Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Bí mật ngõ nhỏ- 1



Ký sự vỉa hè
Nguyễn Quang Lập  
1. Ngõ 101 nằm ở phố Tiến- trọc. Phố này có tên một danh nhân, để khỏi ai bắt bẻ hạch họe bèn tạm đặt tên vậy. Phố dài chừng 800 mét, vài hàng tạp phẩm, độc nhất một hàng bún ốc dưới cây bàng đầu ngõ, đây là hàng bún ốc ngon khét tiếng, ai thích ăn bún ốc không thể không biết bún ốc Tiên.
Bà chủ tất nhiên tên Tiên, trắng trẻo múp máp, tóc có vài sợi bạc rồi nhưng ngực phồng như ngực gái tơ, mỗi lần bà cúi xuống múc múc chan chan hai bầu vú núng nính nõn nà khẽ rung rinh, chao qua chao lại trước mắt khách, đã quá trời luôn.
Hàng bún không bàn không ghế, khách ngồi vây quanh, kẻ chồm hổm, người kê cục gạch lót báo, có người chẳng cần gạch ghiếc báo biếc, cứ thế tương đít ra nền vỉa hè. Đụng có ông trật tự phường đi qua, từ xa đã thổi còi cái roẹt, quát như sấm rền giải tán giải tán. Mọi người tự giác bưng bát tản đi. Bà Tiên đẩy gánh bún vào ngõ, rút ra hai chục nghìn đưa ông, ông lại thổi còi cái roẹt, quát như sấm rền giải tán giải tán rồi túc tắc bỏ đi. Ai nấy lại bưng bát quay về chỗ cũ.
Ăn uống nhếch nhác vậy nhưng hễ ai đã ăn hàng bún ốc này rồi đều không muốn bỏ. Ốc nhể nguyên con, mỗi bát bún hơn chục con, không biết ngâm tẩm kiểu gì thơm ngon hết nhẽ, cắn phát đánh sật, nước ốc trào ra miệng ngọt lừ, thơm thơm cay cay, lại thêm nước bún váng mỡ gà, nước ốc bươu xương gà hầm ngấm rau mùi thơm nồng, vừa ăn vừa hít hà, cực đã.
Chỉ có hai mẹ con, bà Tiên và cô con gái hai mươi tuổi tên Thủy cũng trắng trẻo múp máp, đít lồng bàn tròn căng, đàn ông ăn ở đấy mười anh dán mắt vào đít nó cả mười. Ông nào cũng thế, sấp mặt vào bát bún húp húp và và, mắt liếc xéo phát ngực bà Tiên, lại liếc xéo phát đít con Thủy, và miếng bún thấy ngon thêm bội phần, cắn con ốc cái sật nhai nhồm nhoàm đã đời như đớp phải mòng con bé.
Con bé lúi húi bưng bê dọn dẹp rửa ráy chưa khi nào thấy nó ngẩng mặt lên, chưa thấy ai gọi mà nó mở miệng đáp, người gọi Thủy ơi lấy anh quả ớt, người gọi con ơi lấy bác nhúm mùi. Nó lẳng lặng đáp ứng nhưng cất tiếng vâng dạ thì tuyệt nhiên không. Người nói có khi con bé này câm, người nói câm đéo đâu, gái thời nay thế, hễ mọc mầm được chút gì ngon ngon là mặt vênh mày váo.
Oan cho con bé, nó đổi tính từ thủa 13 tuổi, từ ngày bố nó lâm bệnh. Bố nó là ông Quí dạy toán cấp ba, đẹp trai cực kì, bà Tiên hồi đó học sinh lớp 12, mê man theo ông, suốt ngày rình ông đến chỗ vắng thì chạy vụt ra, nói em chào thầy, rồi cười rinh rích ù té chạy, mông đít ngoay ngoảy. Đêm ông đang soạn bài ở phòng nội trú, bà lén vào ném qua cửa sổ khi thì bông hồng khi thì bài thơ, nói thầy ui em dớ thầy, rồi lại cười rinh rích ù té chạy. Đến khi không chịu nổi, bà nhảy ào vào phòng ông, cởi tuột áo phơi cả cặp tuyết lê đẹp mê hồn, nói dạ thưa thầy. Ông Quí hốt hoảng vùng dậy, nói chết chết mặc áo vào đi em, chết chết. Bà ôm chặt lấy ông, nói không không em muốn chết, thầy cho em chết đi.
Lấy được ông Quí, bà Tiên sướng như mê, đẻ được con Thúy vẫn sướng như mê. Chẳng dè ông bị tai nạn, vẹo cột sống, chấn thương sọ não, mặt mày méo xẹo, sợ nước sợ gió, sợ cả người, suốt ngày ngồi ru rú trong phòng. Hai mẹ con chạy ngược ngước xuôi chạy chữa cho ông, vay tiền cả khu phố đưa ông sang tận Singapore , tiền mất cứ mất tật mang cứ mang, bệnh ông ngày một trầm trọng, nhìn ai cũng ra phản động với khủng bố. Họ bán căn hộ trả nợ, kéo nhau về ngõ này.
Đây là ngõ cụt, rộng chừng tám tấc sâu hun hút, hai bên đặc quánh chẳng có nhà nào. Đi mãi mới gặp nhà ông Quí bà Tiên chia ra hai ngách, ngách trái chừng 10 mét vuông, ngách phải chừng 20 mét vuông. Đi thêm một khúc nữa thì có thêm nhà ông Đức bà Hiền gác dưới, nhà ông Bá và thằng Hoàng con trai ông gác trên. Nghe nói ngõ này xưa là lối vào chuồng ngựa của một tư sản giàu sụ, đã dinh tê vào Nam năm 1950. Nhà ông Đức Bà Hiền là chuồng ngựa, gác trên nhà ông Bá là nơi ở của người nuôi ngựa, còn nhà ông Quí bà Tiên vốn là nơi cất thóc cỏ cho ngựa, mới chia ra hai ngách như thế. Nghe cũng có lý.
Ngõ thiếu khí thiếu sáng, ngày cũng như đêm tối thui, ai mới vào cũng ngạc nhiên không hiểu sao người ta có thể an tâm sống ở đây. Trong khi người trong ngõ thì thấy thường, thậm chí còn thấy tiện lợi hơn nhiều nơi sáng sủa. Chợt nhớ một nước bà con, ai ở nơi khác đến thì rùng mình kinh khiếp như vừa sa vào bãi sình lầy, thế mà dân ở đấy thì hân hoan múa hát tưng bừng, ca ngợi ngất trời nơi họ sống. Cho hay thói quen con người thật đáng sợ.
Thôi không nói chuyện này nữa, quay lại với hàng ốc Tiên.
Một buổi sáng có một thằng chừng ba chục tuổi đi taxi đến, nó đi vào ngõ hồi lâu mới quay ra, sà vào hàng bún. Thằng này ăn mặc không phô trương nhưng nhìn kĩ toàn đồ đắt tiền, làm bộ nhún nhường, cái nhìn cầu hòa, nụ cười chiếu cố với đám thị dân nửa mùa quanh gánh bún, biết ngay người sang hoặc cố tình làm sang từ nơi xa vừa về Hà Nội. Nó đỡ bán bún từ tay con Thủy, mỉm cười nói cảm ơn, nhón tí rau thơm nói xin phép, gắp con ốc lên ngửi ngửi, bỏ vào miệng nhỏm nhẻm nhai như nhai kẹo cao su, biết ngay ông Việt kiều khéo tỏ mình là Việt kiều trước đám chân đất mắt toét.
Nó mỉm cười với con Thủy, nói em gì ơi, đây có phải ngõ 101 không, con Thủy hất mặt về cái biển số ngõ, gật gật. Nó cười cười, nói cái số ngõ có từ xưa à em, con Thủy hơi nhăn mặt, gật gật. Nó vẫn cười cười, nói nhà của em ở đầu tiên à, con Thủy ném vào nó cái nhìn khó chịu, gật gật . Bà Tiên nguýt thằng này phát, nói anh ơi, anh nói quách với con gái tôi là anh có tiền, anh muốn ngủ với nó có phải nhanh không, đu đưa gì lắm sốt ruột. Thằng này vội vàng quay lại, nói cô ơi cô hiểu nhầm cháu rồi, cháu hỏi để mua nhà cô đó. Bà Tiên nguýt thêm phát nữa, cười nhạt nói nhà tôi đến chó nhà anh nó còn chê, anh mua làm gì. Thằng này cười nói cháu mua thật mà, cô bán đi, cháu cần lắm. Bà Tiên nguýt thêm phát nữa, sấp mặt múc múc chan chan không nói thêm câu nào nữa.
Hết thảy khách hàng đều châu mặt về thằng này. Nó tỉnh bơ, bỏ bát trả tiền, lấy giấy ăn lau nhẹ một vòng quanh mép, nói cô bán đi, bao nhiêu cháu cũng mua…Lại lấy giấy ăn lau nhẹ một vòng ngược lại quanh mép, nói cháu đến đây không phải để ăn bún… để mua nhà cô đó… cháu tìm mãi mới thấy cái nhà ưa ý. Bà Tiên hất mặt lên, nói thôi thôi anh đi đi cho tôi lấy chỗ cho khách. Nó đứng dậy cười cười, nói cháu nói thật mà cô cứ tưởng cháu đùa. Điên, bà Tiên cầm cái môi gõ vào nồi xáo cái queng, nói 200 cây anh mua không? Nó nói mua, cô bán cháu mua liền.
Con Thủy đang bê chồng bát, nghe nó nói thế thì giật mình làm rơi chồng bát. Nó đặt cái cardvidit cho bà Tiên, nói bất kì khi nào cô muốn bán cứ gọi điện cho cháu. Bà Tiên trợn mắt há mồm không biết nói sao. Một người kêu to ui giời, cái bướm hai trăm cây. Nó vừa lên xe, đám khách liên bâu quanh bà, người nói nó không mua nhà đâu, nó mua con Thủy đó, cơ mà được giá, ngon ngon, bán bán. Người nói chị ơi bán đi, người mẫu có hai cây, hoa hậu có hai chục cây, con gái chị giá 200 cây, ngang giá đệ nhất phu nhân đó rồi chị. Người nói xưa em có mỗi cái quạt tai voi với trăm dây mai xo cũng kiếm được cô vợ mê hồn, dùng mãi đến giờ vẫn chưa chán, được giá lắm rồi bán đi bán đi.
Bà Tiên ngồi ngẩn ngơ, liếc sang con Thủy thấy mặt nó cũng đực như ngỗng ỉa.

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Người đàn bà đau đớn



Nguyễn Quang Lập 
Chị khẽ hích vai tôi ra hiệu phải kiên trì bám trụ trong cuộc nhậu tơi bời kéo dài mười sáu tiếng đồng hồ chưa có dấu hiệu kết thúc, do chồng chị- người đàn ông tuyệt hảo, người đàn ông toàn năng, người đàn ông hết sảy… đứng ra tổ chức.

          Ông đứng góc trái dãy bàn hai mươi tám chiếc ghế đang khua chân múa tay hò hét mọi người hãy ngửa cổ nốc vì thắng lợi chưa chắc xảy ra về cuộc ký kết gì đó giữa bên A và bên B, nên B và bên B’ , bên B’ và B’’…

          Tôi không không thể biết được người ta ký kết hợp tác gì, mọi cuộc hợp tác bây giờ đều diễn ra trong tình trạng thì thầm, và điều này quan trọng hơn, tôi chỉ là kẻ ăn theo trong muôn vàn kẻ ăn theo đang sinh sôi nảy nở trên đất nước nước đáng kính của chúng ta.

          Tôi làm thơ, không biết gì ngoài việc làm thơ, do vậy khi thì người ta xếp tôi vào loại viết để sống , khi khác người ta xếp tôi vào loại sống để viết.

          Tôi không biết chắc chắn tôi thuộc vào loại nào, chỉ biết tôi luôn luôn bận rộn, cứ mỗi ngày kỉ niệm tôi lại có năm mươi ngàn nhuận bút, nhiều lúc muốn hét to lên vì sung sướng: Trời ơi ta sẽ ra sao nếu phải sinh ra trên một đất nước không có ngày kỉ niệm nào!

          Cố nhiên tôi không thuộc loại hạnh phúc nhất. Xếp thứ tự hai mươi tám chiếc ghế đang hiện hữu trong căn phòng thuộc khách sạn Chiếc dù lớn này, có tính đến may rủi thường niên mà Đức chúa trời vẫn kiên trì nhỏ giọt xuống đầu nhân loại, thì đức lang quân của chị là người số dách về hạnh phúc, tiếp theo là chị, sau đó là các vị còn lại trên những chiếc ghế còn lại, cuối cùng không ai khác chính là tôi.

          Tôi bằng lòng với chiếc ghế hạnh phúc cuối cùng và không bao giờ có ý thức tranh đấu với các chiếc ghế khác, trong khi đó chị luôn mồm than vãn với tôi rằng chị là kẻ bất hạnh.

          Lúc đầu tôi phì cười khi nghe chị nói như vậy, sau ngẫm lại, nhớ lại đôi lần chị nói đùa chị là con gà mái khổng lồ không đẻ được trứng, hiện sống trong cái chuồng gà tuyệt vời trên ba trăm mét vuông diện tích sử dụng, hiên ngang ngoảnh ra bờ sông Cụt, thì tôi mới nhận ra phần bất hạnh của chị là có thật.

          Chị không biết đẻ trứng hay không có trứng để đẻ?- Tôi hỏi chị trong một lần chị dắt đi ăn kem cốc. Chị không trả lời, khẽ thở dài. Mãi sau này khi được rúc trong đôi cánh mát rượi của chị, tôi mới vỡ nhẽ hóa ra chị không có trứng để đẻ.

          Tôi, thằng con trai hai lăm tuổi, sản xuất trên một ngàn bài thơ tình với các dạng đau khổ khác nhau, đã trở thành con gà trống đầy sinh lực ung dung bước vào chuồng gà tuyệt vời bên bờ sông Cụt ( sông này có tên là Cụt, xin đừng có liên tưởng lung tung mà chết mẹ tôi) cùng với con gà mái khổng lồ bốn mươi tư tuổi, ngày đêm nhảy điệu lambada vào tất cả những thời gian người đàn ông tuyệt hảo, người đàn ông toàn năng, người đàn ông hết sảy… cắp cặp đi ký kết hợp tác, tức là đi làm giàu cho đất nước, theo cách nói của ông trên các diễn đàn.

          Bây giờ vẫn cách nói đầy diễn cảm như vậy, ông đang khoa chân múa tay vẽ lên viễn cảnh ngày mai trên các bản hợp đồng chưa ráo mực sẽ mọc lên các loại hạnh phúc chứa chan cho nhân dân trong thành phố, còn tôi sau khi đã nốc no bụng bia lại mơ tưởng mấy chiếc khuy nạm vàng được cài rất tinh vi bên hông trái của chị.

          Chị mỉm cười sung sướng, không rõ sung sướng vì viễn cảnh của ông hay vì mơ tưởng của tôi, cả hai đều có thể tốt cho chị.

          Khi cuộc nhậu đạt đến  cao trào, trước khi gục xuống để cổ họng và miệng biến thành cái ống cống, ông đã chạy đến bế xốc chị, giơ cao chị lên trước mắt mọi người.

 Và vẫn cách nói đầy diễn cảm như vậy, ông tuyên bố rằng trước khi ông trở thành người đàn ông tuyệt hảo, người đàn ông toàn năng, người đàn ông hết sảy…thì ông chỉ là cái cây còi cọc, rằng chị là thứ phân đạm, ka-li, hay lân đã rưới xuống đời ông, làm cho ông nhanh chóng trở thành cây cổ thụ, rằng mọi giá trị mà ông có chẳng qua là do chị gửi sang, trước đó ông chỉ là thằng trung cấp hạng bét, rằng chị là con ngựa cái điếc nhưng khỏe mạnh phi thường đã cõng ông từ nhà đồng chí bố vợ kính mến phi nước đại lên các nấc thang danh vọng cao ngất, rằng… và ông gục xuống.
Chị dìu ông lên giường, tôi dìu chị lên giường khác. Bên này là người đàn ông toàn năng, bên kia là con gà trống đầy sinh lực và con gà mái khổng lồ. Hạnh phúc của ông tràn ngập trên các bản hợp đồng chưa ráo mực, hạnh phúc của chúng tôi bò lổm ngổm trên chiếc chiếu đã nhàu.
Tiếng rao bán hột vịt lộn đã tắt cũng là lúc nắng dậy ( chữ thường dùng trong thơ của tôi), chị vừa chải tóc vừa khe khẽ hát, ông vừa soạn lại các bản hợp đồng vừa huýt sáo, tôi vịn lan can nghiên cứu lại một số đau khổ trong một số bài thơ vừa làm, xem mức độ đau khổ đã hợp lý chưa. Tất cả diễn ra êm đềm, ngọt lịm.
Chị tiễn anh ra xe, một chiếc hôn dài, một nụ cười sung sướng, một cái vẫy tay, xe nổ máy. Thế là xong.
Con gà mái khổng lồ lên chuồng. Con gà trống đầy sinh lực đập cánh. Một ngày mới hy vọng tràn trề về những quả trứng hồng bắt đầu. Tôi tưởng thế, chị và ông tưởng thế, không ngờ…
Không ngờ ông túm tóc tôi lôi tôi ra khỏi bụng chị. Một quả đấm vào hạ bộ tuyệt vời của tôi làm cho nó không bao giờ ngóc lên được nữa. Những quả trứng hồng vỡ tan.
Chị bị xé hết quần áo lôi ra đường. Bốn năm sau vẫn thấy chị trần truồng, mặt mày nhem nhuốc, thân thể xác xơ, ôm con búp bê nhựa méo mó đi trên các hẻm phố, vừa đi vừa hát, những bài hát trần đầy viễn cảnh của ông và mơ tưởng của tôi.
Vẫn thấy ông nhiều lần xuất hiện trên ti vi, vẫn cách nói đầy diễn cảm như vậy, ông tuyên bố với nhân dân trong Thành phố về các loại hạnh phúc chứa chan sẽ mọc lên trên các hợp đồng chưa ráo mực.
Còn tôi, sau khi đã bố trí hết các dạng đau khổ khác nhau vào các bài thơ của mình, tôi nhanh chóng chuyển sang viết phê bình…
Thị xã Quảng Trị, 1990

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Có vợ đẹp nhờ Euro cup



Nguyễn Quang Lập 
Bạn bè cùng lứa với mình, thằng Chí muộn vợ nhất. Mình cũng thuộc diện muộn vợ, đến năm 1990 đã có hai con mà nó vẫn chưa vợ. Hồi ở Quảng Trị, thỉnh thoảng vẫn gặp nó, hễ hỏi vợ chưa nó đều nhăn răng cười, nói chờ ưa chưa. Ba sáu ba bảy tuổi rồi chứ không ít, thời đó tuổi ấy chưa vợ là ế thật chứ không phải chuyện chơi.  Hỏi thì nó cười, nói tau bằng tuổi họa sĩ Tư trong sách của mi, cũng nỏ vợ con chi. Họa sĩ Tư chủ trương cứ để rứa cho đàn bà nó thèm, tau cũng rứa. Nó nói phét vậy thôi, kĩ sư thủy lợi ở huyện khỉ ho cò gáy, quanh năm lọc cọc chiếc xe đạp rách, cái ti vi đen trắng cũng không có, ai lấy?


Cuối năm 1992 bỗng đâu thằng Chí ghé qua nhà mình, nói tau có vợ rồi. Mình ngạc nhiên hỏi ai thế? Nó cười cái xoẹt, nói oa chà hay cực kì luôn, chuyện ni còn li kì hơn tiểu thuyết. Nó cười khặc khặc rồi ném cái thiệp cưới cho mình, nói mi liệu hồn về dự cưới đó. Bao thơ mừng cưới dày dày một chút, tau đang kẹt... Mình mò đến dự cưới, cứ tưởng vợ nó chắc diện ế chồng không xấu cũng già, ai dè cô nàng giáo viên cấp 3 xinh nhất huyện, lại là con ông chủ tịch huyện. Lạ quá trời.

 Xong đám cưới, mình kéo nó ra quán, nói mày kể tao nghe làm sao mày kiếm được cô vợ xinh thế. Nó cười khặc khặc, nói oa chà hay lắm hay lắm. Hạng như tau có các vàng cũng chẳng dám mơ lấy được cô vợ  vừa đẹp vừa sang như rứa. Xứ khỉ ho cò gáy như ri, con gái chủ tịch huyện là công chúa giữa rừng xanh, sang lắm thiệt đo. Nó vừa kể vừa cười khặc khặc, nghe như chuyện cổ tích đời mới, rất khó tin nhưng mà vui.

 Một hôm liên hoan tổng kết ủy ban huyện, trời xui nó ngồi gần ông chủ tịch huyện. Ông này máu bóng đá lắm, hễ ngồi nhậu là nói chuyện bóng đá. Dân văn phòng huyện chẳng ai biết bóng đá để hầu chuyện ông, chỉ có nó là võ vẽ tí chút. Nó không thuộc dân ghiền bóng đá, tiện thì xem không thì thôi. Chủ yếu xem bóng đá trên báo. Được cái nó nhớ  rất tài, tên các cầu thủ chỉ cần đọc qua nghe qua là nhớ ngay. Khi viết chuyện này thỉnh thoảng mình phải gọi điện hỏi nó, Euro cup đã qua hai chục năm nó vẫn nhớ như in.

 Đúng bữa liên hoan là khai mạc Euro cup 1992, Thụy Điển gặp Pháp lúc 8 giờ đêm. Chủ tịch huyện bắt nhà hàng khiêng cái ti vi ra vừa nhậu vừa xem. Thằng Chí cười khặc khặc, nói tau có biết ơ rô ơ rót chi mô. Tau ghét bọn ơ rô, bọn ni chỉ được cái cu to chứ đá đấm như bòi. Là tau nghĩ rứa chứ đã có khi mô xem ơ rô mà biết, ti vi mô mà xem. Nó cười một tràng uống một hơi rồi túc tắc kể công cuộc cua gái của nó. Bữa đó chủ tịch huyện gặp được nó khác gì buồn ngủ gặp chiếu manh, thích lắm. Có hơi bia bốc lên mồm mép nó như tép nhảy, cứ dựa theo ông chủ tịch huyện mà tán phét. Cũng  J. Ericksson, Rijkaard, cũng Brolin, Platt… loạn cả lên. Toàn tên tuổi lạ hoắc, dân văn phòng huyện lác mắt.  Kì thực nó chưa bao giờ biết mấy cầu thủ đó méo hay tròn, cái tên cũng chưa từng nghe tới. Hi hi.

 Khi đó mọi người đều chắc cú Pháp cũng thắng Thụy Điển, nó phán hòa. Mình hỏi sao ông phán hòa, nó cười khặc khặc, nói biết chết liền. Tau đoán mò thôi, chỉ vì tau ghét cả hai thằng đó, cho chúng hòa cho xong chuyện. Tau phán bừa 1-1. Không ngờ hòa thiệt, lại hòa 1-1… Thằng Chí ngửa cổ cười khặc khặc. Mỗi lần nó ngửa cổ cười khặc khặc, cái yết hầu nhảy lên nhảy xuống như có con cóc đang nhảy trong cổ nó vậy, rất ngộ.

  Sau trận khai mạc, Chủ tịch huyện mê tít nó, hôm sau nhất định mời nó về nhà ông xem trận Anh- Đan Mạch. Bây giờ nó mới tận mặt con gái ông chủ tịch huyện. Cô giáo tên Lê, cũng rất mê bóng đá. Giờ này Lê rất muốn cắp bồ vào quán cà phê- bóng đá hò hét cho vui. Nhưng anh bồ giáo viên giỏi toán ghét bóng đá, coi bóng đá là thứ nghệ thuật thần kinh. Có hai cái gôn một quả bóng, hai chục thằng đá quá đá lại suốt buổi không biết chán, rõ là thần kinh, hi hi. Lê đành ngồi nhà xem bóng đá với bố. Lê thua thằng Chí gần chục tuổi, gọi nó bằng chú. Biết phận mình không xơ múi gì được, nó ra vẻ ông chú không thèm để ý đến Lê, suốt buổi chỉ tán chuyện với ông chủ tịch huyện, coi Lê là hạng cháu chắt, không chấp. 

Ông chủ tịch huyện sai Lê bày đồ nhậu, ba người vừa nhậu vừa xem. Ông chê Đan Mạch, nói è he cái thằng đậu vớt đá đấm cái chi, trận ni Anh nó mần thịt. Bây giờ thằng Chí mới biết Đan Mạch vào vòng chung kết nhờ Nam Tư có chiến tranh, không tham gia được. Không biết bóng đá Đan Mạch nhưng biết Đan Mạch có Andersen, có Chú lính chì dũng cảm nó phán bừa, nói Anh không thể thắng nổi Đan Mạch mô chú ơi, trận ni rồi cũng hòa nốt. Không ngờ Lê phấn khởi quá túm tay nó day day, nói thiệt không chú thiệt không chú. Ông chủ tịch huyện lườm con gái, nói anh mày chưa vợ, chú chú cái chi.  Anh mày giỏi bóng đá lắm, phán tỉ số như thần. Lê  mừng lắm, nói anh Chí  nói trận ni hòa à, hòa mấy mấy. Nó làm bộ ông đồ hay chữ, nói lực Anh hơn Đan Mạch, thế Đan Mạnh hơn Anh, thế- lực đấu nhau bất phân thắng bại, trận này tất  hòa 0-0. Quả nhiên đúng. Lê nhìn nó mắt sáng long lanh, thuở bé đến giờ chưa một người đẹp nào nhìn nó như thế.

Thằng Chí nghiễm nhiên trở thành chuyên gia Euro cup của cha con ông chủ tịch huyện. Lê phục nó sát đất, vừa xem bóng vừa há miệng nghe nó phán. Đến trận   Pháp-Đan Mạch, Lê hỏi nó, nói anh Chí đoán xem trận ni Đan Mạch thắng hay thua? Nó cười, nói không phải đoán, em muốn răng anh sẽ cho đúng như rứa. Lê  lườm cái liếc cái, nói em thích Đan Mạch thắng thôi. Nó nhìn Lê ( mắt cũng long lanh không kém hi hi), nói rứa thì Đan Mạch thắng. Chủ tịch huyện biết tỏng thằng Chí muốn gì, ông nhìn nó cười cười, nói Pháp làm sao thua được, mi đừng có nịnh thối con gái tau, nó có người yêu rồi đó.

Bình thường vừa nghe dọa thế thằng Chí đã dựng tóc gáy tính bài chuồn ngay. Bữa đó khác, nghe vậy nó càng bị kích thích, càng nói cứng, nói chú ơi cháu nịnh làm chi, tại trời đó chú. Lê thích răng thì trời cho rứa. Chủ tịch huyện cười cái hậc, nói được rồi, để coi trời thương hay mi thương. Ông vừa dứt lời Lasen cho vào một quả. Nó sướng quá cười rung râu. Nhưng đến phút 60 Papin gỡ hòa cho đội Pháp, chủ tịch huyện đập bàn kêu to, nói đó, thấy chưa Chí, kha kha kha… Khi đó nó lo thắt ruột, trận này thua chắc phải ăn cứt ông chủ tịch quá. Nhưng trời thương nó, phút 78  Elstrup cho ngay một quả, Đan Mạch thắng 2-1. Nó đứng vụt lên, Lê cũng đứng vụt lên ôm chầm lấy nó, ông chủ tịch huyện cười nhạt không nói gì.

Đến trận bán kết  Hà Lan- Đan Mạch, Chủ tịch huyện không mời nó đến nhà xem nữa nhưng Lê lại mời, nó liều đến. Hôm đó rất đông người xem, ai cũng chắc mẩm Hà Lan  sẽ vào chung kết. Ông chủ tịch nhìn nó cười nhạt, nói thắng Chí có dám ủng hộ Đan Mạch nữa không? Nó liếc Lê rồi cười, nói dạ em Lê ủng hộ đội mô cháu ủng hộ đội đó. Lê nhìn nó lúng túng, nói em ủng hộ Đan Mạch nhưng em không dám tin Đan Mạch thắng trận ni. Chủ tịch huyên cười kha kha kha, nói đó, thấy chưa Chí, tưởng bở nữa không  Chí!
 
Phớt lờ Chủ tịch huyện, nó nói cứng với Lê, nói em muốn là trời muốn, Đan Mạch vào chung kết. Trận đó hòa 2-2, đến phiên sút phạt đền, tim nó mấy lần suýt đứt cuống. Cuối cùng Đan Mạch thắng chung cuộc 5-4. Khi Christofte  sút vào quả phạt đền cuối cùng, Lê nhảy lên ôm cổ nó hôn chùn chụt. Nhà đông khách, Chủ tịch huyện hơi ngượng với con gái, ông chỉ mặt thằng Chí, nói này Chí, chung kết Đức- Đan Mạch mi vẫn bắt Đan Mạch hả? Nó dạ. Ông nói nếu Đan Mạch vô địch tao gả con Lê cho mi, cho không khỏi cần sính lễ. Nó dạ. Ông nói nhưng nếu Đức vô địch thì mi tự nguyện tự giác đi khỏi huyện ni, đừng nói tau đuổi mi nghe chưa. Nó dạ.

Trận chung kết nhà Chủ tịch huyện đầy khách. Người ta đến không phải vì trận chung kết, chủ yếu vì cái sự cá cược có một không hai kể từ ngày thành lập huyện. Phút 18  Jensen ghi bàn cho Đan Mạch, nó nhảy lên ôm chầm lấy Lê, nói em ơi, anh sắp có em rồi. Chủ tịch huyện cười như mếu. Phút thứ 78 Vilfort ghi bàn thứ hai cho Đan Mạch, mọi người nhảy lên, nó lẳng lặng đi ra ngoài. Mâm rượu nó đã chuẩn bị sẵn gửi ở quán trước ngõ. Nó đội mâm rượu vào nhà vừa lúc trận đấu kết thúc, Đan Mạch thắng Đức 2-0. Nó đội mâm rượu quì trước mặt ông Chủ tịch huyện, nói thưa chú, xin chú nhận lấy mâm rượu này.

Mặt Chủ tịch huyện đỏ bừng, ông đánh mặt sang con gái, nói ý con  Lê ra răng hè, nói coi. Miệng ông cười rất tươi nhưng mắt thì vằn lên ý như bảo: “ Mi mà đồng ý chết tao!”  Lê không sợ, cô lẳng lặng đi đến bưng lấy mâm rượu, nói chà, ba thua rồi còn hỏi. Ông chủ tịch huyện bật cười kha kha kha, nói thua thì thua, cưới thì cưới, rể thì rể, sợ chi hè! Mọi người vỗ tay ầm ầm.

Kể đến đó thằng Chí nhăn răng cười , nói  trời cho tau vợ như rứa đó, hay không? Nó tu sạch cốc bia, ngửa cổ cười khặc khặc, cái yết hầu nhảy lên nhảy xuống như có con cóc đang nhảy trong cổ nó vậy. Con cóc là cậu ông trời mà, hi hi.

Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

Vọng trắng



Nguyễn Quang Lập 
Đêm suông buông lạnh người đâu
Vu vơ hương đã nhạt màu tìm chi...?
(Thơ Trần Anh Thái)

            Năm m­ười sáu tuổi chị tôi đẹp nhất làng Đông. Đến năm chị tôi hai mươi sáu tuổi, làng Đông vẫn không ai đẹp hơn. Tuổi ấy ở quê tôi coi như­ đã ế chồng. Thế mà chị tôi vẫn cứ nhởn nhơ nh­ư không, mặc cho mẹ tôi đêm ngày rên rỉ. 


 Tôi bảy tuổi, được hư­ởng lộc bà chị đẹp người tốt tính nhất làng Đông không biết bao nhiêu mà kể. Nhận thư­ các anh trong làng gửi cho chị, trao xong th­ư tôi kiếm được một hào. Món này tôi kiếm được ba đồng một tháng. 

Anh nào đến nhà, tôi cứ đứng tr­ương mắt nhìn. Một hào rư­ỡi thì đi hẳn. Một hào thì tất nhiên cuối buổi lại quay vào, lại trương mắt nhìn, quyết gỡ thêm năm xu. Anh nào keo kiệt, chỉ thí cho hai xu thì tôi cứ vào vào ra ra chục lần là ít. Món này một tháng tôi kiếm được một đồng r­ỡi đến hai đồng.

 Tôi còn kiên trì kiếm thêm một ngày năm xu, lương công nhật cài nịt vú cho chị tôi. Việc này rất khó vì dây nịt rất căng, có lần tôi suýt gãy răng chứ không bỡn. Nhiều lần tôi nì nèo chị tôi tăng lên bảy xu nhưng chị không chịu. Nể tình chị em, tôi cũng không đòi nữa. 

Có anh rỉ tai tôi: "Mày bảo chị mày, cho tao cài nịt vú, tao giả mày hai đồng một tháng". Tôi tí tởn về báo cho chị tôi, lập tức ăn một cái tát. Có anh túm tay tôi hỏi nhỏ: "Mày cài nịt vú cho chị mày à?" - "Vâng" - "Có khó không?" – "Khó". - "Sao khó?"- "Vì căng lắm". - "Sao căng?" Tôi trố mắt nhìn anh này. Hỏi ngu thế. Nịt vú không căng thì ai người ta thuê cài một ngày năm xu.

 Nhiều anh còn vỗ vai tôi xuýt xoa: "Thằng này vinh dự nhất làng Đông". Bây giờ nghĩ lại mới buồn cười, chứ khi đó tôi tức lắm. Mẹ kiếp, làm bở hơi tai mới kiếm được một ngày năm xu, vinh dự cái gì!

Tôi lên tám tuổi, chị tôi cưới chồng, tôi mất sạch mọi nguồn thu nhập, kể cả năm xu còm chị tôi giả mỗi ngày cũng không có. Bù lại, tôi có ông anh rể oách nhất làng Đông: Bộ đội Điện Biên Phủ trở về, quân hàm hai sao một gạch và tất nhiên có cả súng ngắn. Súng ngắn thật hẳn hoi chứ không phải vỏ bao súng ngắn nhét đầy giẻ rách như­ một vài anh ở dưới Huyện đội vẫn thường lên đây tán tỉnh chị tôi.

 Từ ngày có anh rể mặc áo bốn túi, tôi không theo lũ trẻ trong làng hát vang lên bài: "Râu thì râu bốn bâu ( túi) em cũng lấy". Đứa nào dám chõ mồm hát ghẹo chị tôi bài đó, tôi đánh cho chảy máu mũi mới thôi. 

Anh rể tôi cao to mặt trắng hồng và không hề có một sợi râu. Vả lại chị tôi yêu anh năm mư­ời sáu tuổi, đợi chờ khốn khổ những chín năm, may anh trở về trọn vẹn lại có súng ngắn, có áo bốn túi, có quân hàm nhiều sao nhất làng Đông; chứ nếu có què tay cụt chân, chị tôi cũng không bỏ. 

Mỗi bận dắt trâu ra đồng, lũ trẻ làng Đông lại vây quanh tôi, há hốc mồm nghe tôi kể chuyện anh tôi chiến đấu ở Điện Biên Phủ.

- Anh tao xông lên, hai tay hai khẩu súng lục. Đoàng! Thằng gác cửa hầm tướng  Đờ-Cát ngã gục! Bốn thằng nhào tới! Đoàng! Đoàng! Đoàng! Đoàng! Bốn thằng chết mất ngáp nhé! Xong rồi, anh tao lao vào hầm. Thằng Đờ-Cát đang alô xin cứu viện. Anh tao giật tung cái alô trong tay nó ném xuống đất...
 - Cái alô có điện đó. - Một thằng cắt ngang. – Anh mày không sợ điện giật à?

 - Sợ gì mà sợ! Thằng Đờ-Cát còn sợ anh tao té đái nữa là điện. Mà chúng mày cứ cắt ngang là tao không kể nữa đâu. - Tôi vênh mặt lên.

 - Thôi! Kể đi? Kể đi ! - Lũ trẻ nhao nhao - Đứa nào còn chen ngang, tụi tao đánh vỡ mỏ!
Tôi chắp tay sau đít đi lại trước mặt lũ trẻ, dáng điệu của thầy giáo chuẩn bị ra câu hỏi cho học trò.
- Tao kể đến đoạn nào rồi?
- Đến đoạn anh mày giật tung cái alô.
- Rồi. Thằng Đờ-Cát thấy anh tao, nó chắp tay lại lắp bắp một câu tiếng Pháp. Anh tao chơi một tràng mư­ời câu tiếng Pháp luôn. Xong rồi, anh tao xách cổ nó lên, chỉ xách bằng một ngón tay thôi nhé! Xong rồi, anh tao đ­em nó ra khỏi hầm giao cho Đại t­ướng Võ Nguyên Giáp.
Tất nhiên anh rể tôi không kể với tôi như vậy. Nói chung anh không kể cho tôi nghe một chuyện chiến đấu nào cả. Khác với anh cu Cải xóm Đa, vừa về làng, vừa đặt ba lô xuống là vung tay múa chân kể chuyện chiến đấu cho cả làng nghe. Toàn những chuyện long trời lở đấu. Bao giờ anh cu Cải cũng ở trong một tình thế suýt chết nhưng nhờ có m­ưu mẹo anh đã v­ượt qua, tóm lại là không chết nữa. Sau này cả làng mới biết anh là lính hậu cần, được hai giấy khen cấp trung đoàn về thành tích nấu cơm không có khói, thế thôi.

 Anh rể tôi rất ít nói, chỉ hay cười tủm tỉm. Quân hàm đến hai sao một gạch mà nói chuyện với ai cũng một mực vâng dạ y như­ lính công vụ, nhiều khi làm tôi chán quá. Sau nhiều ngày chờ đợi suốt ruột, một lần đang ăn cơm, tôi nói :

- Anh Quí về làng đã lâu mà chẳng kể một tí chuyện chiến đấu Điện Biên Phủ nào cho em nghe cả.
Anh ngừng đũa, mỉm cười, đư­a mắt sang chị và mẹ tôi. Chị tôi gắp cho tôi một con tôm to, giục:
- Thôi ăn đi. Mày thì lúc nào cũng mỗi chuyện đấm đá.
- Không phải đấm đá! - Tôi cãi. - Chiến đấu không phải đấm đá.
- Đúng rồi, chiến đấu không phải đấm đá. – Anh rể tôi lại mỉm cười, lại đư­a mắt sang chị tôi. - Nhưng anh đâu có được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tôi ngơ ngác:
- Thế… không phải anh bắt sống tư­ớng Đờ Cát à?
Chị tôi cười phì, suýt nữa phun cơm ra mâm. Anh lắc đầu, thái độ rất nghiêm túc:
- Không. Anh ở Hà Nội, bảo vệ Hà Nội.
- A, anh bảo vệ Hà Nội à? - Tôi reo lên. – Anh cùng với Tạ Đình Đề bảo vệ Bác Hồ à?
Chị tôi bò lăn ra cười. Anh vẫn tỉnh như­ không, vẫn một thái độ rất nghiêm túc:
- Không. Anh không được vinh dự bảo vệ Bác Hồ. Anh chỉ là một người lính bảo vệ Thủ Đô, có vậy thôi.
Tôi cúi mặt ăn cơm, không hỏi thêm gì nữa, trong lòng hoàn toàn tan nát. Anh không đánh trận Điện Biên Phủ, không bắt sống t­ướng Đờ-Cát, không bảo vệ Bác Hồ... Rốt cuộc không làm gì vẻ vang cả. Tôi cay đắng nhận ra rằng, thói ba hoa của tôi đã bị trả giá. Rồi đây tôi sẽ ăn nói với lũ trẻ làng Đông như­ thế nào nếu chúng biết được trăm phần trăm tôi là một thằng bốc phét? Hai hàng nước mắt của tôi chảy vòng quanh... 

- Ăn cơm đi ! - Mẹ tôi động lòng an ủi. - Ăn đi cho chóng lớn, mai mốt mẹ cho đi chiến đấu, đi bảo vệ Bác Hồ.
- Thế mẹ tưởng bảo vệ Bác Hồ là dễ lắm đấy à? - Tôi oà khóc nức nở.
Nếu lúc đó tôi biết, thực ra anh là công an, được bố trí vào quân đội, chuẩn bị vào Nam, làm một cuộc đảo ngũ, chui sâu leo cao trong hàng ngũ địch và hai mươi năm sau trở thành một trong những nhà tình báo vĩ đại của cách mạng, thì tâm hồn bé bỏng đầy kiêu hãnh của tôi sẽ bay tít tận trời xanh với niềm hân hoan khôn xiết. Nhưng đấy là câu chuyện của hai mươi năm sau. Trước đấy là thăm thẳm những bí mật...

*
*          *

Anh vào Nam được ba năm thì đứa con gái đầu lòng của anh qua đời vì bệnh sốt phát ban. Mẹ tôi ngất lên ngất xuống trên tay các dì. Chị tôi ghì chặt con gái vào lòng, ngồi thu lu góc giường, kiên quyết không cho bất cứ ai đ­ưa nó đi. Cậu tôi quỳ trước mặt chị tôi, đập đầu xuống đất vừa nói vừa khóc: 

- Na, nghe cậu đi. Trời bắt tội nó rồi, con để nó đi cho thảnh thơi.

Chị tôi mắt đỏ ngầu, không một giọt nước mắt, lừ lừ nhìn mọi người, mặc kệ cho cậu tôi van nài. Tôi đứng bên chị ri rỉ khóc. Ngày thường con bé cứ gọi tôi là “cậu chập, cậu chập..." khiến tôi phát điên lên, lắm lúc phát vào đít nó thật đau mà nó không chừa được tật nói ngọng. 

Mới cách đây vài hôm, nó còn bắt tôi làm bò cho nó cư­ỡi. Mải chơi khăng, tôi không những đã không chiều nó, lại còn dọa đánh nó nữa. Bây giờ nó đã lạnh cóng trên tay chị tôi rồi. Tôi không dám mơ nó sống lại mãi mãi, chỉ ­ước nó sống lại một giờ, hoặc nửa giờ, hoặc vài phút thôi cho tôi được làm bò đền nó, bất kể nó gọi tôi bằng gì. 

- Na, nghe cậu đi con.

Cậu tôi vẫn dập đầu xuống đất. Chị tôi vẫn kh­ư khư­ giữ chặt con gái. Chiếc quan tài nhỏ xíu vẫn để không ở gian bảy. Rất lâu sau, đột nhiên mẹ tôi tỉnh hẳn. Bà ngồi dậy thong thả búi tóc, rồi lặng lẽ rẽ đám đông đi vào buồng trong. Chư­a bao giờ tôi thấy bà điềm tĩnh đến lạnh lùng như vậy. Bà nhìn thẳng vào mặt chị tôi:

- Đ­ưa cháu cho mẹ, con.
Như­ bị thôi miên, chị tôi run rẫy đ­ưa con cho mẹ tôi. Và khi đ­ứa bé đặt vào quan tài, chị tôi nhào tới hét lên rợn người :
- Con ơi ! Bố chư­a về mà con ...

Tôi mư­ời hai tuổi, lần đầu tiên nhận ra mối ràng buộc thiêng liêng của gia đình và dòng họ, lần đầu tiên hiểu được hệ lụy của một người đối với mọi người thật to lớn biết bao. Có lẽ vì thế mà khi nghe tin anh tôi đã vư­ợt tuyến chạy sang hàng ngũ địch, một thứ chất nhờn lạnh toát thấm ra tất cả lỗ chân lông, ­ướt đầm thân thể tôi. Nỗi sợ hãi và nhục nhã ch­ưa từng có trong kinh nghiệm tuổi mư­ời hai đã làm tôi bất tỉnh, rơi từ lư­ng trâu xuống vũng bùn.

 Lũ trẻ làng Đông đã kéo tôi ra khỏi vũng bùn, lau chùi rửa ráy cho tôi. Kỳ lạ thay, chúng không hò hét, không chửi mắng, không đánh đập, không gì hết... Đợi cho tôi tỉnh hẳn, chúng lẳng lặng tản đi. Chuyện hệ trọng đến độ chúng hoàn toàn không hề biết phải xử lý với tôi nh­ư thế nào. Thoáng chốc cánh đồng buổi hoàng hôn không một bóng người. Một mình tôi dắt trâu về nhà, một mình tôi thui thủi. Đư­ờng về nhà bỗng dài hun hút. Có thể từ nay tôi không có bạn nữa, không bao giờ nữa...

Chị tôi đang đập lúa giữa sân. Tuồng nh­ư chị dồn hết sức bình sinh quật mạnh vào tảng đá chứ không phải đập lúa. Hạt lúa bay tung tóe, mặc kệ, chị không cần biết, cứ thế quất tới tấp. Chị đã biết chuyện. Chị ở nhà tất nhiên chị đã biết chuyện trước tôi. Tôi rũ xuống bên chị, rất lâu sau mới lên tiếng:

- Mẹ đâu rồi chị?
- Mẹ đi chửi cha đứa nào nó đặt điều!

Chị thở hắt ra rồi lại quật mạnh bó lúa vào tảng đá. Tôi vùng dậy ào ra ngõ. Trời ơi, có chửi thì chửi cái đài địch nó đặt điều chứ, sao lại đi chửi làng, chửi xóm?

 Tối hôm qua, một người nào đó trùm chăn nghe đài địch mới hay tin: "Tô Xuân Quí, th­ượng úy tiểu đoàn tr­ưởng bộ đội cộng sản, trở về với chánh nghĩa quốc gia" liền phóng ra cho cả làng biết. Thế thì biết ai mà chửi? Chuyện khốn nạn thế, làng xóm người ta tha xé xác nhà mình ra là may, chứ sao lại đi chửi làng xóm?

Tôi chạy như­ điên từ đầu làng đến cuối làng vẫn không thấy mẹ tôi. Sục sạo vào các lối xóm, lao ra cả xóm Cồn là xóm gái chửa hoang đem nhau đ­ưa ra đó ở vẫn không thấy. Tôi không dám hỏi ai. Tôi sợ. Một nỗi sợ hãi khủng khiếp bóp chặt lấy tim tôi. 

Hóa ra mẹ tôi đã về nhà. Sau một giờ chửi rủa điên dại, bà đã ngất đi. Người ta đem bà về nhà. Chị tôi đang xoa dầu, đấm bóp cho bà. Lần đầu tiên mẹ tôi gây sự với hàng xóm. Xư­a nay không bao giờ nh­ư thế. Từ ngày bố tôi rư­ợu chè cờ bạc, nợ nần chồng chất rồi thắt cổ tự vẫn, mẹ tôi như­ một kẻ câm. Con cái trong nhà, bà cũng không dám to tiếng, huống chi là người ngoài. 

Thằng cu Đán ăn trộm gà nhà tôi, bị bố nó nọc cổ ra đánh, hay tin bà còn tất tả chạy đến xin tha cho nó, lại còn luộc gà, lén cho nó hẳn một cái đùi. Ối mẹ ơi phải đến nông nỗi này mẹ mới hóa dại... 

- Ngày mai… có bao nhiêu lúa... bán hết... mua cho tao cái đài. - Mẹ tôi hắt ra từng tiếng một.
Chị tôi cúi đầu bóp chân cho bà, không đáp.
- Mày có nghe không, Na?
- Vâng. 

Sau tiếng "vâng" nhẫn nhục là nước mắt chan hòa. Chị ngồi lặng lẽ khóc. Không nghe chị nấc lên hay thút thít. Suốt đêm chị ngồi bóp chân cho mẹ, mặc cho nước mắt đầm đìa, thấm ­ướt bầu ngực đầy của chị. 

Đó là đêm cuối cùng tôi nhìn thấy chị khóc. Sáng hôm sau, mặt chị đanh lại, pha một chút bất cần. Chí khéo léo tránh xa mọi cuộc tiếp xúc. Không sinh hoạt thanh niên, không tham gia văn nghệ, ngay cả việc họp đội sản xuất chị cũng đùn cho tôi. Chỉ hai nơi chị luôn có mặt, ấy là trong nhà và ngoài đồng, rất ít khi thấy chị tha thẩn trong làng. 

Chị làm việc quần quật suốt đêm ngày, ai bảo gì cũng làm, ai nhờ gì cũng giúp. Cho đến gà gáy canh một vẫn nghe chị tra tấn hòn đá bằng những cú đập lúa nghe đến sởn óc. Vậy mà chị không ốm, không bao giờ. Trước đây chị vẫn thường hay kêu ca mỏi lư­ng đau gối nhức đầu chóng mặt. Bây giờ thì không. Chị nh­ư con thiêu thân lao vào đống lửa thời gian. Nhưng chị không chết, không cách gì chết được. Ngày mỗi ngày chị càng rắn lại, càng đanh hơn, vẻ bất cần đã tràn ngập gương mặt chị.

Hằng đêm cứ đến chừng canh ba chị lại mở vali lấy ra cái hộpđuya-ra nhỏ bằng hộp diêm, phía trong có gắn một tấm gương. Không có gì cả trong hộp, ngoài mảnh giấy có nét chữ của anh tôi: "Dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng em hãy vững như kiềng ba chân”. Đó không phải là lời nhắn gửi của anh tôi trước lúc lên đường. Một thương binh cụt chân từ huyện Quảng đã chống nạng suốt ba mươi lăm cây số đến đây đ­ưa cái hộp này cho chị.

- Biết tôi bị thương, sắp được ra Bắc điều trị, chồng chị đã nhờ tôi chuyển giúp. Tôi ra Bắc đã hơn một năm rồi, nhưng có đến năm bảy lần chuyển viện. Vả lại chồng chị dặn phải đư­a tận tay chị, không được gởi qua bất kỳ ai.
Chị tôi mân mê cái hộp đuya-ra rất lâu ng­ước lên hỏi nhỏ:
- Anh đã biết chuyện chồng tôi ch­ưa?
- Biết. Ba ngày sau khi chồng chị đ­ưa cái hộp này, anh ấy đã v­ượt tuyến. 

Mảnh giấy có nét chữ anh tôi nằm khuất sau tấm gương Phải một tháng sau chị tôi mới phát hiện ra nó, sau hàng trăm lần lật ngược xoay xuôi cái hộp - "Vô lý chẳng lẽ anh ấy lại gửi mình cái hộp rỗng?" Từ đó hằng đêm cứ đến chừng canh ba, chị lại mở vali lấy cái hộp ra, cố gắng soi đi soi lại câu ca dao thuộc loại dễ hiểu vào bậc nhất xem có gì bí ấn đằng sau nó nữa không? Không! Đấy chính là câu ca dao mà chị đã thêu vào chiếc khăn tay gửi anh trước ngày ra trận. Anh đã gửi trả lại nó, chỉ thay mỗi từ “vẫn” ra từ “hãy". 

Phải hết cuộc chiến tranh, tôi mới hiểu chính cái từ "Hãy" mầu nhiệm này đã làm cho chị không chết, không cách gì chết được. Cũng chính nó làm cho chị cảm được, dù rất mơ hồ, sự giúp đỡ vô hình của chính quyền đằng sau bộ mặt ra vẻ lạnh lùng đến ghê rợn của họ. Cứ vài ba tháng lại có một đôi người lạ hoắc, khi thì xư­ng là bạn học của anh, khi thì x­ưng bạn nối khố của bố tôi, mang đủ thứ đến thăm, nói dăm ba lời an ủi thật chí tình, rồi đi.

 Không thể tìm một lời nào của họ đủ để vin vào đó mà hy vọng thực ra anh tôi không phải là một kẻ phản bội. Nhưng toàn bộ những gì họ nói toát lên rằng, bây giờ không cách gì khác hơn là cố gắng sống và chờ đợi. 

Chị đã nghe lời họ, nhẫn nại sống qua từng ngày, ròng rã m­ười bảy năm trời như­ thế. Mẹ tôi không nh­ư chị. Sau lần đi gây sự với hàng xóm, bà ốm liệt giường. Một thứ ốm rất khó chịu, không bớt đi cũng không nặng lên, quê tôi gọi là ốm dở. 

Suốt ngày đêm bà ôm kh­ư khư­ cái đài phục đến giờ đài địch phát thì mở. Năm ba lần chúng nhắc tên anh, kể chuyện "Thăng tiến" của anh, bà chỉ nhếch mép "Hực" một tiếng khô khốc, không ra cười cũng chẳng ra khóc. Thỉnh thoảng có người làng chạy đến hớt hơ hớt hải, mắt trước mắt sau, bảo rằng hôm nay hôm nọ có nghe anh nói chuyện gì đó trên đài Sài Gòn, bà cũng chỉ nhếch mép "Hực”. Ngay cả khi chính quyền xã đến nhà, thông báo việc anh đào ngũ là có thật, tuy nhiên ai làm người đó chịu, chính quyền sẽ không phân biệt đối xử với gia đình... mẹ tôi cũng nằm im, đợi chính quyền ra về, bà lại nhếch mép "Hực!" Chừng nào chư­a nghe chính anh nói trên đài địch thì dù ai có nói bằng giời bà cũng không nghe.

Mẹ tôi đã sồng qua năm năm bình yên với niềm tin không ai có thể lay chuyển nổi, rằng đã có một nhầm lẫn hay bịa đặt nào đó, cho đến một đêm định mệnh, đêm rằm tháng tám năm tôi m­ười bảy tuổi. Tôi nhớ vào khoảng chín giờ đêm, đang nằm nghe đài mẹ tôi bỗng thét lên thất thanh:

- Thôi rồi Na ơi!
Từ ngoài sân chị tôi chạy ào vào, vội vã ghì chặt lấy cái đài. Đài "Gư­ơm thiêng ái quốc", sau một bản nhạc ngắn đã giới thiệu "Cuộc trao đổi thẳng thắn và cởi mở giữa ngài đại sứ Bân-cơ và ngài Tô Xuân Quí, phụ tá tổng thống". Một giọng trầm và ấm chậm rãi vang lên. Rõ ràng là tiếng của anh tôi. Chị tôi đứng bật dậy, tựa hẳn vào vách, thở dốc.

 Mặt mẹ tôi bỗng trắng bệch, bà lên cơn sốt đột xuất, toàn thân run lên bần bật. Tôi không nhớ anh tôi và đại sứ Bân-cơ nói gì, chỉ nhớ đến đoạn anh tôi phù họa với Bân-cơ vẽ ra viễn cảnh "Không lực Hoa Kỳ sẽ băm nhỏ Hà Nội" thì chị tôi chụp lấy cái đài chực giáng thẳng xuống đất. Lập tức mẹ tôi vùng dậy ngăn lại.

- Đư­a đây tao? Đư­a đây! - Mẹ tôi thét đến lạc giọng.
Rồi bà lẩy bẩy ôm cái đài lết ra sau hồi nhà. Bà nhúng cả anh tôi lẫn đại sứ Bân-cơ đang nói oang oang vào chậu nước tiểu. Tôi chạy ra dìu bà vào nhà.
Chị tôi đỡ mẹ tôi nằm xuống giường, bà không chịu, gắng gư­ợng ngồi dậy.
- Thằng út đâu?
- Dạ, con dây.
Tôi ngồi xuống bên bà. Bà ôm ghì lấy tôi.
- Phải đi thôi con... Bà nấc lên. - M­ười bảy tuổi người ta cũng cho đi. Mình nói khéo người ta cũng cho đi thôi... Đi đi con, đi đi cho mẹ an lòng...

Tôi m­ười bảy tuổi, vui vẻ khoác súng lên đường sau lời kêu gọi khẩn thiết của mẹ tôi. Tôi hứa với mẹ sẽ giết nhiều giặc, thật nhiều giặc, càng nhiều càng tốt ngõ hầu xóa bớt phần nào hay phần đó vết nhục to lớn mà gia đình và dòng họ tôi đang gánh chịu.

Xin đừng ai nghĩ rằng tôi đã chấp nhận chịu làm con tốt trong thế cờ bí của mẹ tôi. Không. Mẹ tôi không chơi cờ và tôi không làm con tốt. Tôi làm người và hân hoan bước vào cuộc chiến khi biết rằng mình đang thực hiện bổn phận thiêng liêng của con người, chính là lời kêu gọi khẩn thiết của mẹ. 

Nhưng số phận đã không cho tôi được như­ ý. Tôi không được xung trận, luôn luôn không được xung trận hầu như­ suốt cuộc chiến tranh. Có một bàn tay vô hình nào đó đã đẩy tôi ra khỏi hòn tên mũi đạn. Người ta điều tôi hết An Toàn Khu này đến An Toàn Khu khác, mặc cho tôi ra sức xin xỏ, nì nèo đến trương gân cổ lên cãi.

 Cốt là để tránh cho mẹ tôi khỏi phải gục ngã trước khi tôi trở về, tôi buộc phải lấy chiến công của đồng đội làm chiến công của mình trong các bức th­ư gửi về cho bà. Chị tôi thư­ cho tôi, kể: "Mẹ phấn khởi lắm, nhờ những chiến công của em, mẹ đã đỡ đi nhiều. Bây giờ mỗi bữa đã ăn được già bát cơm, có khi được hai lư­ng bát". 

Tôi vừa xấu hổ vừa sung s­ướng. Chị không kể bất cứ chuyện gì về chị ngoài mấy chữ giao đãi đầu thư: "Chị vẫn khỏe". Chị đã nói dối. Có lần tôi nhận được thư­ của mẹ tôi do người hàng xóm viết hộ (Có lẽ mẹ tôi không muốn cho chị biết những gì bà muốn kể cho tôi) bà kể tóc chị bây giờ bạc trắng và chị đã xé câu ca dao anh gửi cho chị từ lâu.

 Tôi hết sức ngạc nhiên, chị tôi đang ở tuổi bốn mươi cơ mà? Tôi lập tức viết thư­ cho chị. Trong th­ư trả lời, chị xác nhận mẹ đã nói đúng. "Tuy nhiên có một sợi tóc không chịu bạc, đã bao nhiêu năm rồi nó vẫn xanh, em thấy có lạ không?"

 Chị kể như­ đùa rằng quả thực chị đã xé câu ca dao của anh gửi cho chị. Vài ngày sau chị tỉ mẩn dán lại. Vài ngày sau lại xé đi. "Và bây giờ chị quyết định không xé nữa em ạ. Xé làm gì, tóc mình vẫn còn xanh kia mà, cho dù là một sợi". Tôi hai mươi lăm tuổi, đủ khôn lớn để hiểu chị không ví von về lòng chung thủy, chị muốn nói chị vẫn đang nghiến răng thờ phụng cái từ "Hãy" mầu nhiệm của chị thôi.

Rốt cuộc tôi cũng được ra trận, đấy là trận cuối cùng của chiến tranh. Tôi không được nổ một phát súng nào, công việc của tôi là cùng với đồng đội bám theo xe tăng, xông lên cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập. Lần nữa số phận tôi không cho tôi được nh­ư ý. Khi chúng tôi đến thì cờ Tổ quốc đã phấp phới bay, tổng thống Dương Văn Minh đã được đem sang Đài phát ' thanh Sài Gòn đọc lời đầu hàng vô điều kiện. 

Công việc của chúng tôi là quản lý vài chục ông nghị sĩ, phút cuối cùng cuộc chiến vẫn cố với vát chút danh dự còm rằng họ đến đây là để "bàn giao" chứ không phải "đầu hàng". Tôi đang loay hoay cắm thêm một lá cờ nữa ở tầng hai dinh Độc Lập thì một người đến vỗ vai, bảo:

- Cậu vào phòng cuối tầng này có người gặp.

Một luồng điện chạy dọc sống lư­ng tôi. Mải miết với chiến thắng tôi đã quên mất mình đã đến cái nơi anh đã sống tám năm nay với vai trò dưới một người trên muôn vạn người. Bây giờ anh đang đứng trước mặt tôi, đầu hơi cúi xuống, vẻ nhũn nhặn của một kẻ chiến bại. Xung quanh anh còn rất nhiều nghị sĩ khác mà tôi không thèm để ý. Tất cả vừa nghe xong lời kêu gọi hạ súng vô điều kiện của tổng thống Dương Văn Minh. 

- Thư­a ông... Tôi là Tô Xuân Quý, phụ tá của tổng thống...
Tôi trân trố nhìn anh, không biết nói gì, không biết nói gì hết. Anh đứng đối diện với tôi, hầu nh­ư không thay đổi sắc mặt. Vẫn cái đầu hơi cúi, vẫn vẻ nhũn nhặn có phần thái quá, anh chậm rãi nói:
- Chính phủ chúng tôi đã kéo cờ trắng... Các ông đã chiến thắng... Xin chúc mừng các ông.
Nghe hai tiếng "Chúc mừng", ruột gan tôi bỗng lộn ngược lên. Tôi đập bàn gầm lên:
- Câm mồm đi!

Tôi ba mươi tuổi, tham chiến mư­ời ba năm, vẫn không đù bình tĩnh để biết đó chẳng qua là sự thận trọng cần thiết của một nhà tình báo chiến l­ược, cho dù cuộc chiến đã tàn, mọi chuyện tuồng nh­ư đã ngã ngũ. Một tuần sau tôi đã có quyền ôm ghì lấy anh mà khóc.

 Chúng tôi kéo nhau hối hả về làng, sợ rằng mẹ tôi đã gục ngã và sợi tóc xanh cuối cùng của chị tôi cũng đã bạc trắng: Hóa ra không. Chị tôi áp mặt vào ngực anh khóc lặng lẽ. Và kỳ diệu thay trên mái tóc bạc trắng lạnh giá nh­ư một khối băng kia vẫn phất phơ một sợi tóc xanh.

 Mẹ tôi ốm liệt giường m­ười bảy năm, nghe tin chúng tôi trở về, bỗng đứng hẳn đậy. Bà ngẩng cao đầu, ung dung bước rà cử­a. Trên gương mặt sắp lụi tàn của bà bỗng ánh lên niềm kiêu hãnh vô bờ bến. Người ta đã nói với bà rằng anh là một trong những nhà tình báo vĩ đại của cách mạng. Chính anh đã cung cấp những thông tin chính xác nhất cho trận đốt phá khẩu Ban Mê Thuộc và làm rối loạn thông tin đến nỗi Nguyễn Văn Thiệu phải thực hiện cuộc "Tùy nghi di tán" - Cuộc rút lui ngu xuẩn nhất của lịch sử chiến tranh.

Ba ngày sau mẹ tôi mất. Cả làng Đông đ­ưa tiễn bà. Không có ai khóc. Tất cả đều ngẩng cao đầu, ung dung bước sau bà. Trên gương mặt của tất cả, ánh lên niềm kiêu hãnh vô bờ bến. 

Hà Nội, thu 1997