Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

VIDEO - Truyền Hình Trung Quốc công khai kế hoạch đánh Việt Nam

Ngày đầu tiên của chiến tranh: lực lượng tên lửa của ta bắt đầu tiến hành tiến công đợt 1 bằng tên lửa đối với 300 mục tiêu chính trị quân sự quan trọng trên toàn bộ lãnh thổ của địch. được đăng tải theo Paltalk Làm Báo.

“…Ngày đầu tiên của chiến tranh: lực lượng tên lửa của ta bắt đầu tiến hành tiến công đợt 1 bằng tên lửa đối với 300 mục tiêu chính trị quân sự quan trọng trên toàn bộ lãnh thổ của địch. Sẽ phóng vào lãnh thổ địch 500 tên lửa chiến thuật tầm ngắn, 100 tên lửa chiến thuật hành trình, hải quân sẽ phóng 200 tên lửa hành trình từ căn cứ trên đất liền và 100 tên lửa hành trình từ căn cứ trên biển. Lực lượng kỹ thuật điện từ tiến hành gây nhiễu điện từ mạnh đối với trung tâm chỉ huy, hệ thống thông tin và rađa của địch. Máy bay oanh tạc chiến lược tiến hành oanh tạch chiến lược có trọng điểm đối với các nhà máy phát điện và cơ sở công nghiệp cỡ lớn của địch.
Ngày thứ bảy và thứ tám: lực lượng đổ bộ củng cố trận địch trên các bãi đổ bộ. Chủ lực của tập đoàn quân số 1 tiếp tục đổ bộ lên bờ mở rộng khu vực đổ bộ. Đồng thời sử dụng binh lực của 1 trung đoàn nhanh chóng tiến về phía Nam, dựa vào địa hình có lợi, ngăn cản quân đội Việt Nam tiến về chi viện cho phía Bắc.
Đến ngày thứ ba mươi mốt: công chiếm toàn bộ Việt Nam…”

                             Truyền Hình Trung Quốc công khai kế hoạch đánh Việt Nam

Điều nghiên chiến lược.

Từ trước đến nay Việt Nam và Đông Nam Á đều thuộc phạm vi thế lực truyền thống của Trung Quốc. Trong phần lớn thời gian của lịch sử, Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng hữu hảo. Nhưng từ sau thập kỷ 70 của thế kỷ trước, do thực lực của nước ta suy yếu nên đã dần dần mất đi quyền kiểm soát đối với khu vực này. Việt Nam nhân cơ hội này đã xâm chiếm lãnh thổ của nước ta, đưa tới hai nước thù địch, giao chiến với nhau.

“Tiến công Việt Nam theo kế hoạch A: đánh một trận, thiên hạ sẽ ổn định”
Hiện nay, Việt Nam là mối đe dọa chủ yếu nhất đối với an ninh lãnh thổ Trung Quốc, là trở ngại lớn nhất đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhìn từ góc độ khác cho thấy Việt Nam cũng là đầu mối và trung tâm chiến lược của toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Muốn kiểm soát lại Đông Nam Á cần chinh phục Việt Nam. Chinh phục Việt Nam là bước đầu tiên cũng là bước quan trọng nhất để Trung Quốc mở rộng về phía Nam.
Việt Nam là nước có thực lực quân sự mạnh nhất ở Đông Nam Á, lại có kinh nghiệm chiến tranh phong phú, đặc biệt là kinh nghiệm tác chiến với các nước lớn quân sự. Cho nên nhìn từ góc độ nào thì Việt Nam đều là “khúc xương khó nhằn”. Dựa theo câu nói của Mao Chủ tịch thì về chiến lược chúng ta cần coi thường địch, nhưng về chiến thuật phải coi trọng đối thủ. Cho nên hành động quân sự đối với Việt Nam cần phải có một kế hoạch tác chiến tỷ mỉ khoa học.
Địa hình Việt Nam rất đặc thù, ví von một cách thông tục thì Việt Nam giống như một con rắn nước kỳ quái nằm ở cực Đông của bán đảo Trung Nam. Hướng Bắc-Nam thì dài, hướng Đông – Tây thì hẹp. Chiều dài Bắc-Nam khoảng 1600km, chỗ hẹp nhất hướng Đông-Tây chỉ có 50km. Địa thế Việt Nam phía Tây cao, phía Đông thấp, địa hình ba phần tư là núi và cao nguyên.
Phía Bắc Việt Nam nhiều dãy núi liên tiếp nhau bị ngăn cách bởi những khe núi vực sâu, cao 300-1500m so với mặt nước biển. Phía Nam là cao nguyên và đồi núi, cao 500-1500m so với mặt nước biển. Trên núi sông suối nước chảy xiết, mùa mưa nước lũ tràn lan, rừng rậm nhiệt đới bao phủ 40% diện tích toàn lãnh thổ. Cho nên phần lớn các khu vực ở Việt Nam không thích hợp với tác chiến cơ động với quy mô lớn.
Theo bài học thất bại của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam và kinh nghiệm thành công của chúng ta trong cuộc chiến tranh phản kích tự vệ, việc sử dụng lực lượng sơn cước và máy bay trực thăng vũ trang là biện pháp tốt nhất tiến hành chiến tranh sơn địa và chiến tranh rừng núi. Chỉ cần đột phá được tuyến phòng ngự ở vùng núi phía Bắc Việt Nam, một khi tiến vào đồng bằng sông Hồng thì lực lượng thiết giáp sẽ lại phát huy uy lực lớn.
Còn việc đưa lực lượng thiết giáp theo cách tiến công cũ như trong cuộc chiến tranh phản kích tự vệ đã chứng minh không thành công. Như vậy chỉ có thể mở một chiến trường mới, tập kết nhanh chóng và hiệu quả với quy mô lớn lực lượng thiết giáp. Việc thực hiện đòn đột kích mang tính hủy diệt đối với khu vực trung tâm của địch là điều then chốt để giành chiến thắng trên mặt đất.
Làm thế nào chế phục được Việt Nam “con rắn kỳ quái này?” Điều chủ yếu quyết định bởi việc làm thế nào nhanh chóng chặt đứt đầu rắn. Tục ngữ Trung Quốc có câu “đánh rắn đánh phải đánh vào đốt thứ 7, vị trí đốt thứ 7 là chỗ hiểm của rắn”.
Chúng ta chú ý thấy rằng khu vực ven biển miền Trung Việt Nam có một địa phương gọi là Thanh Hoá. Khu vực này là mũi cực Nam của đồng bằng sông Hồng, là cửa đi ra biển của sông Mã. Từ Thanh Hoá hướng về phía Nam và Đông Tây, địa hình đột nhiên thu hẹp lại giống như cổ con rắn, chia cắt Việt Nam thành 2 phần Nam-Bắc hoàn toàn khác nhau.
Toàn bộ tuyến đường sắt và đường bộ huyết mạch chủ yếu nối liền hai miền Bắc – Nam đều đi qua Thanh Hoá — mảnh đất nhỏ hẹp này. Vị trí địa lý của Thanh Hoá rất giống tuyến đường độc đạo chiến lược Cẩm Châu của nước ta. Cho nên, Thanh Hoá chính là yết hầu khống chế đầu rắn phía Bắc của Việt Nam. Bóp nghẹt yết hầu này, cũng có nghĩa là bóp nghẹt đốt thứ 7 của con rắn.
Thanh Hoá có địa thế thấp, đồng thời cũng là bình nguyên rộng bằng phẳng, rất thích hợp với việc tiến hành đổ bộ với quy mô lớn. Nếu vận dụng phương pháp đổ bộ, thì có thể nhanh chóng đưa nhiều lực lượng thiết giáp vào chiến trường. Như vậy xe tăng một khi đổ bộ lên bờ sẽ tránh gặp phải địa hình núi non, tận dụng ưu thế địa hình đồng bằng, nhanh chóng tiến về Hà Nội. Nếu việc tác chiến đổ bộ ở Thanh Hoá diễn ra thuận lợi, sẽ khiến cục diện toàn bộ chiến trường nẩy sinh thay đổi cơ bản, khiến việc quân ta nhanh chóng giải quyết vấn đề Việt Nam có thể trở thành khả năng. Điều kiện đổ bộ thuận lợi như vậy, vì sao quân Mỹ trước đây không lợi dụng. Điều này chủ yếu là do trong thời gian chiến tranh Việt Nam, Trung Quốc đã cảnh cáo Mỹ cấm vượt qua vĩ tuyến 17. Mỹ luôn nhớ đến thất bại trong chiến tranh Triều Tiên, cho nên lời cảnh cáo của Trung Quốc đã có tác dụng răn đe nhất định. Còn Thanh Hoá nằm ở gần vĩ tuyến 20. Đến ngay vĩ tuyến 17 quân Mỹ không dám vượt qua, thì việc đổ bộ lên Thanh Hoá càng không dám nghĩ đến.
Tổng hợp những xem xét trên, chế định ra kế hoạch tác chiến tiến công Việt Nam dưới đây:
1- Bố trí binh lực:
Việc tác chiến với Việt Nam quyết định đột kích theo 3 hướng, chiến pháp là “hướng tâm hợp vây” và thực hiện phương châm chiến lược Bắc trước Nam sau. Dựa vào phương châm chiến lược này chia lực lượng tiến công thành 3 tập đoàn chiến dịch Bắc, Đông và Nam.
Hướng Vân Nam: lấy tập đoàn quân 14 thuộc lục quân làm chủ lực đảm nhận nhiệm vụ tiến công của tập đoàn Bắc. Đồng thời để thích ứng với nhu cầu trong giai đoạn đầu khai chiến tiến hành tác chiến ở vùng núi, sẽ rút 1 lữ đoàn sơn cước và 1 đại đội vận tải đường không của tập đoàn quân 13 tăng cường cho tập đoàn quân 14. Hướng Vân Nam tổng cộng có khoảng 60 nghìn quân.
Hướng Quảng Tây: lấy tập đoàn quân 42 làm chính, đảm nhận nhiệm vụ tiến công của tập đoàn Đông; rút 1 lữ đoàn thiết giáp và 1 trung đoàn vận tải đường không của tập đoàn quân 41 tăng cường cho tập đoàn quân 42. Sư đoàn không quân số 2 thuộc lực lượng không quân phụ trách chi viện trên không cho tập đoàn Đông. Hướng Quảng Tây tổng cộng có 100 nghìn quân.
Hướng đổ bộ từ biển của tập đoàn Nam, tập đoàn quân số 1 của lục quân và 2 lữ đoàn thuỷ quân lục chiến đảm nhận nhiệm vụ tiến công chủ yếu. Sư đoàn cơ giới 127 thuộc tập đoàn quân 54 của lục quân là lực lượng thê đội 2, đảm nhận là mũi đột kích bằng xe tăng chủ yếu tiến công Hà Nội. Đồng thời chủ lực hạm đội Nam Hải và lực lượng không quân thuộc hải quân phụ trách chuyên chở quân đổ bộ và chi viện yểm trợ trên không ở khu vực tác chiến này. Sư đoàn không quân số 9 thuộc lực lượng không quân thì phụ trách kiểm soát không phận khu vực miền Trung Việt Nam. Tập đoàn Nam tổng cộng khoảng 150 nghìn quân, trong đó lực lượng đổ bộ khoảng 100 nghìn quân.
Tập đoàn quân 24 và quân đoàn lính dù số 15 thuộc quân khu Tế Nam là lực lượng dự bị.
Cho đến nay, tổng số binh lực tham chiến của quân ta khoảng 520 nghìn quân (không tính lực lượng tên lửa và không quân chiến lược), tác chiến tại tuyến 1 có 310 nghìn quân. Dự tính đưa 1200 xe tăng, 3000 xe thiết giáp, 3200 máy bay chiến đấu các loại vào tham gia tác chiến.
2 – Thực hiện tác chiến:
Dự kiến thời gian tác chiến là 31 ngày:
a – Giai đoạn tiến công chiến lược:
* Ngày đầu tiên của chiến tranh: lực lượng tên lửa của ta bắt đầu tiến hành tiến công đợt 1 bằng tên lửa đối với 300 mục tiêu chính trị quân sự quan trọng trên toàn bộ lãnh thổ của địch. Sẽ phóng vào lãnh thổ địch 500 tên lửa chiến thuật tầm ngắn, 100 tên lửa chiến thuật hành trình, hải quân sẽ phóng 200 tên lửa hành trình từ căn cứ trên đất liền và 100 tên lửa hành trình từ căn cứ trên biển. Lực lượng kỹ thuật điện từ tiến hành gây nhiễu điện từ mạnh đối với trung tâm chỉ huy, hệ thống thông tin và rađa của địch. Máy bay oanh tạc chiến lược tiến hành oanh tạc chiến lược có trọng điểm đối với các nhà máy phát điện và cơ sở công nghiệp cỡ lớn của địch.
* Ngày thứ hai: lực lượng không quân và lực lượng không quân thuộc hải quân xuất kích 1000 lượt máy bay tiến hành tiến công hoả lực chính xác đợt 2 đối với các mục tiêu quân sự quan trọng của địch và tiến hành đánh giá hiệu quả của cuộc tiến công bằng tên lửa đợt 1. Lực lượng tên lửa tiếp tục phóng 300 tên lửa chiến thuật về phía địch.
* Ngày thứ ba: lực lượng không quân và lực lượng không quân thuộc hải quân xuất kích 1500 lượt máy bay tiến hành không tập với quy mô lớn hơn các mục tiêu quân sự quan trọng của địch. Tiêu diệt triệt để lực lượng không quân và hải quân còn lại của quân đội Việt Nam. Hải quân tiếp tục phóng 100 tên lửa hành trình từ căn cứ trên đất liền, tiến hành phá huỷ các điểm đã xác định.
b – Giai đoạn tiến công chiến thuật:
* Ngày thứ tư: lực lượng không quân và lực lượng không quân thuộc hải quân xuất kích 1000 lượt máy bay tiến hành tiến công hoả lực lần thứ 3 đối với các mục tiêu quân sự chủ yếu của địch. Đồng thời các tập đoàn quân tiến công sử dụng Katusha tầm xa và pháo cỡ lớn tiến hành đột kích đối với các mục tiêu quan trọng của địch. Hạm đội Nam Hải hoàn thành nhiệm vụ phong toả toàn bộ khu vực biển vịnh Bắc Bộ và tuyến đường phía cực Nam của Nam Hải (biển Đông). Hạm đội Đông Hải thực hiện cảnh giới vòng ngoài, thực hiện vu hồi từ xa.
* Ngày thứ năm: lực lượng không quân và lực lượng không quân của hải quân xuất kích 500 lượt máy bay tiến hành oach tạc chính xác có trọng điểm đối với các mục tiêu quân sự quan trọng của địch. Đập tan khả năng phản kích của địch. Máy bay trực thăng tiến công của lục quân phối hợp với pháo binh mặt đất tiến hành đột kích các mục tiêu nằm sâu trong chiến tuyến của địch. Đồng thời các lực lượng tham gia tiến công tiến vào vị trí tập kết, 10 tàu đổ bộ cỡ lớn và 100 tàu đổ bộ cỡ vừa chuyên chở quân đổ bộ xuất phát từ các quân cảng. Lực lượng không quân của hải quân và lực lượng tàu ngầm chịu trách nhiệm bảo vệ việc đổ bộ cũng như không phận có liên quan.
c – Giai đoạn tác chiến trên mặt đất:
* Sáng sớm ngày thứ sáu: các lực lượng tiến công tiến hành chuẩn bị hoả lực trong 1 tiếng đồng hồ cuối cùng, sau đó từ 3 hướng Bắc, Đông và Nam nhanh chóng tiến vào bên trong lãnh thổ Việt Nam. Hướng tiến công của tập đoàn Bắc và tập đoàn Đông vẫn đi theo hướng mà trong cuộc chiến tranh phản kích tự vệ năm 1979 đã vận dụng. 2 lữ đoàn thuỷ quân lục chiến thuộc thê đội đổ bộ thứ nhất của tập đoàn Nam lần lượt mở hướng đổ bộ ở hai khu vực Tịnh Gia và Lặc Trường, sau đó hoà nhập vào nhau.
* Ngày thứ bảy và thứ tám: lực lượng đổ bộ củng cố trận địa trên các bãi đổ bộ. Chủ lực của tập đoàn quân số 1 tiếp tục đổ bộ lên bờ mở rộng khu vực đổ bộ. Đồng thời sử dụng binh lực của 1 trung đoàn nhanh chóng tiến về phía Nam, dựa vào địa hình có lợi, ngăn cản quân đội Việt Nam tiến về chi viện cho phía Bắc.
* Ngày thứ chín và thứ mười: chủ lực tập đoàn quân số 1 công chiếm Thanh Hoá, cắt đứt sự liên hệ giữa chủ lực quân Việt Nam ở phía Bắc với các lực lượng ở phía Nam, hoàn thành việc bao vây chiến lược đối với Hà Nội. Đồng thời sử dụng binh lực của 1 sư đoàn công chiếm Nghĩa Đàn và dựa vào địa hình và tuyến ven biển thực hiện phòng ngự đối với hướng Nam, ngăn cản quân đội Việt Nam chi viện cho phía Bắc.
* Ngày thứ mười một: tập đoàn Bắc và tập đoàn Đông lần lượt tiến công đột phá Yên Bái và Lạng Sơn, hình thành thế tiến công gọng kìm đối với Hà Nội. Sư đoàn cơ giới 127 của tập đoàn quân 54 của lục quân hoàn thành việc đổ bộ.
* Ngày thứ mười hai và mười ba: sư đoàn 127 tiến về Hà Nội, nhanh chóng công chiếm Ninh Bình. Như vậy 3 tập đoàn đột kích chiến dịch Bắc, Đông và Nam của ta sẽ lần lượt tiến vào khu vực dự định, hoàn thành việc bao vây Hà Nội.
* Ngày thứ mười bốn và mười lăm: các đơn vị đóng nguyên vị trí đợi lệnh, nghỉ ngơi chỉnh đốn đội ngũ, củng cố các khu vực đã chiếm. Lực lượng không quân và pháo tầm xa của ta tiến hành chuẩn bị tiến công hoả lực trước khi tổng tiến công. Đồng thời tập đoàn quân 24 tiếp tục đưa vào chiến trường Việt Nam .
* Ngày thứ mười sáu: bắt đầu tổng tiến công Hà Nội, dự kiến trong 3 ngày hoàn thành việc công chiếm Hà Nội.
* Ngày thứ mười chín, hai mươi: các lực lượng nghỉ ngơi 2 ngày.
* Ngày thứ hai mốt: chủ lực của tập đoàn quân 24 và tập đoàn quân số 1 bắt đầu tác chiến tiến đánh miền Nam Việt Nam
* Đến ngày thứ ba mươi mốt: công chiếm toàn bộ Việt Nam .
Mấy điểm thuyết minh về kế hoạch tác chiến này:
Thứ nhất, vì sao chỉ tiến hành 5 ngày không tập đã đưa lực lượng mặt đất vào?
Trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, trong tình hình có nhiều vũ khí chính xác và ưu thế hải quân tuyệt đối, nhưng Mỹ vẫn tiến hành chuẩn bị không tập kéo dài 1 tháng, sau đó mới đưa lực lượng mặt đất vào. Chúng ta sở dĩ nhanh chóng đưa lực lượng mặt đất vào, chủ yếu là do giữa Việt Nam và Irắc có sự khác biệt nhau.
Trước hết tính chất phức tạp của môi trường địa lý Việt Nam đã quyết định hiệu quả cao nhất của không tập chỉ trong giai đoạn bắt đầu chiến tranh, lợi dụng tính bất ngờ, gây sát thương lớn cho phía địch. Sau đó quân địch sẽ nhanh chóng điều chỉnh bố trí binh lực, lợi dụng địa hình nhiều núi và rừng tiến hành ẩn nấp có hiệu quả. Mà Việt Nam cả năm có độ ẩm rất cao, mây mù bao trùm, khiến việc trinh sát trên không của chúng ta rất khó khăn.
Cho nên nếu không dựa vào sự phối hợp chính xác của lực lượng mặt đất, hiệu qủa cuộc việc tiếp tục không tập sẽ không cao. Ngoài ra, Việt Nam không có lực lượng thiết giáp với quy mô lớn, chủ yếu lấy lực lượng bộ binh nhẹ và lực lượng sơn cước làm chính. Những lực lượng này khiến quân đội Việt Nam dễ phân tán và lẩn tránh. Như vậy chỉ có thể dựa vào lực lượng lục quân để tiến công theo địa điểm chỉ định.
Còn một điểm nữa là Mỹ luôn nhòm ngó vào Việt Nam. Chỉ cần chúng ta tiến hành chiến tranh với Việt Nam, Mỹ nhất định sẽ tìm cách ngăn cản. Chỉ cần nhanh chóng đưa lực lượng mặt đất vào, biến Việt Nam thành một chiến trường thực sự, hình thành cục diện hỗn chiến, thì mới có thể triệt để ngăn chặn Mỹ thọc tay vào.
Thứ hai, kế hoạch tác chiến này thực hiện 3 hướng đột kích, theo chiến pháp “hướng tâm hợp vây”
Trong đó tập đoàn đổ bộ hướng Nam là hướng chủ công và trọng điểm tiến công của quân đội ta. Vì vậy lực lượng thiết giáp mạnh nhất và tinh nhuệ nhất cần được tập trung sử dụng tại hướng này. Tập đoàn đột kích hướng Đông là hướng tiến công bổ trợ. Tập đoàn Bắc hướng thực hiện kiềm chế chiến lược.
Thứ ba, do cuộc chiến tranh đối với Việt Nam là cuộc chiến tranh chính quy lấy địa hình rừng núi làm chính, cho nên các cuộc tiến công của máy bay trực thăng sẽ phát huy tác dụng tương đối quan trọng.
Lực lượng không quân thuộc lục quân của quân đội ta hiện nay còn thiếu nghiêm trọng. Để thích ứng với nhu cầu tác chiến với Việt Nam trong tương lai, các quân đoàn cần tăng cường xây dựng lực lượng không quân, nên trên cơ sở các trung đoàn không quân thuộc các tập đoàn quân hiện nay, mở rộng biên chế thành các lữ đoàn. Nâng cao mạnh mẽ khả năng tiến công phòng thủ lập thể và khả năng điều hành trên chiến trường.

Tác giả bài viết: Phan Nguyên Luân
Donnerstag HồngKông

Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

Trung Quốc lộ tử huyệt trước Hải quân Việt Nam

Sau khi Trung Quốc thành lập căn cứ Hải quân tại đảo Hải Nam, trang Kanwa tại Canada đã nhận định: “Việt Nam nắm được tử huyệt của hải quân Trung Quốc”.

Tàu Liêu Ninh neo đậu tại Hải Nam nhằm mục đích gì? Từ Hải Nam, máy bay H-6K có thể tấn công Biển Đông Theo bài báo, năm 2014, Việt Nam bắt đầu tiếp nhận 2 tàu ngầm lớp Kilo 636MV, toàn bộ 5 tàu ngầm lớp này đủ để phong tỏa căn cứ tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân ở đảo Hải Nam khi xảy ra chiến tranh.
Căn cứ của Hải quân Trung Quốc trên đảo Hải Nam
Không chỉ có vậy, căn cứ tàu sân bay mới cách bờ biển Việt Nam không đến 272 km, tên lửa đất đối hạm Bastion (tầm bắn 300 km, triển khai cơ động) nhập khẩu mới nhất của Hải quân Việt Nam đủ tầm bay tới tàu sân bay Trung Quốc tại quân cảng này.
Hơn nữa, chiến đấu cơ Su-22, Su-30MKV/MK2 của Không quân Việt Nam đều có thể kiểm soát căn cứ tàu sân bay, căn cứ tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Hải quân Trung Quốc.
Ngoài ra, “Quân đội Việt Nam bắt đầu trang bị tàu ngầm cỡ nhỏ tự sản xuất”, đây cũng là một tiến bộ lớn. Quân đội Việt Nam còn sở hữu lượng nhỏ tên lửa đạn đạo Scud-C.
Tổ hợp phòng thủ bờ biển Bastion-P của Việt Nam
Theo bài báo, trong điều kiện tình hình quốc tế hiện nay như vậy, việc xây dựng căn cứ tàu ngầm hạt nhân, tàu sân bay khổng lồ ở đảo Hải Nam thực chất đã trở thành “con tin” của Việt Nam, trong vấn đề xử lý quan hệ với Việt Nam trong tương lai, Trung Quốc buộc phải tương đối thận trọng.
Đặc biệt là ở trên biển, đây là nguyên nhân quan trọng khiến cho Trung Quốc đến nay vẫn giữ thái độ thận trọng trong việc lập ra Khu nhận diện phòng không trên Biển Đông.
Bài báo cuối cùng cho rằng, căn cứ tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân chiến lược của một quốc gia xây dựng trong phạm vi tấn công trực tiếp của vũ khí công nghệ cao của “kẻ thù tiềm tàng” (có lịch sử chiến tranh lãnh thổ) là một điều khó tưởng tượng nổi.
Thông tin về việc Trung Quốc thành lập căn cứ Hải quân tại đảo Hải Nam được báo chí Trung Quốc đăng tải hồi đầu năm 2014. Theo một bức ảnh được tiết lộ cho thấy, quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã triển khai 3 tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo Type 094 – lớp Jin tới căn cứ hải quân mới tại vịnh Yalong, thuộc đảo Hải Nam.
Các bức ảnh vệ tinh trên trang web của quân đội Trung Quốc chụp trong dịp Tết âm lịch cho thấy, 3 chiếc tàu ngầm Type 094 lớp Jin xuất hiện thường xuyên trong vùng nước gần vịnh Yalong càng góp phần làm gia tăng tin đồn.
Ông Cao Weidong, đến từ Viện nghiên cứu khoa học quân sự hải quân PLA khẳng định với kênh CCTV rằng, lực lượng tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc không nên bị các lực lượng đối lập coi là lực lượng chỉ nằm gần bờ.
Ông Cao tuyên bố tàu ngầm Type 094 hầu như chắc chắn đã bí mật thực hiện các nhiệm vụ tuần tra tại các vùng biển mở.
Với tầm bắn 14.000 km, hải quân Mỹ tin rằng các tàu ngầm trang bị tên lửa liên lục địa Giao Long 2 này có khả năng vươn tới bờ biển phía Tây của Mỹ.

Từ góc độ của nhiều chuyên gia quân sự phương Tây, tàu ngầm Type 094 lớp Jin và tên lửa Giao Long 2 đã lần đầu tiên giúp Trung Quốc có được năng lực răn đe hạt nhân tin cậy trên biển, khiến hải quân PLA có thể đáp trả trong trường hợp bị các cường quốc hạt nhân tấn công.

Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

Chính quyền nên cho biểu tình ôn hòa’

Ảnh bên: Tôi không loại trừ khả năng họ sẽ dùng các biện pháp kinh tế. Nếu việc đó diễn ra, sẽ có tác động xấu đến kinh tế Việt Nam"-Tiến sỹ Lê Đăng Doanh

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh khuyên chính phủ nên cho phép biểu tình ôn hòa, tuy nhiên phải đảm bảo được trật tự, bảo vệ quyền sở hữu và tài sản của các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam.
Trao đổi với BBC Tiếng Việt vào hôm 14/5, ông cho biết vụ bạo động ở Bình Dương “gây tổn hại uy tín, môi trường kinh doanh của Việt Nam” và “đi ngược lại với tinh thần yêu nước” của người Việt.

Ông cũng cho rằng căng thẳng gia tăng với Trung Quốc có thể gây ra các tác hại “tạm thời nhưng nặng nề” cho nền kinh tế Việt Nam.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Theo tôi biết thì ở miền bắc không có vụ bạo động nào, chỉ có ở Bình Dương thôi. Như ở Thái Bình thì biểu tình rất ôn hòa, tôn trọng phát luật, và không thấy có nói đến bạo động.

Tôi rất lấy làm tiếc về vụ bạo động quá khích ấy. Nó đã làm tổn hại uy tín, môi trường kinh doanh của Việt Nam, gây thiệt hại đến các doanh nghiệp Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, không có liên quan gì đến Trung Quốc cả.

Và kể cả chuyện hủy hoại và tấn công các doanh nghiệp Trung Quốc là hoàn toàn không phù hợp với tinh thần yêu nước và chiến đấu của Việt Nam.

Họ là doanh nghiệp, họ không phải chịu trách nhiệm với hành động của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Tôi hy vọng công an có thể tìm ra thủ phạm, trả lại một phần nào đó tài sản bị mất của các doanh nghiệp, và đưa ra các thông báo để trấn an nhà đầu tư, tránh gây tác hại lâu dài về môi trường đầu tư của Việt Nam.

BBC: Trong những công ty bị phá hoại chỉ có số nhỏ công ty Trung Quốc, phần lớn còn lại là công ty Đài Loan. Liệu có một âm mưu nào đó chĩa vào họ không?
Theo tôi hiểu những người quá khích thấy có tiếng Trung là xông vào thôi, chứ họ không phân biệt Đài Loan hay Trung Quốc. Điều này rất là đáng tiếc, bởi luật pháp Việt Nam hoàn toàn bảo vệ quyền sở hữu và toàn vẹn tài sản của các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam, nếu như không có các quyết định từ tòa án hay cơ quan pháp luật.

Vì vậy, tôi hi vọng vụ bạo động sẽ không ảnh hưởng lâu dài và mạnh mẽ đến môi trường kinh doanh của Việt Nam.

‘Biểu tình ôn hòa’

BBC: Cuối tuần qua có nhiều cuộc biểu tình diễn ra ba miền, có vẻ như được bật đèn xanh. Nhưng sau vụ việc ở Bình Dương, theo ông chính quyền sẽ có chính sách gì tiếp theo?
Như tôi hiểu bất kì cuộc biểu tình nào trên thế giới đều có lực lượng công lực đảm bảo an ninh. Tôi thấy các cuộc biểu tình (của người Việt) ở Đức, ở Paris thì đều có cảnh sát đứng ra bảo vệ tòa đại sứ.

Tôi hi vọng trong trường hợp này chính quyền tiếp tục ủng hộ nguyện vọng của người dân để bày tỏ lòng yêu nước và phản đối sự xâm lược của Trung Quốc, nhưng cũng bảo đảm được trật tự.

Tôi lưu ý là vụ biểu tình ở Thái Bình ngày hôm nay diễn ra một cách hết sức ôn hòa, trong vòng trật tự, và không để tại tác hại gì.

‘Vũ khí kinh tế’

BBC: Theo ông, căng thẳng của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Việt Nam, khi hiện họ đang là đối tác thương mại lớn nhất và nằm trong top 10 nhà đầu tư ở Việt Nam?

Hiện nay không thể loại trừ nhà cầm quyền Trung Quốc sẽ có các hành động khác để gây sức ép với Việt Nam. Căn cứ vào việc họ điều động thêm 90 tàu chiến và hành động hung hăng với tàu VN, chứng tỏ họ sẵn sàng dùng cả bạo lực.

Vậy nên tôi không loại trừ khả năng họ sẽ dùng các biện pháp kinh tế. Nếu việc đó diễn ra, sẽ có tác động xấu đến kinh tế Việt Nam.

Việt Nam trong năm 2013 xuất khẩu 13,3 tỷ đô la đến Trung Quốc, nhập khẩu khoảng 36, 9 tỉ đô la, chiếm 28% tổng nhập khẩu. Trong đó có linh kiện cho dệt may, da giày, nhà xưởng.

Vì vậy, nếu Trung Quốc đình chỉ xuất khẩu thì đối với họ chỉ mất 1% tổng xuất khẩu, còn VN mất 28% nhập khẩu. Nó có thể gây ra các tác hại tạm thời nhưng nặng nề.

Nếu việc đó diễn ra, thì Việt Nam sẽ phải tìm nguyên vật liệu ở nước khác. Hiện nay chúng ta có quan hệ thương mại với 240 nền kinh tế. Tôi hi vọng điều đó sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam tự chủ hơn, xây dựng được công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp dệt may, da giày của mình. Từ đó tiến tới một mối quan hệ cân bằng hơn với Trung Quốc.

Về lâu dài, tôi vẫn mong muốn Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục mối quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.

'Đẩy nhanh TPP'

Theo tôi, nếu Trung Quốc gây sức ép sẽ thúc đẩy Việt Nam đàm phán mạnh mẽ và quyết đoán hơn để gia nhập TPP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương) và kết thúc đàm phán thương mại tự do FTA với EU.

Còn RCEP (Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện khu vực) thì phải mất một thời gian lâu dài, và mới trong giai đoạn khởi động, chưa đi đến được các thỏa thuận ban đầu.

Hi vọng thời gian sẽ giúp hàn gắn vết thương (giữa Việt Nam và Trung Quốc) trong giai đoạn này (trước khi có những thỏa thuận).

   

Giá như...

  Phạm Huy Hoàng 
 35 năm trước , đất nước vừa ra khỏi cuộc chiến chưa được bao lâu thì ngày 17.02.1979 “anh bạn vàng” đưa quân tràn vào Việt nam để  dạy cho “thằng em” 1 bài học .

  Thời kỳ này phe XHCN với “thành trì” là Liên xô còn đang vững chắc . Nhờ có Hiệp định hợp tác hữu nghị toàn diện được ký giữa Việt nam và Liên xô ngày 03.11.1978 cho nên gần như ngay lập tức Liên xô đã ủng hộ Việt nam bằng những loại vũ khí mà lúc đó đang được coi là khủng . Ví dụ như máy bay tiêm kích Mig 21bis và máy bay tiêm kích ném bom cánh cụp cánh xòe Su 22M …


  Đang là lính thợ sửa chữa máy bay Mig 17 cổ lỗ sĩ , đầu tháng 3.1979 mình được cử đi cùng nhóm phi công và thợ máy đầu tiên của VN sang Nga ( thành phố Krasnodar ) để học chuyển loại sang Su 22M . Và chỉ sau đó 3 tháng những chuyến vận chuyển bằng máy bay An 124 ( Ruslan ) khổng lồ ( mỗi chuyến chở được 3 chiếc máy bay ) đã bổ sung cho không quân VN hàng chục chiếc Mig 21bis và Su 22M .

  Đưa ra dẫn chứng này để thấy rằng trong cuộc chiến tranh Biên giới , phía ta đã được Liên xô và các nước Đông Âu hậu thuẫn rất kịp thời , rất cụ thể và rất hùng hậu . Chỉ trong vòng 3 tuần lễ Trung quốc đã chịu những tổn thất lớn và đã phải sớm kết thúc cuộc chiến vào ngày 05.03.1979 .

  35 năm đã qua đi . Có những nước trước đây coi nhau là kẻ thù thì nay là bạn , là đồng minh của nhau . Nhưng trong tâm thức của dân Việt nam , theo mình rất ít người coi TQ là bạn . Còn nhớ cách đây vài năm , mình đọc từ báo bằng tiếng Nga có thông tin về kết quả điều tra xã hội học được thực hiện ở  Nga và TQ với chủ đề : bạn coi nước nào trong tương lai sẽ là kẻ thù nguy hiểm của đất nước mình ? Kết quả phần lớn thu được từ câu hỏi này với người dân Nga : kẻ thù thâm hiểm nhất đối với Nga là TQ ( chứ không phải là Mỹ ) , còn với dân TQ thì : Mỹ là kẻ thù đe dọa trực tiếp tới an ninh của họ ( chứ không phải là Nga ) . Không có thông tin gì về thái độ của dân Mỹ , nhưng có thể đưa ra kết luận sau : những ai là láng giềng với TQ dường như đều sống trong e ngại với anh chàng này .
  Thời kỳ Trung quốc và Việt nam tiến hành đổi mới , thời cuộc đã đem đến khá nhiều thuận lợi cho công cuộc đổi mới này . Chiến tranh lạnh kết thúc . Nhân loại dần quen với khái niệm “Thế giới phẳng” .

  Xét dưới góc độ kinh tế thì thời chiến tranh lạnh những hàng rào quyền lực vô hình đã ngăn cản hàng hóa giữa hai khối XHCN và TBCN rất khó thông thương với nhau . Nay chuyển sang giai đoạn “Thế giới phẳng” , hàng hóa của bất kỳ quốc gia nào cũng có thể đến được mọi “hang cùng ngõ hẻm” trên hành tinh nếu nó thực sự hấp dẫn ( có nhu cầu ) và được người tiêu dùng chấp nhận ( giá cả cạnh tranh ).

  Nói thế để giải thích tại sao dù rất giận dữ từ những bất ổn đang diễn ra ở Ucraina thì Mỹ và Tây Âu cũng rất khó đưa ra các biện pháp trừng phạt về kinh tế đối với Nga . Thế giới phẳng đã tạo điều kiện để công ty của 1 quốc gia có thể đi đầu tư khắp toàn cầu với quy mô ngày càng to lớn. Nước Nga quả thực là béo bở để các tập đoàn ngoại quốc lao vào đây “trục lợi”. Quyền lợi đan chéo đã khiến Mỹ và Tây Âu không khéo lại “chặt cả chân mình”. Một dẫn chứng cụ thể : khi Mỹ đưa 1 số quan chức Nga vào danh sách để trừng phạt trong đó có Phó thủ tướng D. Rogozin phụ trách về quốc phòng thì theo logic những sản phẩm do Nga sản xuất liên quan đến vị này đều nghiễm nhiên bị cấm mua bán . Nhưng khổ nỗi nếu không có động cơ tên lửa RD 180 của Nga dùng để phóng các vệ tinh ( chủ yếu là dùng cho quân sự ) lên quỹ đạo thì “Mỹ chỉ có thể dùng súng cao su mà bắn chúng lên đó” ( lời của Rogozin ). Theo hợp đồng đã ký giữa 2 nước thì từ nay đến năm 2020 Mỹ phải mua 101 động cơ như vậy . Vì thế mới đây phía Mỹ phải tự tuyên bố : động cơ tên lửa RD 180 do Nga sản xuất không nằm trong danh sách bị cấm mua bán !  

  Với nước Việt mình xem ra cơ sự lại không hoàn toàn như vậy .Nhất là đặt vào hoàn cảnh hiện tại , khi anh hàng xóm khổng lồ đang đem cả 1 mớ lý thuyết vàng ( chứ không phải 16 chữ vàng như vẫn thường mê hoặc ) để làm bệ đỡ đưa giàn khoan HD 981 vào vùng đặc quyền kinh tế trên Biển Đông của VN .

   Mặc dù ngót nghét 30 năm đổi mới đã qua đi , mặc dù đã làm được nhiều việc to lớn ( như Đảng CS tự khẳng định ) so với chính mình trước đổi mới , nhưng so với thế giới và so với “anh bạn 4 tốt” thì VN mình vẫn chẳng là gì cả . Đầu tư của các tập đoàn nước ngoài vào VN dẫu có tính đến tiền tỷ USD rồi thì VN vẫn chưa là “miền đất hứa” để mà khi có sự biến như hiện tại họ sẽ sôi lên sùng sục để thúc ép Chính phủ nước mình gây áp lực với TQ.

  Còn kỳ vọng vào “người bạn vong niên xứ Bạch dương ”( mình gọi vong niên là bởi anh ấy – CNXH đã ra đời và lão hóa trước so với VN ) – đối tác chiến lược toàn diện ư ? Đừng có mà mơ nhé . Tổng thống Putin là người cực kỳ thực dụng . Chắc ông ta ít nhiều cũng tâm đắc với câu nói của Đặng Tiểu Bình : “mèo trắng hay mèo đen không quan trọng , miễn là mèo đó bắt được chuột”. Cuộc khủng hoảng Ucraina buộc Putin phải lấy câu ngạn ngữ của VN “im lặng là vàng” để mong tìm được sự hậu thuẫn chí ít là về kinh tế từ phía TQ . Và quả đúng là như vậy , suốt từ khi TQ kéo giàn khoan vào Biển Đông đến nay các quan chức chính phủ Nga đều “ngậm miệng” . Nếu đúng tinh thần là đối tác chiến lược toàn diện thì Nga phải là người “có nhời” trước cả Mỹ và phương Tây trước sự kiện này . Vậy mà đã không lên tiếng thì thôi , Nga lại quyết định sẽ bán cho TQ dàn tên lửa S 400 - loại vũ khí phòng không được coi là hiện đại nhất thế giới vào thời điểm này .

   Tuyên bố chung của Asean hay những lời phản đối TQ từ các quan chức chính phủ Mỹ và phương Tây dù có làm cho VN thấy ấm lòng thì cũng khó mà buộc được TQ xuống thang để lôi giàn khoan khỏi khu vực này .

   Giá như nền kinh tế của nước nhà khỏe hơn , chí ít cũng ra tấm ra món như của anh hàng xóm thâm nho kia thì sự thể có lẽ đã khác . Giá như xã hội cởi mở hơn đừng có kiểu hơi tý chặn họng người ta thì có lẽ thiên hạ xung quanh xứ mình từ xa đến gần cũng cảm thấy có niềm tin với ta để khi ta gặp sự biến họ sẽ đồng cảm với mình và tận tình giúp mình như 35 năm trước Liên xô đã hậu thuẫn cho Việt nam .

   Sự kiện người Hoa năm 1978 , theo mình cần phải được coi là 1 bài học về lịch sử .  Năm 1956 , chính quyền Ngô Đình Diệm đưa ra chính sách buộc người Hoa phải nhập quốc tịch Việt Nam nếu không họ sẽ bị trục xuất khỏi lãnh thổ . Có nghĩa là hầu hết người Hoa sinh sống ở VN cho đến trước năm 1978 đều là công dân nước Việt . Họ cũng là 1 trong số 54 dân tộc đang tồn tại trên dải đất hình chữ S . Vậy mà chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm đã có khoảng 160 ngàn người Việt gốc Hoa bị xua ra khỏi lãnh thổ Việt nam . Sự kiện này đã trở thành vết nhơ , hạt sạn trong con mắt người ngoại quốc – những người đang muốn đến Việt nam để đầu tư và làm ăn lâu dài.

   Rất may cả dân tộc này , cả đất nước này từ ngàn đời nay luôn cảnh giác với anh bạn có cùng “ý thức hệ” kia .

  Hành động tẩy chay hàng hóa do Tàu sản xuất cũng chính là 1 trong những biện pháp trừng phạt cần thiết  mà người tiêu dùng Việt nam đang áp cho Trung quốc .

   Và những hành động phản đối từ phía Chính quyền Việt nam lần này cũng làm cho Trung quốc bất ngờ .

   Như trên mình đã viết , giá như nền kinh tế của Việt nam đã hóa rồng , giá như Việt nam là “điểm đến hấp dẫn và an toàn” ( lời của các báo lề phải ) … thì chắc Trung quốc đã không dám manh động như đang làm trên vùng biển và vùng trời của Việt nam .

   Đành mượn lời của nhạc sỹ Trần Tiến trong chương trình “Giai điệu tự hào” : Giá như bây giờ không phải ngồi để mà giá như thì vẫn tốt hơn . 
          
   Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả


Cần đưa Trung Quốc ra tòa

Nguyễn Thái Linh Dương Danh Huy
(Quỹ Nghiên cứu biển Đông)
Tàu TQ hung hăng áp sát tàu VN và tấn công bằng vòi rồng
Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam khiến cho câu hỏi "Việt Nam có thể đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế?” càng ngày càng được nhiều người quan tâm.

Vì Việt Nam và Trung Quốc cùng tham gia Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), cho nên trên nguyên tắc, Việt Nam và Trung Quốc đều phải chấp nhận cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS. 
Điều 286 của UNCLOS cho phép một quốc gia thành viên đơn phương đưa tranh chấp ra một trọng tài có thẩm quyền và phán quyết của trọng tài sẽ mang tính chất tối hậu, bắt buộc các bên phải tuân theo. Trọng tài này có thể là Tòa Trọng tài Quốc tế về Luật Biển, Tòa án Công lý Quốc tế hay một tòa trọng tài được thành lập đúng theo thủ tục của UNCLOS. Philippines đã sử dụng cơ chế này để kiện Trung Quốc.

Vị trí của giàn khoan Hải Dương-981 nằm cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 119 hải lý, cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 182 hải lý, và cách các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa từ 17 đến khoảng 100 hải lý, tất cả đều giữa 12 và 200 hải lý, do đó thực chất tranh chấp ở đây là: giàn khoan nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước nào?

Đáng tiếc là UNCLOS lại cho phép các quốc gia thành viên có thể tuyên bố bảo lưu, không chấp nhận cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc nói trên đối với một số loại tranh chấp, trong đó có các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Điều 15, 74 và 83 liên quan đến việc hoạch định ranh giới các vùng biển (lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa). Và Trung Quốc đã sử dụng quyền bảo lưu này.
 
Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng công suất cao phun nước vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam -  Ảnh do Bộ Ngoại giao Việt Nam cung cấp

Điều này có nghĩa là Việt Nam không thể kiện Trung Quốc rằng giàn khoan Hải Dương-981 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, không phải vì chúng ta thiếu cơ sở, mà vì trọng tài không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giàn khoan nằm trong vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của nước nào.

Tuy nhiên, trọng tài có thẩm quyền công nhận giàn khoan Hải Dương-981 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế bị tranh chấp, và điều đó có những hệ quả quan trọng.

UNCLOS quy định khi chưa đi tới được thỏa thuận về việc phân định vùng đặc quyền kinh tế thì "các quốc gia hữu quan, trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, làm hết sức mình để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn” (Điều 74). Mặc dù Trung Quốc đã tuyên bố bảo lưu như đã nói trên, khiến cho trọng tài của UNCLOS không thể áp dụng Điều 74, sẽ rõ ràng với các chính phủ, học giả và nhà phân tích trên thế giới rằng việc triển khai giàn khoan Hải Dương-981 (đơn phương gây ra sự thay đổi vĩnh viễn cho môi trường biển) và hành vi đâm húc tàu (đơn phương dùng vũ lực để áp đặt) vi phạm điều luật này.

Ngoài ra, Việt Nam có quyền đòi hỏi rằng trong thời gian thành lập tòa và phân xử, Trung Quốc không được triển khai giàn khoan.

Hiện nay Philippines đang đơn phương kiện Trung Quốc sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc, và Trung Quốc đang trốn tránh thẩm quyền của trọng tài. Nếu Việt Nam cũng dùng cơ chế này để kiện Trung Quốc, và họ cũng trốn tránh thẩm quyền của trọng tài thì thế giới sẽ càng thấy rõ nước nào là nước có chủ trương dùng sức mạnh và trốn tránh công lý ở biển Đông.

Thomas Friedman: Những người Quảng trường- Phần 1

Thomas Friedman, The New York Times
    Huỳnh Hoa dịch
 
Thomas Friedman
Huỳnh Hoa:Tâm trạng chán quá, không viết lách gì được! Ngồi dịch một bài bình luận mới của Thomas Friedman (tác giả Thế giới phẳng, Chiếc Lexus và cây ô-liu...) cho nhẹ bớt đầu óc vì vụ Biển Đông. Bài này, Thomas viết ở Hà Nội, ngay trước khi rời Việt Nam và đăng báo The New York Times sáng nay 14-5. Tuy không thời sự như bài “Những đôi đũa” mà Thomas viết vài hôm trước, nhưng bài này có đề tài rộng hơn, viết về bạn, về tôi, về chúng ta, về lớp người mà ông ta đặt tên là “Những người Quảng trường”.

 Tôi nghĩ, tôi sẽ lập kế hoạch đi từ Kiev tới Hà Nội thường xuyên hơn. Chỉ khi nào bạn đi tới hai nơi có vẻ như không liên can gì với nhau bạn mới nhìn thấy các xu hướng lớn, và một trong các xu hướng lớn mà tôi chú ý là sự trỗi dậy của “Những người Quảng trường”.

Năm 2004, nhà khoa học chính trị của Đại học Harvard, giáo sư Samuel Huntington, đã viết về một “giai cấp siêu đẳng” toàn cầu đang nổi lên, “Những người Davos” – ám chỉ những người tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos – một tầng lớp tinh hoa toàn cầu, xuyên quốc gia, chọn ra từ lĩnh vực công nghệ cao, tài chính, tập đoàn đa quốc gia, giới hàn lâm và các tổ chức phi chính phủ. Ông Huntington cho rằng, Những người Davos có “rất ít nhu cầu trung thành với quốc gia”, và họ có nhiều điểm chung với nhau hơn là với đồng bào mình. Họ cũng có những kỹ năng để kiếm lợi một cách không tương xứng từ công cuộc toàn cầu hóa thị trường và công nghệ thông tin mới xuất hiện.

Thế nhưng, chỉ một thập niên sau, khi cuộc cách mạng công nghệ thông tin và toàn cầu hóa đã được dân chủ hóa và lan rộng – chúng ta đã chuyển từ máy tính xách tay cho giới tinh hoa sang điện thoại thông minh (smartphone) cho tất cả mọi người, từ mạng truyền thông chỉ dành cho số ít người may mắn ở Davos đến Facebook cho mọi người và từ việc chỉ một số người giàu mới được lãnh đạo lắng nghe trong những hội trường quyền lực sang tất cả mọi người đều có thể phản hồi thông tin tới lãnh đạo thông qua Twitter – một lực lượng chính trị toàn cầu mới đang được thai nghén, lớn hơn và quan trọng hơn Những người Davos. Tôi gọi họ là Những người Quảng trường.

Họ phần lớn là những người trẻ, khao khát một tiêu chuẩn sống cao hơn, tự do hơn. Họ đang tìm kiếm sự cải tổ hoặc cách mạng (tùy theo chính phủ hiện hành của họ là gì). Họ kết nối với nhau hoặc bằng cách tập trung trên các quảng trường, hoặc thông qua các quảng trường ảo, hoặc cả hai. Họ ít kết liên với nhau theo một chương trình chung mà phần lớn bởi cùng chia sẻ một phương hướng mà họ muốn xã hội đi theo. Giờ đây chúng ta nhìn thấy họ trên các quảng trường ở Tunis (Tunisia), Cairo (Ai Cập), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), New Delhi (Ấn Độ), Damascus (Syria), Tripoli (Libya), Beirut (Lebanon, Li băng), Sana (Yemen), Tehran (Iran) Moscow (Nga) Rio (Argentina), Tel Aviv (Israel) và Kiev (Ukraine), cũng như trên các quảng trường ảo của Saudi Arabia, Trung Quốc và Việt Nam.

Cả ba quốc gia cuối danh sách trên đều có một số lượng lớn phi thường những người sử dụng Facebook, Twitter và YouTube, hoặc những dịch vụ tương
tự ở Trung Quốc, mà cộng chung lại, sẽ tạo ra một quảng trường ảo, nơi họ kết nối, thúc đẩy thay đổi và thách thức nhà cầm quyền. Người viết blog nổi tiếng nhất Việt Nam, ông Nguyễn Quang Lập, có số người theo đọc nhiều hơn bất kỳ tờ báo nào của chính phủ. Ở Saudi Arabia, một trong những từ khóa Twitter phổ biến nhất là “Nếu tôi gặp nhà vua, tôi sẽ nói”.

Và Những người Quảng trường đang ngày càng đông hơn, mạnh mẽ hơn. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, lãnh đạo tập đoàn Viettel – một tập đoàn viễn thông Việt Nam – nói với tôi rằng: “Mục tiêu của chúng tôi là trong ba năm nữa, mỗi người dân Việt Nam đều có một smartphone. Giờ đây, chúng tôi đang sản xuất một loại smartphone có giá dưới 40 USD và mục tiêu nhắm tới là 35 USD. Chúng tôi thu phí mỗi tháng 2 USD cho việc kết nối internet bằng máy tính để bàn, 2,5 USD cho dịch vụ từ smartphone”. Bởi vì báo chí ở Việt Nam bị kiểm duyệt kỹ nên không phải ngẫu nhiên mà có tới 22 triệu trong số 90 triệu người Việt Nam sử dụng Facebook. Chỉ mới hai năm trước, con số này là 8 triệu người. Việt Nam hiện có khoảng 100.000 sinh viên đang học tập ở nước ngoài; một thập niên trước con số chỉ bằng 1/10 hiện nay. Tất cả đều là Những người Quảng trường tương lai.

Cần khẳng định rằng, Những người Quảng trường đại diện cho một xu hướng chính trị đa dạng, kể cả Huynh đệ Hồi giáo ở Ai Cập và chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Kiev. Nhưng xu thế chủ đạo đang lay động họ là: “Bây giờ chúng tôi đã có công cụ để thấy mọi người sống như thế nào, kể cả các cơ hội ở nước ngoài và các lãnh đạo tham nhũng ở trong nước, và chúng tôi sẽ không chịu đựng vĩnh viễn sống trong một hoàn cảnh mà chúng tôi không thể phát huy hết tiềm năng của mình. Và giờ đây chúng tôi cũng có công cụ để hợp tác cùng nhau làm một điều gì đó về chuyện này”.

Như một chuyên gia đối ngoại của Việt Nam nhận định, Những người Quảng trường theo cách này hoặc cách khác “đang đòi hỏi một khế ước xã hội mới” so với đội cận vệ cũ đang thống trị chính trị. “Người ta muốn tiếng nói của mình được lắng nghe trong mọi cuộc tranh luận quan trọng,” cho dù đó là chuyện trường học tốt hơn, đường sá tốt hơn hay chuyện nhà nước pháp quyền. Và họ cũng nhanh chóng so sánh với các dân tộc khác: “Tại sao người Thái Lan đi biểu tình được mà chúng tôi thì không?”

Những người Quảng trường ở Ukraine muốn liên kết với Liên minh châu Âu – không chỉ vì họ nghĩ đó là chìa khóa tiến tới sự thịnh vượng, mà còn vì họ nghĩ, luật pháp châu Âu, những đòi hỏi về quy tắc tư pháp, về tiêu chuẩn, và tính minh bạch sẽ tạo ra những thay đổi ở trong chính đất nước mình, những thay đổi không thể tạo ra từ bên trên hoặc bên dưới. Những người cải cách ở Việt Nam muốn gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương cũng với những lý do tương tự như vậy. Không giống Những người Davos, Những người Quảng trường muốn dùng nền kinh tế toàn cầu để cải cách đất nước mình chứ không phải nổi lên trên nó.

Tôi đã nói chuyện về toàn cầu hóa tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Sau đó tôi trò chuyện với một cô gái trẻ, Anh Nguyen, 19 tuổi, một sinh viên đã nêu vài câu hỏi thú vị. Cuộc trò chuyện với cô gái được điểm xuyết bằng câu chuyện về Quảng trường: “Tôi cảm thấy mạnh mẽ… Tôi nghĩ Việt Nam có thể thay đổi… Hãy nói cho thế giới biết về vụ án biển thủ lớn này [tại một tập đoàn vận tải biển quốc doanh] vừa bị phanh phui ở đây. Ngày trước, mọi người chắc sẽ im lặng, nhưng bản án đã được đưa ra; các ông chủ bị kết án tử hình… Nó làm mọi người thật sự ngạc nhiên… Giờ đây không phải mọi ông chủ lớn đều được nhà nước bảo vệ… Chúng tôi có nhiều nguồn tin khác nhau từ thế giới. Nó mở rộng tầm mắt”… Cô gái có nhiều cơ hội để phát huy khả năng của mình, nhiều hơn cha mẹ cô, cô nói, “Nhưng chưa nhiều như tôi muốn”.

Ngoài Những người Davos, có Những người Quảng trường đang đến.


Nguồn:
http://www.nytimes.com/2014/05/14/opinion/friedman-the-square-people-part-1.html?emc=edit_tnt_20140513&nlid=15975&tntemail0=y

Lời kêu gọi của ông Huỳnh Tấn Mẫm và những người biểu tình chống TQ xâm lược


Ông Huỳnh Tấn Mẩm
Theo Wikipedia:Huỳnh Tấn Mẫm (sinh 1942) là một bác sỹ và chính khách Việt Nam. Ông từng là Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn - Gia Định nhiệm kỳ 1969-1970 trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam trước năm 1975, là “lãnh tụ” sinh viên trước đây đã có một thời kỳ lẫy lừng trong phong trào đấu tranh tại Sài Gòn và các đô thị Miền Nam trước 1975, từng là Đại biểu Quốc hội khóa 6, từng là Tổng biên tập đầu tiên của báo Thanh Niên.


Hiện ông là Chủ tịch hội bảo trợ bệnh nhân nghèo Thiên Tâm, thuộc Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Thành phố, Ủy viên Ủy Ban Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh.


Chúng tôi là những công dân yêu nước, đã từng tổ chức và tham gia xuống đường chống bành trướng Trung Quốc trong những năm qua.
Trước tình hình hiện nay, chúng tôi tha thiết kêu gọi đồng bào cùng chúng tôi:
-Kiên quyết chống Trung Quốc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững độc lập, đòi Trung Quốc phải rút khỏi biển Việt Nam.
-Kiên quyết đấu tranh kiên trì, bất bạo động, không đập phá tài sản công ty xí nghiệp, không xâm phạm con người.
-Cảnh giác không để bị khiêu khích bởi âm mưu của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

TP.Hồ Chí Minh, 14-5-2014
Người đại diện: Huỳnh Tấn Mẫm



Những người ký tên:

1/Huỳnh Tấn Mẫm, Bác sĩ, TPHCM
2/Phạm Bảo Ân, Nhà báo, TPHCM
3/ Huỳnh Kim Báu, nguyên TTK Hội Trí thức yêu nước TPHCM
4/ Huỳnh Ngọc Chênh, nhà báo, TPHCM
5/ Nguyễn Đình Đầu, nhà nghiên cứu, TPHCM
6/ Lê Công Giàu, cựu Phó Bí thư Thành đoàn TNCS TPHCM
7/ Hồ Hiếu, cựu tù Côn Đảo, TPHCM
8/ Giám mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp, Vinh
9/ Hoàng Hưng, nhà thơ, nhà báo
10/ Hà Thúc Huy, TS, TPHCM
11/ Linh mục Gbt Huỳnh Công Minh, Giáo phận SG
12/ Kha Lương Ngãi, cựu Phó TBT báo SGGP, TPHCM
13/Hạ Đình Nguyên, cựu tù Côn Đả
14/ Trần Công Thạch, cán bộ hưu trí, TPHCM
15/ Nguyễn Quốc Thái, nhà báo, TPHCM
16/ Gios Lê Quốc Thăng, linh mục giáo phận Sài Gòn
17/ Linh mục Anton Lê Ngọc Thanh, DCCT, linh mục giáo phận Sài Gòn
18/ Lê Thân, cựu tù Côn Đảo, TPHCM
19/ Giuse Đinh Hữu Thoại, DCCT, linh mục giáo phận Sài Gòn
20/ Trần Quốc Thuận, cựu Phó VP Quốc hội, TPHCM
21/ Nguyễn Quang A, TS nhà nghiên cứu, Hà Nội
22/ Lê Đăng Doanh, TS, nhà nghiên cứu, Hà Nội
23/ Hà Sĩ Phu, TS, Đà Lạt
24/ Vũ Thị Ngọc Lan, cán bộ hưu trí, TPHCM
25/ Tô Hoà, nguyên TBT báo SGGP, TPHCM
26/ Tô Lê Sơn, kỹ sư, TPHCM
27/ Lương Văn Liệt, cán bộ hưu trí, TPHCM
28/ Đào Tiến Thi, nhà nghiên cứu ngôn ngữ, Hà Nội
29/ Phạm Toàn, nhà giáo dục, Hà Nội
30/ Chu Hảo, TS, cựu Thứ trưởng Bộ KHCN, Hà Nội
31/ Trịnh Hữu Long, luật gia, du học sinh tại Philippin
32/ Hoàng Minh Tường, nhà văn, Hà Nội
33/ Nguyễn Xuân Diện, TS Ngữ văn, Hà Nội

(danh sách đang cập nhật)