy về nghề, chả để làm gì!… Ngoài vườn có một bông hoa, không biết ra đời thế nào sớm nay. Đẹp quá! Lại được chùm nắng đâu đó xuyên qua vòm lá, đến gửi nàng một nụ hôn của mặt trời. Nàng rực rỡ hẳn lên. Cứ như có đạo diễn sắp đặt. Nàng đẹp quá! Xướng ca vô loài ơi!

Nhiều lúc chẳng có việc gì, cũng chẳng cảm xúc rần rật, tâm hồn, tâm hiếc mẹ gì hết… cứ vào trang giấy, trắng lạnh đến ghê người. Rồi soi mặt mình vào đó. Thế rồi con chữ ở đâu rủ nhau chạy về như rươi, làm tình dưới mùa trăng mọc. Thế rồi con “triết”, con “đồ” đứng đầy cả đấy định lên mặt dạy đời, chửi đời. Mình phải ngăn chúng lại. Đời mình chỉ được làm sếp duy nhất lúc đấy thôi. Con chữ bay ra là cái mặt mình, đâu phải chuyện làm tình, chuyện dạy đời. 

Thế rồi sau khi vệ sinh sạch sẽ chữ nghĩa, sắp xếp rõ ràng cấu tứ, đọc lại, tự thấy mình hay, tự thấy nước mắt ở đâu bỗng trào ra như một kép cải lương tồi, tự thấy mình sướng… Trời ban cho thôi. Sáng tạo là thế! Nhưng, những thứ quà Trời cho ai biết mà mua. Như bông hoa chợt nở sáng nay ngoài vườn. Bông hoa đãi người mà giời ạ, người cứ đi tìm hoa… siêu thị. Nàng đi rồi… nắng thì đã tắt. Xướng ca không để bán thì vô loài là đúng thôi. Mẹ ơi!…”

Khi thấy tôi đọc những đoạn văn chỉ có thể là của nhà… Trời như thế, Trần Tiến thể nào cũng sẽ tỏ vẻ “bẽn lẽn” hỏi “Hay không?”. Tôi đùa, hay hơn văn của “bọ” Lập như giọng hát của “bọ” Lập hay hơn giọng hát của Trần Tiến. Trần Tiến cười toác hoác vẫn lộ mấy cái răng cán cuốc “Vậy thì còn chờ gì nữa, tớ tiếp tục cứ ở trần mà… viết”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét