Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2014

Đọc “Ký ức vụn” của Nguyễn Quang Lập

Mặc Lâm
Ảnh bên:Phương Nam Book đã tổ chức buổi ký tặng đặc biệt của nhà văn Nguyễn Quang Lập vào ngày thứ Sáu, 22-5-2009 tại Nhà sách Phương Nam Book 20 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Ký ức vụn 2, một tạp văn nữa của nhà văn Nguyễn Quang Lập vừa ra đời đóng góp thêm cho nền văn học Việt Nam những mẫu chuyện mà qua đó ít nhiều miêu tả lại chính xác hoàn cảnh sống, diễn biến xã hội và nhất là số phận từng con người mà nhà văn gặp qua, cảm nhận và chia sẻ.


Trong những con người ấy, nhà văn Nguyễn Quang Lập tỏ ra ưu ái phụ nữ rất rõ rệt, những phụ nữ mà dưới phác thảo của ông người đọc cứ ngẩn ngơ, rưng rưng tự hỏi sao họ lại khổ như thế?

Cái khổ vì miếng cơm manh áo của những người phụ nữ ấy hoàn toàn không có trong Ký ức vụn 2. Nguyễn Quang Lập viết về phụ nữ với những mảng tối khác. Anh lấy họ từ bạn bè, hàng xóm, người yêu và thậm chí từ người mẹ của mình. Phụ nữ qua ngòi viết của Lập đậm đặc bi kịch, có thể là họ nói ra hoặc không. Ngay cả khi họ âm thầm không nói thì nỗi uẩn ức cũng làm cơ thể họ toát lên những tiếng kêu phản kháng dữ dội. Lập đánh hơi họ bằng chiếc mũi thính của loài linh cẩu, phát hiện cái phần không thấy được bằng mắt. Anh ngửi tâm tư của họ toát ra từ những giọt mồ hôi bên trong chiếc áo, những giòng nước mắt chưa kịp chảy ra và cả những tiếng thở dài nuốt vào rất vội.

Trong 39 truyện đã có tới 17 truyện viết về phụ nữ và những truyện còn lại cũng không thể thiếu bóng dáng của họ. Truyện đầu tiên có cái tựa rất trẻ thơ, rất thiếu nhi và chừng như không dính dáng gì tới phụ nữ: Con bò của thằng Thọt, lại là phần mở đầu lý thú về sự nhỏ mọn, ác độc và lắm chuyện của một người đàn bà. Người đàn bà ấy đã từng đạp người khác để sống trong trong những hợp tác xã nông nghiệp bần cùng của miền Bắc.

Thằng Thọt lượm được con bê con đẻ rơi trong một cuộc đánh bom, nó đem về nuôi, khi lớn thành bò nó cho cả làng thuê đi cày. Bà S. cũng thuê bò của Thọt nhưng không trả tiền vì ỷ mình là cán bộ thôn chủ nhiệm hợp tác xã. Chính bà S. đánh thuốc con bò thằng thọt và kéo nhau tới không cho bán thịt mà bắt phải chôn. Sau này Thọt phát hiện nhờ thấy cái lục lạc con bò của nó được thằng con của mụ S. cầm chơi. Ba chục năm sau Nguyễn Quang Lập thấy mụ xuất hiện trên TV vẫn luận điệu như ngày xưa chỉ tay năm ngón ở HTX, lần này mụ chỉ tay trên TV:

“Bà nói rất hay, Đảng thế này nhà nước thế kia, chế độ thế này xã hội thế kia, đất nước thế này dân tộc thế kia… hay như đài nói. Mỗi tội giọng bà chua loét như đài kẹt volume nghe xói vào tận óc, rất kinh.”

Nhúm lông

Đàn bà đối với Nguyễn Quang Lập có một mối duyên thầm nào đó khiến anh luôn gặp họ trên từng độ tuổi. Chị L. bật dậy trong trí nhớ và kể lại câu chuyện của chị sau gần năm mươi năm ca cách. Chuyện chị đơn giản và trần trụi, cái trần trụi của Eva từ khi vườn địa đàng chưa đóng cửa.
Cái nhúm lông muôn đời ấy qua ngòi viết của Lập bỗng dưng có thêm chiếc màn nhung, thêm âm thanh, ánh sáng cho một buổi diễn ngoài trời dành cho trẻ con bằng câu chuyện của người lớn. Trong khi trẻ con vỗ tay rầm trời thì người lớn lại thở dài cho những người đàn bà giống như chị L.


  Mình ghé tai thằng Quí, nói răng chị L. yêu một lúc hai người. Thằng Quí chặc lưỡi, nói biết được. Bỗng có tiếng cãi nhau. Chị L. kêu to, nói hai người sáu  chục ( đồng), răng lại bốn chục. Người đàn ông nói tụi anh chỉ có chừng đó, em thông cảm. Chị L. rú lên, nói đưa ngay thêm hai chục, đưa ngay. Hai người đàn ông bỏ chạy. Chi L. tru tréo chửi, nói vơ cha tổ tụi bay nời, ăn không l. tao nha. Mình với thằng Quí nhảy ra, nói ê ê tụi em biết chị làm chi rồi nha. Chị L. sững lại, từ từ khụy xuống trước mặt hai đứa mình, nói chị phải làm rứa để nuôi cả nhà, chị lạy hai em đừng nói với ai hết.  Chị chắp tay vái tụi mình như tế sao, vừa vái vừa khóc.”

 Bây giờ chị L. đang ngồi trước mặt tác giả, mặt mày tươi rói, nói nửa thế kỉ rồi Lập hè,mau thiệt. Chị bỏ giọng Bắc nói nguyên xi tiếng bọ.

Chị cười to, nói chuyện chị tắm với con cháu 10 tuổi. Nó thấy chị có nhúm lông, nói răng dì có mà con không có. Chị nói lớn lên rồi con cũng có. Nhờ nhúm lông ni mà dì nuôi sống cả nhà đó con.

Mụ Cà

Bên cạnh chị L. là câu chuyện của mụ Cà.. Mụ Cà bị giặc Pháp hiếp dâm và sau đó lại tiếp tục bị đội trưởng du kích Cu Miễn hiếp dâm bằng quan điểm một lần nữa. Có khác là mụ bị gặc hiếp nơi vắng vẻ còn du kích Miễn thì hiếp mụ giữa hội làng.

“Chuyện mụ Cà bị một lính Tây hiếp cả làng ai cũng biết, bàn tán xôn xao. Cu Miễn họp đội du kích phát động căm thù. Cu Miễn nói đồng chí Cà kể lại cho anh em nghe. Mụ Cà nói kể cái chi? Cu Miễn nói kể việc đồng chí bị  giặc Pháp hiếp ra răng. Mụ Cà nói thì cũng giống như lẹo chắc, nhưng đây là hiếp. Rứa thôi, chi mà kể. Đồng chí Cu Miễn không biết lẹo chắc à? Cu Miễn nói đồng chí Cà nghiêm túc vào, hiếp khác với lẹo chắc. Mụ Cà nói nhưng tui không biết kể chi hết. Cu Miễn nói ví dụ giặc Pháp đè đồng chí xuống, xé áo quần đồng chí rất dã man. Mụ Cà nói đúng rồi rất dã man. Tui chống cự rất quyết liệt, vừa chống cự vừa hô đả đảo đế quốc Pháp. Cu Miễn mừng rỡ, nói rứa đó rứa đó, đồng chí kể tiếp đi. Mụ Cà nói chỉ rứa thôi, biết kể chi nữa. Cu Miễn nói lúc đầu răng, cuối cùng ra răng cứ rứa mà kể. Mụ Cà hỏi kể thiệt a? Cu Miễn nói có răng đồng chí cứ kể rứa.

Mụ Cà nói báo cáo các đồng chí lúc đầu hắn đâm một phát tui chửi rất hăng, sau hắn đâm nhiều quá, sướng rồi hết chửi. Mọi người cười, vỗ tay ầm ầm, nói ua chầu chầu hay hè hay hè. Cu Miễn tức, đập bàn chỉ tay mụ Cà quát, nói phản động! Bắt mụ ni trói lại cho tui. Mọi người ngơ ngác không hiểu sao.”

Chỉ bao nhiêu là đủ để dựng thành một cuốn phim tái tạo lại lịch sử. Lịch sử u tối và đầy xác chết của những lý thuyết vô hồn.

Chị  Mai và Cu Mèo

Nếu Cu Miễn hiếp dâm mụ Cà bằng lời thì Cu Mèo lại hiếp dâm bằng hành động của một con thú đực trên một con cái không còn sức đề kháng. Câu chuyện của người phụ nữ tên Mai sẽ ám ảnh người đọc suốt những trang sách của Nguyễn Quang Lập.

Sau khi bị Cu Mèo hiếp dâm chị Mai xấu hổ không dám nói ai, chị quyết định quyên sinh. Chị đi một mạch xuống Quảng Thanh, ngồi đúng nơi “tọa độ lửa” đợi máy bay tới thả bom. Chị không chết, bị một mảnh bom đâm đúng cuống họng, không nói được, nói gì cũng cứ “dá da dá da”.

Trước hiếp sau cướp, Cu Mèo lấy luôn đất nhà chị và cấp cho chị một cái nhà khác như nắm tay. Mèo còn tỏ ra quan tâm đến chị, một con người vừa mất trinh tiết vừa mất nhà và mất luôn tiếng nói trong bàn tay của y.

“Năm đó chị Mai về làng thì ngôi khu vườn 5 sào của chị bị cha con cu Miễn chiếm dụng. Chị Mai kiện cáo khắp nơi. Chị không có chữ chẳng viết đơn được, nói gì cũng dá da da chẳng ai hiểu gì. Con kiến kiện củ khoai, nói gì cũng dá da da thì kiện cái gì nhưng chị không nản, ba chục năm này chị kiên trì bám theo  Cu Mèo, hễ gặp Cu Mèo đâu chị cũng túm áo lão kêu dá da da. Phiền quá Cu Mèo mới thí cho chị cái nhà này đấy. Dứt lời thằng bạn mình cười he he, nói đó, tình nghĩa Cu Mèo là rứa đó.”

Và rồi như người ta vẫn thường thấy trong xã hội Việt Nam trong những nhiễu nhương văn hóa, Cu Mèo lên sâu khấu hót những lời mà chị Mai chỉ còn biết “dá da dá da” nghẹn ngào:

“Đau khổ lắm các đồng chí ạ. Cu Mèo nghẹn lại như sắp khóc. Mọi người lặng thinh cảm động. Bỗng chị Mai nhảy lên túm áo Cu Mèo, nói dá da da da!... Dá da da! Chị khóc òa day áo Cu Mèo liên tục, nói dá da da da. Mình tưởng Cu Mèo thẹn đỏ mặt, chẳng dè Cu Mèo ôm chầm lấy chị, vỗ vỗ lưng chị nghẹn nào, nói chị đừng nói lời cảm ơn, đừng nói lời cảm ơn nữa chị Mai ơi.

Mọi người cảm động vỗ tay rần rần.”

Chị Đóc Xấu 

Từng người đàn bà với những số phận hẩm hiu qua mỗi trang sách của Nguyễn Quang Lập, chủ yếu vì sự xấu xí trên khuôn mặt hay cơ thể dẫn đến bi kịch của họ trong đêm dài thế kỷ. Chị tên Đóc nhưng do quá xấu đối với cặp mắt người miền quê nên chị có thêm biệt danh xấu phía sau thành Đóc Xấu. Mặt mũi chị cũng dễ nhìn nhưng do chị cao quá khổ thành ra lêu khêu không xứng với một thanh niên nào trong làng. Thời may một lính Mỹ bị bắn rơi máy bay được chị giấu trong nhà, vậy là cái cuộc tình dài ngoẵng ấy giữa chị và anh chàng Mỹ kia thành hình trên chiếc giường đặc biệt đóng riêng cho chị. Nguyễn Quang Lập kể:

“Chỉ có giường chị Đóc Xấu thằng Mỹ mới nằm vừa, chị Đóc Xấu để nhà cho thằng Mỹ ở, sang ngủ với mụ Cà. Nửa đêm chị Đóc Xấu trằn trọc không ngủ được. Mụ Cà hỏi răng không ngủ, chị Đóc Xấu nói nằm giường chị đau lưng lắm.Mụ Cà nói hay cho mi sang ngủ với thằng Mỹ? Chị Đóc Xấu cười rúc rích, ôm lưng Mụ Cà, nói tây hiếp chị ra răng. Mụ Cà nói sướng chớ răng. Chị Đóc Xấu nói sướng răng sướng răng, kể đi kể đi. Mụ Cà vằn mắt lên, nói coi bộ mi mê thằng Mỹ rồi phải không? Chị Đóc Xấu cười hì hì, nói công nhận thằng Mỹ đẹp trai.”

Sau cái đêm “sướng răng, sướng răng” ấy chị Đóc Xấu có mang và thằng Mỹ quay trở lại đón chị. Từ Mỹ quay về Việt Nam chị đã cởi hẳn cái lớp áo xấu xí để trở thành thiên nga, cho dù giả tạo và đầy ắp sự kệch cỡm thường thấy từ những người thoắt cái nhảy phóc lên tới trời.

 Chuyện tình của mạ tôi
 
Nhưng có lẽ gom góp hết cái hay, sâu lắng và điển hình nhất của những người phụ nữ kém nhan sắc, âm thầm sống và âm thầm hưởng thụ từ người đàn ông có chút công danh phải tìm trong câu chuyện của chính thân sinh tác giả.

Nguyễn Quang Lập viết truyện này không dễ dàng chút nào mặc dù anh sống dưới mái nhà do bà quán xuyến nhiều chục năm trời. Có lẽ điều làm cho anh nhớ và khắc sâu vào ký ức là những ngày tháng thơ ấu, lúc bộ não như một tờ giấy trắng và cái nhạy bén của Lập đã chụp lại tất cả những hình ảnh mà anh mang theo trong suốt cuộc đời.

“Mạ tôi nhan sắc tầm thường, một chữ bẻ đôi cũng không biết, chị của 9 đứa em đói rách lầm than.”
Bao nhiêu đó đủ diễn tả bà mẹ của Lập. Bà mẹ, theo như anh tả không phải là hiếm trong xã hội nếu không muốn nói là quá dôi ra so với những người đàn bà dễ nhìn khác. Khác ở cách nhìn của tác giả và lòng yêu thích người cha của bà mẹ. Độ trễ nhiều chục năm sau ngày bà lấy chồng, so sánh thời gian đăng đẳng để thấy bà không phải là an phận mà bà hạnh phúc thật sự. Niềm hạnh phúc được ban phát như bố thí của người chồng không làm bà đắn đo, so sánh hay tủi hờn. Với bà, lấy được ông ấy làm chồng là ơn phước, là được cả thế giới trong tay.

Câu chuyện vừa đào sới cơn thèm khát sâu thẳm của một người vợ, và rồi sau đó nhịp điệu bình an, tự tồn tại và mái ấm gia đình đã khiến bà trở thành điển hình, một điển hình hạnh phúc không qua định nghĩa của bất cứ nhà lập ngôn nào.

Nguyễn  Quang Lập viết về cái đêm tân hôn giữa cha và mẹ: “Đêm thứ ba mươi mốt ba tôi mới chịu vào buồng, khi không còn tìm được bất kì lí do chính đáng nào để từ chối hợp cẩn với người đàn bà hơn mình hai tuổi.”

“Mạ tôi giấu hân hoan vào bộ ngực đầy, giấu luôn đôi mắt mắt long lanh chứa chan hy vọng. Bà ráng làm mặt giận, cố hắt ra một câu suốt ba mươi đêm vò võ một mình bà đã nhẩm thuộc làu, nói răng không đi luôn đi, vô đây mần chi. Nhưng bà đã không nói được. Khi ba tôi cầm nhẹ tay bà, nói giận anh không, bà đã khóc òa.

Mạ tôi suốt đời không biết người đàn ông nào khác ngoài ba tôi. Không phải vì thứ đức hạnh truyền kiếp của đàn bà chân quê, chính là vì bà tự biết mình được hưởng phúc quá lớn, hơn vạn đêm được “quân tử nằm kề”, con số chính xác có trừ đi khoảng bốn ngàn đêm ba tôi vắng nhà đi công tác hoặc qua đêm với một ai đó trong bốn chục người tình nửa nắng của ông.

Hạnh phúc của mạ tôi giản đơn như cây cỏ, cứ ba năm hai lần vác cái bụng vượt mặt đi lại vênh vang giữa chợ phiên và hả hê chửi ba tôi như chửi chó mỗi lần vượt cạn.

Đọc Ký ức vụn 2 không nên đọc nhiều lần, vì có ai xem một vở kịch hay cải lương hay mà lại về nhà ăn chút cơm, uống miếng nước rồi quay lại sân khấu bao giờ. Bỏ cuốn sách xuống là bạn sẽ hồi hộp tự hỏi “thằng này, con kia” trong cuốn sách sẽ ra sao trong những trang kế tiếp? Vậy thì hãy đọc một mạch để rồi cười to hay chảy nước mắt cùng với nhân vật, những nhân vật đã làm nên tác giả.


Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014

Nhân dân tưởng nhớ 64 liệt sĩ Gạc Ma anh hùng

 
Hôm nay, 14.3.2014, tròn 26 năm kỷ niệm trận Hải chiến Trường Sa và tưởng nhớ 64 anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ biển đảo quê hương, nhiều người dân, đặc biệt là thanh niên khắp nơi đã có các hoạt động tưởng niệm:

Tại Hà Nội, các thành viên của No U đã đến viếng Đài Liệt sĩ Bắc Sơn:
 




 
Tại Miền Trung:










  Tại Quảng Bình:
Sáng 14.3, anh em công ty Phú Mạnh cùng các bạn bè viếng mộ AHLS Trần Văn Phương người con đất Việt đã hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988. Có sự tham gia cuả anh Thành bí thư Đảng ủy xã QPhúc. Bài Văn tế Gạc Ma của Việt Thắng được PPT đọc trang trọng trước phần mộ của anh Phương.

Kính viếng linh hồn các anh!





Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

Thử lý giải những sai sót để đời của Nhà biên soạn từ điển-GS Nguyễn Lân Kỳ 5


Kỳ 5:Tư duy logic
 Hoàng Tuấn Công 
 Xem Kỳ 1- Phương pháp luận  
 Xem Kỳ 2:Thiếu kiến thức cơ sở ngôn ngữ học
Xem Kỳ 3: Lỗ hổng kiến thức Hán Nôm
Xem Kỳ 4: Kiến văn và tra cứu

Nếu "Từ điển từ và ngữ Việt Nam" của GS Nguyễn Lân giống như một cái “kho” khổng lồ chứa muôn hình vạn trạng sự vật hiện tượng, thì các đơn vị từ, ngữ, khái niệm...chính là những sự vật hiện tượng được sắp xếp có hệ thống khoa học trong cái kho ấy. Bằng tư duy logic, Nhà biên soạn từ điển phải mô tả chính xác từng sự vật hiện tượng tương ứng với từ ngữ đó. 


Căn cứ mô tả này, người ta có thể “vào kho”, nhận diện và tìm thấy sự vật, hiện tượng (từ, ngữ) cần tìm một cách nhanh chóng, chính xác và sử dụng đúng mục đích. Tuy nhiên, khi thực hiện quy trình này, bạn đọc thấy xuất hiện một kiểu tư duy lạ của Nhà biên soạn từ điển: Tư duy “ảo thuật” ! Tức phân tích, mô tả, suy luận không theo quy luật khách quan; thiếu chặt chẽ; thiếu hệ thống, nhất quán, khiến các sự vật, hiện tượng bị đảo lộn, méo mó, sai khác, mâu thuẫn; cái nọ bỗng biến thành cái kia một cách phi lý.
1. biến thành rùa:
-         Lò dò như cò phải bão. Chế người đi quá chậm.
Đây là loại thành ngữ so sánh, A giống như B. Nếu căn cứ vào miêu tả, giải thích của GS Nguyễn Lân “Chế người đi quá chậmđể đi tìm từ, ngữ tương ứng, người ta sẽ vào trong "kho" lấy ra con rùa, hoặc con ốc sên chứ không phải con "cò phải bão" ! (Lưu ý, câu “Chậm như rùa”, GS Nguyễn Lân giải thích chậm quá”)
Trong thành ngữ đang xét, "lò dò"là nghĩa gốc; "như cò phải bão"là nghĩa biểu trưng cho thuộc tính "lò dò", dân gian so sánh để làm tăng thêm giá trị nghệ thuật của từ, ngữ. “Từ điển tiếng Việt” (Hoàng Phê chủ biên) giải nghĩa: lò dò: “đi lần từng bước ngắn một cách chậm chạp, như thể vừa đi vừa dò đường”. “Việt Nam tự điển” (Hội Khai Trí Tiến Đức) “Lò dò: đi dò từng bước: Lò dò như cò bắt tép”. Như thế, ngay cả khi chỉ có hai từ “lò dò”, sự “chậm chạp” cũng chỉ là một biểu hiện, chứ không phải nghĩa đặc trưng, bao hàm của “lò dò”. Huống gì, sự “lò dò” ở đây đã được tăng thêm hai cấp độ: được ví “như cò”, mà lại “cò phải bão” !
Trong tiếng Việt, con cò là hình ảnh hay được ví von, liên tưởng đến sự gầy gò, ốm yếu, mảnh khảnh: trông như con cò hương; lử cò bợ; giống như con cò ngàng; ngẳng như cổ cò...Ngược lại, cò chưa bao giờ là hình ảnh khiến chúng ta liên tưởng ngay đến sự chậm chạp. Theo nghĩa đen: tạo hóa ban cho con cò cặp chân dài, cổ và mỏ dài, cái đuôi ngắn để nó dễ bề lặn lội kiếm ăn trong môi trường nước. Khi rình bắt mồi, đôi chân cao của nó thận trọng đi từng bước một. Để làm gì ? Để không làm xao động mặt nước hay lá cây, ngọn cỏ. Lò dòđến gần mấy ả tôm tép đang tung tăng bơi lội, hay bọn châu chấu còn mải mê nhấm nháp cỏ non... Nhanh như chớp, cò “tung” cái cổ dài, mỏ dài của nó ra bắt gọn con mồi. Bình thường, ngoài tập tính phải lò dò khi rình bắt mồi, do chân dài, cổ dài, đuôi cộc nên cò bước đi khá vụng về. Sức mạnh, sự nhanh nhẹn, linh hoạtcủa con cò không phải ở đôi chân mà là cái cổ dài ngẳng với “sức bật” như tên bắn khi bắt mồi và đôi cánh có khả năng bay cao, bay xa ngàn dặm. Chỗ ở của cò là các ngọn cây cao. Mưa bão buộc nó phải rời bỏ bầu trời và ngọn cây xuống tá túc ở các bờ bụi. Có những con không kịp tìm nơi tránh trú, bị mưa bão thổi bạt xuống đồng không mông quạnh. Cò vốn đãmảnh khảnh, yếu ớt, đi lò dò từng bước, nay lại bị gió dập, mưa vùi, lông cánh ướt sũng, đói rét,càng trở nên lò dò, run rẩy, liêu xiêu. (Tục ngữ còn có câu Trai phải hơi vợ như cò bợ phải trời mưa. Con cò bợ thường đứng rụt cổ, co ro, nay bị mưa ướt, trông càng rũ rượi, ốm yếu thảm hại).
Vậy chỉ cần nói lò dò như con cò, hoặc "Lò dò như cò bắt tép" cũng được, sao dân gian lại nói “Lò dò như cò phải bão” ? Ấy là dân gian muốn nâng thêm một cấp độ, tạo thêm hình ảnh gợi tả, sinh động của từ, đẩy sự “lò dò” lên đỉnh điểm: lò dò từng bước run rẩy, liêu xiêu tựa hồ không bước nổi. Ấy chính là “Lò dò như cò phải bão”.
2. "Hô biến" con chuột chù. Đang lù rù khói bỗng co ro rét.
-Lù rù như chuột chù phải khóiChê người cứ co ro ngồi một chỗ. Trời có rét lắm đâu mà lù rù như chuột chù phải khói thế kia !
Cách giải thích “Chê người cứ co ro ngồi một chỗ” của GS Nguyễn Lân khiến ta chẳng còn thấy bóng dáng con “chuột chù phải khói”đâu cả.
Xét về nghĩa đen. Chuột chù (chuột chù nhà) là con vật chân ngắn, không hề biết leo trèo. Mắt chuột chù ti hí, cái mũi dài nhọn một cách bất thường. Dường như khứu giác của nó phải làm việc cật lực để bù cho thị giác. Thế nên, giống chuột này đi chẳng ra đi, bò chẳng ra bò, cái đuôi kéo lê thê trên đất. Cứ mấy bước lại dừng, hít hít, ngửi ngửi lần đường, bộ dạng chậm chạp, lờ đờ như con chuột ốm. Nếu gặp kẻ thù, nó cũng chẳng nhanh hơn. Bởi lẽ, vũ khí của nó không phải ở đôi chân mà nằm hết trong cái túi xạ lợi hại. Khi gặp nguy hiểm, nó tiết ra một mùi hôi khét nồng nặc, cực kỳ khó chịu, khiến kẻ thù dù đói bụng và phàm ăn đến mấy cũng phải ngán ngẩm mà bỏ đi. Bởi thế, lúc nào chuột chù cũng cứ lù đà lù đù. Nó không thể (hay không thèm ?) nhanh hơn chút nào. Trở lại chuyện “chuột chù phải khói”. Đối với chuột cống, chuột nhà, chuột đồng...bình thường nhanh nhẹn, khoẻ mạnh là thế. Nhưng khi bị hun khói, đầu óc choáng váng do thiếu oxy, mắt mờ đi vì khói, chúng cũng trở nên lờ đờ, chậm chạp, đâm quàng đâm xiên, mất hết phương hướng. Huống hồ đối với con chuột chù vốn đã lù đù, chậm chạp, yếu ớt, nay lại thêm “phải khói” nữa thì nó còn lù đù đến mức nào ? Mặt khác, xét theo nghĩa đen, sự phản ứng của người và vật khi bị khói rất khác với bị rét. Thành ngữ đang so sánh nhận xét ai đó giống như con chuột chù phải khói (lù đù, hoặc lù rù) sao Giáo sư lại đem chuyện bị rét (co ro) ra để giải thích ? Lù đù với co ro là một khác biệt rất lớn về ngữ nghĩa. Lù đù, hay lù rù, trong đó hàm ý sự dịch chuyển một cách chậm chạp, ốm yếu. Còn co ro lại được hiểu là trạng thái ngồi, nằm, đứng một chỗ, chân tay co lại vì giá lạnh. Giả sử vừa đi vừa co ro thì nói đến co ro, người ta nghĩ ngay đến rét chứ không phải do khói. “Từ điển tiếng Việt” (Hoàng Phê) giải nghĩa “lù rù:từ gợi tả dáng vẻ chậm chạp, lờ đờ như người đau yếu”;lù đù: từ gợi tả dáng vẻ ngờ nghệch, chậm chạp, không lanh lợi”, “co ro: co người, thu nhỏ người lại cho đỡ rét”.“Việt Nam tự điển” (Hội Khai trí Tiến Đức): “Lù đù. Ngờ nghệch, chậm chạp: Trông người lù đù không làm được việc gì: Lù đù như chuột chù phải khói”; “Co ro. Cúm rúm, không được chững chạc: Trời rét ai cũng co ro, không muốn làm gì”.
Chúng ta đặt câu hỏi: phải chăng GS Nguyễn Lân không phân biệt được nghĩa của hai từ “lù rù”, “lù đù” với từ “co ro” ? Thưa không phải ! Ở ngay trên mục “Lù rù như chuột chù phải khói” là từ “lù rù”, GS Nguyễn Lân đã giải thích đúng: “lù rù - Có vẻ ngù ngờ, không lanh lẹn: Người có vẻ lù rù nhưng gan góc lắm”; “lù đù - Chậm chạp, không lanh lẹn, ngờ nghệch”“co ro Thu mình lại vì rét”. Như vậy, tư duy của GS Nguyễn Lân đã không kết nối được “lù rù” nghĩa gốc đứng độc lập, với nghĩa tăng thêm trong thành ngữ “Lù rù như chuột chù phải khói”. Nhân tiện cũng nên nói thêm. Ví dụ về cách dùng từ “lù rù” của GS Nguyễn Lân không ăn nhập. Bởi bộ dạng lù rù hay nhanh nhẹn không chứng tỏ gan góc hay hèn nhát. Nên lấy ví dụ sát đúng hơn: "Người có vẻ lù rù nhưng lúc cần cũng nhanh nhẹn, được việc lắm". (Đại khái, xem từ điển của GS Nguyễn Lân, bạn đọc cứ có cảm giác cái sai, cái không chính xác xuất hiện ở khắp mọi nơi, thuộc nhiều kiểu, nhiều cấp độ).
3. “Chai sang cốc, cốc sang chai”:
- Con én đưa thoi (Cái thoi khung dệt đưa đi đưa lại như chim én bay lượn) Ví thời gian đi nhanh như thoi đưa trên khung cửi: Tiết vừa con én đưa thoi(Kiều)”
Không đúng ! Con én bay qua, bay lại giống như cái thoi khung dệt chứ không phải “Cái thoi khung dệt đưa đi đưa lại như chim én bay lượn”. Theo nghĩa đen, chim én có tập tính bay qua, bay lại như dệt, như đan trên bầu trời để bắt côn trùng làm mồi (gần giống kiếu bay bắt muỗi của dơi dơi). Mùa xuân ấm ám cũng là thời điểm nhiều loại côn trùng sinh sôi, nguồn thức ăn dồi dào của chim én. Hình ảnh chim én bắt mồi được ví với cái thoi dệt vải. Mà cái thoi dệt vải lại được ví như thời gian trôi qua rất nhanh. Ở đây, GS Nguyễn Lân mắc lỗi hai lần: Một: không phân biệt được cấu trúc câu tiếng Việt: “con én đưa thoi” khác với thoi đưa con énchứ ? Hai: về ngữ nghĩa, con thoi mới là hình ảnh tượng trưng cho thời gian trôi nhanh. “Hán Việt tự điển”-Thiều Chửu: “cái thoi nó đi lại rất nhanh, nên nói đến thì giờ nhanh chóng gọi là Nhật nguyệt như thoa (Dị bản: Tuế nguyệt như thoa (hoặc toa)-HTC chú thích) nghĩa là ngày tháng như thoi đưa”. Trong câu Kiều: “Tiết vừa con én đưa thoi, Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”, Đào Duy Anh giải thích: “Thiều quang: ánh sáng đẹp của mùa xuân...tức ngày xuân là 90 ngày mà đã ngoài 60 ngày rồi, tức là sang đầu tháng ba” (Từ điển Truyện Kiều). Con én là biểu tượng mùa xuân. Nó bay qua, bay lại tựa con thoi trên bầu trời, khiến “tấm vải thời gian” ba tháng mùa xuân thấm thoắt đã gần “dệt” xong. Một sự ví von tuyệt vời ! GS nói “cái thoi khung dệt đưa đi đưa lại như chim én bay lượn” thì còn gì gọi là văn chương nữa ?
4.Dân định cư bỗng thành khách vãng lai.
- Đất lành chim đậu. Nói chung những nơi hiếu khách, ai cũng muốn đến thăm. Khách du lịch thích đến đó vì đất lành chim đậu mà.
Hai từ “chim đậu” khiến GS Nguyễn Lân không tư duy gì thêm mà nghĩ ngay đến “vụt đỗ, vụt bay” và giải thích sai cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Xin hỏi, nếu chỉ “đến thăm”, đến “du lịch” thì đất lành hay đất dữ đâu có quan trọng lắm ? Từ “đậu” ở đây có nghĩa là ở lạichứ không phải “đến thăm” hay “du lịch”. Có câu “Đất lành chim đỗ, đất ngỗ chim bay”(“đất ngỗ” tức là đất nghịch, đất không tốt). Về nghĩa đen: Tuy cuộc đời chim là cánh bay, nhưng mỗi loài đều biết chọn cho mình một môi trường sống ổn định. Nếu không bị đe dọa (kẻ thù, săn bắn) lại có khí hậu ôn hòa, nguồn thức ăn dồi dào, chim sẽ chọn đất ấy làm nơi trú ngụ, sinh sôi. (Cò vạc kiếm ăn từng thung-tục ngữ). Các vườn cò, vườn chim đông đúc đã chứng minh điều đó. Mảnh đất hấp dẫn muông thú đến trú ngụ, sinh sôi tất là mảnh đất hiền hòa, tốt tươi. Nơi đó cũng chính là môi trường sống lâu dài, lý tưởng của con người. "Đất lành chim đậu" thoạt nghe đầy vẻ huyễn hoặc. Tuy nhiên, đó là tư duy locgic, biện chứng của dân gian, phản ánh mối quan hệ chặt chẽ giữa con người-môi trường-thiên nhiên-vạn vật.
Tham khảo:Tương truyền, cụ Tổ bốn đời của Lê Lợi là Lê Hối, nhà vốn ở thôn Như Áng. Một hôm đi chơi, thấy đàn chim bay lượn vòng quanh trên khoảng đất dưới núi Cham (tức Lam sơn, nay thuộc huyện Thọ Xuân-Thanh Hóa), giống như đám người tụ hội. Cụ nghĩ “Chỗ này tất là nơi đất lành” bèn dời nhà đến ở, khai phá ruộng vườn, được ba năm thành sản nghiệp. Từ đó họ Lê đời đời hùng trưởng một phương.
Kiểu “tư duy xiếc”, “tư duy ngược” chúng ta bắt gặp khá nhiều trong từ điển của GS Nguyễn Lân:
5. Gối lên thành lấn sang, vụ sau thành vụ trước:
-Gối vụ Nói nhà nông làm lấn sang vụ sau, trong khi chưa xong hẳn vụ này. Nông dân phải gối vụ để tăng sản lượng.
Phải hiểu ngược lại: vụ sau gối vào vụ trước mới đúng. Nghĩa là khi vụ trước (vụ 1) chưa xong thì đã triển khai vụ sau (vụ 2). Như chuẩn bị cây giống, phân bón, nhân lực để khi vụ trước vừa xong thì gối ngay vào. Ví như để trồng ngô đông trên đất hai lúa, người ta gieo sẵn hạt ngô vào bầu trước khi trồng tới hàng tuần. Đến khi gặt mùa, thu hoạch lúa phía trước, cày ngay đất phía sau, rải phân bón đã chuẩn bị sẵn đầu bờ ruộng và đưa bầu ngô ra trồng (Sáng lúa, chiều ngô). Như thế cây ngô đông đã gối lên vụ trước được tới cả chục ngày.
Ở đây GS Nguyễn Lân đã không hiểu về sản xuất nông nghiệp lại mắc thêm lỗi dùng từ, diễn đạt. Bởi, “gối” khác với “lấn”. Gối là trong cùng một khoảng diện tích (hữu hình), thời gian (vô hình), một phần cái này gối, gác lên cái kia. Trong khi “lấn”lại là cái này chiếm chỗ của cái kia, một mất một còn, có cái này thì không có cái kia. Nếu nói vụ trước “lấn sang vụ sau” có nghĩa thời gian của vụ trước bị kéo dài, gây ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai vụ sau, sao gọi là “gối vụ để tăng sản lượng” được ?
Cách diễn đạt này là kết quả của một tư duy thiếu chặt chẽ, mạch lạc.
6. Máy thu hình thành đài truyền hình:
-Màn hình. Bề mặt của đài truyền hìnhhoặc máy tính.
Phải hiểu ngược lại mới đúng: “màn hình”bộ phận hiển thị hình ảnh của máy tính hoặc máy thu hình chứ không phải "đài truyền hình". “Truyền hình” khác với hiển thị chứ ? Và nó không chỉ là “bề mặt” mà là một vật, một bộ phận. Ấy là chưa kể ngôn ngữ hàng ngày, màn hình còn được dùng để chỉ cái Ti-vi, máy thu hình.
7.Đi qua thành đi lại.
- Lai vãng(vãng: đi đến) Qua lại một nơi nào đó.
Vẫn là kiểu "tư duy ngược". Vãng”đi, đi qua chứ không phải "đi đến"; “lai” mới là đi lại, đi đến. Nên “lai vãng” mới có nghĩa là“qua lại một nơi nào đó” như GS đã giảng chứ ?
8. Đưa, rước thành đón rước:
-Đón người cửa trước, rước người cửa sau. Nói kẻ chuyên nghề mại dâm: Công an săn lùng những kẻ đón người kẻ trước rướcngười kẻ sau (Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam)
Đúng ra là “Đưa người cửa trước, rướcngười cửa sau”. Nếu cửa trước cũng đón,cửa sau cũng rước thì “mại” sao cho kịp ? Vả lại cùng đón, rước vào nhà cả, thà đi hết đằng trước cho xong ! Đây vốn là câu Kiều (Tin nhạn vẩn lá thư bài, Đưa người cửa trước rước người cửa sau”) GS Nguyễn Lân “lẩy” ra làm “thành ngữ, tục ngữ” nhưng đã chép sai, giải thích bừa, bất chấp phi logic. Nếu GS không khẳng định thêm lần nữa bằng ví dụ: “Công an săn lùng những kẻ đón người kẻ trước rước người kẻ sau”, bạn đọc sẽ nghĩ do lỗi in nhầm: đưa thành “đón”. Nhân tiện, lại xin nói thêm: GS Nguyễn Lân ví dụ “Công an săn lùng” những kẻ làm nghề mại dâm là hơi quá, bởi đây không phải tội phạm hình sự.
Tham khảo:Đào Duy Anh giải thích: Đưa người cửa trước, rước người cửa sau, Hình dung tình hình nhà thanh lâu tấp nập, mới đưa khách ra ở cửa trước, thì đã đón khách vào ở cửa sau, để họ khỏi gặp nhau(Từ điển Truyện Kiều).
9.Lỗi tư duy logic hệ thống, tiền hậu bất nhất:
Hình như có tình trạng “cát cứ” trong tư duy khiến GS Nguyễn Lân không thống nhất, kết nối được chuỗi các dữ liệu do chính soạn giả đưa ra trong cùng một cuốn sách:
-Đăng khoa (đăng: ghi tên; khoa: khoa cử).
-Kế thế đăng khoa(đăng: trèo lên).
Đều là “đăng khoa” cả, lý gì một “đăng”là "ghi tên", một “đăng”là "trèo lên" ? Thực ra chữ “đăng” trong hai trường hợp trên đều có nghĩa giống nhau: ghi danh khoa cử.
-Hiệu trưởng (...trưởng: người đứng đầu)
-Hiệu phó (…phó: người giúp đỡ) Người trong ban giám hiệu một trường học, có  nhiệm vụ phụ trách một số công tác và thay mặt hiệu trưởng khi cần thiết.
Giải thích từ, ngữ nhưng GS Nguyễn Lân không căn cứ vào nghĩa của từ ngữ mà lại dựa vào công việc hàng ngày của “Hiệu phó”để giải thích nôm na. Mặt khác GS cũng không nhớ hay liên hệ trước đó đã giải thích từ “trưởng” trong “Hiệu trưởng” thế nào. Chữ “phó” ở đây có nghĩa là thứ, thứ hai, thứ nhì chứ không phải là "người giúp đỡ". Thế nên Thứ trưởng còn được gọi là Phó bộ trưởng (bên Tàu). Chính Nguyễn Lân đã giải nghĩa chữ “trưởng” trong hiệu trưởng“người đứng đầu” đấy thôi. Sau người đứng đầu phải là người thứ hai, người đứng sau chứ ?
-Khí tượng thủy văn(văn: vẻ ngoài)
-Kính thiên văn(văn: văn vẻ)
Hai chữ “văn” này đều có nghĩa giống nhau, nhưng GS Nguyễn Lân giải thích một "văn""vẻ bề ngoài", một “văn”lại là "văn vẻ". Thực ra “văn” ở đây nghĩa là những hiện tượng thiên nhiên. Nên có thiên văn, địa văn, thủy văn là vậy. Kính thiên văn là kính quan sát những hiện tượng thiên nhiên trên bầu trời (trăng sao, nhật thực, nguyệt thực…)
-         Run như dẽ (Dẽ là một con chim hay ăn giun, nên cũng gọi là dẽ giun. Dân gian lẫn lộn từ giun và từ run nên mới đặt ra câu này).
-         Sợ run như dẽ (Dẽ là loài chim hay ăn giun, nên gọi là dẽ giun. Ở đây, với mục đích chơi chữ, đã đồng nhất từ “giun” và từ “run”).
Hai câu này xuất hiện trong hai mục từ “R” và “S” của cuốn sách. Tuy nhiên, cùng trong một cuốn sách nhưng GS giải thích “tiền hậu bất nhất”. Ban đầu thì cho rằng “Dân gian lẫn lộn từ giun và từ run nên mới đặt ra câu này”, đến sau lại giải thích “với mục đích chơi chữ đã đồng nhất từ “giun” và từ “run”. Và điều quan trọng là cả hai cách giải thích đều sai.
10.Tư duy khái quát:
-Ướt đẫmNói mồ hôi thấm đầy vào quần áo: Tay mang khăn gói sang sông, Mồ hôi ướt đẫm, thương chồng phải theo (ca dao).
Từ “ướt đẫm”không chỉ dùng riêng để “Nói mồ hôi thấm đầy vào quần áo”. Người ta vẫn viết và nói ướt đẫm mưa, ướt đẫm nước mắt, ướt đẫm sương v.v... Ví dụ: Tàu chuối ướt đẫm sương đêm. Soạn giả mới giải nghĩa từ “ướt đẫm” trong văn cảnh cụ thể của  câu ca dao, chưa phải giải nghĩa từ vựng độc lập. Từ ướt đẫm có thể được dùng trong các trường hợp chỉ ướt đều, ướt hết, ướt mà thấm. Nghĩa từ vựng phải là nghĩa tổng quát, bao hàm để từ đó người nói, người viết có thể vận dụng vào nhiều trường hợp khác theo cách mà từ điển đã chỉ dẫn.
-Đồng ruộng. Nông thôn nói chung: Trở lại đồng ruộng xí nghiệp, công trường (PVĐồng)
“Nông thôn nói chung”có nghĩa rộng hơn“đồng ruộng” nhiều. Nó bao gồm cả cảnh quan, đường sá, ruộng đồng, làng mạc, nhà cửa....Trong khi ruộng đồng chỉ là khu ruộng, mảnh đất phục vụ cho việc cấy cày, trồng trọt mà thôi. Giống như "xí nghiệp, công trường" không phải thành thị nói chung mà là nơi làm việc của công nhân.
-Mật ít ruồi nhiều: nói tình trạng việc thì ít mà người xin làm lại nhiều.
Thực ra không chỉ nói chuyện xin việc mà là cách nói ẩn dụ, chỉ chung tất cả những tình huống cầu vượt quá cung.
-Chả nướng. Thịt lợn hoặc thịt bò thái thành miếng xỏ vào cái xiên tre rồi nướng trên than.
Nói như vậy có nghĩa món chả không làm bằng “thịt lợn hoặc thịt bò”, mà bằng thịt chó, không “xỏ vào cái xiên tre” mà lại xỏ vào cái xiên sắt để nướng sẽ không được gọi là chả nướng hay sao ? Hoặc thịt lợn không “thái thành miếng”băm nát, không “xỏ vào cái xiên tre” mà nặn thành miếng tròn bẹt, kẹp vỉ sắt, nướng lên cũng không thể gọi là chả nướng? Soạn giả nên hiểu: chả nướng bằng kẹp, bằng vỉ hay bằng xiên; dụng cụ nướng bằng tre hay bằng sắt, nướng “trên than” hay bếp điện không làm thay đổi khái niệm chả nướng. Trường hợp này có thể giải nghĩa: Chả nướng: thịt thái thành miếng hoặc băm nhỏ, ướp gia vị rồi nướng lên.
Nhìn chung, tư duy khái quát khi giải nghĩa từ vựng của soạn giả chưa tốt. Bởi thế, nhiều khái niệm đáng lẽ được giải quyết theo hướng mở, bao hàm hơn, vừa đúng, vừa đủ lại bị soạn giả hạn chế đóng chặt, khép kín bằng những ngôn từ quá cụ thể.
11.Tư duy logic có vấn đề của GS Nguyễn Lân còn thể hiện bằng hàng loạt từ Hán Việt đã bị chọn nghĩa sai khi giải thích từng từ:
-Nhan sắc (Nhan: mặt; sắc: màu - Nghĩa đen: màu mặt) Vẻ đẹp của phụ nữ.
Chữ sắcđúng là có  một nghĩa là màu sắc. Thế nhưng trong văn cảnh này sắc lại được hiểu là sắc đẹp. Thiều Chửu giải nghĩa: “Sắc: Sắc đẹp, gái đẹp. Như hiếu sắc 好色 thích gái đẹp”. Chính GS Nguyễn Lân cũng giải thích “nhan sắc”“vẻ đẹp của phụ nữ” đấy thôi, tại sao khi giảng nghĩa lại cho rằng “sắc:màu” ?
-Hành quyết. (Quyết: phán xử) Thi hành án tử hình: tên giết người đã bị hành quyết.
Chuyện “phán xử”chỉ diễn ra ở pháp đình. Khi đã ra tới pháp trường với hai từ “hành quyết” làm gì còn chuyện phán với xét nữa ? Chữ “quyết” ()ở đây có nghĩa là xử chém.“Hành quyết” là thực hiện việc xử chém. “Hán Việt tự điển” của Thiều Chửu: “Quyết: Khơi, tháo. Vỡ đê. Xử chém (trảm quyết). | Quyết đoán. | Nhất quyết, như quyết ý 決意, quyết tâm  決心, v.v. Cắn. Dứt, quyết liệt”. Chính GS Nguyễn Lân đã giải thích “hành quyết”“thi hành án tử hình” cơ mà ?Nghĩa thứ 3 của “quyết”, Thiều Chửu cũng đã chỉ ra rành rành. Ngay một người không được học chữ Hán, bằng tư duy logic của mình sẽ biết chọn nghĩa thứ 3, ghép cho từ “hành quyết”. Vậy mà GS Nguyễn Lân, một Nhà biên soạn từ điển lại không tiếp cận được, kể cũng là điều kỳ lạ !
Ta lấy ví dụ thế này: giải thích từ Ấm chén: Ấm và chén, dụng cụ pha trà, uống ước nói chung. Từ "chén"tiếng Việt có 4 nghĩa: 1.ăn; 2.cái chén uống nước, 3.cái bát ăn cơm; 4.thang thuốc đông y... Vậy tìm nghĩa từ "chén"trong "ấm chén" tất phải chọn nghĩa thứ 3.cái chén uống nước. Nếu có người chọn nghĩa thứ 1, hoặc thứ 3, thứ 4 cho từ chén trong "ấm chén" đó là sản phẩm của một tư duy phi logic ! (Trong các bài “Hai cuốn từ điển rất có hại cho tiếng Việt”“Đọc lướt Từ điển từ và ngữ Việt Nam” tác giả Lê Mạnh Chiến và An Chi đã chỉ ra hàng trăm lỗi giải nghĩa từ Hán Việt, trong đó phần lớn GS Nguyễn Lân mắc lỗi bởi tư duy kiểu này).
Đến đây, bạn đọc đã đi cùng chúng tôi qua 5 kỳ “Thử lý giải ...”. Sai sót của GS Nguyễn Lân do nhiều nguyên nhân. Trong đó có tư duy, một tư duy phi logic. Tuy nhiên, tại sao một “Giáo Sư, Nhà giáo nhân dân, Nhà biên soạn từ điển, học giả nổi tiếng của Việt Nam” (đánh giá của  Bách khoa toàn thư mở Wikipedia) lại có kiểu tư duy như vậy, mắc những sai sót như vậy ? Điều này chúng tôi không lý giải được !
                                                                                              H.T.C
Kỳ sau
Tiếng mẹ đẻ