Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Thư gửi các học sinh cũ trường cấp 3 Bắc Quảng Trạch- Quảng Bình.

Các anh chị em thân mến!
Thầy Phạm Ngọc Căng, nguyên là giáo viên văn, hiệu phó, quyền hiệu trưởng Trường cấp 3 bắc Quảng Trạch những năm 1963-1971. Tuy đã tuổi già sức yếu thầy vẫn bỏ thời gian và công sức trong vòng 10 năm làm nên cuốn Một thời để nhớ viết về Trường cấp 3 bắc Quảng Trạch thân yêu của chúng ta.


Một thời để nhớ tập hợp tất cả những bài viết của thầy và trò từ 1964-1975, thời kì rực rỡ của Trường cấp 3 Bắc Quảng Trạch. Sách dày 356 trang, khổ 14x20 chứa đựng những kỹ niệm nặng trĩu yêu thương  một thời vẻ vang của trường ta.

Nay sách đã hoàn chỉnh về biên tập, có giấy phép, trình bày và ra bản can, chỉ cần đưa vào nhà in là xong. Dự kiến sách in 500 cuốn.

Vậy chúng tôi kêu gọi các anh chị hãy đóng góp kinh phí để cho thầy Căng in sách. Vẫn biết chúng ta ai cũng khó khăn nhưng vì công sức và tấm lòng của thầy Phạm Ngọc Căng, rất mong các anh chị kẻ ít người nhiều hãy ra tay đóng góp để cuốn Một thời để nhớ được ra đời.

Tiền chuyển khoản xin gửi về tài khoản của con rể thầy Căng:
Lê Xuân Thắng
Số tk: 422704060008232
Ngân hàng VIB

Tiền mặt xin gửi về địa chỉ:
Phạm Ngọc Căng
 Thôn 6 xã Xuân Phong- huyện Thọ Xuân
Tỉnh Thanh Hóa

Điện thoại của thầy Căng: 0165 757208

Rất mong anh chị em quan tâm đóng góp
Xin cảm ơn
Nguyễn Quang Lập

Bìa Một thời để nhớ:


Thư ngỏ của thầy Phạm Ngọc Căng

Thanh Hóa ngày 15 tháng  7 năm 2013

Thân Gửi: Các thầy cô giáo, cán bộ, học sinh đã từng công tác, học tập ở trường Phổ thông Cấp 3 Quảng Trạch những năm đầu thành lập và thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ( 1962 – 1975).

Trường PT Cấp 3 Quảng Trạch, huyện Quảng Trạch có lịch sử hơn năm mươi năm. Tôi đã công tác ở trường từ năm học 1963 – 1964, đến đầu năm học 1971 – 1972 tôi chuyển công tác về Thanh Hóa, thấm thoát đã xa trường hơn bốn mươi năm, song mỗi lần nhớ đến Trường PT Cấp 3 Quảng Trạch, tôi lại nhớ đến những ngày đầu còn thiếu thốn, khó khăn và những năm chống Mỹ gian khổ, đạn bom, là nhớ đến thế hệ thầy cô giáo, cán bộ, học sinh “kiên cường chiến đấu cho An toàn – chất lượng” và thực sự đã giành được những thành tích vẻ vang nhất trong lịch sử của Trường Cấp 3 đầu tiên trên quê hương Quảng Trạch anh hùng. Năm 1966 là đơn vị xuất sắc nhất của nghành giáo dục Quảng Bình, năm 1968 là Trường PT Cấp 3 xuất sắc toàn miền Bắc, đến năm 1970 được nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động và đề nghị tuyên dương Đơn vị anh hùng.

May mắn cho tôi và một số thầy cố giáo cũ còn có cơ hội trở về thăm trường cũ trong những dịp tổ chức kỷ niệm 30 năm, 40 năm, 50 năm, được nhà trường mời về tham dự, và lần kỷ niệm 40 năm nhà trường đề nghị đến một số tỉnh có đông học sinh Quảng Trạch đang công tác và sinh sống ở đó như Hà Nội, Huế…

Đầu năm 2002 tôi vào Huế lần thứ, anh Nguyễn Vũ Tiến học sinh khóa 1966 – 1969 nay là Tiến sĩ toán học đang giảng dạy ở Đại học Huế tặng một tệp sách có tên “Nhớ mái trường xưa”, trong đó có in các bài: đăng trên báo nghành, có thư  và bài thơ “Về Quảng Trạch” của anh Võ Huy Cát viết tặng nhà trường năm 1966; và một số bài thơ của các thầy giáo, học sinh trường, tất cả hơn hai mươi trang.

Cầm trong tay tập sách, đọc xong bỗng tôi nảy sinh ý định : Với số tư liệu tôi đã tích lũy từ thời gian hơn 8 năm ở Trường, và cố gắng thu thập thêm của thầy cô giáo, học sinh cũ chắc sẽ được số lượng nhiều hơn, đa dạng thể loại hơn…

Thế là tôi trao đổi với các bạn đồng nghiệp, học sinh cũ và được số đông anh chị em nhiệt tình ủng hộ, không những thế còn đề nghị tôi đặt vấn đề với các nơi đề nghị anh chị em ghi vào bản “ thông tin cá nhân” để cho bạn bè biết tin của nhau sau nhiều năm chưa gặp lại.

Kiên trì  vận động, qua thư, qua điện thoại gặp gỡ suốt trong một thời gian dài từ năm 2001 đến 2011 đã thu được  kết quả rất đáng phấn khởi; cộng với số tư liệu của tôi được hơn ba trăm bài bút ký, hồi ký, thơ, những tờ lưu bút của bạn, những lá thứ… của những ngày còn ở trường và sau này trao đổi với nhau. Mừng quá tôi báo cho anh Nguyễn Hữu Bằng học sinh cũ nay là Tiến sĩ – Tổng cục trưởng Tổng cục đường sắt, và anh đã hỗ trợ khâu in ấn, phô tô cùng một kích thước giấy A4, phục hồi các ảnh cũ với số lượng hơn hai trăm trang. Nhưng có một hiện tượng làm tôi suy nghĩ là không có anh chị học sinh nào học ở trường từ năm 1975 trở đi tham gia. Nên ý đồ xây dựng một tập sách cho bốn mươi năm là không thực hiện được.
Khi sắp xếp xong thì việc in ấn lại bế tắc, là do thời gian sưu tầm thu thập quá dài nên đã lỡ mất cơ hội. Tôi lo lắm, điện thoại trao đổi với các anh ở các nơi, thì các anh góp ý đặt vấn đề với các Ban liên lạc ở các tỉnh hỗ trợ nhưng là bao nhiêu? Ai in ấn? và ở đâu?. Đang lúc chưa tìm ra hướng giải quyết thì vào một chiều tháng 4/2012 anh Nguyễn Xô Viết công tác ở nghành điện, là chủ dự án nhiệt điện ở khu kinh tế Nghi Sơn – Tỉnh Gia – Thanh Hóa, xin gặp tôi lúc 3h chiều tại gia đình, và anh đã đến. Qua câu chuyện biết anh là học sinh của Trường Quảng Trạch khóa 1971 – 1974 với anh Nguyễn Quang Lập con thầy Nguyễn Quang Đạng – Bí thư chi bộ đầu tiên của trường. Anh là một nhà văn được nhiều người mến mộ với tập “18 truyện ngắn và kịch bản phim truyện “Đời Cát”. Anh Viết đã đến nhà thầy Nguyễn Quang Đăng ở Xuân Trạch, Bố Trạch, và thầy Đăng giới thiệu ra Thanh Hóa gặp tôi là người hàng chục năm lưu giữ, thu thập tư liệu về trường Quảng Trạch. Sau khi xem các tư liệu tôi đã sắp xếp anh thông tin với anh Lập ở Sài Gòn qua mạng và cho biết: Anh Lập sẽ sắp xếp kế hoạch trực tiếp kiểm tra tư liệu và quyết định kế hoạch tiến hành, và anh Lập đã đến nhà tôi sáng ngày 14/9/2012.

Tôi biết anh Lập bị tai nạn rất nặng khi đang công tác ở Hà Nội và đã đến thăm, hơn mười năm chạy chữa đến nay vì yêu quý mái trường của quê hương anh đã vượt qua hàng ngàn cây số thật vất vả vô cùng vì phải chống nạng. Tôi xúc động quá! Anh đã cùng tôi xem từng trang tư liệu, từng tấm ảnh xong và đề nghị tôi sắp xếp rồi chuyển cho anh Viết đánh máy để gửi cho anh.

Trong không khí vui vẻ, cởi mở thân tình lâu ngày gặp nhau, tôi thấy các anh cứ nói xa gần như có ý thăm dò định bồi dưỡng cho tôi vì đã bỏ ra bao công sức giữ, thu thập tư liệu trong nhiều năm nay; hiểu được sự quan tâm và tấm lòng ưu ái đó, tôi rất xúc động nói luôn để các anh yên tâm: Trường PT Cấp 3 Quảng Trạch là nơi tôi đặt bước chân đầu tiên vào nghề dạy học, cũng là nơi mà tuổi trẻ của tôi được sống hơn tám năm cùng đồng nghiệp, cùng học sinh và nhân dân Quảng Trạch những ngày hòa bình và những năm gian khổ đạn bom, và cũng chính nơi đó tôi đã trưởng thành. Những kỷ niệm sâu nặng đó sống mãi trong tôi, việc làm của tôi và của một số anh chị và các anh chính là chúng ta trả nghĩa cho mái trường thân yêu và quê hương Quảng Trạch. Đó là lý do chính, còn một lý do cũng không kém  phần quan trọng là: Mỗi bài viết, mỗi tấm ảnh của thầy trò gửi đến cho tôi là chứa đựng những kỷ niệm sâu sắc của mình đối với thầy với bạn, với trường. Nếu không khẩn trương thu thập lưu giữ và in ấn kịp thời thì theo thời gian sẽ biến thành cát bụi, do vậy nên dù có mất thời gian, công sứ, vất vả mà thành công, đó là một tập lưu giữ những tác phẩm của của thầy trò Trường Cấp 3 Quảng Trạch, những người sáng tác “nghiệp dư”, nhưng tập hợp lại, lại hiện lên hình ảnh mái trường thân yêu của chúng ta. Và nó sẽ tồn tại mãi với thời gian!”
Suy nghĩ như vậy có phải lãng mạn quá hay không mong các bạn đồng nghiệp và các anh chị thông cảm!

Thưa các thầy cô giáo, cán bộ , học sinh, tập tư liệu Văn học này, tác giả chủ yếu là những người sống trong cuộc, tôi và một số anh em chỉ làm nhiệm vụ thu thập lưu giữ, sắp xếp lại và in ấn thành tập, nếu có gì cần bổ sung xin mọi người đóng góp thêm.
Xin gửi đến các thầy cô giáo , cán bộ, học sinh đã từng công tác, học tập ở Trường PT Cấp 3 Quảng Trạch những năm  đầu thành lập và thời kỳ chống Mỹ lời chào chân i nhất, chúc mọi người mạnh khỏe – hạnh phúc – thành công.

Phạm Ngọc Căng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét