Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2014

'Hạnh phúc mong manh' của Nguyễn Quang Lập

Hoài Thương
Các nhân vật của ông dường như chưa hề bị đời sống làm cho méo mó, dị dạng. Họ vẫn rất đẹp, đẹp từ vóc dáng, tâm hồn.

"Hạnh phúc mong manh" là tập sách chọn lọc những truyện Nguyễn Quang Lập viết trong thời kỳ đầu, sau khi ông giải ngũ và trở về làm việc ở Sở Văn hóa - Thông tin Bình Trị Thiên thời bấy giờ. Lúc đó, ông ngày ngày nấu cơm rửa chén giặt đồ hầu hạ em trai là Nguyễn Quang Vinh viết tiểu thuyết (như sau này ông kể lại trong tạp văn Tôi đã viết truyện ngắn như thế nào).


Trong Hạnh phúc mong manh, độc giả được gặp lại những truyện ngắn đã làm nên tên tuổi tác giả trên văn đàn Việt Nam. Một trong những truyện đó là Tiếng lục lạc. Nỗi ám ảnh về di chứng chiến tranh, nỗi xót thương về số phận con người trong Tiếng lục lạc đã theo những trang văn Nguyễn Quang Lập tới hôm nay, mỗi ngày thêm quyết liệt.

Không chỉ là điểm khởi đầu, cuốn sách nhỏ này còn mang ý nghĩa là nơi lưu giữ những cảm xúc và hồi ức thời tuổi trẻ của ông. Trong những ngày xưa cũ ấy, ông đã nhìn cuộc sống như một bức tranh màu nước. Dẫu có đổ vỡ, xót thương thì vẫn hàm chứa một vẻ đẹp mong manh đến nao lòng.

Trung tâm "những bức tranh màu nước" của ông là Kan Liêng trong Cầu cho Nàng Liêng trẻ mãi, là Thương trong Chuyện sót lại ở thung lũng Chớp Ri, là Liên và Mai trong Hạnh phúc mong manh, là Cu-muôn và Ba-đoong trong Cây sến lửa... Cách ông miêu tả vẻ đẹp và nỗi u sầu của họ như thể đây là hình ảnh được tạo ra từ những đám mây và ráng chiều, nhìn từ một khe núi sâu, có chút gì đó xa xôi, phi hiện thực, nhưng lại mang tới cho ta một cảm giác rất thực.

Bước ra từ bầu không khí quyện khói súng những tháng ngày chiến tranh và sau chiến tranh, nhân vật của Nguyễn Quang Lập dường như chưa hề bị đời sống làm cho méo mó, dị dạng. Họ vẫn rất đẹp, đẹp từ vóc dáng, tâm hồn.

Nàng Kan Liêng trong Cầu cho Nàng Liêng trẻ mãi có lẽ là hình ảnh hoàn mỹ nhất về cái đẹp trong tập truyện ngắn này. Nàng như một bông hoa rừng tươi mát, trẻ trung, "đẹp từ thời nàng còn nói ngọng đẹp mãi lên đến thời nàng được cưa sáu cái răng cửa". Đẹp cả khi nàng thấm thía nỗi bơ vơ, lẻ loi sau lần ném hòn sỏi từ chối Kon Kim - người nàng thầm thương từ lâu, vì chàng "khèn bè không biết thổi, đàn Abel không biết chơi, hát cha-chấp câu quên nhiều hơn câu nhớ". Giọng văn trong truyện này cũng thật đặc biệt, như tiếng khèn bè, như tiếng suối chảy, như tâm tình giản đơn bộc trực của những người vùng cao. "Ồ, về núi rừng của miềng mà không biết chuyện Kan Liêng là không biết về rồi. Cho miềng điếu thuốc, miềng kể cho mà nghe". "Kon Kim lại trở về với dân làng Tupal. Làng Tupal tự hào lắm, dọc song Đăk-rông không ai tài giỏi như Kon Kim. Kon Kim buồn nhưng không chết, làng Tupal vui hung". "Nhưng ai cũng biết, Kan Liêng đẹp nhất làng Tupal vẫn lẻ loi, khi hội đã tàn, lửa đã tắt, Kan Liêng trở về không làm sao chợp mắt. Kon Kim cũng rứa..."

Cô giáo Thương trong Chuyện sót lại ở thung lũng Chớp Ri lại mang vẻ đẹp của một tâm hồn đa cảm và yếu đuối. Người yêu hy sinh ở chiến trường xa, nỗi đau khổ và cô đơn khiến cô ngã vào vòng tay của một thầy giáo trẻ cùng trường. Nhưng điều ấy lại khiến cho Chơn - đứa con nuôi cô vô cùng yêu quý, phẫn nộ bỏ đi khiến cô bỏ dạy một năm để đi tìm, khóc gọi tên con từ buổi chiều này sang buổi chiều khác...

Trong Hạnh phúc mong manh, cuộc ra đi của Liên và đứa con ở cuối truyện là kết quả của một cuộc giằng xé nội tâm đầy phức tạp. Liên bị thất lạc anh trong chiến tranh khi đã có với anh một đứa con, đã cùng con trải qua năm tháng nghèo nàn và đau khổ, khi tìm được anh thì anh đã có vợ rồi. Dẫu thế, anh vẫn thương yêu mẹ con Liên, và anh lại đang muộn mằn đường con cái. Dường như chỉ cần vươn tay tới một chút nữa, Liên sẽ chạm tới hạnh phúc. Nhưng cô đã chọn quyết định buông tay. Có lẽ vì hạnh phúc như một chiếc chăn, người này ấm thì người kia lạnh. Cô thà bước tiếp trong cơn giá lạnh ngoài kia chứ không thể giành lấy chút ấm áp của người đàn bà cũng đầy nỗi lòng trong căn nhà ấy...

Hạnh phúc mong manh, ngay từ nhan đề tập truyện này đã mang theo nhân sinh quan của Nguyễn Quang Lập những ngày đầu theo nghiệp viết lách. Ông biết rằng hạnh phúc là thứ khó nắm bắt, nhưng ông nhìn thấy những sinh thể mang theo loại cảm giác hạnh phúc ấy ở khắp nơi. Trong nụ cười của nàng Kan Liêng, trong ý chí của Chơn, trong niềm thanh thản của Liên...

Có lẽ vì khi ấy ông còn trẻ, và nhìn cuộc đời bằng đôi mắt lãng mạn. Thường người ta sẽ đánh rơi đôi mắt ấy ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời và không biết cách nào để tìm lại. Nguyễn Quang Lập, may mắn hơn, ông đánh rơi nó vào những trang viết của ông.
 

Người đẹp đêm giao thừa

Nguyễn Quang Lập 
Năm 1982 quân chủng phòng không điều mình từ Quảng Ninh về  Đà Nẵng làm trợ lý kĩ thuật trung đoàn 275 đóng quân ở Phước Tường. Để lấy lòng anh em trong ban kĩ thuật mình hay kể chuyện tán gái, ba hoa khoác lác mình tán gái như thần. anh Phúc đồng hương với mình, nói mi có giỏi tán con Huế thử coi. Mình hỏi Huế mô? Anh nói con Huế y tá ở trạm xá sư đoàn, con ni xinh hết chê. Cả sư đoàn bó tay rồi đó, mi tán được tao mới tin chuyện mi kể.


  Mình tót đi ngay, lấy cớ đi thăm mấy ông lính trung đoàn bộ đang điều trị ở đó. Đi một vòng ba dãy nhà trạm xá không thấy. Đang lơ ngơ nhìn hết phòng nọ phòng kia chợt thấy một cô gái bưng cái rá đầy khế đi tới, đoán ngay đó là Huế, công nhận xinh, không phải xinh hết chê như anh Phúc nói nhưng cũng rất xinh. Mình vờ như không thấy, đụng ngay vào Huế làm cái rá văng ra. Cô gái kêu lên, nói ui, đổ hết khế của người ta rồi.  Mình rối rít xin lỗi, vội vàng nhặt khế rơi cho Huế.

  Huế nhìn mình lom lom, nói nghe giang hồ đồn đại có ông trung úy đẹp trai vừa về Hai bảy lăm, có phải anh không? Biết cô ta muốn hỏi thằng Quân đẹp trai có số ở trung đoàn bộ nhưng mình phớt lờ, tay vuốt tóc miệng cười cười, nói vì khiêm tốn anh không trả lời. Cô cười ré, nói tự tin gớm bay và bỏ chạy. Mình chạy theo chặn lại, nói bài một rứa đã xong chưa để anh sang bài hai? Huế ngơ ra một lúc mới hiểu, cô lại cười ré, nói rứa mà bài một a? Lại bỏ chạy, cái mông tròn loảy ngoảy trông rất thích.

 Mình biết Huế thuộc loại khó tán, con gái xinh đẹp thông minh gặp trai không làm bộ kiêu kì, trái lại thân thiện vồn vã ngay từ đầu, loại đó rất khó tán. Muốn tán được phải mất nhiều thời gian, không thể ăn ngay được. Về đơn vị mình làm bộ bỉu môi với anh Phúc, nói xời, tưởng thế nào, rứa mà xinh hết chê, tán tỉnh làm  chi mất thời giờ. Anh Phúc  xoa đầu mình, nói thôi đi chú em, không kham nổi thì nói cha cho rồi. Mình tức, vênh mặt lên, nói được rồi, nếu anh thích thì xong ngay.

 Vừa lúc có lệnh lên đội văn nghệ sư đoàn  tập tành chuẩn bị đi hội diễn Quân chủng, mình có cơ hội gần trạm xá sư đoàn. Mình mượn cái xe đạp Diamond của thằng Nghị, nói mày cho tao mượn một tháng, xong “chiến dịch” tao trả mày. Thằng Nghị ok liền, nói mày tán được con Huế tao tặng mày luôn cái xe. Anh Phúc ném cho mình cái áo bay Liên Xô, mốt số dách thời này, nói tao cũng rứa, mi tán được con Huế tao cho mi luôn cái áo.

 Tối đó mình mặc cái áo bay của anh Phúc mò tới trạm xá thử màn “ khai đao” xem thế nào. Vừa ngồi xuống ghế chưa kịp uống chén nước, Huế đã tủm tỉm nhìn mình, nói anh mặc cái áo anh Phúc vừa hè. Mình giật mình đánh thót mặt mày tái dại, nói sao em biết. Huế lật cổ áo, nói anh phúc nhờ em thêu chữ Phúc đây này. Mình cố giữ cái mặt trơ, nói ừ, anh Phúc kẹt tiền bán lại cho anh. Huế tủm tỉm không nói gì, rõ là cô ta không tin, xong om màn “ khai đao”.

 Sáng sau thấy Huế xách giỏ đi bộ ra cổng sư bộ, mình xách xe thằng Nghị vọt theo, nói Huế đi đâu anh chở đi. Huế lắc đầu nói không, em chỉ ra đầu chợ Phước Tường. Cô nhìn cái xe rồi ngước lên nhìn mình, nói anh Nghị quí anh gớm hè. Mình hỏi sao. Huế làm bộ thật thà, nói anh Nghị cho anh mượn xe chứ em mượn mãi  anh Nghị có cho mô. Mình lại cố giữ cái mặt trơ gật gù, nói tại thằng Nghị nó nhờ anh làm mối em cho nó. Huế cười phì, nói em tưởng anh nhờ xe ni làm mối em cho anh chớ. Mình biết đã phơi bụng lấm lưng rồi bèn nhăn răng cười chắp tay vái vái, nói anh tính tán em nhưng thua rồi, anh xin đầu hàng vô điều kiện. Huế tròn xoe mắt nhìn mình, nói ôi rứa a, tiếc hè. Chừng như không nhịn được cô ôm bụng cười hi hi hi, nói ôi ôi em muốn chết mất thôi.

Mình quay về đơn vị, hầm hầm ném áo, xe cho anh Phúc thằng Nghị, nói mẹ, các ông chơi đểu. Anh Phúc  thằng Nghị cười lăn lóc, mình càng chửi hai lão càng cười, nói tiền ít muốn hít l. thơm đáng kiếp mi chưa. Từ đó mình cạch không bén mảng đến trạm xá sư đoàn nữa, Huế héo cũng quên luôn.

 Cuối năm, còn mấy ngày nữa là tết, Trung đoàn tổ chức một đoàn hơn chục sĩ quan lên thùng xe tải đi xuống các tiểu đoàn kiểm tra sẵn sàng chiến đấu. Mình đứng cuối thùng xe tải cùng với anh Cường thượng uý. Xe lên dốc cầu Nguyễn Văn Trỗi thì chết máy. Mình và các sĩ quan trẻ dóng mỏ xuống trêu mấy em xinh đẹp đi qua đi lại. Xe nổ máy được, thằng lái xe vào số gấp giật mạnh một cái, mình và anh Cường rơi xuống, đập đầu đường nhựa, ngất xỉu cả hai. Anh Cường nhẹ hơn chỉ rách da đầu, trật khớp khuỷu tay, mình vừa rạn hộp sọ vừa rạn xương bả vai phải nằm yên một chỗ, ăn có người đút ỉa có người chùi rất khổ.

Mình được đưa vào viện quân y 107, nằm phòng cấp cứu ba ngày mới chuyển ra phòng điều trị. Ngủ một giấc cho tới trưa, mở mắt bỗng thấy Huế đứng cạnh. Mình hơi ngạc nhiên, nói sao em biết anh nằm đây? Cô nói không, em trực phòng này mà. Em chuyển về đây nửa năm rồi. Hi hi đúng là duyên kì ngộ.

Phòng bệnh có bảy thương bệnh binh nặng, phải nằm liệt giường. Việc của Huế là cho uống thuốc, tiêm và bón cơm cho cả phòng. Đến bữa ăn Huế chạy vòng cả bảy người, đút cho người này một thìa lại chạy sang đút cho người khác một thìa, rất mệt. Huế dỗ ăn như dỗ con nít, nói ăn nì ăn nì.. một miếng nữa thôi… một miếng nữa… giỏi giỏi. Mặt mày tươi rói cô tay vỗ miệng nói ăn đi ăn đi… ngoan ngoan giỏi giỏi.

Anh em trong phòng ai nấy miệng mồm đắng ngắt chả buồn ăn nhưng  thương Huế ai cũng ăn cho bằng hết.  Hễ ai ăn xong trước Huế vỗ tay reo to, nói hoan hô hoan hô, anh của em giỏi lắm. Bây giờ mỗi lần nhớ lại cứ ứa nước mắt. Chỉ có viện quân y mới có những y tá như Huế chứ bệnh viện dân sự thì còn lâu.

Tết đến khi nào chẳng biết, thân nằm liệt giường còn mong gì tết nhất. Các bác sĩ, y tá thăm khám bệnh cũng không ai nói năng gì về tết, họ sợ bệnh binh buồn, sợ luôn cho chính họ. Chẳng ai sung sướng gì khi phải bám trụ bệnh viện ba ngày tết. Huế chắc cũng vậy, vẫn nói cười líu suốt ngày nhưng mình biết Huế rất buồn, đôi mắt tròn xoe của Huế lóng lánh nước mắt

Chiều ba mươi tết, khi Huế bón cho mình ăn, mình nhìn thấy trong mắt cô có một giọt nước mắt sắp rơi ra. Mình nói em nhiều năm không về quê ăn tết à. Huế lắc đầu nói mô có, chỉ năm nay là không được về. Năm nay tự nhiên thương bệnh binh ùn ùn kéo về,  cả bệnh viện không ai được về ăn tết. Mình cười trêu Huế, nói mới một cái tết xa nhà đã khóc, lêu lêu. Huế cười buồn, nói anh không biết mô. Mình hỏi chuyện gì cô lắc đầu, nói anh ăn đi đã rồi em kể. Mình nói kể đi đã anh mới ăn. Huế khẽ thở dài, nói cả sư đoàn ai cũng bảo em kiêu, không phải mô, tại em có người yêu rồi. Huế dừng lại nhìn ra cửa sổ hồi lâu, nói hai nhà đã định tết này làm lễ ăn hỏi, không ngờ em phải ở lại.

 Huế định nói thêm nhưng nghẹn lại suýt khóc, cô ngẩng phắt lên, nói thôi thôi. Cô vội  bón cơm cho mình, nói … măm măm.. mau mau… giỏi giỏi, lại chạy sang người bón cơm cho người khác, nói măm măm… mau mau… giỏi giỏi, đôi mắt sáng trưng nụ cười tươi rói. Mình quá tiếc đã không gặp Huế sớm hơn.

Nửa đêm Huê bưng suất ăn giao thừa đi vào cười từ ngoài cửa ngoài cười vào, nói trời ơi ngủ cả rồi à, mau dậy ăn giao thừa. Mọi người tỉnh ngủ xuýt xoa khen bệnh viện tổ chức ăn giao thừa cho thương bệnh binh, thật quá chu đáo. Anh chàng bị sắn độc cắn, cái chân phù to như cột đình, nằm cạnh giường mình đột nhiên đề xuất, nói bữa ăn giao thừa phải đặc biệt tí chút. Huế hát cho bọn anh nghe mấy bài rồi tụi anh tự ăn, không cần em bón. Huế cười tươi, nói thật không. Mọi người nhao nhao, nói thật thật, Huế hát đi.  Huế hát, thật không ngờ cô hát thật hay. Mọi người khen ngợi rần rần, nói hát nữa Huế ơi!- Múa nữa Huế ơi!-Đúng rồi đúng rồi, vừa múa vừa hát Huế ơi!

Huế hát bài Cô gái Sầm Nưa, vừa hát vừa múa lăm vông lượn quanh bảy an hem trong phòng như nàng Bạch Tuyết lượn quanh bảy chú lùn. Bỗng pháo giao thừa nổ, Huế khựng lại, đứng ngẩn ngơ nhìn ra cửa, nói giao thừa rồi, giao thừa rồi các anh ơi. Huế bỗng trào nước mắt, cô ngồi sụp xuống khóc nấc lên. Không ai hiểu vì sao, chỉ có mình là hiểu.

 Ngoài kia tiếng pháo vang vang khắp nơi mọi chốn, râm ran kéo dài không dứt.



Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

Một mối tình



Nguyễn Quang Lập 
Tháng trước mình có việc đi Quảng Ninh, quay lại Hà Nội hai ngày chủ yếu để làm việc với Nhà hát kịch Tuổi trẻ, người ta đang dựng Mùa yêu đương của mình. Cái kịch bị sửa nát bét cho hợp thời và ăn khách, cũng buồn nhưng thôi kệ. Nếu cố giữ lấy kịch bản, hay đấy nhưng không có người xem thì mình cũng chẳng sung sướng gì.

Chiều tối đó mình tới nhà hát sớm, đoàn kịch thằng Anh Tú chưa ai tới, mình ra cổng kiếm quán nước chè bên kia đường
ngồi nhắn tin buôn dưa giết thời gian. Chợt có người võ vai mình đánh bốp, nói già khụ còn nhắn tin ghẹo gái hả chú mày. Ngước lên hóa ra anh Công.

Anh Công học Bách Khoa trước mình hai khóa, khoa Động lực hay Chế tạo máy chi đó. Mình hay ra sân vận động nhà trường đá bóng, quen anh ở đó. Anh cao lớn trắng trẻo đẹp trai hệt tài tử điện ảnh, nhiều người bầu anh đẹp trai số 1 Hà Thành. Quả thế thật, Thế Anh ngày xưa cũng rất đẹp trai nhưng không bằng anh. Thế Anh chỉ đẹp mặt, cái răng khểnh trời cho làm anh đẹp hẳn lên, nhưng dáng đẹp, cao to trắng trẻo thì anh Công ăn đứt.

 Anh đá bóng cũng khá,  đánh bóng chuyền cực hay. Nhiều năm liền anh ở đội tuyển bóng chuyền của nhà trường. Bóng chuyền Bách Khoa thời đó trong Bộ đại học hầu như không có đối thủ, đánh đâu thắng đó, Đại học thể dục thể thao cũng phải chào thua. Mình là fan của anh Công, cả bóng chuyền lẫn văn nghệ, anh kéo đàn akkodion nổi tiếng, chơi ghi ta rất hay.

Hồi trẻ mình thích đàn ghi ta, biết chơi đàn ghi ta tán gái rất dễ. Lắm khi chẳng phải hao hơi tốn sức tán tỉnh lăng nhăng, chỉ cần cầm đàn ghi ta khua vài bản thật điệu là ăn ngay. Mình tốn rất nhiều chè đỗ đen, thuốc lá cuộn mới dỗ được anh Công dạy đàn ghi ta cho mình. Anh dạy chừng một tuần thì ngán ngẩm tuyên bố, nói mày chỉ chơi được đàn bà thôi, không chơi được đàn nào đâu.

Cái khoản đàn bà anh Công là nhất, hầu như anh chấm cô nào là ăn ngay được cô đó, chẳng phải mất công tốn sức gì. Một lần mình uống cà phê với anh ở Quán gió Công viên thống nhất (mình thích cái tên này hơn, nó không hay nhưng nghe được. Chả biết ai đặt cho nó cái tên Công viên Lê Ninh, nghe chối bỏ mẹ), hai anh em ngồi gần bàn hai cô gái, một cô cực xinh, vẻ như sinh viên trường Múa hay trường  Sân khấu điện ảnh, hai trường này tuyển toàn gái đẹp. Anh Công nháy mình chỉ cô xinh, nói duyệt được không. Mình gật đầu cái rụp, nói duyệt. Tưởng nói chơi vậy thôi, té ra tuần sau đã thấy anh đã cặp kè cô này rồi.

Chừng vài tháng sau thấy anh cặp kè với cô khác. Mình nói cô bé xinh thế sao anh bỏ đi, phí của giời. Anh cười, nói không bỏ sao yêu được cô khác, tao chung thủy ngút trời kiên quyết không yêu chùm.  Chung thủy của anh các cô gọi là chung thủy  Đông Gioăng. Anh  nổi tiếng trong trường với cái tên Công Đông Gioăng. Cô nào cũng biết anh có biệt danh ấy nhưng hễ anh buông câu là cắn câu  liền không hề do dự, hi hi thế mới kì.

Tối thứ bảy hôm đó anh ôm bọc thịt chó lót lá chuối xách chai rượu tới rủ mình lên gác thượng nhà B8 uống rượu. Mình cười, nói tối nay không có cô nào để chung thủy hay sao mà rủ em đi uống rượu thế này? Anh không cười vẻ trầm ngâm, nói tao có chuyện không hay. Mình nói chuyện gì. Anh nói tao bị bắt quả tang hủ hóa với gái. Mình hỏi với cô nào? Ạnh nói cái cô mày duyệt ở Quán gió ấy. Mình hơi ngạc nhiên, nói ủa, sao bảo anh bỏ rồi. Anh nói bỏ đéo được, nàng yêu tao quá.

Anh uống một ngụm rượu khà một tiếng rõ to, nói tụi tao đang cối thì Đội bắt hủ hóa nhà trường chụp được. Tao thì không sao, đuổi học hai năm là cái đinh, nhưng nàng thì gay, gay lắm. Mình hỏi sao. Anh nói nhà trường bên đó làm căng lắm, đuổi thì đuổi cha xong, bày trò kiểm điểm biêu riếu con người ta. Nhà nàng cũng bị nhà trường điệu lên mắng nhiếc nàng, ép nàng bỏ tao cho bằng được. Anh thở dài khẽ lắc đầu, nói tao sợ nàng phát điên mày ạ. Thật đấy, người ta con gái nhà lành biêu riếu cỡ đó chịu sao thấu.

Hôm sau mình đi học về thấy anh đứng chờ ở cửa phòng, nói mày mượn đâu cho tao chục đồng, khẩn cấp! Mình hỏi gì mà gấp thế. Anh nói nàng vừa nhảy lầu tự vẫn, đang cấp cứu bệnh viện. Mình há hốc mồm không biết nói sao. May thằng Tuất vừa nhận “ lương” bố nó gửi, mình mượn được mười hai đồng, anh cầm tiền vù đi trong chớp mắt. Chiều anh quay về buồn rầu báo mình, nói nàng gãy cột sống liệt toàn thân, coi như xong đời. Anh bật khóc. Khóc rất nhanh, vừa trào nước mắt liền lau khô ngay, anh đứng bật dậy  hất mặt lên, nói thôi, tao về đây.

Ít lâu sau anh bị đuổi học phải về quê hai năm, khi anh trở lại trường mình đã ra trường, từ đó biệt nhau cho đến giờ mới gặp lại nhau. Anh em hàn huyên đôi chút rồi chia tay, mình phải vào làm việc với thằng Anh Tú và đoàn kịch của nó. Hôm sau anh đến đón mình đi uống bia hơi, uống no bia anh đưa về thăm nhà anh ở sát chung cư Quỳnh Lôi, nói tao hay kể mày cho vợ tao nghe, vợ tao đọc blog Quê choa của mày suốt ngày. Thú thật mình cũng không quan tâm lắm vợ anh là ai, cũng không nhớ chuyện đau lòng của anh ngày xưa nữa.  Khi anh dắt mình vào buồng, nói em ơi đây là thằng duyệt cho anh yêu em, mình mới ngớ ra. Người đàn bà héo hon nằm trên giương nhìn mình mỉm cười, gương mặt méo mó nụ cười cũng méo mó. Không ngờ vợ anh Công là cô gái nhảy lầu tự vẫn năm nào.

Lại bọc thịt chó chai rượu, anh em ngồi nhậu trên gác thượng nhà anh Công. Anh phấn khởi nói nói cười cười, nói mày về đây vợ tao mừng lắm, lần đầu nó thấy mặt ông nhà văn đấy. Mình nói chị bị liệt vậy chắc không sinh con được. Anh nói ừ, con cái gì. Chỉ cần nàng hạnh phúc là được, đời tao hư hỏng thế đủ rồi.

Anh kể phải thuyết phục rất nhiều chị mới chấp nhận lấy anh, vì chị sợ anh khổ. Thấy anh quyết tâm cưới chị làm vợ, chị khóc rất nhiều. Chị vờ kêu mất ngủ rồi tích cóp thuốc ngủ tính tự vẫn lần nữa để anh yên tâm lấy vợ, may người nhà phát hiện được. Sau chuyện này anh tổ chức đám cưới liền. Đám cưới cách đây 25 năm, cô dâu mặt mày méo mó ôm bó hoa ngồi trên xe lăn, chú rể đẹp trai số một Hà Thành đẩy xe lăn đi vào hôn trường, mọi người vỗ tay rần rần, bạn bè anh tới dự ai cũng ứa nước mắt.

 Mình cụng li anh, nói ngày xưa  nghe anh nói về chung thủy em cười phì, giờ phục anh quá. Anh dũng cảm quá trời luôn. Nói thật xông pha trận mạc còn dễ hơn quyết định lấy một cô gái liệt toàn thân. Anh nói dũng cảm gì đâu. Nàng vì tao mà quyết tử, không lẽ tao không vì nàng mà quyết sinh. Xét riêng cái chữ vì này thì vợ chồng tao hạnh phúc nhất trần đời. Anh cười khà khà cụng li mình, nói tình yêu thằng Công Đông Gioăng này là vậy đó, uống đi mày.

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

Dĩ hư truyền hư- kỳ cuối

Những sai lầm mang tính hệ thống trong “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ VÀ TỤC NGỮ VIỆT NAM” của GS Nguyễn Lân
  Hoàng Tuấn Công
 Dĩ hư truyền hư- kỳ 1 
 Dĩ hư truyền hư- kỳ 2
Dĩ hư truyền hư - kỳ 3
Dĩ hư truyền hư- kỳ 4


Kỳ cuối: “Láo nháo như cháo với cơm”-Những chuyện khó tin nhưng có thật

Sách có tên “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam”, phần "Lời nói đầu" cũng được GS Nguyễn Lân
xác định tương đối chính xác tiêu chí thế nào là thành ngữ, tục ngữ. Thế nhưng, thực tế lại hoàn toàn khác. Nhiều câu là ca dao, câu đối, các thuật ngữ ngoại giao, thể thao, quân sự, các cụm từ, ngữ, láy từ đã được GS sư đưa vào làm “thành ngữ, tục ngữ” Việt Nam:
Lầm lẫn tục ngữ với ca dao:
Chiều chiều ngó ngược ngó xuôi, Ngó không thấy mẹ ngùi ngùi nhớ thương.
Chiều chiều ra đứng ngõ sau, Nhớ về quê mẹ ruột đau chín chiều”,
v.v…
Lầm lẫn câu đố dân gian với thành ngữ, tục ngữ:
-Con đóng khố, bố cởi truồng Tả cảnh nghèo khổ của nhân dân trong chế độ cũ.
Đây là câu đố về cây măng và cây tre. Cây măng non (con) đang được bọc trong những chiếc mo nang ( giống như đóng khố), cây tre già (bố) mo nang đã bong ra và rơi đi (giống như cởi truồng). Có lẽ GS cho rằng trong chế độ cũ vì nghèo khổ nên cha phải nhường khố cho con mặc chăng ? Nhưng trong thực tế không hề có chuyện này. Trái lại, vì con còn nhỏ nên cởi truồng, bố (và ai cũng vậy) là người lớn phải đóng khố, dù nghèo khổ đến đâu.
Đào chẳng thấy, lấy chẳng được Tức là: Sâu kín quá, không sao phát hiện được.
Đây là câu đố dân gian về bóng trăng dưới nước. Nguyên văn: “Vừa bằng cái vung, vùng xuống ao, Đào chẳng thấy, lấy chẳng được”. Mặt trăng dưới đáy nước  nhìn thấy rõ, chỉ có điều “ đào chẳng thấy, lấy chẳng được” mà thôi. 
Có những trang, bạn đọc giật mình tưởng đầu óc mình có vấn đề. Bởi đang đọc “Thành ngữ tục ngữ Việt Nam”, bỗng đâu xuất hiện trước mắt một loạt từ chỉ có thể tìm được trong loại sách “Từ điển tiếng Việt”. Ví dụ: Cách mạng xanh; Chạy đua vũ trang, Chiến tranh cân não; Chiến tranh chớp nhoáng; Chiến tranh lạnh; Chiến tranh tâm lý (mục chữ cái C) hoặc: Khăn chữ nhất, Khăn đầu rìu, Khăn mỏ quạ (mục chữ cái K) Rồi: Không chán mắt Nói nhìn vật gì thích quá; được điều mong muốn; Không thể nào như  Không tài gì”.(mục chữ cái K) Hay: Rất chi là Có nghĩa như: vô cùng, hết sức. Rinh tùng rinh Tả tiếng trống con xen lẫn tiếng trống cái trong một đám rước”,v.v…Bạn đọc sẽ cho rằng, đó là do lỗi văn bản, hoặc một cái gì đó không thuộc chủ ý của GS Nguyễn Lân. Tuy nhiên, thật khó hiểu khi cái kiểu "...như cháo với cơm này" vẫn tiếp tục xuất hiện ở nhiều mục từ khác. Ví dụ, mục chữ cái K: "Khúc kha khúc khíchNói một số người ngồi cười vui riêng với nhau khá lâu, Khủng bố trắng Nói một cuộc khủng bố của một chính quyền phản động nói chung, tàn sát hàng loạt người tiến bộ" hoặc mục chữ cái O: "Ò e, ý e Tiếng kèn thổi trong đám ma, Ò e ý ới Như câu trên, nhưng thường dùng để giễu cợt, Oẳn tù tỳ (Câu trẻ con dùng để quyết định đến lượt ai chơi trước"). Và rải rác trong sách, bạn đọc còn gặp rất nhiều....Thậm chí trong Lời nói đầu, GS đưa ra tiêu chí chỉ chọn những câu thành ngữ, tục ngữ "có từ 3 từ trở lên", nhưng trong sách lại có cả loại hai từ như “Tân lang” và GS giải thích, đầy đủ "nghĩa đen" lẫn "nghĩa bóng": "Tân lang (Nghĩa đen: Chàng trai mới) Chỉ chú rể mới” !
Bỏ tiền mua sách “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” của GS Nguyễn Lân, lại được luôn nội dung “Từ điển tiếng Việt”. Kể ra cũng không nên phàn nàn. Vì “Không bổ đầu thì cũng bổ đuôi”. Thế nhưng, ngặt một nỗi, nhiều từ, ngữ Việt Nam lại bị soạn giả giải thích “tréo ngoe”, rất khó chấp nhận:
Chạy đua vũ trang Nói các nước đế quốc đua nhau tăng cường vũ bị.
-Nói thế hóa ra các nước đế quốc chạy đua vũ trang là để đánh lẫn nhau ? Đúng ra là: các cường quốc, phe phái chạy đua, tăng cường mua sắm, chế tạo vũ khí, khí tài để củng cố sức mạnh quốc phòng và đối phó, răn đe đối phương (Có thể lấy ví dụ điển hình là cuộc chạy đua vũ trang giữa hai phe phái, điển hình là Liên xô và Mỹ trước đây).
Chạy ngược chạy xuôi Ý nói: đi lại tíu tít để lo một việc gì.
-Người ta đang nói “chạy” thì GS lại giải thích là “đi”, nói tình trạng “chạy ngược, chạy xuôi” rất khổ sở thì GS lại liên tưởng việc “đi lại tíu tít”. Cụm từ “đi lại tíu tít” khiến người ta liên tưởng đến việc làm gì đó bận bịu, khẩn trương nhưng vui, có nhiều người cùng tham gia, vừa làm vừa cười nói vui vẻ. Trong khi “Chạy ngược, chạy xuôi” lại chỉ hành động của một người đang phải căng sức ra chạy vạy, lo toan rất vất vả, khổ sở. Đây chỉ là cách diễn đạt ngôn từ theo lối điệp từ để nhấn mạnh ý muốn nói. Ví dụ: Đi ra đi vào, Nói đi nói lại, Đón đầu đón đuôi…chứ không phải thành ngữ, càng không phải tục ngữ. Nhưng muốn gọi là gì thì cụm từ  này cũng phải được hiểu: Chạy vạy khắp mọi nơi rất vất vả để lo toan cho công việc.
Bồng bồng bế bế Chê người nhiều con, vất vả vì con.
-Không đúng ! Đây nói về sự vất vả của người có con nhỏ và không có ý nào chêcả. Câu này cũng mới là “ngữ” chưa đủ tiêu chí “thành ngữ”. Có thể ví dụ rất nhiều: Đi đi đứng đứng, Ăn ăn nói nói, Cười cười nói nói, Anh anh em em, Ra ra vào vào, Đi đi lại lại v.v…
Chí cha chí chát Nói tiếng giày giép đi lại nhộn nhịp.
 “Chí cha, chí chát”không thể là âm thanh của dày dép, càng không thể diễn tả cảnh “đi lại nhộn nhịp”. Đây là âm thanh của những vật cứng va đập vào nhau, ví như tiếng chặt, tiếng băm vang vọng từ xa tới, nghe lúc xa lúc gần. Nếu “Chí cha chí chát” được xem là “thành ngữ” thì: sột sà, sột soạt; lanh ca, lanh canh; rục rà, rục rịch,v.v...cũng được xem là thành ngữ ư ?
Nhìn chung, những điệp từ, điệp ngữ, từ láy được GS Nguyễn Lân “đôn” lên làm thành ngữ, tục ngữ rất nhiều. Thế nên, sách dày 600-700 trang, nhưng những câu không phải là thành  ngữ, tục ngữ chiếm một tỉ lệ khá lớn.
Phần liên hệ câu đồng nghĩa, gần nghĩa cũng rất nhiều sai lầm. Ví dụ:
Mặt sứa, gan lim Như câu: Mặt rắn như sành.
-Hai câu trên có thể được xếp vào trái nghĩa, lại được GS coi là đồng nghĩa. Câu “Mặt rắn như sành” nhận xét khuôn mặt lộ rõ bản chất của con người rắn mày, rắn mặt, ương bướng. Còn câu “Mặt sứa, gan lim” lại nói mâu thuẫn giữa hình thức và nội dung. “Mặt sứa” (bề ngoài) thì tỏ vẻ hiền lành, trắng bợt, mềm nhũn như con sứa (một loài động vật không xương sống ở biển, thân rất mềm, trắng), nhưng bên trong (gan) lại đen và rắn như gỗ lim. Câu này thường hay dùng để nhận xét về những người bề ngoài có vẻ hiền lành nhu mì nhưng lại dám làm những chuyện tày đình. Trái với câu “Mặt sứa gan lim”“Miệng hùm, gan sứa”.
Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư (Nghĩa đen: Trong ba người cùng đi, chắc có người là thầy ta) Như nghĩa câu trên”.
Câu trên là “Tam ngu thành hiền, ba người ngu họp lại thành một người giỏi) Nói lên tầm quan trọng của tập thể”.
-Câu “Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư” vốn trong sách Luận Ngữ, nguyên văn: “Tam nhân hành, tất hữu ngã sư yên, trạch kỳ thiện giả nhi tùng chi, kỳ bất thiện giả nhi cải chi” Nghĩa: Trong ba người cùng đi, nhất định có một người là thầy ta. Ta chọn lấy mặt tốt của người đó để học tập, xét khuyết điểm của người đó để sửa lỗi của mình. Hai câu không thể mang nghĩa giống nhau. Bởi câu thứ nhất đề cao sự học hỏi; câu thứ hai đề cao sức mạnh trí tuệ của tập thể.
GS Nguyễn Lân là tác giả của hơn 10 cuốn sách Từ điển, được đánh giá là “Nhà biên soạn từ điển, học giả nổi tiếng Việt Nam” (Theo Từ điển bách khoa toàn thư mở). Thế nhưng trong “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” phương pháp chỉ dẫn, sắp xếp các câu thành ngữ, tục ngữ của GS cũng không xong lắm khi trở thành chuyện “dở khóc, dở cười”. Ví dụ câu: “Ba chìm bảy nổi chín lênh đênh”được GS chỉ dẫn là “ Xem câu trên”, nhưng câu trên lại là câu “Ba chân bốn cẳng” chẳng liên quan gì đến nội dung cần tìm. Hoặc câu:“Cười người chẳng ngắm đến ta, thử sờ lên gáy xem xa hay gần” được GS chỉ dẫn “Như câu trên”. Nhưng khổ nỗi, câu trên lại là câu “Cười ngặt cười nghẽo” (!)…
Cũng liên quan đến chuyện trình bày, sắp xếp. Đối với những câu giống nhau về nội dung chỉ khác một vài từ do đảo vị trí, đáng lẽ chỉ nên giải thích một lần, nếu gặp câu sau nên hướng dẫn bạn đọc tham khảo câu trước. Nhưng GS thường làm chuyện không cần thiết là giải thích lại một lần nữa. Ví dụ các câu: Ăn bậy, nói càn khác gì “Ăn càn, nói bậy” ? “Ăn cạnh nằm kề” khác gì  “Ăn cận ngồi kề” ?
 Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” của GS Nguyễn Lân in lần đầu 1989, sau đó được tái bản hàng chục lần. Nghĩa là GS Nguyễn Lân có rất nhiều cơ hội để sửa chữa, bổ sung cho cuốn sách được hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, chúng ta đã không được thấy GS làm vậy. Mặt khác, có lẽ cho rằng trang viết của GS Nguyễn Lân đã là “khuôn vàng thước ngọc” nên các nhà xuất bản đã bỏ qua khâu biên tập. Thế là hàng chục ngàn bản“dĩ hư truyền hư” đã đến tay bạn đọc. So sánh có thể thấy những sai sót, đến từng lỗi chính tả (của GS Nguyễn Lân) cũng được giữ nguyên (Ví như ngay trong Lời nói đầu "Ăn xổi ở thì" được GS viết thành "Ăn sổi ở thì") Chúngtôi có trong tay 3 cuốn: một sớm nhất do NXB Văn hoá ấn hành năm 1989, một cuốn do NXB Thời Đại ấn hành 2011 và một cuốn gần đây nhất (thời điểm chúng tôi viết những dòng này) do NXB Văn Học ấn hành năm 2012. Khi tìm trong thư viện và các nhà sách sẽ thấy rằn,g từ năm 1989 đến nay sách của GS Nguyễn Lân được khoảng hơn 10 Nhà xuất bản lớn, tên tuổi ở Việt Nam ấn hành, giấy tốt, bìa cứng, trình bày đẹp như: NXB Văn hoá (1989) NXB khoa học xã hội (1997) NXB Văn học 2003 (2 lần) NXB Văn học 2010 (2 bản) NXB Văn Học 2012. NXB Văn hoá thông tin 2010 (2 lần) NXB Thời đại (các năm 2010; 2011). NBX Từ điển bách khoa (2002). NXB Tổng hợp TP HCM (2005, 2008),v.v…
Kể ra một cuốn sách nằm trong cụm công trình về ngôn ngữ được nhận giải thưởng Nhà nước, gắn với tên tuổi Nhà biên soạn từ điển-vị giáo sư lừng danh NGND Nguyễn Lân, mức độ lan tỏa như thế cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng “lan tỏa” hàng chục năm trời cùng với đầy rẫy những sai sót quả rất khó tin và khó chấp nhận.
Đến đây, bạn đọc đã đi cùng chúng tôi trọn năm kỳ “Dĩ hư truyền hư”.Có lẽ trong mỗi chúng ta đều có cảm giác mệt mỏi, và chẳng thể nhớ nổi “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” của GS Nguyễn Lân sai những gì. Chỉ nhớ rằng sách này sai có hệ thống, sai lớn, sai nhỏ, sai rất nhiều... Liên hệ với bài “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” của GS Nguyễn Lân, mục chữ cái nào cũng có sai sót”, mà chúng tôi đã từng trích đăng, cùng một số bài viết ngắn trước đây của Huệ Thiên (An Chi) của Lê Mạnh Chiến,...có thể nói đây là hiện tượng có một không hai trong lịch sử biên soạn từ điển ở Việt Nam.
                                                                                        H.T.C

Mời độc giả đón đọc loạt bài
“THỬ LÝ GIẢI NHỮNG SAI SÓT ĐỂ ĐỜI
của Nhà biên soạn từ điển-GS Nguyễn Lân”.
Những sách đã dẫn và tham khảo:
1,Đại Nam quấc âm tự vị (Dictionnaire ANNAMMITE) Huình Tịnh Paulus Của-Sài Gòn 1895.
2,Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa -Trần Xuân Ngọc Lan phiên âm chú giải (NXB Khoa học xã hội - Hà Nội 1985).
3, Từ điển AN NAM - LUSITAN - LA TINH (thường gọi Từ điển Việt-Bồ-La) A.de Rhodes  - NXB Khoa học xã hội-1991.
4,Việt Ngữ Tinh nghĩa từ điển-Long Điền Nguyễn Văn Minh (-NXB Quảng Vạn Thành- Hà Nội 6/1950).
5.Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam -GS Nguyễn Lân (NXB Văn hóa - 1989)
6.Từ điểm thành ngữ tục ngữ Việt Nam-Vũ Dung-Vũ Thúy Anh-Vũ Quang Hào-NXB Văn học 2008.

      7.Việt Nam tự điển - Hội Khai Trí Tiến Đức - Nhà in Trung Bắc Tân Văn - 1931 (bản Scan của vietnamtudien.org )

8. Từ điển từ Việt Cổ-Nguyễn Ngọc San- Đinh Văn Thiện-NXB Văn hóa thông tin-2001.
9.“Từ điển giải thích thành ngữ gốc Hán” - Nguyễn Như Ý, Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thành- Viện ngôn ngữ học - NXB Văn Hóa-1994,v.v..

Bài viết được lược trích trong "Phê bình từ điển"- Hoàng Tuấn Công-chưa in.