Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

Anh Cả đã qua đời

Anh cả của tôi là giáo sư tiến sĩ Nguyễn Quang Mỹ vừa qua đời lúc 3 giờ 15 phút sáng nay ngày 25/2/2014. Ông là nhà giáo nhân dân, nguyên trưởng khoa địa lý Trường Đại học khoa học tự nhiên Hà Nội, nguyên chủ tịch Hội hang động Việt Nam.

Anh Mỹ đi cũng khỏe. Nửa đêm anh kêu đau đầu, nhà đưa vào viện. Viện chưa kịp làm gì thì anh ngủ thiếp đi, lặng lẽ về trời.
Lễ viếng  từ 7h-10h, lễ truy điệu và động quan lúc 10h thứ ba 4/3/2014 ( Nhằm ngày 4 tháng 2 năm Giáp Ngọ) tại nhà tang lễ Bộ quốc phòng 5 Trần Thánh Tông- Hà Nội.
Kính báo
Nguyễn Quang Lập




Giáo sư Nguyễn Quang Mỹ : Một đời gắn bó với hang động Việt Nam

Như Nguyễn
 
Theo số liệu cách đây vài năm, Việt Nam hiện có khoảng trên dưới 1.000 hang động, nhưng các hang động kỳ vĩ, đặc sắc nhất tập trung chủ yếu ở các tỉnh: Quảng Ninh, Quảng Bình, Ninh Bình.
Riêng tỉnh Quảng Bình, đến năm 2010 thống kê được trên 300 hang động, trong đó tiêu biểu  nhất cho sự đa dạng sinh thái là quần thể hang động Phong Nha – Kẻ Bàng.
Hang động thường nằm dọc theo triền núi đá vôi. Nhiều hang có cửa động rộng,  trần cao trên 100m, có hang sâu khoảng 400m, dài trên 2km.  Nhiều hang động có mạch sông suối ngầm chảy xuyên qua dãy đá vôi trùng điệp, hòa vào những con sông lớn. Những hang động được biết đến như: Phong Nha - Kẻ Bàng, Tam Cốc – Bích Động,  Pắc Bó, Sơn Mộc Hương, Tam Thanh, Nhị Thanh, quần thể hang động Vịnh Hạ Long… có vẻ đẹp mê hoặc, kỳ ảo, có sức hấp dẫn kỳ lạ. Hàng triệu lượt khách trong nước, ngoài nước đã đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp lung linh kỳ diệu của núi non, hang động Việt Nam. Việt Nam được liệt vào số nước có nhiều hang động đẹp bậc nhất thế giới.
“Ông vua hang động” Nguyễn Quang Mỹ gắn liền với hành trình khám phá hang động.     Ảnh: Như Nguyễn

Nhưng dễ mấy ai đã hiểu rõ công việc của những nhà thám hiểm, tiên phong khám phá, phát hiện ra “kì quan” của đất nước. Một trong số những người tiên phong tìm kiếm hang động của Việt Nam là GS.TS Nguyễn Quang Mỹ. Nhưng nghe GS kể về những chuyến tìm kiếm hang động, mới thấy hết những nguy hiểm rình rập, đe dọa đến tính mạng. Chuyện “đường rừng” của GS cùng đồng sự Việt Nam, chuyên gia nước ngoài được kể lại: 

- Mỗi chuyến đi chừng mươi ngày, nửa tháng. Nhưng trèo qua được những tảng đá chắn lối vào hang sâu, đôi khi mất trọn một ngày. Đó là khi khám phá động Phong Nha - Kẻ Bàng, hang Khe Ri, hang Vòm. Chỉ cần nhập nhoạng tối, đặt chân trên những khối đá chênh vênh, lọt xuống hẻm đá sâu đen ngòm là có thể rơi xuống cả chục mét. Gãy chân, sụn lưng là không tránh khỏi. Năm 1998, một chuyên gia hang động người Anh đã bị gãy chân trong một chuyến đi dài ngày ở tỉnh Quảng Bình. Đêm đến, nếu ngủ ở cửa hang, phải phân công canh chừng thú dữ. Nếu còn trong hang sâu thì phải “ngủ treo”, nghĩa là cột chân tay vào vách đá mà chập chờn cho qua đêm. Khi chúng tôi tìm đến hang Khe Ri tận biên giới Việt - Lào, ngỡ trời hanh khô như phía Việt Nam. Ai dè một trận mưa lớn từ bên kia biên giới bất ngờ ập vào hang. Những chuyên gia vội vàng tìm kiếm chỗ bám trên đỉnh hang cho qua cơn lũ. Chuyến đi năm 1997 để lại một ấn tượng khó quên cho chuyên gia người Anh, Trevor Wailes và Paul Callister. Suốt hơn 50 giờ treo mình trong hang, chờ nước rút, hai anh mới ra được khỏi hang.  Nhưng khi về tới Hà Nội, nhớ lại chuyến đi đó, hai bạn nước ngoài coi đó là một kỷ niệm… rùng mình. Năm 2001, cuốn sách “Kỳ quan hang động Việt Nam” bằng ngữ Việt-Anh do GS Nguyễn Quang Mỹ, TS người Anh Hawaed Limbert chủ biên  cùng sự đóng góp của 15 nhà khoa học Việt Nam và 40 nhà khoa học thuộc Hội Hang động Hoàng gia Anh đã ra mắt công chúng trong nước và quốc tế. Đó là kết quả 10 năm khảo sát công phu hang động tiêu biểu của Việt Nam trong giai đoạn đó. Trong buổi ra mắt ấn phẩm giá trị này, TS H.Limbert nói: Đây chỉ là một phần rất nhỏ chân dung của hang động Phong Nha – Kẻ Bàng.

GS. Nguyễn Quang Mỹ, SN 1939, tại làng quê Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Những năm chiến tranh, quê hương ông chìm trong khói lửa đạn bom. Cuộc sống khẩn trương thời chiến khiến cậu bé Nguyễn Quang Mỹ sớm trưởng thành, biết lo nghĩ việc nhà, việc nước. 14 tuổi, ông đã tham gia dạy văn hóa cho những người nông dân. Năm 17 tuổi, ông là Phó ban Bình dân học vụ xã, chiến sĩ thi đua diệt dốt. Vài năm sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc, Nguyễn Quang Mỹ được đi học tại trường ĐH Lomnosov, Liên Xô (cũ), khoa Địa lý và đó cũng là chuyên môn đi cùng ông trong suốt cuộc đời. Ông làm luận án TS tại ĐH Tổng hợp Leningrad. Mấy năm sau, ông bảo vệ xuất sắc luận án TSKH với đề tài “Nghiên cứu xói mòn đất hiện đại ở Việt Nam” tại ĐH Tổng hợp Lomonosov. Năm 2002, ông được Nhà nước phong học hàm GS.

Nói về mình, sau trước ông vẫn khiêm nhường tự nhận là một thầy giáo bậc ĐH. Nhà giáo là chân dung xác thực của GS Nguyễn Quang Mỹ. Hơn 40 năm làm thầy, GS  đã đào tạo hàng nghìn sinh viên, trong đó nhiều người đã trở thành TS, chuyên gia địa lý, địa chất, hang động. Nhưng sự đóng góp của ông không chỉ đơn thuần trong khuôn viên giảng đường. Người ta tôn vinh  ông là “ông vua hang động” bởi cuộc đời ông gắn liền với hành trình khám phá hang động, và đã phát hiện ra nhiều hang động rất giá trị. Ông tâm niệm một điều: Phải tìm kiếm tài nguyên đang giấu mình trong lòng đất. Diện mạo địa lý, địa chất, vị trí, khí hậu Việt Nam cho ông nhiều hy vọng để khám phá hang động. Nhận cảm của ông hoàn toàn chính xác. Sau hơn 10 năm nghiên cứu, khám phá, GS Nguyễn Quang Mỹ cùng cộng sự và chuyên gia Anh quốc thực hiện Dự án trong 5 năm (1991 -1995), lập hồ sơ khoa học cho 300 hang động lớn nhỏ. Năm 1993, ông và nhiều nhà khoa học thành lập Hội hang động Việt Nam, tìm kiếm những đồng sự cùng chí hướng. Đến một số quốc gia châu Á, châu Âu và đặc biệt ở Anh quốc, Trung Quốc, ông khẳng định, dưới lòng đất đá Tổ quốc mình là một hệ thống hằng hà tài nguyên đến nay chưa được biết đến. Tiềm năng vô giá sẽ được khám phá. Rồi đây người trong nước, quốc tế sẽ chiêm ngưỡng vẻ đẹp tiềm ẩn, một thế giới lung linh choáng ngợp dưới lòng đất Việt Nam. Và quả thế. Khi hoàn tất dự án khám phá Phong Nha - Kẻ Bàng, năm 1997, GS Nguyễn Quang Mỹ đã đọc một báo cáo khoa học gây sửng sốt giới khoa học về Phong Nha - Kẻ Bàng: Vùng đá vôi có tuổi địa chất già nhất (300 - 400 triệu năm), rừng nguyên sinh rộng nhất, hơn 20 vạn ha. Cửa hang cao và rộng nhất. Dòng sông ngầm xuyên núi dài nhất. Có hồ nước ngầm đẹp nhất. Hệ thống thạch nhũ tráng lệ nhất… Với những giá trị đầy thuyết phục, năm 2003 UNESCO đã tôn vinh hang động Phong Nha - Kẻ Bàng là di sản thiên nhiên thế giới.

Nói đến những lần khảo sát hang động Phong Nha - Kẻ Bàng, GS Mỹ phấn chấn nhớ lại:

- Khi khám phá hang động Phong Nha - Kẻ Bàng cùng quần thể thiên nhiên nơi đây, các nhà chuyên môn Anh quốc nhìn nhận: Nói về độ dài, Phong Nha không so sánh được với hang Ease Gill của Anh trên 50km, hang Gió của Mỹ, dài trên 500km. Nhưng nhiều nhà chuyên môn quốc tế và du khách phải thừa nhận, không nơi nào kỳ thú như nơi này. Một màu sắc kỳ ảo,  lung linh  huyền bí đến mê hoặc. Đó thực sự là niềm tự hào cho chúng ta. Thiên nhiên quá hào phóng, ban tặng cho Việt Nam một kỳ quan. Và cũng là niềm tự hào của riêng tôi, một người con Quảng Bình, góp phần nhỏ bé, “xăm xoi” đất đá quê nhà để  mang đến cho đất nước một viên ngọc. Từ khi phát hiện ra hang động Phong Nha - Kẻ Bàng, hàng triệu lượt người đến đây chiêm ngưỡng, hàng triệu người trên thế giới, nhớ đến một Việt Nam –Phong Nha – Kẻ Bàng.

Giờ đây tuổi đã cao, sức khỏe không còn như thời trai trẻ để chân tay bám vào vách đá, cheo leo trên những vùng núi đá chênh vênh. Ông lại tập hợp những tài liệu, những bức ảnh và nhớ lại tất cả. Nhớ từng hang động ông đã đi qua, nhớ cảm giác lung linh, sâu thẳm, nhớ tiếng suối róc rách luồn trong hang đá, nhớ cảm giác mát rượi bàn chân chạm vào mạch nước,  từng khe núi thấm đẫm khí núi…và cả cảm giác rùng mình trong khuya khoắt vắng lặng hẻm sâu. Giờ đây, ông cùng vợ sống khiêm nhường trong khu tập thể Vĩnh Hồ. Nhưng có được những khoảnh khắc choáng ngợp, khám phá những hang động đã trở thành tài nguyên vô giá của đất nước, ông tự nói với mình, nói với những đồng nghiệp, sinh viên yêu quý: “Thật hạnh phúc”.

Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

Tưởng niệm ngày 17/2/1979 tại Hà Nội

Theo blog Nguyễn Xuân Diện

8h 30 ngày 16/02/ 1979- Các nhân sĩ trí thức bắt đầu xuất phát từ 53 Nguyễn Du. Đoàn có các vị: Nguyễn Khắc Mai, Phạm Toàn, Dương Tường, Nguyễn Thanh Giang, Chu Hảo, Kim Chi, Đào Tiến Thi, Nguyễn Quang A, Phạm Duy Hiển, Hoàng Xuân Phú, Nguyễn Triệu Căn (con trai nhà văn Nguyễn Triệu Luật), Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Xuân Diện....









Chính quyền Hà Nội đã tưởng niệm 6 vạn đồng bào chết trận trong cuộc chiến Biên giới tháng 2 năm 1979 như thế này!
Nguyễn Xuân Diện và GS Phạm Duy Hiển trên sân tượng đài Lý Thái Tổ

 Nữ văn sĩ Võ Thị Hảo cầm trên tay bông hoa trắng,  tưởng nhớ những người đã khuất tháng 2 năm 1979

 TS. Nguyễn Quang A chít khăn: Nhân Dân Không Quên 17-2-1979

Hà Nội vẫn hối hà thi công ....thi công...thi công

Phút tưởng niệm đồng bào và chiến sĩ tử trận trong cuộc chiến tranh vệ quốc tháng 2 năm 1979
chống giặc bành trướng Trung Quốc


Nữ nghệ sĩ Kim Chi và cựu chiến binh chống Tàu Ngô Nhật Đăng



Cụ Lê Hiền Đức đang quát mắng những người thi hành công vụ


Nhà văn, dịch giả Dương Tường 83 tuổi tuần hành cùng các bạn trẻ


Nữ văn sĩ Thùy Linh và Nguyễn Xuân Diện





Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội







Đoàn người đi trong lặng lẽ quanh Bờ Hồ, tưởng niệm những người đã bỏ mình vì nước tháng 2 năm 1979. Kết thúc tại chân Tháp Bút đền Ngọc Sơn, sau khi nghe đọc xong bài Văn Tế Tưởng niệm của tác giả Lâm Khang

Trước Tháp Bút, vọng bái hương hồn liệt sĩ và những người dân đã hy sinh, đã thiệt mạng trong cuộc chiến của quân Trung Quốc xâm lược tháng 2/1979.
..................................
Xem thêm:
 Mình và bác Nguyễn Duy ra HN tuần trước, ở gần tượng đài Lý Thái Tổ. Buổi tối làm mấy mẹt lòng heo và chai vodka 1 lít, thấy đã đủ dũng khí liền kéo nhau ra biểu tình dưới cbân tượng Lý Thái Tổ.


 Hô vang hai khẩu hiệu: 1. Đả đảo Trung Quốc xâm lược! 2. Lý Thái Tổ muôn năm!

He he!


Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Vĩnh biệt anh Nguyễn Quang Sáng

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã  về trời lúc 16h 15' ngày 13/02/2014). ( Nhằm ngày 14 tháng giêng năm Giáp Ngọ), hưởng thọ 82  tuổi. Bữa trưa anh làm vài chén rượu rồi đi ngủ và ngủ thẳng đến ngàn thu. Đi thế thật khỏe. Trời thương lắm mới cho đi khỏe nhẹ như vậy.

Lễ viếng: Từ 10 h ngày Thứ Sáu, 14.2,2014, tại Nhà tang lễ tp.HCM - 23 Lê Quí  Đôn, Quận 3.
Lễ truy điệu và động quan: 13h  ngày Chủ nhật, 16.2.2014.


Nhà văn Nguyễn Quang Sáng là cây bút truyện ngắn bậc thầy của văn chương Việt, Chiếc lược ngà là truyện ngắn mẫu mực cho nhiều thế hệ cầm bút nước nhà; ông còn là nhà biên kịch lớn của điện ảnh Việt Nam, Cánh đồng hoang là kịch bản hay nhất từ xưa đến nay ở Việt Nam, chưa ai có thể vượt qua được. 

Mới cách đây một tháng còn được nắm tay anh, còn được nghe anh nói " Nhậu mày!", bây giờ anh đã về trời. Vĩnh biệt anh. Cầu cho anh an lành nơi cõi Phật, cõi ấy không cần giải Hồ Chí Minh, những ai sống vì dân viết  vì dân chắc chắn sẽ được Phật cho hưởng lộc.

Thứ Tư, 12 tháng 2, 2014

Những bông hoa không cần chỉ thị

Thơ Lê Đức Dục
Theo FB Lê Đức Dục
NQL:Mình chọn đây là bài thơ hay nhất mùa giỗ 17/2/1979 năm nay

Mặc ai cấm rằng không được nhắc
 bạn vàng Trung Hoa từng thảm sát dân mình
Nhưng làm sao cấm hoa đào hoa mận
Nở rưng rưng rụng xuống những mộ phần




Kệ báo chí cứ phập phồng chờ đợi
Nói hay im? Ngồi nghe ngóng công văn
 Những bông hoa không cần chỉ thị
Cứ ra Giêng, rụng thắm đất anh nằm…





Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

Tin " Rất phản động"?


Đăng hình này lên chỉ sợ Bộ biên tập báo Nhân Dân ngày nay và các Dư luận viên của Đảng lại giãy đành đạch nhảy chồm chồm kêu rằng ảnh "phô tô sốp" vu cáo báo Nhân Dân đã từng đăng những tin " rất phản động" ảnh hưởng đến tình hữu nghị của hai đảng anh em.

Hi hi

Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

Yêu cái đình làng

 Nguyễn Quang Lập 
 Té ra cái tản văn “ Một mình làm cả cái đình” nổi tiếng phết. Mình về quê, gặp mười người thì có đến sáu, bảy người nhắc đến bài đó. Mình khoe với thằng Lợi râu, bạn học thời phổ thông, nó cười cái xoẹt, nói mi đừng có tưởng bở. Cái đình làng mình hay, đâu phải bài mi hay. Thằng Lợi nói cũng phải, cái đình làng là niềm tự hào của dân Ba Đồn, hễ có bài nào viết về đình làng người ta đều tranh nhau đọc. Không chỉ riêng dân Phan Long, dân gốc của Thị trấn Ba Đồn, hãnh diện về cái đình to đẹp nhất nước ( nhiều người bảo to đẹp nhất Đông Nam Á), mà dân tứ xứ về đây lấy cưới vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái cũng rất hãnh diện. 


 Dân làng nào cũng cố tìm được cái gì đó của làng để mà tự hào. Dân Ba Đồn cũng vậy. Xưa thì tự hào có cái chợ to nhất miền Trung. Thời kháng Pháp thì tự hào có anh hùng liệt sĩ Nguyễn Tiến Nhẫn, chiến sĩ tình báo tí hon thông minh quả cảm, bị địch bắt lúc ông mới 15 tuổi, Pháp đem ra đình chợ bắn vẫn không một chút sợ hãi, vẫn ngẩng cao đầu hô to bốn tiếng “Việt Nam muôn năm!”. Nhà nước không phong anh hùng ( nghe đâu chỉ vì nhà ông Nguyễn Tiến Nhẫn có người anh theo tề) nhưng dân Ba Đồn hết thảy đều gọi ông là anh hùng. Kịp đến thời chống Mỹ, Thị trấn Ba Đồn chẳng bắn được chiếc máy bay nào lại bị bom Mỹ san phẳng, dân Ba Đồn vẫn tìm được niềm tự hào, ấy là anh cu Kỷ, người đầu tiên tỉnh Quảng Bình bắt được phi công Mỹ. Bây giờ dân Ba Đồn có gì để tự hào nhỉ? A cái đình làng, thằng Lợi râu vỗ tay đánh bốp kêu to, trông mặt nó hớn hở như bắt được vàng. 

Lợi râu ít nói, ai nói gì cũng cười cái, nói ừ. Xong lại ngồi im, chẳng nói gì. Nhưng khi bắt được mạch nó nói rất hay, đặc biệt chuyện quê nhà thuở xa xưa nó nói không biết chán. Nó bảo sau bảy lăm, Thị trấn Ba Đồn bạc phếch, tàn tạ vì đói nghèo, ai nấy sấp mặt kiếm ăn, tưởng không còn có cơ nào có thể ngước mặt lên cùng thiên hạ. Chẳng ngờ vật đổi sao dời, đất nước vào kì đổi mới, Ba Đồn lại khấm khá như xưa, đến nay đã hoàn toàn thay da đổi thịt, nhiều thứ ngày xưa có nằm mơ cũng không có bây giờ giăng đầy. Xe hơi là một ví dụ, dân Thị trấn đi xe hơi còn nhiều hơn ngày xưa đi xe máy. Tuy vậy giàu sang phú quí thì dân Ba Đồn là cái đinh so với nhiều nơi khác. Không là cái đinh thì mình có cái đình, Lợi râu nói thế rồi ngửa cổ cười ha ha ha. Nhìn nó cười thật đã.

 Cái biệt danh “Lợi râu” có từ thuở con nít, mình đã kể rồi. Năm 1969 đoàn kịch trung ương (không nhớ là đoàn nào) về diễn vở Đêm tháng bảy, người ta lấy xăng ngậm mồm phun trước mồi lửa, lửa bùng lên to bằng cái nong, rất vui. Con nít tụi mình đua nhau ngậm xăng phun mồi lửa, có đứa nuốt xăng đầy bụng, say nhừ. Thằng Lợi cũng ngậm xăng phun mồi lửa, chuẩn bị phun thì cười sặc, lửa bám vào mặt nó cháy bùng. May có người lớn dập được lửa đưa nó đi cấp cứu. Nó ra viện với có cái sẹo dày cộp ở cằm như là bộ râu sẹo. Khổ thân nó đẹp trai ngời ngời vì bộ râu sẹo đâm ra ế vợ. Ngày xưa trai ba mươi chưa vợ gọi là ế, nó 35 tuổi kiếm được cô gái Huế xinh đẹp mừng húm. Hi hi. 


Tuần trước mình về chịu tang ông ngoại mấy đứa nhỏ, nó từ Huế ra chơi với mình hai ngày. Bạn bè cùng quê gặp nhau chỉ uống rượu Ba Đồn, rượu tây xịn mấy cũng không thích. Giống rượu Mao Đài, rượu Ba Đồn có mùi khê rất đặc trưng, chưa quen thì khó uống, quen rồi đâm nghiện, uống rượu khác thấy nhạt phèo. Bạn bè cùng lớp thuở ấu thơ, bây giờ kẻ làm thợ người làm thầy, kẻ tiền tỉ người tiền nghìn, kẻ quan lớn người thảo dân… mỗi lần về quê là dính nhau như keo, chẳng thèm phân cao thấp sang hèn, ngồi với nhau hết đêm này sang đêm khác không biết chán, tán đủ chuyện trên trời dưới đất, mày tau chi tớ loạn xị, nói tục văng miếng, rất vui.

Mình và Thằng Lợi râu ngồi nhậu lai rai. Lát sau có thêm thằng Dũng Ấm Đường, thằng Đại Phúc, thằng Thái Bình và thằng Xô Viết. Món văn hóa Phan Long  thì thằng Xô Viết là nhất.  Nó baỏ Ba Đồn xưa gọi là Phan Long, đình làng Phan Long có từ thời hậu Lê, có lẽ đình được dựng lên bởi thành hoàng làng Nguyễn Đức Tuân, dân kính cẩn gọi là quan tả vì ngài có tước phong của vua Lê là Tả Quân Công, phụ trách Bắc Bố Chính, tức phía bắc Quảng Bình bây giờ. Chỉ có ngài mới có khả nặng dựng nên cái đình chứ dân Phan Long ngày đó có một nhúm, nghèo khô xác mướp, làm sao dựng nổi cái đình.

Đến năm 1965 đình làng Phan Long bị bom Mỹ san phẳng. Từ đó cho đến năm 2007 không ai nghĩ đến chuyện dựng lại đình, quá nửa dân Ba Đồn không còn nhớ vị trí ngôi đình xưa, nhiều người còn không biết đã từng có một đình làng tồn tại gần ba trăm năm ở nơi đây. Rất may có một người nhớ đến cái đình, đó là thằng Đức ( Nguyễn Xuân Đức), nó nhớ quay quắt, đến nỗi quyết định bỏ ra cả triệu đô để xây lại cái đình. Chuyện này mình đã kể trong bài “ Một mình làm cả cái đình”, thôi không nói nữa.

Thằng Lợi râu, vẫn thằng Lợi râu, tụi mình vẫn gọi nó là thằng hoài cổ, nói đông nói Tây thế nào rồi cũng nhắc đến cái đình làng.  Nó bảo khi nghe tin thằng Đức bỏ tiền ra xây đình dân làng Ba Đồn ai cũng phấn khởi đồng tình. Ừ thì nó có tiền làm được cái đình cũng vui. Vui thì vui vậy thôi nhưng ít ai quan tâm làm đình để làm gì, tại sao lại phải làm đình. Dân Ba Đồn có đời sống phố phường quen rồi, bao nhiêu nét đẹp của văn hóa làng đều quên sạch. Đến khi đình làng xây xong, to đẹp gấp mười đình làng cũ thì ai nấy mới vỡ ra chính đình làng là nơi cất giữ hồn làng. Bấy lâu nay hồn làng phiêu tán khắp nơi, bây giờ tụ cả vào đình làng. Ba Đồn lâu nay như cái xác không hồn, ai nấy nhởn nhơ sống mà không biết mình đang ở trong cái xác không hồn. Thật là đáng sợ. Thế mới biết một triệu thằng Đức bỏ ra là rẻ, quá rẻ. Giữ được hồn làng cho con cháu muôn đời, ai bảo một triệu đô là đắt.

Lợi râu nói đúng. Từ ngay có đình làng dân tha hương tứ xứ đều háo hức muốn về làng, hễ gặp nhau là hỏi nhau hè này tết này có về làng không, có ghé thăm đình làng không. Dù Ba Đồn bây giờ là thị trấn, mai mốt sẽ lên thị xã thì đối với dân Ba Đồn đấy cũng chỉ là ngôi làng của họ. Nếu thằng Đức không cố công dựng cái đình làng, ý niệm làng sẽ tan dần trong phố thị, cái tình làng cũng theo đó mà tan theo. Bây giờ khác rồi, người ta không nói về Ba Đồn mà nói về làng mình, hai tiếng làng mình vang lên mới ấm áp gần gũi làm sao.
 
Hội làng Phan Long ( Ba Đồn) diễn ra tại đình làng vào ngày rằm tháng giêng hàng năm
 Từ ngày có đình làng dân Ba Đồn mới có tục cô dâu chú rễ ra đình làng thắp hương vái cụ tổ trước khi vào lễ thành hôn. Đám tang người làng đều phải đi qua đình làng , dừng lại trước cửa đình để thầy cúng và người nhà dẫn vong vào bái biệt đình làng, lần cuối cùng bái biệt quê hương. Rồi hội làng quên bẵng nửa thế kỉ nay đã nhanh chóng được hồi phục, nửa thế kỉ mình mới thấy lại những trò chơi thủa bé thơ đã thấy. Thấy cây đu , thấy cờ thẻ, thấy kéo co, thấy bài chòi, thấy gà chọi, thấy thi nấu cơm…và lại thấy hai cái giếng làng.


Giếng Cau ở phía đông, Giếng Cát ở phía tây được coi là long mạch của làng, thiêng lắm. Thiêng thế nhưng từ ngày Thị trấn phình to ra, dân Thị trấn hết thảy dùng nước máy thì hai cái giếng cũng bị bỏ quên, cả hai đều bị đất cát vùi lấp không còn dấu tích.  Khi làng biến mất thì giếng làng cũng chẳng có ý nghĩa gì, buồn thế đấy. Thằng Đức lại bỏ ra mấy trăm triệu để khôi phục lại hai cái giếng. Long mạch làng được hanh thông thì dân làng mới ăn ra làm nên, nghĩ thế nên dù làm xong cái đình tiền đã hết sức đã kiệt thằng Đức vẫn cố dốc túi dồn sức gây dựng lại giếng làng.

Mình và thằng Lợi râu theo thằng Liên đi thăm hai cái giếng. Thằng Liên bạn học thuở vỡ lòng của tụi mình, bây giờ nó là chủ tịch Thị trấn oách lắm nhưng mình vẫn gọi nó bằng thằng, hi hi. Tụi mình vẫn trêu nó, nói mày làm quan nhưng mà tốt. Nó cười khì, nói cu Liên không tốt thì ai tốt. Quả thế thật. Việc khôi phục hai cái giếng, thằng Đức đề nghị từ lâu chẳng ai quyết, người ta bảo dân dùng nước máy rồi đào lại giếng làm gì. Chỉ đến khi thằng Liên lên làm chủ tịch Thị trấn, thằng Đức chưa nói hết câu nó đã ok, cho làm liền. 

Đến giếng nào thằng Lợi râu cũng  cúi xuống soi mặt mình rất lâu. Nó vỗ vai thằng Liên, nói tau đề nghị như ri: Ngày hội làng hằng năm, mi bắt dân Ba Đồn phải lần lượt tới hai cái giếng làng, tự soi mặt mình xuống giếng xem mình có xứng đáng là dân Ba Đồn  nữa hay không.

 Lợi râu dừng lời cười rất tươi nhưng mắt lại ướt nhòe, sũng nước. Bộ râu sẹo của nó giật giật rung rung. Chơi thân với nó gần trọn kiếp, bây giờ mình mới để ý mỗi khi cảm động một điều gì, bộ râu sẹo của nó lại giật giật rung rung.