Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Nhớ thời bao cấp

Nguyễn Quang Lập
Đã có vài ba phim truyền hình kể về thời bao cấp rồi nhưng chưa có phim nào ghi lại thật đúng thời ấy cả. Mình rất muốn làm một phim về thời bao cấp, làm thật chuẩn để mọi người nhớ lại cái thời đã qua. Nhiều chuyện bây giờ kể lại cho trẻ con chúng nó không tin, chỉ có phim kể lại may ra chúng nó mới tin.


            Cái thời bao cấp cái gì cũng ngược đời, giá cả không đi kèm với giá trị. Một bát phở 5 hào trong khi một ngọn thuốc lá có lúc lên đến 1 đồng. Một chỉ vàng là 80 đồng, nếu biết kinh doanh thì chỉ cần một vườn thuốc cũng đã có vài chục cây vàng như chơi. Nhưng hồi đó không ai tính chuyện kinh doanh, kinh doanh là buôn bán, con người mới ai lại đi buôn bán. Ai nghĩ đến kinh doanh thì tự mình cũng thấy xấu hổ, chưa cần đến người khác chê cười.


            Cái thời ấu trĩ kinh khủng khiếp. Nhà cửa chật chội bê tha nhưng ai cũng bám lấy cái nhà Nhà nước phân cho, ít ai nghĩ chuyện mua bán đổi chác nhà đất. Hồi ở Huế, mình mới về Sở văn hoá, được phân một cái gọi là “căn hộ” 12 mét vuông, vợ chồng con cái cứ yên tâm ở vậy cho đến khi chia tỉnh. Trong khi đó một căn hộ 28 mét vuông chỉ 1,4 cây, một cái nhà vườn cách trung tâm 3, 4 km cũng chỉ giá ấy. Đồ hàng vợ mình đi Nga về nếu bán cũng được 2 cây nhưng cả vợ lẫn chồng không hề nghĩ bán đi để mua nhà, cứ ở vậy chờ Nhà nước phân nhà mới, thế thôi.

            Giải phóng miền Nam, ông bác mình xin được suất di cư sang Pháp ở. Ông bác gọi ba mình vào cho cái nhà bốn lầu ở Q.1 ( tp HCM). Ba mình chẳng những không lấy lại còn trách ông bác, nói cho gì lại cho nhà, ai vô đó mà ở. Ba mình là một cán bộ cách mạng, không đời nào ông nghĩ đến lấy cái nhà đó rồi bán đi. Mua bán nhà là một cái gì rất xa lạ với ông. Đến khi ông bác bàn giao cái nhà cho Chính quyền, cho ba mình lấy đồ đạc trong nhà thì ông lại mừng húm, hí hửng khiêng khiêng dọn dọn mấy ngày mới xong, mừng như cha chết sống lại.

            Mình cũng thế thôi, ngày ở lính, cả tiểu đội phát hiện một cái hang chứa đầy đồ quân trang lính Mỹ. Áo quần vải vóc hồi đó khan hiếm vô cùng, nếu khôn ngoan như bây giờ thì cái kho ấy đem bán hết cũng kiếm được cả trăm cây vàng chứ không ít. Nhưng chẳng ai nghĩ thu gom áo quần Mỹ làm gì, chỉ tranh nhau cắt dây dù đem về buộc võng. Xe hon đa 67 lính cộng hoà bỏ chạy vứt đầy sân trung đoàn, ai biết đi thì lấy đi, đi xong rồi vứt đấy, chẳng ai thèm ngó ngàng, trong khi tiền để mua một chiếc xe đạp thì nằm mơ cũng không có.

 Thời này kẻ giàu có thường bị khinh rẻ, coi thường. Mình nhớ hồi học lớp 5 mình ngồi gần con B., mẹ nó là  mậu dịch viên ( mậu dịch viên là hot girl thời bao cấp, số sau mình sẽ kể) . Con B. ăn trắng mặc trơn, rõ là đồ tiểu tư sản, trong lớp đứa nào cũng ghét.  Mới tí tuổi đầu mà đi học lúc nào cũng xức nước hoa thơm lừng. Sau này mình mới biết nó thích mình, ăn cắp nước hoa cuả mẹ nó để xức. Mình đã ngồi dịch ra, nó cứ lấn tới, điên tiết mình vùng đứng dậy, nói thưa cô cho em ngồi chỗ khác. Cô hỏi sao, mình nói thưa cô bạn B. xức nước hoa khai mù em chịu không nổi. Vì chuyện đó mà từ đó cho đến lớp 10 con B. nhìn mình bằng nửa con măt, hi hi.

Chuyện đó không ngờ đến tai thầy hiệu trưởng. Hồi đó mình tương đối nổi tiếng trong trường, không phải phải vì học giỏi mà vì “con thầy Đạng”, ba mình là thầy của rất nhiều lãnh đạo to nhỏ trong tỉnh, cũng là thầy của thầy hiệu trưởng. Chào cờ sáng thứ hai hàng tuần, thầy hiệu trưởng nói có một số học sinh còn nhỏ tuổi đã mang tư tưởng tiểu tư sản, áo quần là lượt, chải chuốt xức nước hoa rất kinh. Nước hoa là gì các em có biết không, đó là thứ của bọn ăn trên ngồi tróc chuyên đem ra để lừa bịp giai cấp công nông. Mình liếc sang con B., mặt nó cúi gằm, vô cùng sợ hãi.

  Thầy hiệu trưởng còn đến nhà mình khoe với ba mình, nói thưa thầy em đã chuyển thằng Lập sang bàn khác. Ba mình hỏi sao. Thầy nói nó ngồi gần con bé hôm nào cũng xức nước hoa khai mù. Ba mình trợn mắt há mồm, nói thế à? Chà chà… nguy hiểm quá! Anh chuyển đi là phải. Năm lớp 7 mình đạt giải  cả văn lẫn toán học sinh giỏi tỉnh, ba mình mừng lắm, ôm lấy thầy hiệu trưởng, nói công anh lớn quá, gia đình tôi ơn anh lắm lắm. Thầy hiệu trưởng mới khiêm tốn nói thưa thầy, nhờ thầy rèn cặp em Lập đó. Ba mình lắc đầu xua tay, nói không không, nếu anh không chuyển thằng Lập tránh xa con bé tiểu tư sản kia thì làm sao nó có thành tích như thế được. Hi hi chết cười.

 Cái thời gíàu có là xấu xa nhiều chuyện cười ra nước mắt. Ai cũng thích giàu nhưng hết thảy đều ra vẻ coi khinh lũ giàu có. Nhà nào kha khá một chút đều chẳng dám phô ra ngoài, đặc biệt nhà cán bộ có chức có quyền một chút thì phải hết sức giữ gìn, làm con gà ăn cũng phải lén lút, giấu tiếng bịt hơi, sợ nhỡ may hàng xóm biết được thì bỏ mẹ. Người nghèo nếu có mổ heo cũng chả việc gì nhưng nếu là cán bộ có chức có quyền thì chỉ một bữa cá rán cũng đã thành vấn đề. Mình nhớ hồi mình học lớp 2, ba mình có khách trong tỉnh ra chơi, ông mổ gà đãi bạn. Ông sai mình ra ngoài ngõ đứng canh, rồi nhét con gà vào bao tải nhúng nước cho đến chết, không dám cắt tiết, sợ nó kêu. Khi ông luộc hay rán gà, mình phải chạy quanh vườn ngửi xem mùi có bay ra ngoài không. Khi ngửi thấy mùi thơm thì lật đật chạy vào, nói ba ơi thơm rồi thơm rồi. Ba mình lập tức lấy cái chăn trùm kín nồi.  Đến khổ. 

            Cán bộ đi làm chủ yếu dựa vào đồng lương, ai muốn kiếm thêm cũng phải giấu diếm, nếu lộ ra nhất định sẽ bị kiểm điểm  lập trường không vững vàng, tư tưởng không ổn định, chân trong chân ngoài. Ít ai sống đủ bằng lương, thường thì đến nửa tháng là sạch bách. Khi đó phải tính chuyện bán cái gì đó để sống tiếp nửa tháng còn lại, đa phần chẳng biết bán gì ngoài việc đem tem phiếu tiêu chuẩn đi bán. Phiếu vải đem bán đầu tiên, sau đến phiếu thực phẩm. Chỉ cần có đủ gạo ngày hai bữa là xong, ăn gì chẳng được, mặc gì chả xong. Thời đó nhiều người chỉ có một bộ áo quần tươm tất, gọi là áo quần đi làm, ngày mặc đi làm, tối về giặt là phơi khô ngày mai lại mặc đi làm tiếp.

            Mình ở khu chung cư 24 Lê Lợi- Huế, cạnh nhà thằng Thịnh (Nguyễn Thế Thịnh) và anh T. Anh T. làm cùng sở với mình, anh hiền lành nhu mì, suốt ngay có khi không nói được một tiếng. Anh ở với thằng con trai trong cái phòng nhỏ hẹp như phòng mình. Cứ mỗi kì lĩnh lương, anh chia lương ra 30 phần bằng nhau, lấy dây chun cột thành 30 “bó” nhỏ, cất kín vào tủ. Mỗi ngày anh đem một “ bó” tiền ra tiêu, chỉ tiêu đúng “ bó” ấy thôi, thiếu thì nhịn, kiên quyết không chi lạm sang “ bó” khác. Ngày nào có khách, anh buộc phải chi thêm “ bó” khác thì ngày sau hoặc anh xách xe đi “ thăm” nhà bà con, bạn bè kiếm bữa cơm, họăc anh nằm co nghiến răng nhịn đói.

            Năm 1988, Đảng phát động công cuộc Đổi mới, anh em họp chi bộ phê phán cơ chế bao cấp rất hăng, anh T. vẫn ngồi yên không nói gì. Đến khi anh em tranh nhau phê phán hăng quá, anh dơ tay, nói tui có ý kiến. Anh đứng dậy mếu máo, nói các đồng chí nói chi thì nói, không được nói xấu chế độ. Nói xong anh đứng khóc oà như trẻ nhỏ. He he

Vĩnh biệt nhà văn Đà Linh

Nhà văn Đà Linh tên thật Nguyễn Đức Hùng, quê ở Tam Giang, Núi Thành, Quảng Nam. Nguyên Phó Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Ðà Nẵng. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Uỷ viên BCH Hội LH VHNT Đà Nẵng. Phó Tổng thư ký, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nhà văn Ðà Nẵng khóa I (2002-2007). Do bệnh hiểm nghèo, ông đã tạ thế sáng ngày 30-9-2013 tại Hà Nội, hưởng thọ 56 tuổi.
Đà Linh là một trong những nhà văn hiếm hoi sống tận tình với bạn văn cả nước, được các nhà văn yêu mến và quí trọng
Nguyễn Quang Lập xin chia buồn cùng chị Hường và gia đình, cầu chúc linh hồn Đà Linh bình an về  nơi cõi Phật.

Cưới xin thời bao cấp

Nguyễn Quang Lập 
Bạn bè cùng lứa với mình, bây giờ đứa nào cũng đến lúc phải cưới vợ gả chồng cho con cái. Có ngày mình phải chạy xô ba đám cưới, mệt bã người.  Đám nào cũng hăm hở bỏ phông bao, loanh quanh cho gia chủ thấy mặt mình, rồi chuồn. Chẳng biết người khác thế nào chứ mình sợ nhất phải ăn cỗ cưới và cỗ đám ma. Cứ sáu người một mâm, chẳng ai quen ai, nói cười nhàn nhạt, chán mớ đời. Đám ma bây giờ ít ai bày biện ăn uống, chỉ cần đến viếng xong là về. Nhưng đám cưới vẫn phải ăn. Chẳng hiểu từ khi nào lễ cưới được gọi là ăn cưới, hễ cưới là ăn, không ăn không xong. Ngay bây giờ tại Hà Nội, làng gì đó quên mất tên rất gần Ngã Tư Sở, ăn cưới phải đủ 3 ngày 3 đêm, lệ làng xưa nay vẫn vậy, đám cưới nào cũng phải đủ trăm gà ba heo. Kinh. 


Nói vậy thôi, cưới xin bây giờ không là vấn đề lớn, chỉ mệt người thôi chứ tiền nong cũng chẳng phải lo lắm. Tiền mừng thường vẫn nhiều hơn tiền bỏ ra làm đám cưới. Ngày xưa khác, ít người mừng tiền, giả có mừng tiền cũng vài đồng chiếu lệ. Đa số chỉ tặng quà, sang thì phích Trung Quốc, chậu nhôm Liên Xô, hèn thì cuốn sổ tay, cuốn lịch, tấm tranh, thế thôi. Thành thử đa phần tiền đám cưới bỏ ra đều không thu về được. Làm cái nhà tốn kém  vài chục ngàn, đám cưới cũng tốn cỡ đó, có khi hơn.

Ba mạ mình có 8 đứa con, 6 trai 2 gái, lo cho xong 8 đám cưới cũng đủ sạt nghiệp. Cứ xong một đám cưới cho con, ba mạ mình lại ôm một cục nợ. Ba mình nợ nần suốt đời, trước khi mất chừng một năm ông mới trả xong nợ. Mình nhớ hôm tuyên bố hết nợ ông vui lắm, nói cười suốt ngày. Ông làm một con gà ăn mừng. Làm xong gà thì sực nhớ trong nhà không còn gì cả. Ông chạy sang nhà hàng xóm vay tạm mấy đồng cho mạ mình đi chợ. Ra đến cổng ông đứng sững lại rồi đi vào, nói luộc gà chấm muối, không nợ, kiên quyết không nợ. Lần đầu tiên trong đời ông rót rượu mời mình, chạm cốc với mình, thúc dục mình uống. Trước đó thì đừng hòng, ông luôn hằm hè chuyện rượu, thuốc của mình. Ông chạm cốc cái cạch, ngửa cổ cạn chén rượu, khà một tiếng khoan khoái, nói tám đứa con đã có gia đình, ba mạ trả hết nợ, rứa là ba chết được rồi con ạ. Tưởng ông nói cho vui, ai ngờ mấy tháng sau thì ông mất.

Kể vậy để nói ngày xưa chuyện cưới xin là cả một vấn đề. Ba mình còn vay nợ được chứ nhiều người chẳng cho ai cho vay, vay được cũng chẳng biết lấy gì mà trả. Chuyện trai ế vợ vì nhà nghèo không có tiền cưới xin ngày xưa thì nhiều lắm. Mình có thằng bạn học cấp 2, 35 tuổi rồi vẫn chưa vợ. Nó yêu ba bốn cô, cô nào đến đoạn cưới xin đều tắc tịt. Một hôm nó ngồi với mình, nhắc đến chuyện vợ con nó thở hắt ra, nói è he, ẻ vô vợ con mần chi cho nhọc. Mình hỏi răng rứa,  nó nói tao đã chọn mấy con xâu đui, ế câm ế cảy, rứa mà vẫn không lấy được. Mình lại hỏi răng rứa, nó lại thở hắt ra, nói è he,  tiền để mần một mâm cau trầu ăn hỏi cũng nỏ có, nói chi chuyện cưới xin.

Năm sau mình về làng, nó rủ đi xem mặt một cô đẹp cực. Mình nói mấy con xấu đui còn không lấy được, răng mi đòi lấy con ni. Nó ngồi đực mặt, nói trời bắt tao lấy, tao chết héo vì yêu nó mi ơi. Nó ngồi im hồi lâu, nhìn xa ra bãi cát sau làng, nói con ni mà tao không lấy được thì tao tự tử. Nhìn mặt nó biết nó nói rât thật mình đâm lo. Lâu lâu lại viết thư về mấy đứa bạn cùng làng, hỏi xem nó đã chết chưa. Chẳng dè cuối năm về, nó tới nhà đưa thiếp tết mời đám cưới. Mình quá ngạc nhiên, nói răng mi có tiền cưới vợ, tài rứa. Nó cười he he he, nói trời bắt tao cưới vợ thì trời phải cho tao tiền chớ. Nó kể đêm đó đem nàng ra bãi cát mần một trận đã đời, đưa nàng về nhà xong, lội bộ bãi cát về nhà lòng buồn như chấu cắn vì biết chắc rồi sẽ không cưới được nàng. Khi bên nàng thì ba hoa xịt bộp, nói anh sẽ anh sẽ anh sẽ, rời khỏi nảng mới sực nhớ nhưng nhà nghèo rớt mồng tơi, biết lấy gì để mà sẽ. Nó đứng tựa gốc phi lao đứng đái, bỗng lòi ra cái gì sang sáng, cầm lên hoá ra một cái nhẫn vàng hai chỉ. Rõ là trời cho, may quá là may. Hai chỉ vàng đủ làm một đám cưới  to, xôm trò ra phết, cái thằng thế mà tốt phúc.

Thời bao cấp đám cưới nào cũng giống nhau. Phông chính giữa hôn trường cắt dán đôi bồ câu cắn mỏ nhau bay trên chữ phúc to đùng, bên kia là tên cô dâu chú rể lồng nhau treo dưới cái đèn lồng. Luôn luôn có hai khẩu hiệu, một là Vui duyên mới không quên nhiệm vụ. Câu này không thể thiếu ở bất kì đám cưới nào, thường được treo ở phông chính như một huấn thị của cấp trên. Chẳng biết nhiệm vụ gì, cứ phải không được quên, hi hi. Câu thứ hai là Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn. Câu này đám có đám không, thường treo bên nách hoặc ở cuối hôn trường.

Lễ cưới thời bao cấp nửa họp nửa mét tinh, thường có năm mục. Thứ nhất MC giới thiệu cô dâu chú rể và lý do có đám cưới, đại loại được sự nhất trí của các cấp  chính quyền và gia đình hai bên, trong không khí vui tươi phấn khởi đón chào  Đất nước vào xuân… Bất kì cưới mùa nào thì ông MC cũng nói Đất nước vào xuân. Kế đến là lãnh đạo lên phát biểu ý kiến, giao nhiệm vụ cho cô dâu chú rể. Sau đó là cô dâu chú rể lên hứa xây dựng hạnh phúc gia đình. Tiếp theo là đại diện họ nhà trai lên cảm ơn lãnh đạo và bà con hai họ. Cuối cùng là liên hoan văn nghệ.

Đầu tiên ông MC ra miệng nói tay khua, nói năng như tép nhảy, hết đọc ca dao đến đọc thơ, đám nào ông cũng chừng đó câu thơ, chừng đó câu ca dao, rồi ghép tên cô dâu chú rể vào, bất kể thất vần trật âm cũng cố ghép cho bằng được. Mình nhớ đám cưới cái Tâm bạn mình, nó cưới anh Địch bộ đội phục viên ở xóm dưới. Cái vần ịch rất kẹt vì dân Quảng Bình thường nói âm ịch ra âm ịt, vì thế chưa bao giờ mình nói quân địch, khi cần phải nói thì nói quân thù, hi hi. Hôm đó ông MC tay khua miệng nói, ngâm nga câu ca Ôi hạnh phúc có khi nhiều khi ít/ Tâm xinh tươi cùng Địch đẹp trai, mọi người cười ầm ầm.

 Thỉnh thoảng mình gặp cái Tâm lại trêu nó, nói “cùng địch đẹp trai”, thích nhỉ. Nó cười he he he đấm mình, nói tao bắt lão đổi tên Đích rồi, tên Địch nhiều khi bị hiểu lầm, tức lắm. Nó kể cưới xong nó ra Phủ Lý học trường Trung cấp truyền thanh. Một hôm vào phòng giáo vụ khai báo chuyện gì đó. Ông giáo vụ hỏi chồng cô tên gì, nó nói dạ Địch. Ông này trợn mắt đập bàn, nói tôi hỏi chồng cô tên gì chứ không hỏi cô cưới chồng để làm gì, rõ chưa!

 Lãnh đạo càng to đến dự thì đám cưới càng sang. Thời này chắc cũng thế nhưng người ta chỉ đến dự thôi chứ chẳng phải nói năng gì. Thời bao cấp lãnh đạo đến để phát biểu và giao nhiệm vụ, dứt khoát phải như vậy. Thường thì bí thư chi bộ lên phát biểu là oách rồi, được bí thư Đảng uỷ xã đến phát biểu ý kiến là mơ ước của bất kì gia đình nào có đám cưới. 

Hồi mình ở làng Đông, đám cưới chị Hoa là con gái của một ông đội trưởng. Cả làng xôn xao về việc nhà chị Hoa mời được Bí thư Đảng uỷ xã đến dự. Nhà chị Hoa đứng bồn chồn trước ngõ ngóng ông, mặt mày ai nấy vô cùng nghiêm trọng, chỉ lo ngộ nhỡ có chuyện gì ông không đến được. Giấy mời đám cưới lúc 8 giờ sáng, chừng 10 giờ trưa ông đến, khi đó đám cưới mới bắt đầu. Hôn trường đang ồn ào náo nhiệt, ông bước vào cái là im phăng phắc, tất cả ngoảnh mặt nghiêm trang nghe ông nói. Ông này có tật nói dai kinh khủng. Mới đầu thì bảo tôi xin phát biểu đôi câu nhưng rồi ông nói cả đôi trăm câu. Vừa nói điểm thứ hai, xong rồi lại điểm thứ hai, rồi lại điểm thứ hai, cứ điểm thứ hai liên tù tì cả giờ chưa dứt. 

Đang nói ông bỗng dừng lại ngoảnh mặt xuống hôn trường, nói hạnh phúc là chi bà con. Mọi người im thin thít, không  ai dám ho he. Ông cười cười nói câu hỏi đơn giản rứa mà không ai trả lời được là răng hè. Rồi ông mạnh tay chém gió, nói hạnh phúc là vô cùng sung sướng, rứa thôi, đơn giản rứa thôi. Ông ngửa cổ cười khe khe khe, chẳng ai cười cả, chỉ mình ông cười khe khe khe. Đến khổ, hi hi.

Một vài hình ảnh cưới hỏi thời bao cấp.


Ăn hỏi.


Đón dâu.










 

Hôn trường.

Còn đây là cảnh chú rể Lập đi mời thuốc bà con hai họ, he he

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Chuyện trai gái thời bao cấp

Nguyễn Quang Lập 
Bây giờ trai gái yêu đương ôm vai hót cổ thoải mái, hôn hít ngay giữa đường giữa chợ cũng không ai lấy đó làm điều. Ngay việc quan hệ tình dục cũng không còn là vấn đề gì nếu là trai chưa vợ gái chưa chồng. Ngày xưa thì khiếp lắm, cấm kị đủ đường. Là nói cái thời bao cấp thôi, chứ trước đó nữa lại càng kinh khủng khiếp. Cái thời mà trai gái yêu nhau chỉ được đánh mắt đưa mày, muốn  cầm tay cầm chân, ôm vai hót cổ phải vào nơi kín đáo, nếu để cho người khác nhìn thấy thì bị coi là yêu đương không đứng đắn.
Chàng đạp xe đạp chở nàng trên đường, nàng chỉ có việc hai tay nhét đùi ngồi yên như khúc gỗ. Cô nào bạo lắm cũng chỉ nắm hờ ngang thắt lưng, chẳng có cô nào ôm eo áp ngực chàng như các cô gái thời nay. Những chiều mùa hạ, trai gái  hẹn hò nhau ra bờ đê ngồi, chỗ này một cặp, chỗ kia một cặp rủ rỉ tâm tình. Nàng nhổ cỏ chàng bẻ ngón tay, nói chuyện chán thì về, chẳng dám làm gì.

 Hôn hít thời này bị liệt vào hành vì giao cấu, rất xấu xa. Đừng nói ngày xưa, ngay bây giờ vẫn còn quan niệm như thế. Năm ngoái Nguyễn Quang Thiều chả kêu ầm lên về dự luật cấm hôn nơi công cộng, may có ông Thiều kêu, báo chí làm ầm ầm người ta mới dẹp đi, nếu không thế nào luật cấm ấy cũng lọt vào top ten những luật cấm hài hước.

Thời bao cấp những chuyện cụ thể chẳng có luật lệ gì, đa phần làm theo chỉ thị khi thì bằng văn bản khi thì chỉ thị mồm. Đôi khi một xếp nào đó ngồi nhậu chợt nhớ chuyện gì đó nhắc khẽ một câu, thế là thành chỉ thị. Chuyện trai gái yêu đương các xếp cũng nhắc nhở nhẹ nhàng thôi nhưng xuống cơ sở thành ra chuyện rất nghiêm trọng. Chuyện hôn hít cũng vậy, không chỉ cấm nơi công cộng mà cấm khắp nơi, sách báo phim ảnh tuyệt cấm kị. Nếp sống thời này cho đó là hành vi thiếu đứng đắn, không lịch sự. Cầm tay nhau cũng đã quá đáng lắm rồi, hi hi. 
 Mình nhớ xem phim, khi nào trai gái nhìn nhau đắm đuối, “mắt trong mắt tay trong tay âu yếm”, thì cả rạp lặng ngắt, nín thở chờ. Nhưng rồi đến khi môi này sắp dính môi kia là màn hình tối mò. Người chiếu phim đã che ống kính. Anh naò ngứa mồm la làng, nói thả tay ra cho người ta xem, lập tức có năm bảy người khác mắng cho là vô văn hoá. Sau đó thế nào cũng có người báo về cơ quan, đoàn thế, thế nào anh ta cũng bị “ cạo” cho một mẻ. Suốt cả năm đó chuyện anh ta luôn được đem ra làm ví dụ một khi các xếp nói về nếp sống mới, nói có đồng chí còn dám yêu cầu chiếu phim thả tay ra để xem cảnh hôn hít, rất đáng xấu hổ. Một câu đó thôi xếp có thể đem ra “ ví dụ” cả trăm lần. Khốn khổ thế đó.

Thành thử cái gì cũng lén lút, đọc sách xem phim ảnh cũng phải lén lút. Nơi mình học là trường cấp 3 Bắc Quảng trạch, một trường tiên tiến, nhiều năm liền là lá cờ đầu giáo dục tỉnh Quảng Bình, những năm 1969- 1970 bỗng đâu xuất hiện cuốn sách Bí mật thành Paris. Truyện chẳng có gì, chỉ kể chuyện anh chàng cắt móng tay yêu đương mấy mụ nạ dòng giàu sang phú quí. Mấy màn yêu đương chỉ tả sơ sịa, thế mà học trò đua nhau bí mật chép tay lại cả cuốn, bí mật truyền tay nhau thì thà thì thầm vô cùng nghiêm trọng. Nhà trường ra sức truy bắt, may không bắt được ai, nếu thầy cô túm được cuốn sách trong cặp đứa nào thì đứa đó bị đuổi học là cái chắc. 

Anh Thắng, anh trai của mình, hồi đó nổi lên như một thanh niên xuất sắc, mới lớp 10 đã được kết nạp Đảng, làm đến chức phó bí thư đoàn trường, uy danh lừng lẫy. Anh yêu chị L.A đẹp nhất trường. Nói thật từ bé đến giờ mình chưa thấy ai đẹp như chị L.A. Mình đang học lớp 7, mới bé tí nhưng toàn sưu tầm mấy chuyện “ bậy bạ” lén lút đọc say sưa. Đa phần sách đó đều là sách chép tay, chị L.A cho mượn. Một hôm anh Thắng tóm cổ được mình đang nằm tùm hum trùm chăn đọc cuốn  Bí mật thành Paris. Anh hỏi sách của ai, mình khai của chị L.A cho mượn. Tưởng khai thế thì anh Thắng sẽ cho qua, ai dè anh tịt thu luôn cuốn sách. Anh không đưa chị L.A anh ra chi đoàn kiểm điểm nhưng gọi chị L.A ra riêng “xạc” cho một trận và cắt đứt chị luôn. Hi hi ngu thế không biết. 

Sau này chị L.A yêu anh H rất đẹp trai. Đêm trăng hai người rủ nhau ra bãi cát chơi, hai người nằm hai góc, lăn qua lăn lại, ném cát đùa nhau, chỉ thế thôi chứ chẳng có gì bậy bạ cả. Chẳng ngờ ông nông dân xách quần  ra bãi cát đi ngoài, bắt được hai người, liền báo cho nhà trường. Từ đó anh H và chị L.A được Nhà trường mô tả như cặp học sinh sa đoạ, đàng điếm nhất trong lịch sử của Nhà trường. Kinh. Hi hi. 

 Trai gái muốn yêu nhau đàng hoàng thì phải báo cáo tổ chức, gia đình muốn báo thì báo chả báo thì thôi nhưng tổ chức thì phải báo cáo, nếu không thì bị coi là yêu đương bất chính. Dù yêu đương đàng hoàng, cả tổ chức lẫn gia đình đều biết vẫn hết sức ý tứ, vì biết đằng sau lưng mình luôn có người theo dõi. Ngồi nói chuyện bình thường thì không sao, chẳng có ai sau lưng mình hết. Máu lên ngồi dịch lại sát nhau cũng không sao, máu nữa mà quàng vài nàng kéo nàng vào lòng là lập tức có tiếng đằng hắng phía sau cảnh cáo. Nếu không biết hoặc bất chấp cái đằng hắng cảnh cáo kia, cứ ẩn nàng nằm xuống vệ cỏ rồi hôn hít sờ soạng thì chỉ một phút sau đã thấy ba bốn người đứng vây quanh, nói yêu cầu hai người về uỷ ban giải quyết. 

Hồi đầu mình không hiểu ở đâu ra lực lượng này. Chính quyền không hề tổ chức, đoàn thể cũng không. Trừ một vài người có “ lối sống bê tha”, “ chậm tiến” họ cần phải theo dõi để “giúp đỡ”, còn lại chẳng ai hơi sức đâu đi theo dõi hết lượt trai gái yêu nhau. Về sau mới biết ở đâu cũng có những người rất nhiệt tình làm việc này, họ tự thấy trách nhiệm cuả mình ở khắp mọi nơi, đặc biệt việc giữ gìn nếp sống mới thì họ nhiệt tình lắm, hăng hái lắm.

 Mình có ông thầy dạy thể dục cấp 3 rất hăng say làm chuyện này. Nhà trường không hề giao nhiệm vụ cho thầy, tự thầy tập hợp một số học sinh lập thành một đội gọi là Đội săn bắt hủ hoá. Tối nào cũng vậy, thầy dắt cả đội đi đi bò bò vào rừng trâm bầu, cồn hoang, bãi cát, bờ đê… săn lùng các “cặp đối tượng”. Từ năm 1965 đến 1975, trong vòng mười năm hàng trăm “ cặp đối tượng” bị Đội săn bắt hủ hoá của thầy hoặc tóm gọn hoặc đuổi chạy bán sống bán chết.

Có lần mình rủ thằng Thuỷ, con cậu ruột của mình, lừa Đội Săn bắt hủ hoá cái chơi. Trong nhà mình có mấy đứa con gái ở trọ, mình lấy áo quần chúng nó mặc vào, lấy giẻ độn ngực rồi đeo cooc sê vào, đội nói lên để che cái đầu trọc. Tối đó trăng sáng, mình khoác tay thằng Thuỷ đi ra rặng trâm bầu. Vừa vào rặng trâm bầu đã thấy vài cái bóng bám theo sau lưng. Mình và thằng Thuỷ cứ đi sâu vào rặng trâm bầu, rồi chui vào bụi rậm. Hai đứa ôm nhau vờ rên rỉ giọng Bắc, nói anh ơi xướng xướng, em ơi  xướng xướng. Thầy và mấy đứa học trò nhảy đại đến bụi cây, lên đạn đánh rốp, nói yêu cầu anh chị ra khỏi bụi ngay. Mình giả giọng con gái Bắc, nói em xợ nắm, xin nhà chường tha cho em. Thầy hét lên, nói các đồng chí, bắt sống khẩn trương bọn dâm ô truỵ lạc. Mấy đứa học trò lôi cổ mình và thằng Thuỷ ra. Có thằng còn tranh thủ bóp hai nùi giẻ trên ngực mình mấy bóp. Biết bị mắc lừa thầy tức lắm, nói học sinh mất dạy, dám lừa cả thầy. Nói rồi thầy phủi đít quần đi một mạch về nhà. Từ đó cho đến khi mình rời trường cấp 3 thầy không bao giờ nhìn sửa mặt mình, hi hi.

 Bây giờ thầy già rồi, mỗi lần gặp thầy mình đều nhắc lại chuyện đó trêu thầy. Thầy nhăn răng cười, nói thừa nhận tui ngu, có ai yêu đương chỉ bằng nước bọt không đâu, sao lại bắt người ta mấy chuyện đó chớ. Mình nói giả sử cấp trên bảo thầy đi bắt thì cũng không sao, đằng này thầy tự nguyện  tự giác đi làm mấy chuyện đó mới tức cười. Thầy cười cái hậc, nói rứa mới ngu, tui nghèo khó từ hồi đó đến giờ cũng vì mấy cái ngu đó thôi, suốt đời ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, ngu chi ngu tàn bạo.

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

Yêu và ăn- 3

Nguyễn Quang Lập
Thừa nhận hồi trẻ mình được nhiều con gái thích. Tính mình vui vẻ, hay nói cười đùa cợt chọc ghẹo, lại thêm tí tài văn nghệ văn gừng nên được   các nàng hay để ý. Thời đó đều đói nghèo như nhau cả, giàu nghèo chỉ phân biệt áo rách hay áo lành, đủ bữa hay đứt bữa vậy thôi. Hơn nữa đang còn con nít cũng ít đứa quan tâm đến chuyện giàu nghèo. Thời phổ thông, hot boy là đẹp trai học giỏi. Lên đến đại học mới bổ sung vào tiêu chuẩn hot boy là đẹp trai học giỏi con nhà giàu. Nói chung chẳng cần nhà giàu, cũng chả cần học giỏi, chỉ cần đẹp trai là thành hot boy.


            Một buổi tối hồi học lớp 10, thằng Hiển đạp xe đến tận nhà trọ của mình, mặt mày quan trọng gọi mình ra, nói tao nghe mấy em bình bầu, khối 10 đẹp trai nhất là thằng Ngô Phi Hải, thứ nhì là mày. Mình sướng rêm. Từ bé đến lúc đó chưa bao giờ nghĩ là mình đẹp trai, cũng chưa có ai khen mình đẹp trai. Thấy con gái hay cảm tình thì cũng chỉ nghĩ chắc chúng nó muốn làm thân để hỏi bài, thế thôi. Lần đầu nghe thằng Hiển thông báo mới biết chẳng những mình đẹp trai mà còn đẹp trai thứ nhì, sướng muốn chết, cả đêm lâng lâng lăn qua lăn lại không ngủ được, vừa bảnh mắt đã nhảy ra cái chum nước soi mặt ngay, thấy cái mặt mình sao mà đẹp thế không biết. He he.

            Bây giờ mới để ý đến vì sao con gái thích mình. Thời học trò thì chỉ ý đến nhau, thích nhau chứ chả yêu đương gì đâu, thế cũng  sướng củ tỉ rồi. Một hôm mình ngồi nói chuyện ăn với bọn con trai, nói mình thích nhất món cơm rượu ( chả biết món này nơi khác gọi là gì, chỉ biết đó là món cơm nguội ủ men rượu, ăn ngòn ngọt cay cay chua chua rất ngon, quê mình gọi là cơm rượu). Sáng sau có ba nàng trong lớp gọi mình ra riêng, nàng nào cũng dúi cho mình một gói cơm rượu. Hôm đó mình được bữa no cơm rượu còn ba nàng thì cãi nhau, vì nàng này thấy nàng kia lén cho mình cơm rượu, các nàng hằm hè nhau suốt học kì, hi hi.

            Trường cấp 3  Bắc Quảng Trạch hồi đó khoá nào cũng có nhiều nàng rất xinh, khóa mình có nàng Th. xinh nổi tiếng. Các chú bộ đội hồi đó kháo nhau, nói về Quảng  Bình mà không thấy con Th. coi như chưa về Quảng Bình. Nàng Th. học lớp 10 E, mình cũng không để ý lắm, đánh đu với mấy nàng lớp 10B cũng đủ mệt rồi, chả thiết tha gì đến nàng. Hơn nữa thấy  nàng  nào mới nứt mắt đã phong nhũ phì đồn thì chê là xấu, không thích. Nhưng nàng Th. lại để ý đến mình, chào cờ sáng thứ hai nào hễ tập trung toàn trường là nàng cũng cố tình va vào mình, va xong thì kêu ui, lườm cái cười cái, nói vô duyên chưa tề, rồi ngoảy đít bỏ chạy. Bây giờ nhớ lại mới biết như thế là người ta thích mình nhưng hồi đó chả biết gì, cũng chả quan tâm.

 Thằng Hiển khôn sớm, tí tuổi đầu đã biết làm đỏm, thấy con gái đẹp là mê tít, nó rỉ tai mình, nói con Th. nó thích mày đấy. Mình chả tin, té ra thật, nàng tìm đến nhà trọ của mình xin ở trọ, quá ngạc nhiên. Mình ở trọ với thằng Trung, thấy con gái đến ở chung mừng lắm, đỡ phải nấu cơm rửa bát giặt áo quần. Nhưng nàng Th. chỉ rửa bát giặt áo quần cho mình thôi, không bao giờ làm việc đó với thằng Trung. Khi nàng nấu cơm bao giờ cũng gọi thằng Trung sai vặt. Thằng Trung tức điên, nói răng mi không sai thằng Lập, toàn sai tau? Hi hi nó còn rủ thằng Khoa núp chuồng lợn rình xem mình với nàng có làm gì không. Khổ, làm gì, biết gì mà làm, cầm cái tay cũng chẳng dám còn bảo làm gì.

Khổ thân gái đẹp, nàng Th. chẳng học hành gì được, suốt ngày lo trốn bộ đội với các thầy đến cưa cẩm. Mình và thằng Trung thích lắm, vì bao giờ các đồng chí tán gái đến chơi cũng có quà khi thì bánh ngọt khi thì hoa quả. Nàng không bao giờ đụng đến mấy thứ đó, chỉ béo mình với thằng Trung, chỉ cần chờ các đồng chí ra về là hai thằng tranh nhau ăn no. Có hôm đói bụng, hai thằng nằm gác chân lên nhau thở vào thở ra, nói răng bữa ni không có đồng chí mô đến thăm em Th. rứa hè. Nàng Th. nghe thế thì chạy xộc đến mắt trợn tay chỉ, nói này, đừng có điên nha đừng có điên nha. Hai thằng cười, trêu nàng. Điên tiết nàng vác đòn gánh đuổi hai thằng chạy chí chết.

 Th. vốn hiền lành nhu mì, chỉ vì người ta đến cưa cẩm đông quá đâm kiêu, coi đàn ông như rác, mấy thầy hay cưa nàng cũng coi như rác.Trong trường có thầy M. dạy toán mới ra trường thích nàng lắm, đến thăm nàng luôn luôn. Cứ khi nào thầy M. đến chơi là nàng trốn. Một hôm nàng quên cái nón ở lớp, thầy M. cầm nón đến nhà, trong nón đầy ổi chín với khế ngọt. Thằng Trung mừng húm lăng xăng chạy ra đỡ lấy nón, thầy không cho, nói chúng mày bảo cái Th. ra lấy nón. Mình chạy vào buồng năn nỉ với nàng, nói mãi rồi nàng cũng ra, nàng vừa đỡ lấy nón, vừa cảm ơn thầy, chợt thấy cái thư thầy lót dưới mấy quả ổi, điên lên nó hắt cả nón ra sân, bỏ chạy. Thầy M. cũng giận bỏ về. Hai thằng thi nhau lúi húi nhặt ổi khế vương vãi, vừa nhặt vừa ăn nhuồm nhoàm, đã đời. Lại còn bóc cái thư ra đọc, ngâm nga như ca cải lương, ôi Th. ơi… thầy thương em nắm nắm… em là tất cả của ơ ơ ơ… thầy… ầy! Nàng Th. lại vác đòn gánh đuổi hai thằng chạy chí chết, hi hi.

Thầy M. vẫn kiên trì tán tỉnh nàng Th. Một hôm thầy nhờ mình đưa cái thư cho nàng. Mình cầm về đưa cho nàng. Nàng giật cái thư ném đi, nhìn mình cái nhìn dỗi hờn, nói ngu lắm. Mình nói răng ngu. Nàng vừa đấm ngực mình vừa nói ngu ngu ngu ngu. Rồi nàng ôm cây cau đứng khóc. Mình chẳng hiểu gì, cứ đứng trương mắt nhìn, hi hi ngu thế không biết, nhiều khi nhớ đến chuyện đó cứ tiếc rẻ mãi.

Vào đến Bách Khoa thì hết ngu, lại được mấy anh Hà Nội bồi dưỡng “ Nâng cao nghiệp vụ tán gái”, mình đánh đu với các em xinh đẹp không biết mệt mỏi. Không biết thời này thế nào chứ thời đó trai Bách Khoa rất được ưa chuộng. Đã trai Bách Khoa lại Khoa vô tuyến điện thì hết chê, càng được ưa chuộng, hầu như đánh đâu thắng đó. Gái Bách Khoa được có một nhúm, ở chưa hết gác 1 nhà B3, “quỉ Bác Khoa ma Tổng Hợp” mình chẳng màng, cứ xông thẳng đến trường Y trường Sư Phạm, hai nơi đó nguồn gái đẹp vô biên. Mình đã có một em dấm sẵn rồi, gọi là nàng Sơn Tây, nàng bán căntin ở trường Sĩ quan phòng không, nhưng hễ thấy gái đẹp là lập tức mắt sáng lên hình viên đạn, kiên quyết tiêu diệt đến cùng, hi hi. Cứ chiều thứ 7 mình nhảy xe ca lên Sơn Tây, cơm no bò cưỡi đến chiều chủ nhật mò về. Mỗi lần ra về nàng Sơn Tây đều gói cho bốn tút thuốc Tam Đảo, về đến Hà Nội là mình bán liền, chấp nhận hút thuốc lá cuộn, dành tiền cho “ công cuộc tán gái  đi đến thắng lợi cuối cùng”.

Xe đạp mượn thằng Đông, dép nhựa Tiền Phong mượn anh Thu, thiếu tiền thì nhảy sang khoa Kĩ sư kinh tế mượn thằng Viết. Thằng Viết này hay lắm. Con trai đa phần chỉ ghét con gái hồi cấp 2, sang đến cấp 3 thì mê tít, nó lên tận đại học rồi vẫn còn ghét con gái. Mình đi chơi với thằng Viết, thấy em nào đẹp là mình tay chỉ miệng nói em này ngon cực, em kia ngon cực. Lần nào cũng vậy, mặt nó hất lên, nói vô nghĩa. Đến năm cuối đại học rồi mà gặp gái đẹp mặt nó vẫn hất lên, nói vô nghĩa. Hi hi.
Hồi đó tán gái chỉ một bài, gặp gái đẹp là làm thơ đọc thơ tặng thơ. Phòng nữ sinh viên có đến mười hai cô, mình mặt trơ cứ sà vào chỗ nàng mình ưa đọc thơ liên tù tì hết bài này sang bài khác, mặc kệ các cô khác. Có cô mải học bài, nghe mình đọc thơ khó chịu lắm, mình cũng mặc. Hi hi thế mới gọi là nhất đẹp trai nhì chai mặt. Thỉnh thoảng có bài đăng báo thì làm như vô tình để lộ ra cho nàng biết, nàng tròn xoe mắt nhìn mình, vô cùng ngưỡng mộ, he he. Mấy bài thơ vừa dở vừa sến đó thôi mà thu hoạch cũng kha khá, đi tàu xe hễ ngồi gần gái đẹp là mình đều dở cái bài tán thơ ra, nghĩ lại xấu hổ chết được, sao hồi đó hâm thế không biết.

Cô nàng Sơn Tây của mình bắt được quả tang mình đang ôm gái đẹp mấy lần, lần nào mình cũng năn nỉ nói dối như hát hay, khất khổ mãi rồi cũng qua. Nhưng rồi mưa dầm thấm đất, cuộc tình 6 năm của mình rồi cũng tan. Vào lúc mình ra trường, háo hức chuẩn bị cưới nàng, quyết định cắt hết đuôi hết vệ tinh để làm một “chàng trai chân chính” với nàng thì nàng bỏ mình theo một ông Phun thuốc sâu ( Phó tiến sĩ) ở Hung về. Nhớ mãi cái đêm mình đứng chờ nàng ở cổng trường đến 11h đêm thì thấy nàng đang ngồi sau xe ông Phun thuốc sâu, hai tay nàng ôm chặt eo ông, xong om!

Bạn bè ai biết chuyện cũng tìm đến chia sẻ động viên, chỉ có anh Đạt là không. Anh nhấc điếu cày rít một hơi, ngửa cổ nhả khói, cười khờ khờ khờ, nói đáng kiếp cái thân mày, ác giả ác báo.
 Hi hi.

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Yêu và ăn- 2

Nguyễn Quang Lập
Nghĩ lại ngày xưa đi học đại học sướng hơn bây giờ. Con cái vào được đại học, bố mẹ chỉ lo giấy bút và tiền tiêu vặt thôi, còn lại Nhà nước lo tất. Mấy đứa con em miền Nam tập kết còn được học bổng mỗi tháng 22 đồng, dân Quảng Bình- Vĩnh Linh tụi mình cũng được 4 đồng một tháng. Vì thế mà con nhà nghèo rớt mồng tơi như mình mới được học hành tử tế. Đặt hoàn cảnh của mình rơi vào ngay nay thì tốt nghiệp phổ thông xong là chấm hết, chẳng mơ chi đại học với đại heo, tiền đâu mà đi học?


 Tiêu chuẩn sinh viên các trường Đại học đều như nhau nhưng không hiểu vì sao sinh viên Bách Khoa ăn ở vẫn tốt hơn, có lẽ công tác quản lý ở trường này tốt hơn. Sinh viên các trường khác nhìn vào trường Bách Khoa đều lác mắt. Khu giảng đường do Liên Xô xây dựng rất hoành tráng, bốn nhà ăn Bách Khoa thuộc loại sạch đẹp nhất Bộ đại học. Sinh viên Bách Khoa được ăn ngày ba bữa. Buổi sáng được phát một cái bánh mì ngọt, hai bữa trưa chiều chỉ việc xách miệng đi ăn, không phải mang theo bát đũa gì. Đến nhà ăn cứ bốn thằng một mâm, chìa phiếu ra lấy cơm ăn, ăn xong cứ thả mâm bát đấy ra về, mọi việc có nhân viên nhà ăn lo hết. Giống y chang sinh viên Liên Xô hi hi.

 Mình đã đi chơi các trường khác rồi, chỉ có trường Kinh Tế là kha khá một chút, còn lại đều rất tệ, tệ nhất là trường Xây Dựng, sinh viên kêu la rầm trời. Trường Sư Phạm khu nội trú còn ở nhà lá, có năm chập điện cháy trụi cả khu nội trú. Trường Tổng Hợp bị nạn thiếu nước trầm trọng, các vòi nước ở các khu nội trú chảy như nước đái thằn lằn, rất khổ. Vì thế nên các anh chị ở các trường khác khi làm tốt nghiệp thường sang cư trú ở Bách Khoa để có chỗ ăn ở tốt hơn, thư viện, phòng thí nghiệm cũng tốt hơn.

 Các chị phục vụ nhà ăn Bách Khoa đối đãi với sinh viên rất vui vẻ, thân thiện, ngược hẳn với các đồng chí mậu dịch viên ở các cửa hàng ăn uống Nhà nước. Các đồng chí mậu dịch viên này thì kinh lắm, cứ làm như khách hàng đến ăn không của nhà họ, mặt mày ai nấy như đâm lê, đố thấy có nụ cười trên môi họ. Bảo đảm khi họ mỉm cười với khách hàng thì trời sập cái đoàng ngay tức khắc, thật đấy.

Bất kì khi nào mình đến cửa hàng ăn uống mậu dịch mình cũng gặp một điều khó chịu, chuyện khách hàng cãi nhau với nhân viên xảy ra như cơm bữa, trong khi suốt 5 năm Bách Khoa mình chưa gặp bất kì một điều khó chịu nào, cũng chưa khi nào thấy sinh viên cãi cọ với nhân viên hay nhân viên quát nạt sinh viên. Thực là như vậy. Cũng có thể có mà mình không biết, riêng mình thấy nhân viên nhà ăn Bách Khoa thật tuyệt vời. Rất nhiều lần mình đến nhà ăn muộn, vào lúc nhà ăn đã dọn dẹp chùi rửa, vẫn được ăn uống như thường. Chỉ cần cửa chưa đóng, nếu lọt vào được thế nào cũng được ăn. Lúc đầu các chị nói hết giờ lâu rồi em ơi, nhưng mình vờ nhăn nhó gãi đầu bứt tai nói vì thế này vì thế kia thì rốt cuộc các chị đều cho ăn cả, đôi khi còn được một mình ăn trọn cả mâm bốn người. Mình nhớ một lần mình đi ăn muộn, nhà ăn hết sạch cơm canh, mình ra về thì chị M. cầm cái bánh mì kẹp thịt lật đật chạy đuổi theo dúi vào tay mình, nói thôi ăn tạm, lần sau đừng có đi muộn quá nha em. Thật cảm động, chị có quen biết thân thiết gì mình đâu. Thế mà có thằng còn viết trên bảng tin nhà ăn một dòng to đùng: Đề nghị đuổi chị M. ra khỏi nhà ăn số 4 vì xấu quá. Khổ thân, nghe nói chị M. khóc suốt một tuần.

 Bữa cơm Bách Khoa hồi đó chẳng có gì, mỗi bữa chỉ được hai bát cơm một nửa cái bánh mì, một hai miếng thịt hoặc đậu phụ và vài ba muỗng canh, thế thôi. Chỉ có điều sạch sẽ và ngon chứ không như các trường khác, cơm khi khê khi cháy, canh khi mặn khi nhạt, dở òm. Cũng lạ cái thời cả nước phải ăn độn sắn ngô khoai bo bo thì sinh viên Bách Khoa vẫn được ăn cơm không độn. Mình không biết có trường nào phải ăn độn không chứ Bách Khoa thì hoàn toàn không. Thời kì đau khổ nhất là người ta thay hai ổ bánh mì nưóng bằng hai nắm bánh mì hấp, chứ không hề độn khoai sắn hay bo bo như dân ăn gạo đong cả nước. Chỉ vậy thôi mà sinh viên Bách Khoa đã kêu ca như cha chết, có đứa còn làm Văn tế mì ổ rất vui.: Nhớ linh xưa… mì ổ nóng dòn, thịt kho đậu phụ, canh cá mè nấu chua ngon thật là ngon… lâu ngày quá không nhớ nữa.

Mình ở quê quanh năm ăn đói, bữa cơm Bách Khoa đối với mình như thế là no đủ lắm rồi. Nhưng nhiều đứa khoẻ ăn thì đói lắm. Ngồi cùng mâm với mấy thằng khoẻ ăn, ăn tham được coi như một đại hoạ. Thấy nó xới cơm mới kinh, xới lên môi nào là dặt dặt nén nén môi đó, cố ních cho chặt bát cơm, một bát cơm của nó bằng hai bát người khác. Đã thế nó còn ăn nhanh kinh hoàng, mình vừa ăn dăm ba miếng nó đã lùa sạch bát cơm. Lại xới bát khác, lại dặt dặt nén nén… sợ kinh.

 Tụi mình gọi mấy đứa ăn khoẻ ăn tham này là bè lũ Đế quốc thực dân, gặp một lần là khiếp đến già, chẳng bao giờ dám ngồi chung mâm với chúng nó. Gặp khi nó gọi góp phiếu ăn chung mâm đều tìm cách chối, nói cậu ăn trước đi, mình còn chờ mấy đứa bạn. Nói rồi lặn mất tăm, không để nó cầm tay kéo vào. Mình đã làm Hịch chọn bạn cùng mâm đọc oang oang giữa nhà ăn: Hỡi đồng bào! Giờ ăn muộn có thể  kéo dài năm phút mười phút hoặc lâu hơn nữa. Nhà ăn số 1, nhà ăn số 2 và một số nhà ăn khác có thể bị đóng cửa. Nhưng nhân dân ta quyết không sợ, quyết không chịu làm nô lệ cho  bè lũ Đế quốc thực dân, dù chết cũng không chung mâm đụng đũa với chúng. He he.

Nhớ Cơm Bách Khoa thì trăm thằng nhớ đến việc sửa phiếu ăn cả trăm, chẳng đứa nào quên, vì tuồng như đứa nào cũng ít nhất một lần làm việc này.  Phiếu ăn in ronéo, đóng dấu đỏ, trong đó đề bữa ăn ngày ăn. Sửa  chữ khó, dễ lộ, chỉ sửa ngày ăn là dễ nhất. Đứa nào làm mất phiếu ăn hoặc có bạn đến chơi muốn mời nó đi ăn đều phải lấy phiếu cũ hoặc phiếu ăn ngày sau sửa lại  cho đúng ngày đó. Chỉ cần lấy lưỡi lam cạo con số đi rồi lấy mực nho hoặc bút chì kĩ thuật viết đè lên thế là xong. Mấy đứa khoa Chế tạo Máy, khoa Đông Lực sửa phiếu ăn kì tài. Chúng nó đa phần khéo tay, lại vẽ kĩ thuật thường xuyên nên làm mấy cái trò này dễ như trở bàn tay. Chẳng những sửa số, chữ nghĩa trên đó nếu cần chúng nó cũng làm bay. Mình vốn tay chân hậu đậu, khi nào cần sửa phiếu ăn đều phải chạy sang nhờ thằng Nghĩa khoa Chế Tạo Máy hay thằng Đức khoa Đông Lực nhờ chúng nó sửa cho.

Có phiếu ăn sửa rồi nhưng phải khéo đưa mới lọt được, vì các chị nhà ăn đã quá quen cái trò tháu cáy này của sinh viên, rất khó lọt qua mắt các chị. Chỉ cần thấm nước vào số ngày, nếu chữ số bị nhoè là biết ngay phiếu dỏm. Thường khi phát hiện ra phiếu dỏm các chị cũng chẳng mắng mỏ gì, chỉ lườm cái rồi trả lại phiếu. Muốn đưa phiếu dỏm trót lọt phải chọn khi đông người, lại đặt cái phiếu dỏm thứ 3 trong bốn phiếu, hoặc đưa một lúc ba bốn mâm ( từ 12- 16 phiếu), các chị lo kiểm số phiếu không để ý. Lại chọn thằng đẹp trai, chưa có “ tiền án tiền sự”, vừa đưa phiếu vừa tán lia xia, nói giời ơi chị mới làm tóc à, xinh thế, trẻ ra bao nhiêu- Chị ơi chị có em gái không cho em ở rể- Bữa nay trông mắt chị long lanh dễ sợ, vừa được yêu phải không…. Đại loại thế, làm cho các chị mất tập trung, hoặc thấy phiếu dỏm cũng lờ đi cho. Trường hợp các chị phát hiện ra phiếu dỏm, dúi phiếu trở lại thì nhăn nhó gãi đầu bứt tai, nói chị ơi thương em đi, bữa nay em có khách, em biết chị thương em mà. Các chị cười cái lườm cái, nói cậu này mồm miệng ghê lắm, chỉ lần này thôi nha. Lập tức cười toe toét, nói ôi cảm ơn chị quá, em yêu chị vô cùng. Hi hi thế là xuôi chèo mát mái.

Cơm Bách Khoa rất nổi tiếng trong giới sinh viên Hà Nội, bạn bè  đến chơi nếu mời đi ăn là chúng nó đi liền. Mình có vài thằng bạn ở các trường khác chiều thứ bảy nào cũng đến “thăm” mình để kiếm bữa cơm Bách Khoa, thành thử thứ bảy nào mình cũng phải lo một vài ba phiếu dỏm. Cho chúng nó ăn uống no nê, chẳng được khen lại còn bị ghen tị, nói è he, tao mà được ăn cơm Bách Khoa thì tao học giỏi bằng mười mày. He he có lý.

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Tròn 4 tháng Trương Duy Nhất bị bắt

Nguyễn Trọng Tạo

Lâu không có tin gì về Trương Duy Nhất từ trại tạm giam, thấy nong nóng con mắt, tôi gọi điện cho người bạn thân của Nhất, hỏi xem có tin gì mới không. Người bạn nói “Nhất vẫn khỏe”. Chả là cách đây 1 tuần, người nhà được gặp Nhất ở trại tạm giam cho biết như thế. Và bạn của Nhất nói thêm “Hôm nay là đúng ngày Nhất bị bắt 4 tháng trước, ngày 26.5 2013.


Tôi giật mình. Vậy mà đã 4 tháng tròn, 4 tháng mà lệnh tạm giam đã có hiệu lực và hết hiệu lực.
Lục lại tin cách đây 4 tháng trên báo Thanh Niên:

(TNO) Chiều nay 26.5, nguồn tin Thanh Niên Online cho biết Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an vừa tiến hành bắt giữ ông Trương Duy Nhất (49 tuổi, ngụ tại TP.Đà Nẵng) về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước Việt Nam, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân theo điều 258, Bộ luật Hình sự.

Sau khi thực hiện lệnh bắt, Cơ quan an ninh điều tra cũng đã tiến hành khám xét khẩn cấp đối với ông Trương Duy Nhất (hộ khẩu thường trú và chỗ ở: số 25 Tống Phước Phổ, P.Hòa Cường Bắc, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).

Quá trình bắt và khám xét khẩn cấp được Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an phối hợp với Công an TP.Đà Nẵng thực hiện.

Chiều cùng ngày ông Nhất đã được di lý từ TP.Đà Nẵng ra Hà Nội.

Ông Trương Duy Nhất nguyên là nhà báo nhưng được biết đến nhiều hơn với tư cách là chủ của trang blog Một góc nhìn khác.

Hiện tại trang blog Một góc nhìn khác do ông Nhất điều hành đã không còn truy cập được.

Được biết, ông Trương Duy Nhất có thời gian làm báo Công an Quảng Nam Đà Nẵng, sau đó chuyển sang báo Đại Đoàn Kết, thường trú khu vực miền Trung.

Ông Trương Duy Nhất “gia nhập” cộng đồng mạng bằng tuyên bố “bỏ viết báo, chuyển sang viết blog”, và bắt đầu thu hút sự chú ý bằng các bài viết bình luận thời sự, nhưng dưới một góc nhìn khác, theo chủ ý Trương Duy Nhất.

Các bài viết của ông Trương Duy Nhất gây ra nhiều tranh cãi, thậm chí cả những cuộc “bút chiến” kịch liệt giữa các blogger.

Hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của ông Trương Duy Nhất để xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 258 bộ luật hình sự là thế này đây: 

“Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”.

Đã có nhiều bình luận trái chiều khi Nhất bị bắt. Người cho rằng Nhất viết blog có quan điểm “phe phái chính trị” xúc phạm lãnh đạo, người lại cho rằng Nhất “nói quá thẳng về suy nghĩ của một công dân”.

Tôi nghĩ, cả hai điều đó đều đúng với Nhất. Nếu có gì sai, chỉ cần tranh luận hay trao đổi thẳng thắn thì cũng chả sao. Còn nếu cứ khép vào tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ” thì quá nặng nề, cho dù là phạt cảnh cáo đi nữa. Nếu cứ chê ông này, khen ông kia, và nói thẳng suy nghĩ của mình một cách công khai thì đấy là quyền của mỗi người. Cái quyền đó mà mất đi thì con người chỉ còn là cái máy gật mà thôi.

Thời này viết lách sao mà khó thế. Viết mà cứ nghĩ mình sẽ bị bắt thì còn lòng dạ đâu mà viết nữa!
Không biết ở trại tạm giam, Nhất đang nghĩ gì? Có viết được bài nào nữa không hay chỉ ngồi viết tường trình, viết lại những cuộc thẩm vấn? Hay đây chỉ là một cuộc “đi thực tế” để sau này được tự do sẽ viết về Công an, Tòa án?

Chỉ biết là “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” tức là ”một ngày trong tù (bằng) nghìn thu ở ngoài”.
Chỉ biết là mỗi tháng 2 lần được vợ con đến trại giam tiếp tế nhưng không được gặp.

Lần được gặp vợ con 1 tuần trước khi hết hạn tạm giam (4 tháng) không biết Nhất có vui không. Chỉ biết là lần gặp duy nhất đó, Nhất bảo vợ con mời luật sư cho Nhất. Vậy là chuyện bắt Nhất có thể sẽ thành án? Điều này ngoài suy nghĩ của tôi. Và trước mắt nếu Nhất chưa được tại ngoại thì chắc chắn lệnh tạm giam tiếp theo đã được ký.

Ai sẽ làm luật sư cho Nhất?
Hà Nội, 26.9.2013
...............................
Ảnh: CA đưa Bloger, nhà báo Trương Duy Nhất lên máy bay từ Đà Nẵng ra Hà Nội, 26.5.2013 – Ảnh Internet

Yêu và ăn- 1

Nguyễn Quang Lập
Hôm qua mình cùng Tâm Chánh đi nhậu ở nhà  Võ Đắc Danh. Nhân nói chuyện các nhà văn xưa đa phần đều không có bằng đại học, Tâm Chánh hỏi rất chân thành,  nói anh Lập có đi học đại học không. Tự nhiên nhớ cái thời sinh viên, cái thời khốn khó nhưng vui cực. Ngẫm lại chẳng có thời nào vui như thời này.

            Mình và thằng Viết ( Nguyễn Xô Viết) có giấy báo trúng tuyển Bách Khoa Hà Nội cùng một ngày. Mình nhớ khi đó mình đang đi nhặt phân bò ngoài đồng, con Vị hàng xóm tất tả chạy ra đồng hai tay vẫy vẫy, nói vơ anh Lập nời, anh trúng Đại học rồi.
Mình vất cả gánh phân bò chạy về nhà. Con Vị chạy theo mình vừa thở vừa hỏi, nói Bách Khoa là răng, là trăm khoa à, anh phải học hết cả trăm khoa à. Mình chẳng biết trả lời sao, nào có biết Bách Khoa là gì, thấy bạn bè tranh nhau thi vào Bách Khoa mình cũng thi, đứa nào cũng đăng kí Khoa vô tuyến điện mình cũng đăng kí, cũng chả biết vô tuyến điện là cái gì.

            Chiều đó mạ mình chạy ra chợ mua 2 đồng mực tươi, loại mực cơm nhỏ bằng ngón tay cái. Món này mình rất thích, bây giờ vẫn thích, đây là món duy nhất mình ăn không biết chán. Suốt bữa cơm bà cứ gắp hết con này đến con khác cho mình, nói ăn đi con, ra Hà Nội không có mực tươi mô con. Rồi bà khóc tủi, chắc là bà cảm phận nghèo mà khóc, con cái đỗ vào đại học mà không thể làm mâm cỗ để ăn mừng. Ba mình đi vay hàng xóm được ba chục đồng cho mình, anh chị em bà con kẻ cho ba đồng người cho năm đồng, cộng lại đúng 108 đồng, đó là món tiền duy nhất mình nhận được từ gia đình. Từ đó cho đến khi ra trường mình đều tự kiếm sống lấy, không phải xin gia đình nữa, vì nếu có hỏi xin thì ba mình cũng chỉ có một cách duy nhất là chạy đi vay mượn.

Nhà thằng Viết làm thợ may, khá hơn nhà mình nhiều, nghĩa là không bao giờ bị đứt bữa. Ba mạ nó còn mổ gà làm mâm cỗ ăn mừng, cho nó 200 đồng, bà con tới mừng thêm 100 đồng là 300 đồng. Thấy nó khoe có ba trăm đồng, mình lác mắt. Thằng Viết ra Hà Nội năm đầu chẳng biết tiêu gì còn gửi tiền về cho nhà, có lẽ cả nước chẳng có đứa nào đi học lại gửi tiền về nhà như nó. Đa phần chưa hết tháng đã tiêu sạch bách, viết thư về nhà chữ nghĩa du dương lắm, con thương con nhớ con yêu… Quan trọng nhất vẫn là  tái bút với nhân tiện, à quên… là cái đoạn xin tiền, hi hi.

Buồn cười bà con đến thăm chẳng có ai dặn dò phấn đấu, tu dưỡng, học giỏi như thời này, toàn dặn dò đề phòng bị ăn cắp, bị trấn lột. Tâm lý nhà quê cứ ra phố là sợ, nhất là phố Hà Nội lại càng sợ. Chẳng ai ở Hà Nội cả, thậm chí có người chẳng biết Hà Nội ở hướng nào, nhưng kể chuyện trộm cắp ở Hà Nội cứ vanh vách, nói oa chà, Hà Nội trộm cắp như rươi, một mét vuông tám thằng ăn cắp. Ai nấy nghe thế thì hết hồn. Có một nhúm tiền mà mạ mình may cái túi nhỏ phía trong lưng quần, găm ba bốn cái kim băng, dặn đi dặn lại cách thức lấy tiền, giữ tiền cứ y như đang mang theo bảo bối.

 Hai thằng đi nhờ xe tải ra Vinh, từ đó nhảy lên tàu chợ ra Hà Nội. Tàu chợ chật như nêm, hôi rình, ghế chẳng có, phải trải nilon giữa sàn tàu mà ngồi, thế mà hai thằng sướng rêm. Suốt đêm hai thằng nằm áp tai xuống sàn tàu  nghe tàu chạy say sưa. Thủa bé đến lúc đó có biết tàu hoả là gì đâu, xem phim, mà chỉ phim Liên Xô mới có, thấy nó dài loằng ngoằng lao sầm sập thật đã quá trời, nghĩ bụng tàu bè máy bay chỉ là thứ để ngắm chứ không bao giờ được hưởng, chẳng ngờ có ngày được ngồi tàu, thật sướng củ tỉ. Tiếng xình xịch của tàu nghe cũng đã, tiếng còi tàu thỉnh thoảng hú lên, nghe sao mà sang trọng thế không biết, hi hi.

Ấn tượng đầu tiên bước chân đến Hà Nội là người và xe nườm nượp, đông hơn cả ở quê khi có hội hè. Thằng Viết cứ túm áo mình nhìn ra đường phố ngơ ngơ  ngác ngác, nói oa chà họ đi mô rứa hè, họ đi mô rứa hè. Suốt cả ngày hôm đó hai thằng nghĩ mãi không ra người ta ra đường làm gì mà đông đến thế. Đến khi đến trường mới choáng, cả mấy ngàn chiếc xe đạp xếp đầy bãi giữ xe. Ở quê vào phiên chợ, nhiều lắm cũng chỉ có vài chục chiếc, còn ở đây cả mấy ngàn chiếc, lại toàn xe sang, xe Phượng hoàng, xe  Favorite, xe Diamond… đủ cả. Hai đứa há hốc mồm trước sự giàu sang của học trò Hà Nội.

Lần đầu tiên biết thế nào là cầu thang, là lan can. Đứng ở tầng 4 nhà C1 nhìn xuống sân trường thấy ngờm ngợp. Không dám tựa lan can, sợ chẳng may lan can gãy một phát ngã lộn cổ xuống đất thì tan xương nát thịt. Vào toilet khu giảng đường mới kinh hoàng, gạch men láng coóng, vòi hoa sen I nôx  sáng choang, nhìn cứ ngất ngây. Thằng Viết lần đầu vào toilet đi ngoài, đi xong nó chạy ra mắt trợn mồm há, nói ua chầu chầu lập ơi, hố xí sạch đẹp vô cùng, ngồi ăn cơm trong nớ cũng được. Không bằng mình, toilet ở phòng thí nghiệm có xí bệt không phải xí ngồi, có lẽ thời này chỉ có phòng thí nghiệm mới có xí bệt thôi chứ chẳng nơi nào có. Mình đau bụng nhảy vào, thấy cái xí bệt cứ ngơ ra, không biết đặt hai chân vào đâu, loay hoay mãi không biết  làm thế nào trong khi đau bụng quăn quại. Mình chạy ra gọi thằng Lân, nó vào toilet thấy xí bệt thì ôm bụng cười rũ. Mình tức, nói mày chỉ mau lên không tao tương ra cả quần bây giờ. Nó bảo tụt  quần ra đặt đít vào, thế thôi, ngu! Bây giờ nhớ lại cứ cười mãi, đúng là ngu thật.

Mình nhớ lần đầu nhập phòng nội trú vừa lúc mất điện, anh Tước bảo với mình, nói Lập Lập, cậu kiểm tra cái cầu chì xem thế nào. Mình cứ đứng trơ ra, đực mặt như ngỗng ỉa. Ở quê có điện đâu mà biết cầu chì, học vật lý điểm 9 điểm 10 đỏ choét, bảo vẽ kí hiệu cầu chì thì nửa giây là xong ngay nhưng cái cầu chì tròn méo thế nào thì chịu. Mang tiếng sinh viên khoa vô tuyến điện mà cái cầu chì lại không biết, đến nhục. Nhục nhất vào văn phòng khoa, có điện thoại mình nhấc lên, bên kia đầu dây nói cho tôi gặp cô Dung, mình dạ rồi đặt ống nghe vào tổ hợp. Cô Dung chạy lại đã thấy điện thoại đặt vào tổ hợp mất rồi. Cô nhìn mình như nhìn người ngoài hành tinh, nói em sinh viên năm mấy rồi mà điện thoại không biết dùng. Xấu hổ chết được.

Đám học trò ở quê ra như mình với thằng Viết ngày mới đến trường đều đứng ngồi khép nép, nhìn đám học trò Hà Nội đi lại ngênh ngang nói cười tự nhiên như chỗ không người thì phục lắm, sợ nữa. Đứa nào mình cũng gọi anh xưng em, không dám ho he gì với chúng nó cả. Nghe chúng nó  xổ ra mấy câu tiếng Nga lại càng sợ , lo ngay ngáy không biết mình có học hành theo kịp chúng nó không. Con gái Hà Nội thì mê li, rất ngưỡng mộ. Hầu hết đều biết ăn diện, biết đánh phấn bôi son, các nàng lướt qua khi nào cũng nghe thơm nức. Lại gọi nhau tíu tít, nói ấy ơi, gì ơi, mình ơi… nghe ngọt lịm sườn. Nghe các nàng nói, thấy điệu bộ các nàng, cái cách ăn mặc của các nàng tự nhiên thấy mình quê một cục.

Mình với thằng Viết mới cố tẩy rửa quê mùa đi cho ra vẻ người Hà Nội. Đầu tiên là tập tọng nói giọng Bắc, giọng Bắc chả nói được cứ cố vặn lưỡi ra nói cái giọng Bác ngọng, nói chời ôi, xao thế nhẩy, xung xướng nắm thay… chết cười. Nói thế nào cũng lòi ra cái ông bọ, thấy cái nhà đẹp thì đua nhau nói ôi giời nhà đẹp nhỉ, hè? Đấy kìa, nhà đầu kia, tề! Nhỉ, hè! 

Mình với thằng Viết đi qua quán bia hơi, thấy thanh niên ngồi vắt chân chữ ngũ rung đùi bên vại bia, nhấm nháp lạc rang, thỉnh thoảng nhấp ngụm bia rất là tay chơi. Thằng Viết hăng hái sắp hàng mua hai vại bia làm tay chơi. Hai thằng cũng vắt chân chữ ngũ cũng rung đùi ra vẻ đây dân phố. Nhưng khi nhấp vào một ngụm bia, hai thằng lập tức bụm mồm, mặt nhăn như bị, nói đ. Mạ, như nước đái bò. Không dám nhổ toẹt, sợ bị chê là quê, cố nuốt cho trôi.  Bỏ hai vại bia không uống thì sợ bị chê là quê, hai thằng bèn mua bánh ngọt nhai đầy mồm rồi rót bia vào mồm, cố nuốt trôi hai vại nước đái bò, hi hi đến khổ.

Thằng Viết bây giờ làm giám đốc sở điện, vừa được điều đi chỉ huy một dự án điện lực Miền Trung rất to, chả biết tiền bạc có kiếm được không nhưng rượu bia thì bảo đảm bét nhè. Không biết nó có nhớ hai vại nước đái bò thủa mới từ nhà quê ra tỉnh nữa không, hi hi.

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

Tết của người bạn mù

Nguyễn Quang Lập
Thằng Tý ở làng Đông với mình. Nó bị mù hai mắt, mù bẩm sinh, mắt nó toàn lòng trắng như hai quả trứng chim cút. Năm 1966 nhà mình từ Ba Đồn sơ tán lên làng Đông thì mẹ nó cũng đem nó về làng. Không rõ mẹ nó ở đâu về, chỉ thấy một mẹ một con, nhà ở ven đường cuối làng, cạnh cây cừa cực to.

 Nó suốt ngày ngồi ở gốc cây cừa trước nhà thổi sáo. Thổi rền rĩ bài này sang bài khác, đến khi kiệt sức thì nó ngủ. Nó ngồi tựa gốc cây cừa cứ thế ngủ.
Nó ngủ không nhắm mắt, đôi mắt trăng nhỡn của nó mở to trông ra cánh đồng. Tuồng như nó không đi đâu, cứ ngồi thế, ăn ngủ ở đấy luôn, mạ nó van lạy thế nào nó cũng chịu vào nhà, trừ khi mưa gió.

Mình qua lại rất nhiều lần, vẫn biết nó là thằng Tý nhưng chưa khi nào chào nó. Một hôm mình đi qua, thấy nó thổi sáo hay quá bèn đứng lại nghe, chỉ đứng im sau lưng nó, không hề lên tiếng. Nó ngừng thổi, nói Lập à, ngồi xuống đây chơi. Mình quá ngạc nhiên, chẳng những nó biết có người sau lưng, còn biết người đó là ai. Mà mình cũng chỉ mới tới làng chừng một tháng, đã quen biết gì nhau đâu, chả hiểu vì sao nó nhận ra hơi hướng của mình, quá tài. Mình ngồi xuống, nói răng mi biết tau, tài rứa. Nó cười hiền lành, thò trong túi lấy củ khoai bẻ đôi đưa cho mình một nửa, nói ăn đi, ngon lắm. 

Từ đó thân nhau, mình chơi đâu cũng đem nó đi theo. Đánh du kích, mình  luôn cùng phe với nó, chẳng khi nào thua. Nó biết đứa nào đang núp đâu, làm gì, dù có bí mật đằng giời nó cũng nhận ra, thành thử trăm trận trăm thắng, he he.

Thằng Tý câu cá kì tài, không thấy phao động cựa, chỉ cần “ nghe” cần câu rung là nó biết cá đang cắn câu hay đang rỉa mồi, mỗi lần nó giật cần câu, trăm phát như một đều có cá. Cũng chả cần động tới cá, chỉ cần “ nghe” cần câu rung nặng nhẹ là nó biết cá gì mắc câu. Lâu lâu nó giật một phát, reo to a a a cá rô… a a a cá diếc… a a a cá tràu ( cá lóc). Mình ngồi câu cùng nó cả buổi may lắm chỉ được đôi con, nó thì cá đầy oi ( giỏ đựng cá). Có hôm thấy nó giật được lắm cá mà mình chẳng được con nào, mình ngồi lặng nước mắt giân giấn. Thế mà nó biết mình khóc, liền thả cần câu đi lại ôm lấy mình, nói tau với mi câu chung mà, cá  của tau cũng là cá của mi. Mình nói không phải rứa, chỉ tại cá không cắn câu thì buồn thôi. Nó nói buồn chi hè, trời không cho tau mắt thì  cho tau cá, rứa thôi.

Nhưng nó buồn nhiều hơn mình. Nhiều khi đang hò hét tưng bừng nó bỗng khựng lại, lặng thinh, hai mắt toàn lòng trắng của nó sũng nước. Một hôm mình với nó đang ngồi câu cá trên bờ mương, một đàn cò trắng mấy trăm con không biết từ đâu sà xuống đậu trắng bờ mương bên kia. Mình reo lên, nói a cò trắng cò trắng. Nó cũng reo lên, nói a cò trắng cò trắng. Rồi nó hỏi cò trắng ra răng. Mình nói cò trắng là cò trắng chơ răng. Nói nói nhưng mà màu trắng ra rằng. Mình nói như cát trắng, như giấy trắng đó mi không biết à. Nó  nhăn răng cười, chợt nó im lặng, bật khóc. Mình đứng ngẩn ngơ không biết nói với nó sao. Nó bỗng gạt nước mắt nhảy lên reo hò, chạy đi chạy lại reo hò như người cuồng, nói a tau biết rồi, cò trắng giấy trắng cát trắng… a tau biết rồi, cò trắng giấy trắng cát trắng. Rồi nó rơi sấp xuống bờ mương nằm chết giấc, rất lâu sau nó lật ngửa người lẩm bẩm, nói tau biết trắng là răng rồi, cò trắng cát trắng giấy trắng. Mặt nó đầm đìa nước mắt.

Nhiều hôm máy bay bỏ bom, ai nấy bỏ chạy tan tác, nó mặc kệ,  cứ ngồi yên một chỗ. Vừa hết bom mình chui ra khỏi hầm đã nghe tiếng sáo của nó rồi. Một lần vừa dứt bom mình chạy đến chỗ nó, nói mi không vô hầm à. Nó ngồi im, sau nó thở hắt, nói răng bom thả nhiều rứa mà tao không chết hè. Mình trợn mắt lên, nói mi thích chết à, điên à. Nó nhăn răng cười, lặng lẽ cầm tay mình, nói ừ, chết mần chi, tau chết mạ tau buồn lắm.

Nhớ nhất là những ngày tết. Năm nào cũng thế, cứ chiều ba mươi mình cầm tay nó chạy từ đầu làng đến cuối làng. Nhà nào cũng dừng lại trước ngõ thi nhau ngửi ngửi, nói a nhà ni nấu xôi… a nhà ni kho cá… a nhà ni chiên thịt gà. Nhà ông cu Hối chiều ba mươi nào cũng làm thịt chó giải xui. Mùi thịt chó nấu với riềng sả thơm nức, hai đứa thi nhau ngửi, vừa ngửi vừa nuốt nước bọt ừng ực, nói ngon hè ngon hè. Mình nói nhà mi có chi, nó nói có xôi. Mình nói có chi nữa, nó nói có thịt lợn luộc. Mình nói có chi nữa, nó nghĩ mãi không ra, nhăn răng cười, nói rứa thôi. Những khi như thế đôi mắt đầy lòng trắng của nó lại ướt sũng nước.

Ngày mồng một tết là ngày thắng Tý vui nhất. Bà con qua lại ai cũng  cho tiền mừng tuổi nó, ít thì năm xu nhiều thì hai hào. Nó ngồi giữa nhà lần từng xu từng hào, mân mê không biết chán, nói năm xu nha… một hào nha… hai hào nha… a sắp được ba đồng rồi. Nó ngửi áo mới, nói áo tau đẹp không. Mình nói đẹp. Nó nói áo mi đẹp không. Mình nói đẹp. Nó nói áo mạ tau đẹp không. Mình nói đẹp. Nó cười hì hì, nói  mi nói láo, mạ tau không có áo mới. Mình nói răng mi biết. Nó nói tau biết mùi áo mới. Rồi nó nhăn răng cười, nói nhưng tau nỏ biết đẹp là răng.  Cứ  mỗi lần nhớ đến câu này của nó là mình ứa nước mắt.

Hơn ba chục năm sau, tết năm ngoái mình lại về làng Đông. Làng xóm bây giờ không còn như xưa nữa, hình như nó teo lại bé tí, trống hoác và xơ xác. Vẫn có nhiều nhà giàu lên, nhà cửa to cao nghễu nghện nhưng vẫn không giấu được vẻ tiều tuỵ của ngôi làng. Cánh đồng trước làng bạc phếch, rừng trâm bầu sau làng biến mất tăm, chỉ còn trơ lại đôi ba gốc cây còi cọc. Đường vào làng không một bóng cây, cây cừa trước nhà thằng Tý ai đã chặt đi mất, cả cái đìa cá nhà nó cũng khô rang, toen hoẻn như hố trâu đằm. 

Thằng Tý đã già, người nhỏ quắt lại, tóc bạc trắng để dài xoả kín lưng. Nó vẫn ngồi nơi gốc cây cừa ngày xưa thổi sáo, đôi mắt trắng nhỡn của nó vẫn mở to nhìn ra cánh đồng. Mình rón rén đi đến đứng sau lưng nó. Lúc đầu mải thổi sáo nó không biết, sau, nó đột nhiên dừng lại quờ tay rờ hai chân mình, nói Lập phải không.. Lập phải không… a thằng Lập, cha  tổ mi.

 Mình ôm lấy nó, nói tau đây, mi răng rồi, tóc bạc trắng cả rồi nì. Nó nhăn răng cười, nói ừ, tau biết rồi, cò trắng giấy trắng cát trắng, giờ thì tóc trắng. Nó nói xong câu đó thì im lặng, đôi mắt đầy lòng trắng của nó ướt sũng nước. Rất lâu sau nó mới cất tiếng, nói tau vẫn chưa chết, mạ tau chết lâu rồi mà tau vẫn chưa chết…

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Tết văn nhân

Nguyễn Quang Lập
Văn nhân ở đây là giới văn nghệ, không riêng gì nhà văn. Mình từ bé đến giờ kiếm sống bằng nhiều món, văn có báo có kịch có phim có, nên quen biết anh em trong giới khá nhiều. Tết nào cũng đánh đu với họ, rất vui.

Văn nhân thường ăn tết trước tết và sau tết. Trước tết chừng mươi ngày, việc vàn đã vãn, tiền nhuận bút, tiền thù lao thu gom cũng đã xong, đám văn nhân thường kéo nhau vào quán ăn nhậu đàn hát thơ phú say sưa, có khi một ngày ba hiệp sáng trưa chiều tối. Ba ngày tết mải miết đi thăm hỏi, đi lễ lạt, cúng bái, chạy rong suốt ngày ngoài đường. Sang ngày mồng 4 mồng 5 tết mới kéo nhau về nhà, lại đàn hát, thơ phú trắng ngày thâu đêm, hết nhà này lại kéo nhau sang nhà khác. 


Mấy ông văn nghệ sĩ thường ngày mỗi anh mỗi nết, vào công việc kẻ chỉnh chu người quấy quá, giao tiếp với người ngoài kẻ kín đáo người xởi lởi nhưng hễ ngồi với nhau là ra sức nổ. Người ngoài không biết cứ tưởng mấy ông này bản tính ba hoa chích choè chẳng ra sao, kì thực không phải. Quanh năm cung cúc làm ăn, làm anh công chức khiêm tốn mút mùa, năm hết tết đến gặp nhau nổ chút cho vui, gọi là xả stress. Cũng chẳng đợi đến hết năm, nhiều người hễ sà vào mâm rượu là nổ  vang trời, bốc phét cho vui, có chết thì chỉ chết mình chứ chẳng chết ai. 

Đạo diễn Xuân Huyền là một trong năm đạo diễn thuộc thế hệ vàng sân khấu Việt Nam, thế hệ đã làm nên một giai đoạn sân khấu rực rỡ 1985-1990 vô tiền khoáng hậu. Nếu hỏi mình đạo diễn thế hệ này mình phục ai nhất, tất nhiên mình sẽ nói đó là Xuân Huyền. Mình nhớ anh dựng vở Quỉ ám của mình, 11 đoàn dựng, chỉ có vở do anh dựng là ấn tượng nhất.  Sân khấu chỉ có ba cái ghế khi đứng khi đổ, khi chồng cao khi dàn hàng ngang khi chổng ngược… đã chứa đựng hết mọi hỉ nộ ái ố của vở kịch. Khán giả vỗ tay ầm ầm, chưa có vở kịch nào của mình mà cứ hai, ba phút khán giả lại vỗ tay ầm ầm như vở này.

Thời bốn năm mươi tuổi Xuân Huyền còn sung sức, lên sàn hét ầm ầm, vào mâm rựợu chén trước còn khiêm tốn, chén sau đã nổ tùm lum, vui lắm. Anh nói đạo diễn cái nước ni thứ nhất là tui, thứ 5 là Doãn Hoàng Giang, không có thứ 2 thứ 3 thứ 4. Mình trêu đạo diễn Xuân Đàm, nói anh Xuân Huyền nói thế thì anh xếp thứ mấy, không lẽ thứ 6. Anh Xuân Đàm cười hì hì nói, không không, tao thuộc đội ngoại hạng, đời nào trò dám xếp thầy vô ngồi cùng một chiếu. Anh Xuân Huyền cười khì, không nói gì. Thực ra anh Xuân Đàm là thế hệ đàn anh của Xuân Huyền thôi, chả phải thầy bà gì. Nhưng hiểu tính nhau chẳng ai trách, phàm là nghệ sĩ phải biết đùa, ông nào không biết đùa thì chán chết. Nói thật mấy ông không biết đùa thì tài cán chẳng đến đâu.

Cái cách nổ thẳng tưng của Xuân Huyền không làm ai ghét, người ta thêm mến anh mà thôi. Một lần đem vở đi hội diễn ngày giáp tết ở Sài Gòn, đêm diễn xong ngồi bù khú ở chợ Bến Thành đến hai , ba giờ sáng. Vở của anh đạo diễn không được giải vàng, mọi người xuýt xoa tiếc cho anh. Anh tợp ngụm rượu cười hề hề, nói è he, tui đem vở ni đi để lấy huy chương kim cương, huy chương vàng lấy mần chi.

Giới nghệ sĩ Hà thành nổ kinh nhất, ngày thường vào ra khiêm tốn, họp hành càng khiêm tốn. Nhưng hễ vào cuộc rượu chẳng ai chịu nhường phần nổ cho ai. Đạo diễn Quốc Trọng- ông này xưa là diễn viên xịn, từng nổi tiếng với vai Xuân Tóc đỏ- khi uống rượu say vẫn khua chân múa tay, nói phim này tôi sẽ, phim kia tôi sẽ… rồi cười hề hề, nói ối giời ơi sao mà tôi ưu điểm thế. Nhà thơ Trúc Cương rượu say còn không nhớ mình là nhà thơ, cầm chén rượu gật gà gật gù, nói tao đếch nhớ tao làm gì nhưng tao thừa nhận tao tài.

Nghệ sĩ xứ Huế ít khi nổ, rượu say cũng nói năng thanh nhã, ai khen thì cảm ơn rồi đánh trống lãng sang chuyện khác. Ngày xuân vào chiếu rượu nếu có khoe  cũng chỉ dùng tác phẩm mình để mà khoe thôi, ít ai nói năng vung tí mẹt tao tài như thế này, tao tài như thế kia. Năm 1976 mình hai mươi tuổi,  lần đầu vào Huế ăn tết với vợ chồng anh Tường, chị Dạ ( Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ). Đó là cái tết suốt đời không quên, không phải vì được cơm no rượu say mà vì được gặp rất nhiều người nổi tiếng, những người mà trước đó có cho kẹo cũng không dám mơ được gặp một lần.
Chiếu rượu nhà anh Tường lúc nào cũng đông vui, chiếu rượu tết càng vui. Hôm đó có  Trịnh Công Sơn,  Tô Nhuận Vĩ, Trần Vàng Sao, Nguyễn Khoa Điềm, Ngô Minh, Trần Thuỳ Mai. Có Trịnh Công Sơn tất nhiên rượu và hát, anh Sơn hát rồi mọi người hát bài của anh. Có anh Đính (Trần Vàng Sao) tất nhiên là rượu và thơ. Không có rượu dù ai cạy miệng cũng không moi được nửa câu thơ của anh, hễ rượu vào là anh đọc thơ, đọc hết bài này sang bài khác. Ai nói chuyện gì mặc, cứ xong chén rượu anh lại đọc một bài thơ. Anh Điềm cũng đọc thơ, có hôm đọc rất hăng đến ba bốn bài. Nhưng anh chỉ đọc khi chiếu rượu toàn dân văn, lạc vào một người ngoài thì anh chỉ ngồi tủm tỉm cười chứ không khi nào chịu đọc. Anh Sơn hoạt khẩu, anh cầm đàn hát, hò hét uống, hò hét bắt người này người kia hết hát đến đọc thơ, cuộc rượu nào có anh cũng rất vui.

Mình chưa ăn tết ở Sài Gòn khi nào nên không biết dân văn ở đây ăn tết ra sao. Sài Gòn khác với những nơi khác, đa phần dân văn về đây làm ăn, tết thường tản mát về quê cả, ít ai ăn tết Sài Gòn. Nhiều người sống và làm việc ở Sài Gòn vài ba mươi năm nhưng chưa một lần ăn tết ở Sài Gòn. Đỗ Trung Quân là một trong rất ít văn nhân bám trụ suốt mùa tết nhất ở Sài Gòn. Mẹ anh quê ở Hàng Đào- Hà Nội, di cư vào Sài Gòn, lấy chồng Sài Gòn. Biết Hà Nội là quê ngoại mình đấy nhưng bà con cô bác chẳng còn ai, tết nhất chỉ biết ngoảnh mặt ngóng ra phương Bắc chứ chẳng biết đi đâu. Quân kể, tết nào cũng thế, toàn nhậu nhẹt để chia tay anh em về quê. Tiễn anh em lên xe lên tàu về quê xong, anh ngồi buồn thiu ở ban công ngóng ra đường. Chiều ba mươi tết ai cũng chộn rộn vui vẻ, riêng anh đó là buổi chiều trống rỗng nhất trong năm. Thi Hoàng có câu thơ Có những buổi chiều không bíêt cất vào đâu, với Đỗ Trung Quân, chiều ba mươi tết là buổi chiều  không biết cất vào đâu.


Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

Chuyện buồn đau một thủơ

Nguyễn Quang Lập
Lịch sử sân khấu nước nhà có hai thảm hoạ  lớn nhất chưa từng thấy trong thế kỉ 20, đó là hai cái chết tập thể của hai đoàn kịch, một của Đoàn kịch nói Bắc Thái năm 1986, một của đoàn ca kịch Quảng Bình năm 1974.

 Hai thảm hoạ vô cùng thương tâm, một vì tai nạn không may, một vì sự chủ tâm của một người, gây xôn xao một thời cách đây ba mươi năm về trước. Thời này báo chí còn hạn chế đưa tin thất thiệt, viết về những thảm hoạ như thế này ít ai dám. Cái chết của Đoàn kịch Bắc Thái còn đưa được một vài mẩu tin, cái chết của đoàn ca kịch Quảng Bình thì đến một mẩu tin cũng không, dân chúng chỉ xì xào bàn tán thôi, ít ai biết thực hư như thế nào.


Bây giờ sau ba mươi năm, khi nỗi đau đã lắng lại mình mới dám kể, cũng là để chia sẻ nỗi buồn với sân khấu nước nhà, ngõ hầu có thể rút được kinh nghiệm để không bao giờ bị mắc phải những sai lầm như thế nữa, đặc biệt là thảm hoạ của Đoàn ca kịch Quảng Bình.

            Riêng về đoàn kịch Bắc Thái đến nay đã nhiều người biết, một số báo cũng đã viết lại kỉ niệm buồn đau này cùng với nhân chứng sống, vì thế mình sẽ không nhắc nhiều.

            Đấy là một ngày tháng tám năm 1986, đoàn kịch Bắc Thái ăn mừng thành công của vở kịch Đôi dòng sữa mẹ, hình như kịch bản của Lưu Quang Vũ, kéo nhau  đi du thuyền trên hồ Núi Cốc. Hồi này hồ Núi Cốc còn hoang sơ, du thuyền trên hồ là việc chưa quen của ngành du lịch, ai thuê thuyền đi thì có dân phục vụ thôi, mọi phương tiện cứu sinh cả trên bờ lẫn trên thuyền đều không có.
Những đồn đại thì nói rằng có một cơn lốc lạ đã nhấn chìm chiếc thuyền chở 29 người trong giây lát, không ai trở tay kịp, chỉ có 6 người sống sót, 19 nghệ sĩ đang độ tuổi xuân xanh và tài năng đang độ chín cùng với bốn em nhỏ đã vĩnh viễn không bao giờ trở về.

            Thực ra không có cơn lốc nào cả,  thuyền nhỏ người đông, anh em nghệ sĩ thấy cảnh hồ đẹp thì kẻ đứng người ngồi, kẻ chụp ảnh, người đi laị, vào đúng thời điểm thuyền vào cua gấp, ngay lập tức thuyền lật và chìm ngay xuống vực sâu.

            Một số người đã bơi thoát ra khỏi nơi tai nạn nhưng không cầm lòng được bởi tiếng kêu của đồng nghiệp, của người thân, của nhưng em bé đang ngập ngụa trong lòng hồ, đành quay trở laị. Chẳng những không cứu được ai, họ đều chịu chết chung với mọi người. Khi vớt  xác lên, nhiều người vẫn còn ôm nhau, níu chặt nhau, rất thương tâm.

            Khi đó mình đang làm việc tại Sở văn hóa thông tin Bình Trị Thiên, tin này đến ai cũng sững sờ, chua xót. Thảm hoạ kinh hoàng của Đoàn kịch Bắc Thái đã làm mọi người nhớ đến thảm hoạ của Đoàn ca kịch Quảng Bình năm 1974 cách đó 12 năm.

            Đây là thảm hoạ do một nghệ sĩ tên Hoan ( họ gì không nhớ nữa) gây ra, một mình anh đã giết chết 14 người trong đoàn vì một chuyện mà nếu thời này thì đã không bao giờ xảy ra.

 Anh Hoan là một nghệ sĩ chủ chốt của Đoàn, yêu cô Phượng 18 tuổi, rất xinh đẹp, hát hay diễn giỏi, cũng là một nghệ sĩ chủ chốt của Đoàn. Thời này cán bộ công nhân viên muốn yêu nhau công khai đều phải báo cáo với lãnh đạo cơ quan. Dù chưa vợ chưa chồng nhưng nếu không báo cáo thì đều bị coi là yêu đương không đứng đắn, thậm chí bị coi là yêu đương bất chính, ngang với tội hủ hoá, là tội rất nặng.

Anh Hoan đã có vợ, có con lại yêu một cô gái trẻ đã là một tội. Gia đình cô Phượng phản đối quyết liệt và đề nghị Đoàn can thiệp, nhiều lần Đoàn đã phê bình kiểm điểm nhưng cả anh Hoan lẫn cô Phượng đều không nghe, vẫn lén lút yêu nhau.

Đến khi cô Phượng có thai thì câu chuyện trở nên trầm trọng. Giá như thời này thì chẳng có sao. Nếu anh Hoan bỏ vợ và lấy cô Phượng mà vợ anh Hoan cũng thuận tình thì chẳng ai lấy đó làm vì, âu cũng là phúc phận ở đời.

Nhưng thời này thì khác, bất tuân yêu cầu của tổ chức là một tội, đã có vợ lại đi hủ hoá là một tội nữa. Khi gia đình cô Phượng và Đoàn yêu cầu anh và cô Phượng chia tay thì cả hai đều bỏ ngoài tai thì tội ấy không thể tha thứ được. Đoàn ca kịch Quảng Bình họp kiểm điểm liên miên, mẹ cô Phượng bám đoàn suốt ngày đêm “ Yêu cầu anh Hoan tha cho con gái tôi”.

Thực ra cái sự kiểm điểm các vụ yêu đương linh tinh, hủ hoá tầm bậy thường vẫn diễn ra không gay gắt gì, chẳng qua việc phải làm, trên bảo kiểm điểm thì kiểm điểm thôi, chỉ đôi ba người tính cự đoan thích ăn to nói lớn cho oách, chứ thực lòng chẳng ai muốn. Người ta vừa kiểm điểm vừa khuyên giải cốt để cho yên chuyện, trong đoàn tuyệt không ai ghét bỏ hai người.

Nhưng anh Hoan không nghĩ vậy, âu cũng là tâm trạng của một thời, những người bị tổ chức kiểm điểm, bị kỉ luật đều cho đời mình thế là tàn. Như bây giờ nếu không sống trong cơ quan này thì đi tìm cơ quan khác, nhiều người chuyển cơ quan năm bảy lần, chín mươi lần cũng là chuyện bình thường. Xưa thì không, một khi anh bị kỉ luật đều bị coi là xấu xa, bị đuổi việc càng xấu xa, đừng có hòng cơ quan nào nhận. Cái thời mà không ai nghĩ đến chuyện bỏ việc công ra làm riêng, bị đuổi việc được coi như cùng đường sống.

Cuộc họp đêm đó kéo dài đến 11 h đêm, anh Hoan bỏ ra ngoài, mọi người cứ tưởng anh đi vệ sinh, cứ yên chí ngồi chờ. Anh Hoan quay trở lại, ném ngay vào giữa cuộc họp một quả mìn tự tạo đựng trong lon sữa bò. Mìn nổ. Hai người chết ngay tại chỗ. Anh Hoan cầm khẩu AK đánh cắp được của bảo vệ Đoàn đi tìm từng người một, có người anh tha, có người anh bắn chết, bình thản như không.
Chị Tùng vợ nhà thơ Văn Lợi kể: khi đó chị nghỉ đẻ không tham gia kiểm điểm. Nửa đêm nghe mình nổ chị chạy ra thấy anh Hoan đang ôm súng lăm lăm đi đi lại lại tìm kiếm sục sạo, chị kêu lên răng mi bắn chết anh em Hoan ơi, anh nói kệ tui, chị chạy đi, chạy lối tê, đừng chạy lối ni, lạc đạn chết đó.

            Đoàn ca kịch sơ tán, đóng ở đồi Giao Tế thôn Đức Mỹ,  dân quân nghe tiếng súng chạy vào bao vây khu chung cư, chưa ai hiểu chuyện gì, đêm lại tối đen, thỉnh thoảng nghe một tiếng hét lên cùng với tiếng nổ đanh gọn. Đến 4 giờ sáng bộ đội công an từ Đồng Hới kéo lên, ập vào thì cả đoàn ca kịch tan nát, anh Hoan chị Phượng nằm chết kề lưng nhau, mẹ cô Phượng  nằm gần đấy, bà cũng đã chết.

            Anh Hoan đã chết cùng cô Phượng sau khi đã bắn chết cả thảy 14 anh em nghệ sĩ. Người chết hết chuyện, cho đến nay cũng không ai còn kết tội ai, nhớ đến chuyện này ai cũng cất một tiếng thở dài, âu cũng là lỗi của một thời, cái thời mà cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc mỗi cá nhân luôn bị gia đình và tổ chức áp đặt nặng nề.

Đoàn kịch  Bắc Thái sau thảm hoạ một tháng đã gượng lại được bằng  chính vở diễn  Đôi dòng sữa mẹ, cả người diễn lẫn người xem đều đầm đià nước mất. Đoàn ca kịch Quảng Bình thì không, họ mất tinh thần đến nỗi cả năm sau đó vẫn không dựng nổi được một vở nào cho đến khi nhập tỉnh năm 1976, sát nhập vào đoàn ca kịch Bình Trị Thiên. Không một ai muốn nhắc lại, hễ ai nhắc thì người khác gạt đi, nói thôi, nhắc làm cái chi nữa mà nhắc. Tất cả dường như muốn quên đi một kỷ niệm đau lòng cùng với cái thời khốn khổ ấy.